Nghi
lễ là một bộ phận quan trọng và thiết yếu trong sự tồn tại và phát
triển của một Tôn giáo. Vì vậy, Phật giáo Ấn độ từ khi đức Phật còn tại
thế, Ngài đã biết vận dụng nghi lễ rườm rà của Bà La Môn giáo, thành lễ
nghi của Phật giáo nhưng rất đơn giản, chủ yếu là nêu cao ý nghĩa cuộc
sống chứ không đặt nặng về cầu nguyện. Đến khi Phật giáo truyền đến các
nước, thì không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh qua việc giảng kinh thuyết
pháp mà còn hòa mình vào phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, để giúp
quần chúng trong những sinh hoạt xã hội như hôn quan tế lễ. Cho nên, bộ
phận Nghi lễ Phật giáo được hình thành. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào văn hoá
bản địa mà nghi lễ mỗi nước, mỗi vùng, miền có một sắc thái riêng biệt.
Việt
Nam là một đất nước có một nền văn hoá tín ngưỡng rất phong phú từ ngàn
xưa, nên Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đã sớm hòa vào nếp sống văn
hoá tín ngưỡng của nước ta mà hình thành những Nghi lễ Phật giáo rất đặc
trưng cho từng vùng, miền. Sự phát triển rộng rãi của Phật giáo Việt
nam ngày nay, có sự góp phần không nhỏ của yếu tố Nghi lễ Phật giáo.
Chúng ta tìm lại ý nghĩa của danh từ “Nghi Lễ” là gì?
- Nghi: Là dáng, mẫu nghi, nghi lễ, khuôn phép…
- Lễ: Là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ cung kính…
Như
vậy, theo nghĩa rộng thì Nghi lễ bao trùm hành vi, thái độ, tín ngưỡng,
tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, phong cách của con người và xã hội. Ở
nghĩa hẹp thì nghi lễ là nghi thức hành lễ, tụng niệm mang tính tín
ngưỡng thờ phụng của một Tôn giáo. Người xưa cũng có câu: “Nghi tại
tướng, Lễ Tại tâm”. Với hình thức “Viên đảnh phương bào tướng” và chí
nguyện “Thượng cầu hạ hoá” của người tu sĩ Phật giáo không thể không
biết Nghi lễ. Vì nghi lễ liên quan đến oai nghi, quy củ Thiền môn mà mỗi
người phải trang nghiêm tự thân. Lại có câu: “Hữu Oai khả uý, hữu Nghi
khả kính”. Nói một cách đầy đủ thì ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh
đều là nghi lễ.
Nghi
lễ Phật giáo là sự thể hiện văn hoá, nghệ thuật Phật giáo để chuyển tải
giáo lý cao siêu của đức Phật đi vào đời một cách nhẹ nhàng, sâu lắng
mà hữu hiệu. Để biểu hiện lòng tôn kính Tam bảo, người Phật tử thường
đảnh lễ cúng dường, ca ngợi, tán dương Ba ngôi báu, khi niềm tin Tam bảo
sâu sắc sẽ tạo một sự chuyển hoá trong tâm hồn họ, triết lý cao siêu
của đức Phật được họ cảm nhận bằng trái tim hơn là bằng trí óc. Có những
bài tán, bài vịnh, hay kệ tụng có ý nghĩa rất thâm thuý làm người nghe
xúc động mạnh, khiến tâm hồn ta sáng lên, dọn đường cho một sự đạt ngộ
chân như bằng sự rung cảm diệu kỳ.
Ở
các nước Á đông, nhất là đối với nước Việt Nam chúng ta, từ ngàn xưa
nghi lễ đã là nhu cầu không thể thiếu trong việc thờ phụng tổ tiên ông
bà và tín ngưỡng dân gian, nó là một bộ phận không thể tách rời trong
cuộc sống, mà trở thành nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của dân tộc ta. Nghi
lễ Phật giáo đóng vai trò quan trọng làm nên nét đẹp văn hoá Phật giáo
và góp phần tô điểm thêm nét đặc sắc trong vườn hoa văn hoá tín ngưỡng
Việt Nam. Ngày nay, âm nhạc tán tụng theo nghi lễ Phật giáo đã được
UNESSCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Trong
Phật giáo có rất nhiều Pháp sự như: Cầu an, Cầu siêu, Chẩn tế, Phóng
sanh, Phóng đăng…Vì đó là một nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong
sinh hoạt quần chúng nói chung, và trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh
của Phật tử nói riêng. Sự cầu nguyện theo quan niệm Phật giáo là không
phải van xin thần thánh hay bất cứ một lực lượng quyền năng nào, mà cầu
nguyện là bày tỏ lòng khiêm hạ, sự kính thành đối với những bậc đã giác
ngộ giải thoát, là sự tập trung dòng tư tưởng, dồn điện lực của tinh
thần vào một chỗ, tạo thành dòng năng lượng để chuyển đổi quan niệm mê
lầm, xấu ác trở nên trong sáng và lương thiện. Cầu nguyện là một cách
định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người.
Tuy
nhiên, dù thể hiện dưới hình thức nào Nghi lễ Phật giáo cũng là phương
tiện để chuyển Đạo vào Đời, tải Phật chất đến lòng người. Thực hiện
nghi lễ Phật giáo là một trong hai con đường hoằng pháp trực tiếp và hữu
hiệu. Một cách thức là dùng ngôn ngữ để khai mở nhận thức, tư duy tu
tập, hướng đến giác ngộ chân lý; một lối là dùng nghi thức hành lễ để
chuyển hóa tâm linh, bằng sự rung cảm mở đường cho một sự khai phóng tâm
linh trác tuyệt, cảm hoá tha nhân quay về với Chánh đạo. Phương pháp
tuy có khác nhưng cùng chung một mục tiêu hoằng pháp lợi sanh. Có thể
nói: Nghi lễ là hoằng pháp, Nghi lễ là giáo dục, nghi lễ là một pháp môn
tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm bản thân, đầy đủ oai nghi và
đức hạnh, xứng đáng để cho trời, người cung kính.
Là
một nhà Hoằng pháp hay trong cương vị của một người Trụ trì, cần phải
vững chãi về nghi lễ, thông suốt cả sự và lý trong việc dùng nghi lễ
Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh như là một phương tiện
tiếp cận quần chúng và hướng họ về đời sống thánh thiện. Đây là một
trong vô lượng pháp môn tối cần mà Đức Phật cũng như Chư vị Tổ sư đã chỉ
dạy, nếu hành giả quán triệt được tính chất “Tuỳ duyên bất biến” của
Hoằng Pháp, thì Nghi lễ là phương tiện tối ưu để thành tựu đạo nghiệp.
Người
dân phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng sống nặng về tình
cảm, và có nhu cầu tín ngưỡng cao. Nhất là trong cuộc sống vật chất ngày
càng phát triển như hiện nay, đòi hỏi nhu cầu đời sống tâm linh của
người dân càng cao. Khi họ tiếp xúc với Đạo Phật thông qua nghi lễ sẽ
làm cho nhu cầu tín ngưỡng được nâng lên, trong sáng hơn, đời sống tâm
linh sẽ thánh thiện hơn. Nhờ vậy mà nghi lễ Phật giáo mặc nhiên trở
thành phương tiện hành đạo, tiếp chúng độ sanh phổ biến và thiết thực
hơn cả.
Trong
thực tế, đông đảo quần chúng đến với Đạo Phật bằng những nhu cầu tín
ngưỡng như: Cầu an, Cầu siêu, Ma chay, Cưới hỏi… Có những gia đình chưa
hề đến Chùa nhưng khi gặp hữu sự như có người thân qua đời, họ đến Chùa
thỉnh Tăng, Ni giúp lo việc hiếu sự và sau đó trở thành tín đồ nhà Phật.
Phần đông những người bình dân đến cửa Chùa không phải để học hỏi giáo
lý mà để tu tập, mà vì nhu cầu về tín ngưỡng cúng tế, làm pháp sự. Vì
vậy, đối với họ, một tu sĩ cần thiết là một vị đáp ứng được nhu cầu lễ
nghi cúng tế, rồi mới kể đến trình độ học vấn về giáo lý của chư Tăng,
Ni. Nói như vậy, không phải coi khinh cái học giáo lý mà chúng ta phải
biết vận dụng cái phương tiện để đưa đến cứu cánh, và để đánh đổ những
tư tưởng lệch lạc, thành kiến đối với nghi lễ, ứng phú đạo tràng. Vấn đề
là ở chỗ ta xem nghi lễ là phương tiện vì độ sanh hay là cứu cánh vì
lợi dưỡng.
Nếu
công tác Từ Thiện là phương tiện để Hoằng pháp ở mặt vật chất, thì Nghi
lễ là cách thức chuyển tải Đạo vào Đời bằng sự rung cảm của tâm hồn.
Cảm nhận qua lời Kinh, tiếng kệ với âm điệu trầm bổng ngân nga, hòa nhịp
với những pháp khí chuông, mõ, tang đẩu giúp cho lòng người, thanh
tịnh, an lạc, hóa giải được những ưu phiền đã lắng sâu nơi tâm thức. Đó
mới là ý nghĩa đích thực của nghi lễ Phật giáo, nhằm khơi dậy chủng tử
Phật tánh trong mỗi chúng sanh thông qua nghi lễ.
Để công tác nghi lễ đạt được hiệu quả Hoằng Pháp cao, thiết nghĩ chúng ta phải lưu tâm những yếu tố sau:
-Tự
thân người hành lễ phải có đạo phong trang nghiêm, thanh tịnh, Uy nghi
đĩnh đạc, không liếc ngó dọc ngang, cười nói lăng xăng, mà phải tâm
thành cung kính; Y, Áo, Mão, pháp phục phải trang nghiêm phù hợp với
buổi lễ. Âm thanh xướng tụng phải trầm hùng, lên xuống nhịp nhàng, và
mang Thiền vị.
-
Chúng ta cần có những bài pháp thoại khai thị, lay tỉnh cho hương linh
trong những buổi lễ Quy linh, Tiến linh, Tịch điện và thông qua đó gia
quyến của họ hiểu được các pháp là vô ngã, cuộc đời là vô thường, để
thức tỉnh tu hành cầu mong giải thoát. Vì đây là một phương tiện để dẫn
dắt mọi người biết quy y Tam bảo.
-
Người làm công tác nghi lễ phải vững chãi về nghi lễ, có một trình độ
nhất định về chức năng truyền đạt và cảm thụ. Và người làm pháp sự phải
biết vận dụng kỹ năng chuyên môn để gieo vào lòng người cảm giác an lạc,
giải thoát.
-
Khi hành lễ, chúng ta chú trọng đến năng lượng tâm, khi một người tập
trung cầu nguyện sẽ phóng ra một năng lượng tâm linh, luồng năng lượng
ấy sẽ tạo ảnh hưởng lên thể chất và tinh thần, chuyển hoá khổ đau của
đối tượng được cầu nguyện.
-
Hành giả phải luôn ý thức được rằng nghi lễ chỉ là phương tiện để hướng
quần chúng vào đạo, khi họ đến với đạo phải hướng dẫn tu tập để được sự
an lạc, giải thoát mới là mục đích cứu cánh của người hành trì nghi lễ.
-
Nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh ngày càng cao, nhưng đại đa số dân chúng
nặng về hình thức, chuộng thanh văn sắc tướng, chỉ biết nhu cầu cúng tế,
mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa của nghi lễ, dẫn đến tình trạng rất
nhiều Tăng sĩ non kém đạo lực, chẳng có đạo tâm, thiếu chiều sâu về sự
tu tập tâm linh đã lợi dụng nghi lễ như một phương tiện mưu cầu lợi
dưỡng trái với Chánh đạo, ảnh hưởng lớn đến sự tôn nghiêm hình ảnh giải
thoát của Tăng già. Trước tình hình này, chúng con thiết nghĩ Ban Tăng
Sự, Ban Nghi Lễ Trung ương cũng như các Tỉnh, Thành nên có quy chế, quy
định đối với việc này.
Cuối
cùng, Nghi lễ đóng vai trò quan trọng làm nên nét đẹp văn hoá Phật
giáo, không còn là một phương tiện để chưyển hóa Tâm linh, đưa người vào
Đạo, mà là một pháp môn tu học để đạt ngộ chân như Phật tánh bằng sự
rung cảm tâm linh. Nghi lễ Phật giáo có một giá trị rất đặc thù, đó là
là một trong những con đường đưa hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát êm
đềm sâu lắng và trọn vẹn nhất./.