Ba nhà sư và cuộc vượt ngục
02/02/2010 15:55 (GMT+7)

Hoà thượng Thích Đôn Hậu gọi đại đức Thích Trí Diệm lên phòng riêng:

- Ta đang mắc công chuyện không thể xa Huế được trong thời gian này, nên ta cử thầy vào chùa Hải Đức, Nha Trang tham gia cuộc thuyết pháp quan trọng tại đó. Thầy đi được chớ?

Đại đức Thích Trí Diệm cúi đầu thưa:

- Dạ, được ạ.

Thầy Thích Trí Diệm thu xếp khăn gói xong, lên đường ngay, Trí Diệm vốn là con một gia đình gia thế, thân sinh của thầy đã đậu phó bảng môn võ của triều đình Huế, nên thầy được học hành khá hoàn chỉnh, giỏi tiếng Hán và giỏi cả tiếng Pháp, Thích Trí Diệm là đệ tử ruột của Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Hoà Thượng rất mến người học trò ruột của mình ở học vấn, ở nét thông minh, ở sức truyền cảm khi thuyết pháp trò mình, thỉnh thoảng hoà thượng bảo học trò: “Nay ta bị viêm họng, con hãy lên giảng bài giúp ta”. Học trò hoà thượng đã hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc.

Cứ từng bước dạy dỗ chu tất như vậy, đại đức Thích Trí Diệm trở thành một người thuyết pháp giỏi trong hàng ngũ giáo giới ở Huế. Nha Trang có việc cần một người thông minh, tháo vát, theo yêu cầu ấy Hoà Thượng đã cử đại đức Thích Trí Diệm đi ngay.

Đại đức Thích Trí Diệm đã đến chùa Hải Đức Nha Trang đúng hẹn. Chùa Hải Đức có nhiều tăng ni, nhưng có hai người thiết thân với thầy Trí Diệm là nhà sư Giác Phong, trụ trì chùa và học trò ruột của nhà sư, giống như Trí Diệm với Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, là đại đức trẻ Viên Minh, cùng lứa tuổi 22, 23 như Thích Trí Diệm. Vốn đã có quan hệ cũ, nên hai người quấn quýt với nhau suốt ngày.

Và buổi thuyết pháp chung đầu tiên của hai người tại chùa Hải Đức đã quy tụ được rất đông đảo phật tử Nha Trang. Sư Giác Phong đã đến dự cuộc thuyết pháp này từ đầu đến cuối, nhà sư tỏ ta rất hài lòng với học vấn của hai môn đệ mình. Hôm sau sư cho gọi hai môn đệ đến phòng riêng, giọng chậm rãi:

- Ta là người cách mạng. Hai thầy là những nhà tu chính trực, yêu nước. Có việc rất gấp, ta muốn nhờ 2 thầy, không biết hai thầy có nhận lời giúp không. Nếu các thầy giúp, việc thành, nhân dân Khánh Hoà sẽ không quên ơn thầy.

Viên Minh và Trí Diệm nhìn nhau, gật đầu.

Đại đức Viên Minh thưa:

- Dạ, thưa thầy việc gì ạ?

Vẫn giọng chậm rãi, nhưng trang nghiêm, sư Giác Phong nói:

- Anh em tù chính trị trong nhà lao Buôn Mê Thuột đang làm reo, đấu tranh, tuyệt thực. Anh em đang nóng lòng muốn phá nhà lao, vượt ngục trở về với cách mạng đang ở vào giai đoạn nóng bỏng này. Bây giờ phải làm sao đưa được một lá thư mật vào trong nhà lao để hướng dẫn anh em đấu tranh và tiến tới vượt ngục. Và khi ra ngoài sẽ đi đường nào để có người dẫn đường đưa về chiến khu cách mạng. Hai thầy thấy việc này khó chứ?

- Dạ khó ạ.

- Khó. Nhưng là việc của cách mạng, của đất nước, nên ta phải nhờ lòng yêu nước ở hai thầy. Việc này ta sẽ bàn bạc kỹ với 2 thầy.

- Dạ, xin thầy cứ chỉ bảo.

Sư Giác Phong lấy dưới gầm giường một đôi guốc mộc cho 2 môn đệ ướm thử. Cả hai đi đều vừa. Nhưng chân Thích Trí Diệm vừa hơn. Sư nói:

- Các thầy coi đây - Sư lật ngửa một chiếc guốc, rất thận trọng, mở chiếc nắp rất kín dưới đế guốc.Chiếc guốc thật sự đã trở thành một chiếc hộp bí mật, sư lấy trong “hộp kín” ra một phong thư nhỏ, chữ viết li ti, kín mấy trang giấy mỏng - Đây là mệnh lệnh bí mật của cách mạng gửi vào hướng dẫn anh em trong nhà tù phương thức đấu tranh, sau đó vượt ngục. Dừng lại giây lát nhìn hai học trò, như để thăm dò thái độ của họ. Sư nói tiếp - Việc của chúng ta là làm sao đưa bí mật chiếc guốc này vào trong nhà tù.

Thích Trí Diệm chớp mắt, nhìn sư Giác Phong rất nhanh. Những dòng ký ức loang loáng xuất hiện trong đầu, chúng nối kết lại với nhau và đại đức đã nhận ra người đang ngồi trước mặt mình đây là ai. Rất tiếc trong phút giây này Trí Diệm không nhớ ra tên thật của sư Giác Phong.

Sư Giác Phong vốn là một nhà cách mạng. Ông cùng với một đồng chí nữa được cử sang Nga học. Xong khoá học, hai người về nước. Đồng chí của ông đi thẳng vào Nam nhận nhiệm vụ mới của xứ uỷ Nam Kỳ. Còn ông đã trở thành nhà sư mặc áo vàng trụ trì chùa Hải Đức tại Nha Trang này.

- Chúng ta phải vào được tận trong nhà tù Buôn Mê Thuột.

- Xin thầy cứ chỉ vẽ cho chúng con.

Suy ngẫm giây lát, nhà sư nói:

- Ngày mốt chùa chúng ta có một cuộc thuyết pháp cho những người Pháp nghe. Đi cùng họ có cả vợ con và những người thân thích của họ. Cuộc thuyết pháp này tất nhiên là bằng tiếng Pháp. Theo ta, yêu cầu của lần thuyết pháp này phải gây được lòng tin của người Pháp. Vẫn là thuyết pháp Phật giáo, nhưng trong đó ta khéo khen họ đã đưa văn minh tới cho đất nước này.

- Thưa thầy, mình đang đánh Pháp, sao lại ca ngợi họ ạ?

- Đây chỉ là một “đòn chiến thuật” để người Pháp tưởng rằng với một nội dung thuyết pháp như thế có thể cải hoá được những cái đầu đang “nóng” của tù nhân Buôn Mê Thuột. Đến mức họ sẽ mời chúng ta vào thuyết pháp ngay trong nhà tù Buôn Mê Thuật, nơi chúng ta đang cần đến.

- Để chuyển chiếc guốc bí mật này vào trong đó.

- Đúng như vậy. Cho nên bài thuyết pháp của các thầy lần này không chỉ đặc biệt bằng tiếng Pháp, mà sao đó mê hoặc được những cái đầu thực dân, để chúng ta muốn gì, chúng phải nghe vậy. Bây giờ hai thầy về chuẩn bị bài thuyết pháp trên giấy bằng tiếng Pháp, ta sẽ duyệt. Rồi các thầy tập diễn thuyết cho thật hùng hồn, câu cuối cùng ta muốn nói rằng: Ta tin ở hai thầy.

Đại đức Viên Minh và đại đức Thích Trí Diệm bàn bạc, phân công nhau viết từng đoạn, đọc cho nhau nghe, rồi kết nối lại thành bài. Trao bài cho sư, hai người đứng hai bên vừa chờ đợi, vừa nhìn thái độ thầy của mình. Thấy sư Giác Phong vừa đọc, vừa tủm tỉm cười, họ mới yên lòng.

Đọc xong, sư nói:

- Bài thuyết pháp tốt, các thầy về đọc lại và tập thuyết pháp sao cho tốt nhất.

Đêm thuyết pháp đã tới. Chùa Hải Đức kết hoa, treo đèn hết sức rực rỡ. Xe chở các quan Tây tới. Xe chở vợ con họ tới. Chính thực, họ là con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo. Song tâm địa của người cai trị là phải nắm được lòng dân, hiểu sâu tín ngưỡng và tâm linh của dân Việt để tìm cách cai trị. Vì vậy họ đưa vợ con đi nghe thuyết pháp một cách chăm chỉ.

Các dự đoán của sư Giác Phong đã thành sự thật. Những tràng pháo tay kéo dài trước đèn tam bảo đã khẳng định điều đó. Những nét cười rạng rỡ từng nét trên mặt mỗi người Pháp và vợ con họ đã làm nhà sư Giác Phong yên tâm.

Các sĩ quan Pháp đã xin gặp riêng nhà sư trụ trì. Khi họ về rồi, sư Giác Phong gọi Viên Minh và Trí Diệm tới:

- Thay mặt cách mạng Khánh Hoà ta cám ơn hai thầy, cám ơn thật lòng...

- Họ có yêu cầu đi thuyết pháp không ạ?

- Thành công của chúng ta là ở chỗ đó. Họ mời chúng ta đi Buôn Mê Thuột. Họ sẽ đưa xe hơi tới tận đây để đón hai thầy.

Trí Diệm thưa:

- Thầy chưa nói cho chúng con biết khi tới nhà tù, chúng con phải làm những gì. Và đặc biệt là đôi guốc, chúng con sẽ phải xử trí như thế nào để đưa mệnh lệnh tới được những người tù.

- Để từ từ ta sẽ nói rõ.

Viên Minh và Trí Diệm mừng lắm vì đã giúp được chút lòng yêu nước của tăng ni cho đất nước.

Trước khi xe hơi Pháp tới đón, sư Giác Phong đã ngồi sẵn với hai đệ tử. Sư nói:

- Khi các con tới thuyết pháp cho các tù nhân, tất nhiên họ sẽ la ó, phản đối, các con có biết vì sao không?

- Dạ thưa vì mình đã nói ngược với lòng họ.

- Đúng. Họ làm cách mạng vì họ căm thù giặc Pháp. Giờ ta ca ngợi Pháp, họ la ó phản đối là điều không thể tránh khỏi. Phải cẩn thận, có khi họ ném đá vào mình, hoặc xông lên đánh mình nữa. Vì họ đâu hiểu nhiệm vụ của mình. Điều này các thầy khỏi  lo, ta sẽ nói với người Pháp để họ bảo vệ các thầy.

Trí Diệm thưa:

- Đã đành chúng con sẽ đi đôi guốc ấy. Nhằm đôi guốc ấy trên nền nhà tù. Nhưng để chiếc guốc sao đó tới tay tù nhân thì con chưa hiểu.

Như để suy nghĩ thêm, sư Giác Phong mỉm cười.

- Ta giao đôi guốc này cho Trí Diệm,

- Dạ cho con.

- Chứ sao nữa. Thầy sẽ đi đôi guốc này tới nơi thuyết pháp. Giữa chừng thuyết pháp sẽ có la ó. Cuộc thuyết pháp sẽ không mãn nguyện. Sẽ bị đứt giữa chừng. Tù nhân bị lùa về nhà lao, còn các thầy sẽ được lính Pháp đưa lên xe trở lại chùa Hải Đức.

Trí Diệm vẻ hớt hải:

- Còn chiếc guốc ạ.

- Đúng lúc hai bên quay lưng lại với nhau, thầy đi chiếc guốc sẽ đứt quai. Thầy tỏ ra rất phẫn nộ với chiếc guốc phản chủ. Giận dữ cúi xuống, cầm chiếc guốc, quăng nó ra xa, nơi có bụi cây hoặc có chuồng gà, có nhà bếp, có bãi cỏ nào cũng được. Việc của thầy là vất nó đi.

Trí Diệm như đã nhận ra, cười:

- Con hiểu rồi ạ. Và sau đó sẽ có người nhặt chiếc guốc ấy đưa tới cho anh em mình.

- Đúng vậy, sẽ có người quan sát thầy rất tỷ mỷ để xem thầy vất chiếc guốc ấy ở đâu. Mọi việc ấy thầy khỏi lo, đã có ta lo liệu hết.

- Thầy thật chu đáo.

Đúng lúc đó xe Pháp xịch đến. Trí Diệm và Viên Minh lên xe. Xe băng qua đèo Phượng Hoàng lên thẳng Buôn Mê Thuột. Trong nhà tù cũng đã treo đèn kết hoa. Những người tù đã ngồi đợi sẵn hai nhà sư đến thuyết pháp. Không vào phòng uống nước. Hai nhà sư đến thẳng nơi tù nhân ngồi và thực hiện cuộc thuyết pháp của mình.

Đã đành nội dung “cam kết” không được thực hiện đúng như đêm thuyết pháp cho người Pháp ở Nha Trang. Tuy vậy trong bài thuyết pháp cũng có những câu ca ngợi Pháp, liền bị tù nhân la ó phản đối.

Những gì xảy ra hoàn toàn đúng như dự liệu mà sư Giác Phong đã tính toán. Trước khi bước lên xe ôtô, chiếc guốc đứt, Trí Diệm đã nhìn chiếc guốc, vùng vằng, cầm quăng nó ra ngoài bãi cỏ.

Anh em từ Buôn Mê Thuột, theo mệnh lệnh đã vạch, bí mật trốn khỏi nhà tù, ra đến chỗ hẹn đã có người đón, dẫn tắt đường rừng, về nhà ga Nha Trang ban đêm, tàu hoả tới, họ đã có sẵn vé trong tay, nhảy tàu. Đến ga Vạn Giã, họ xuống tàu vào chiến khu Đèo Cả trong niềm hân hoan, chờ đón.

Các tù nhân Buôn Mê Thuột được giải phóng bữa đó đã trở thành những chiến sĩ nòng cốt lãnh đạo nhân dân Khánh Hoà vùng dậy cướp chính quyền góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng 8 lẫy lừng góp phần dựng lên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Sư Giác Phong trở thành Chủ tịch mặt trận Việt Minh tỉnh Khánh Hoà.

Cách mạng tháng 8 thành công. Pháp chiếm lại Huế. Phong trào yêu nước tại Huế vùng dậy. Phong trào ấy lan đến cả giáo hội Phật giáo Huế. Theo tiếng gọi của đất nước, lứa tuổi thanh niên Phật giáo Huế đã “nhập thế” với khẩu hiệu bừng bừng như lửa cháy: “Cởi áo cà sa mặc chiến bào”. Trong đó có Thích Trí Diệm.

Từ đó đến nay đã hơn 60 năm. Sư Giác Phong và Đại đức Viên Minh đã viên tịch. Thích Trí Diệm đang còn sống. Năm nay ông đã 83 tuổi. Để kỷ niệm một thời vẻ vang, ông vẫn giữ tên cũ, chỉ lấy lại họ mình: Trần Chí Diệm.

Ngồi tâm sự, ông nói:

Tôi vào chùa đi tu, là nghiệp. Rồi sau đó tham gia cách mạng, làm một chiến sỹ an ninh cũng là nghiệp. Rồi bỏ lực lượng vũ trang theo học nghề thầy thuốc, mấy khoá làm chủ tịch Hội đông y Thừa Thiên Huế, giờ ngồi chữa bệnh cho bà con mình cũng là nghiệp. Mọi thứ ấy đối với tôi đều đã mãn nguyện lắm rồi.

Ông Trần Chí Diệm, hiện ở xã Hương Sơ, ngoại thành phía Bắc Huế, là một thầy thuốc rất giỏi. Bệnh nhân tới chỉ cần đưa tay cho ông bắt mạch là ông sẽ kể cho hết bệnh của họ, và bắt đầu cắt thuốc.

Với một quầy thuốc nhỏ tại nhà trong xóm, có tuần ông bán tới một tạ rưỡi thuốc bắc.

Nhưng mỗi lần nhắc tới chuyện cũ, bao giờ ông cũng mỉm cười:

- Đó thật là một giai đoạn anh hùng, một thời kỳ đáng sống. Thời đó, trong chúng tôi lúc nào cũng lấy lời Hồ Chủ tịch dạy: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước độc lập, dân được tự do. Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” làm lý tưởng sống của mình. Nay Đảng nói: “Tất cả do dân, vì dân”, tôi chỉ mong không ai phản bội lại lý tưởng ấy.


Nguyễn Quang Hà
Theo: Tạp chí Sông Hương

Các tin đã đăng: