Sư Nguyệt Chiếu người có công lớn nhất trong phát huy nhạc lễ cổ truyền nam bộ
03/02/2010 09:02 (GMT+7)

 Tên họ thật của ông là Lưu Hữu Phước, vốn người Bạc Liêu. Cha mẹ ông là người ở Ngã Năm - Sóc Trăng (hiện nay thuộc huyện Thạnh Trị tỉnh Sóc Trăng) đến chợ Bạc Liêu lập nghiệp vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, đến năm Nhâm Ngọ (1882) mới sinh ra ông.

Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng là một cậu bé thông minh học đâu nhớ đó, năm lên 10 tuổi đã đọc và viết được chữ Hán. Cha của ông làm nghề viết liễn lại vừa là một nhạc công rất thiện nghệ về đờn cò (nhị cầm), nên ngoài những giờ học chữ Hán, ông còn được cha truyền dạy về những bí quyết về nhạc lễ và mỗi lần cha ông được mời tham dự nhạc lễ ở đâu ông cũng được đi theo để học hỏi; vì vậy ngay từ thuở thiếu thời ông đã có ấn tượng rất sâu sắc về bộ môn nghệ thuật này.

Khi vừa đến tuổi thành niên, ông tham gia vào một tổ chức chống Pháp ở vùng ngoài (chưa xác định được tổ chức nào). Hoạt động được hơn một năm thì tổ chức bị tan rã, ông phải chạy vào vùng Sài Gòn - Gia Định ẩn náu trong vài ngôi chùa ở đây một thời gian khá lâu. Rồi không biết do nợ trần đã dứt hay muốn che giấu tai mắt của Pháp hoặc hoàn cảnh đẩy đưa thế nào, ông lại xuống tóc quy y, năm đó vừa tròn 20 tuổi (1902). Lúc mới xuất gia, ông được sư phụ đặt cho pháp danh là Đạt Bảo, sau đó mới có thêm pháp tự là Nguyệt Chiếu. Người truyền đạo cho ông lại rất giỏi về nhạc lễ, nên ngoài việc trau dồi kinh luận Phật học, ông còn được sư phụ truyền cho những sở đắc về nhạc lễ. Nguyệt Chiếu vốn đã có một ít căn bản về nhạc lễ, nên khi học ông tiến bộ rất nhanh, chỉ vài năm sau thì gần như đã hấp thu trọn vẹn sở học của thầy. Thầy của ông là người ưa vân du đây đó lại có nhiều bè bạn là những thầy đờn nổi tiếng ở khắp nơi; vì vậy trên bước đường theo thầy đi đây đi đó ông đã học hỏi được rất nhiều điều hay điều lạ về nhạc lễ cổ truyền. 

Khi thầy viên tịch, Nguyệt Chiếu mới trở về Bạc Liêu, đầu tiên ông trú ngụ ở chùa Vĩnh Phước An (hiện nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu). Người trụ trì chùa lúc ấy là Hòa thượng Minh Bảo (tục danh Lê Trừng Tâm), nguyên là chú vợ của Nhạc Khị, nên Nhạc Khị cũng thường lui tới ngôi chùa này để thăm nom chú vợ của mình; cũng vì vậy Nguyệt Chiếu và Nhạc Khị đã gặp nhau và có lẽ do “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nên sau vài lần gặp gỡ hai người đã trở thành đôi bạn tâm giao. Từ đó trở đi hai người đã hợp tác với nhau thực hiện rất nhiều công trình canh tân, sáng tác và chỉnh tu cổ nhạc mở đầu cho sự hình thành trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, tạo dựng nhiều phong trào: đờn ca tài tử, ca ra bộ, phục hưng nhạc lễ cổ truyền.

Đầu thế kỷ XX, phong trào canh tân và hiệu đính nhạc cổ đã được nhen nhóm, Nhạc Khị là người đầu tiên khơi động phong trào và Nguyệt Chiếu có thể nói là nhân vật thứ hai - là người cộng tác tích cực nhất cho Nhạc Khị trong việc làm đầy ý nghĩa này. Chính ông đã ra công sưu tầm, tập hợp và góp phần hiệu đính bảy bản Bắc Lớn (thường gọi bảy bản Lớn, cũng có nơi gọi là bảy Bài, gồm các bản Xàng xê (64 câu), Ngũ đối thượng (61 câu), Ngũ đối hạ (38 câu), Long đăng (40 câu), Long ngâm (33 câu), Tiểu khúc (29 câu) và Vạn giá (47 câu) của nhạc lễ cổ truyền; suốt trong thời gian này ông phải sưu tầm, nghiên cứu, chiết trung và đôi khi phải sáng tạo để chắp vá vào những câu, những đoạn bị mất không còn tìm lại được. Những chỗ khó khăn hoặc sai sót ông đều được sự góp ý của Nhạc Khị nên công việc tiến hành rất thuận lợi và cuối cùng đã hoàn thành mỹ mãn vào khoảng năm 1908. Các bản này đều được Nhạc Khị nhuận sắc và áp dụng để giảng dạy, sau đó đã được in trong Ca nhạc cổ điển của Trịnh Thiên Tư. 

Ở chùa Vĩnh Phước An được vài năm, Sư Nguyệt Chiếu được Hòa thượng Xuân Phong (thường gọi ông Ký) mời về chùaVĩnh Đức (hiện nay thuộc phường 1 thị xã Bạc Liêu), tại đây ông thu nhận học trò để phổ biến những phát hiện mới về nhạc lễ. Học trò của ông rất đông trong số đó có cả một số người từng là học trò của Nhạc Khị như : Thiện Ý, Thiện Ngộ, Thiện Thành, Hai Tố, Năm Phát, Tư Quận, Chín Khánh, Trịnh Thiên Tư ... đến học thêm ở ông về nghi thức nhạc lễ cổ truyền. Ông giao du rất rộng, lại có rất nhiều học trò trong đó có cả tục gia lẫn tu sĩ nên đa số đình miếu chùa chiền và các ban nhạc lễ trong tỉnh lúc bấy giờ đều có qua lại với ông, nhất là hòa thượng An Hóa (Lê Văn Thành) trụ trì chùa An Thạnh Linh ở làng Hòa Bình (hiện nay là xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) lại càng thân thiết, vì vị sư trụ trì này nghe đâu cũng có một thời gian tham gia chống Pháp, sau đó về ẩn cư ở Hòa Bình, tại đây ông đã ra công vận động bà con Phật tử để xây dựng chùa An Thạnh Linh. Sư Nguyệt Chiếu và hòa thượng An Hóa hai người có đồng cảnh ngộ nên chỉ gặp gỡ vài lần họ đã rất thân và thường lui tới với nhau.

Vào khoảng năm 1925 Nguyệt Chiếu có nhận đào tạo một đội nhạc công cho chùa An Thạnh Linh. Những người theo học đã được Nguyệt Chiếu hướng dẫn cả về nhạc lễ lẫn đờn ca tài tử. Khi hướng dẫn đờn ca tài tử ông chú trọng nhất là bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu, có lẽ vì điểm này nên đa số nghệ sĩ đều hiểu lầm ông là tác giả của bài Dạ cổ, thực sự ông chỉ là người phổ biến bản nhạc mà thôi. 


Chùa Vĩnh Đức nơi ở sau cùng của Sư Nguyệt Chiếu. Ảnh: TPT 

Trong thời gian dạy nhạc lễ và đờn ca tài tử vì ông là tu sĩ nên không thể trực tiếp tham gia đờn ca tài tử hoặc ca ra bộ, nhưng đệ tử của ông lại có một số tham gia vào các phong trào này, nổi bật nhất là Năm Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy... những người này đều là những nhân tài ca cổ ở Nam bộ, đã từng đóng góp rất nhiều công sức bằng lời ca tiếng hát để phát huy cổ nhạc Bạc Liêu trên mọi phương tiện thông in đại chúng như đài phát thanh, dĩa hát... và có những người đã trở thành diễn viên nổi tiếng của sân khấu cải lương sau này. Riêng Năm Nghĩa, đã phát huy sự nghiệp của thầy, biến đổi giai điệu Dạ cổ hoài lang thành giai điệu Vọng cổ qua bài Văng vẳng tiếng chuông chùa, Năm Nghĩa đã thật sự mở ra kỷ nguyên Vọng cổ, ông là người có đầu công trong việc tạo dựng bản nhạc nòng cốt của Cải lương. 

Sư Nguyệt Chiếu còn có một khả năng rất đặc biệt, đó là tự làm được nhiều nhạc cụ. Đây cũng là một biệt tài độc đáo của ông, ông chỉ dùng những dụng cụ thông thường của thợ mộc như bào, đục, cưa, khoan, dùi, búa... để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm giá trị như : trống bản (trống cái), trống đạo, trống cơm, trống đôi, trống chầu, trống bác nhã (đại cỗ), mỏ, bạc, đờn cò (nhị cầm), đờn gáo (hồ cầm), đờn kìm (nguyệt cầm)... Kể cả những loại nhạc cụ thật xưa như: bồng, phách, ốc... ông cũng làm rất khéo. Tiếc thay cái khả năng tuyệt vời này không có người nối nghiệp.

Trong những năm cuối đời, ông vẫn ở chùa Vĩnh Đức. Vào ngày 16 tháng 8 năm Đinh Hợi (30-9-1947) ông đã lặng lẽ rời khỏi cõi đời trong tư thế thiền tọa sau giờ công phu khuya.

Sư Nguyệt Chiếu đã ra đi từ sáu mươi năm qua, nhưng sự nghiệp của ông để lại cho đời quả thật là một sự nghiệp đồ sộ. Ông đã trực tiếp đào tạo một lực lượng lớn nghệ nhân nghệ sĩ đàn ca tài tử, cải lương và nhạc lễ cổ truyền, góp phần xây dựng phong trào đàn ca tài tử từ những năm đầu thế kỷ, chỉnh tu và hệ thống bảy bản bắc lớn để làm nền tảng cho nhạc lễ cổ truyền để từ đó làm cơ sở chấn hưng nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ, đặt tên cho bản Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu đồng thời phổ biến thật rộng bản này trong quần chúng. Các học trò của Sư Nguyệt Chiếu đa số là những nghệ sĩ có đủ bản lĩnh, có khả năng làm cho bản Vọng cổ như một dòng mạch cứ tuôn chảy cùng khắp non sông đất Việt và cứ lan dần đến nhiều địa phương khác và nước ngoài. Việc làm tốt đẹp này là công lớn của nghệ sĩ Năm Nghĩa, nhưng nếu truy nguyên về đầu mối của nó cũng từ Sư Nguyệt Chiếu mà ra. Đa số những nghệ nhân trong giới nhạc lễ ở Bạc Liêu đều công nhận Sư Nguyệt Chiếu là một nhạc sĩ tiền bối có công lớn nhất trong việc kế thừa bộ môn nghệ thuật này. 

Sư NguyệtChiếu là một người đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở tỉnh Bạc Liêu.

TRẦN PHƯỚC THUẬN 
(Báo điện từ Cần Thơ)
  theo thuvienhoasen

Các tin đã đăng: