BÊN BỜ HƯ ẢO
02/02/2010 16:24 (GMT+7)

Tốt nghiệp Đại học Luật, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã đeo đuổi sự nghiệp văn chương của mình bằng nhiều tác phẩm có giá trị, điển hình tiểu thuyết Lời Sám hối muộn màng được dựng thành phim. Bên cạnh nghiệp viết văn, tiểu thuyết, anh còn viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Hiện anh đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội tại Hà Nội. Trong loạt truyện ngắn của anh, BBT chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tác phẩm Bên Bờ hư ảo, nói về hình ảnh của những người trẻ, đặc biệt là hình ảnh của Người Xuất gia trẻ tuổi với cách nhìn của một Nhà văn đến với Phật giáo. Rất mong sự đồng cảm và chia sẻ.

Khanh bảo Hương: “Em học thêm ngoại ngữ đi, cả ngày đọc rồi, tối về lại chúi mũi vào đống sách báo ấy làm gì, dễ strees lắm!” 

Câu nói ấy thể hiện sự quan tâm, lo lắng của Khanh đối với người yêu. Có thể hiểu như thế và nên hiểu như thế. Cũng chẳng thể trách Khanh được. Khanh đang theo công trình lắp đặt đường dây thông tin ở một tỉnh cực Nam. Những lúc nhớ nhau, Hương chỉ còn biết gọi vào số máy di động cho Khanh. Làm như thế rất tốn tiền. Với đồng lương hợp đồng như của Hương, bày tỏ tình cảm bằng cách ấy là ngoài khả năng cho phép. Cả hai đứa đều là dân tỉnh lẻ, đều quyết chí lập nghiệp ở Hà Nội. Căn nhà thuê từ hồi còn là sinh viên vẫn tiếp tục được gia hạn hợp đồng để chờ đến cuối năm sẽ làm phòng tân hôn luôn. Hương làm ở một nhà xuất bản, giữ chân biên tập viên sách văn học, còn Khanh vào làm ở chi nhánh của tổng công ty xây lắp. Khanh phải bám theo các công trình nên đi suốt. Hương, ngoài việc đọc bản thảo ở cơ quan, đọc sách báo ở nhà, những lúc nhớ Khanh mà không đủ tiền gọi điện thoại thì chẳng biết làm gì! Chính vì thế Khanh đã tỏ sự quan tâm, lo lắng đến người yêu bằng lời khuyên đi học thêm ngoại ngữ buổi tối. Lúc đầu Hương thấy giận cho cái sự thật thà đến độ thực tế của Khanh. Đáng lẽ phải bàn đến chuyện mua ti vi, mua đài, mua máy vi tính có gắn ổ VCD để có cái giải khuây vào những đêm dài, đằng này Khanh lại muốn Hương thay đổi sự mệt mỏi này bằng một sự mệt mỏi khác. Đáng lẽ phải bàn đến chuyện mua một cái máy di động nữa để nhớ thì nhắn tin cho nhau (dịch vụ này rẻ hơn gọi nhiều), đằng này Khanh lại muốn đẩy Hương đến một trung tâm ngoại ngữ để chỉ phải tiêu tốn mỗi tháng từ ba đến năm mươi ngàn đồng cho việc nhồi nhét thêm một thứ tiếng nước ngoài nữa vào đầu. Đáng lẽ... Mà thôi! Khi xa Khanh rồi Hương lại không thấy giận Khanh nữa. Khanh đang quắt người lại để lo cho cuộc sống của hai đứa sau này. Bây giờ là lúc phải thực tế chứ không thể cứ mây mây gió gió như cái thời mới yêu nhau được. Và Hương thấy những điều Khanh nói hình như cũng có lý. Nhưng vấn đề là Hương sẽ học thứ tiếng gì đây? Nhất định là không học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật hay tiếng Đức. Vài ba thứ tiếng thực dụng ấy chẳng giúp được gì cho công việc biên tập sách văn học của Hương. Mà thời sinh viên Hương cũng đã học chán mấy thứ tiếng đó rồi. Có học thế chứ học nữa cũng chỉ để làm bồi chứ chẳng thể làm phiên dịch hay biên dịch như đám chuyên ngữ được. Chỉ còn một thứ tiếng Hương thấy có thể giúp ích ít nhiều cho vốn kiến văn còn mỏng mảnh của mình, ấy là Hán Nôm. Thế là Hương đăng ký học Hán Nôm. Lớp học cách chỗ Hương làm không xa. Học ở đấy Hương thấy tiện nhiều bề. 

Buổi học đầu tiên Hương hơi ngạc nhiên vì trong số ba mươi hai học viên của lớp có tới ba mươi vị là ni cô, chú tiểu của các chùa xung quanh khu vực Hà Nội. Họ đều là những người rất trẻ, đều cạo đầu hoặc cắt tóc ngắn, đều mặc áo nâu sòng và đều...học hành rất chăm chỉ. Hương ngồi cùng bàn với một cậu thiếu niên chạc mười sáu, mười bảy tuổi. Cậu cũng mặc áo nâu sòng, chân đi dép xăng đan da, vai khoác túi vải kiểu sinh viên đại học vẫn thường dùng. Cậu có một khuôn mặt rất đẹp. Bất kỳ ai có lòng trắc ẩn một chút khi nhìn vào khuôn mặt ấy, lại liên tưởng với bộ áo nâu sòng kia, nhất định có sự xáo động. Đôi mắt sáng, vầng trán cao, cánh mũi thẳng, hàm răng trắng, da mặt hồng, tóc để lúp xúp, đúng là một cậu trai đang bắt đầu trổ mã, mà sẽ là một mã đẹp, mã đa tình và hào hoa! Hương chưa kịp làm quen thì cậu ta đã quay sang hỏi:
- Chị học lần đầu hay học lại? 

Hương bảo: 
- Mình học lần đầu. Thế còn...? 
- Em tên là Tuấn. Em đang học dở chương trình B nhưng muốn quay lại học từ đầu cho chắc. Học Hán Nôm cứ phải vài ba lần. Học đi học lại mới nhớ, không giống như học tiếng Anh đâu. 

Hương cũng đã nghe nhiều người nói học Hán Nôm rất khó, học chữ nào biết chữ ấy, lại là thứ học để biết, để làm giàu thêm vốn kiến thức cho mình chứ không phải để đi du lịch hay đọc sách báo nước ngoài. Nếu để đọc và nghe người Trung Quốc viết và nói thì phải học tiếng Trung hiện đại. Học Hán Nôm chỉ giúp đọc văn tự cổ. Nhưng đọc được văn tự cổ, như văn bia ở các đình chùa chẳng hạn, thì cũng phải mất một phần ba cuộc đời. Chẳng ai bỏ ra một phần ba cuộc đời chỉ để làm cái việc tìm lại ngôn ngữ của cha ông, hay nói như cách của các nhà nghiên cứu là nối lại phần văn hóa bị đứt gẫy. Nghĩa là đừng đặt yếu tố thực dụng khi chọn học Hán Nôm. Cứ nhìn vào lớp học thì rõ! Ngoài các vị thầy chùa ra, chỉ có Hương và một bác già chuyên viết sớ ở đền Cổ Loa. Tất nhiên sau này Hương mới chiêm nghiệm ra điều ấy. Còn khi nghe Tuấn nói đến cái sự học đi học lại Hương cứ nghĩ rằng cậu ấy hơi quan trọng hoá vấn đề. Có thể nền của cậu ấy thấp nên học khó vào, còn Hương, Hương tin là mình không phải học đến lần thứ hai. Sự tự tin ấy theo Hương cho đến hết tuần học đầu tiên. Kiểm tra bài cũ Hương đã nói vanh vách trước thầy về lục thư tức sáu cách cấu tạo chữ Hán, nào là tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá, chuyển chú. Rồi tám nét cơ bản của chữ Hán, nào là chấm, sổ, mác, gập, ngang, phẩy, hất, móc. Lại cả bảy nguyên tắc thư pháp, cái gì trước, cái gì sau, cứ thông làu làu, được thầy biểu dương trước cả lớp. Hương phấn khởi lắm. Nhưng sự tự tin ấy không tồn tại được lâu. Sang đến tháng học thứ hai với việc ghi nhớ khoảng gần một trăm chữ thì Hương bắt đầu thấy loạn. Thầy yêu cầu học viên đến lớp phải mang mực tàu và viết bằng bút lông. Hương tập mãi mà chữ vẫn cứ cứng quèo. Nhìn sang Tuấn, thấy nét nào ra nét ấy Hương thầm ghen tỵ. Việc học Hán Nôm quả là rất mất thời gian. Mà cái đích của việc học, dù là rất khiêm tốn, cũng trở nên mông lung, xa mờ. May là Tuấn luôn động viên Hương. Thấy Hương không viết được nét phẩy và nét mác, Tuấn đã tặng Hương một chiếc bút lông “chuyên dụng”. Tuấn bảo: “Bút này của thầy em mua ở bên Nhật, lông rất tốt, ấn không bị tõe ngòi, chị cố gắng luyện cách cầm bút nữa, chữ sẽ đẹp” 

Càng ngày Hương càng thấy Tuấn giống cậu em trai đang học lớp mười một của mình ở dưới quê. Tuấn hồn nhiên và không giấu diếm những suy nghĩ của mình. Tuấn không quá câu nệ trong đi đứng, nói năng, hành động, cử chỉ như những tăng ni sinh khác. Thậm chí Hương còn thấy Tuấn “đời” chẳng kém gì cậu em trai mình. Có lần Tuấn hỏi: “Sinh nhật bạn gái thì nên tặng cái gì hả chị?”. Hương ngạc nhiên: “Tuấn cũng có bạn gái à?” Tuấn bảo: “Bạn cùng lớp ấy mà, sinh nhật em các bạn đều có quà cả, đến ngày sinh của các bạn ấy em cũng phải có quà chứ”. Hương không giấu được tò mò: “Thế sinh nhật Tuấn thì tổ chức như thế nào?” Tuấn bảo: “Thì cũng bình thường như các bạn ấy thôi. Thầy em cũng tặng quà cho em kia mà. Thầy bảo Phật còn có ngày sinh, việc nhớ đến ngày sinh của mình là điều nên làm”. Hương lại hỏi: “Thế tổ chức sinh nhật ở ngay trong chùa à?” Tuấn bảo: “Vâng. Cả bạn đời lẫn bạn đồng đạo đều đến. Sao chị có vẻ ngạc nhiên thế?”. Hương bảo: “Ừ thì mình cứ nghĩ là người nhà chùa sống khác bọn mình ngoài đời. Thế các bạn tặng Tuấn những thứ gì?” Tuấn cười: “Bạn đời thì tặng nhiều thứ lắm, chủ yếu là sách vở, còn bạn đồng đạo thì tặng vải may áo nhà chùa và kinh sách”. Hương gật gù: “ Thì ra vậy! Qua Tuấn mình biết thêm được nhiều chuyện của người xuất gia” 
 

Hôm khác Tuấn lại bảo: “Chị cho em xin số điện thoại của cơ quan chị?”. Hương đọc cho Tuấn ghi xong, hỏi: “Em có đến chỗ chị chơi được không?” . Tuấn bảo: “Sao không? Chiều mai học võ, em sẽ đi sớm rồi qua chị chơi” 
Tuấn học võ ở công viên Thủ Lệ vào những ngày lẻ trong tuần. Chùa Tuấn ở bên Gia Lâm nên Tuấn thường đi học bằng xe máy của thầy. Hôm đó trước khi đến chơi Tuấn điện cho Hương trước. Hương nhận đón Tuấn nhưng trong lòng thấy hơi e ngại vì không biết mọi người trong cơ quan sẽ nhìn Hương như thế nào khi thấy khách là một vị sư nam? Nhưng Hương đã không phải quá lo lắng vì hôm ấy Tuấn mặc một bộ đồ võ sinh màu trắng. Tuấn rủ Hương: “Chị em mình đi ăn kem đi?” Hương dẫn Tuấn ra vườn hoa. Tuấn luôn tỏ ra xăng xái và chủ động, cứ y như một cậu trai mới lớn đang xử sự trước bạn gái vậy. “Chị thích kem hay sữa chua? Chị ăn loại kem nào? Ly to hay ly nhỏ? Chị có ăn kèm theo quế không?” Ngay cả đến Khanh cũng chỉ chăm sóc Hương được đến như thế này. Nhưng Khanh không có được sự hồn nhiên như Tuấn. Lúc nào Khanh cũng mang khuôn mặt của một người đàn ông sắp phải làm chủ gia đình trong tương lai. Tự tin và hơi cao đạo. Bận rộn và thực tế. Mệt mỏi và đòi hỏi. Chưa có thật nhiều tiền nhưng rất biết tiêu tiền kiểu ông chủ. Chưa thành đạt nhưng rất quan tâm đến cung cách hành xử của người thành đạt. Với Hương, đằng sau sự chăm sóc của Khanh là một động cơ đã thấy rõ. Còn Tuấn, Tuấn quý Hương như một người chị gái. Sự chăm sóc kia là nhu cầu tự thân, là không động cơ, là chân tình, và ánh mắt của Tuấn dường như còn chứa cả tình thương của một người em trai dành cho chị gái nữa. Hương hỏi: 
- Chị tưởng người nhà chùa không được sinh hoạt thoải mái như thế này? Nếu biết em đi chơi với chị thầy em có mắng không? 
Tuấn đáp: 
- Thầy em nuôi em từ năm em mới lên bảy. Em làm cái gì thầy cũng biết. Thầy chỉ không cho phép em làm những gì ảnh hưởng đến nhà chùa thôi. Em lại chưa làm lễ thế phát, cho nên em chưa phải tuân theo giới luật. Sau thế phát chắc em không còn được ngồi thoải mái với chị như thế này. 
- Lễ thế phát là gì? 
- Là lễ xuống tóc. Sau khi xuống tóc em mới chính thức là tiểu. 
- Làm tiểu xong rồi làm gì? 
- Khi nào thầy cho phép thì được thụ giới sa di. 
- Nghĩa là sao? 
- Nghĩa là làm sư đấy. Mà thôi, chị hỏi làm gì, chị không hình dung ra đâu. Thầy em bảo đạo Phật là thứ đạo có đi mới đến. Chị không đi không đến được đâu. 
- Thế bây giờ công việc hàng ngày của em là gì? 
- Là học, gồm có học phổ thông, học ngoại ngữ, học võ, ngoài ra giúp thầy những việc lặt vặt như thỉnh chuông, dọn dẹp quanh chùa, viết sớ vào ngày lễ... 
Hương bỗng hỏi: 
- Thầy em bao nhiêu tuổi? 
Tuấn đáp: 
- Thầy em ngoài ba mươi. 

Hương tò mò: 
- Thầy em có đẹp trai không? 
Tuấn cười: 
- Em không biết. Hôm nào chị sang chùa em chơi. Nói chuyện với thầy em vui lắm. Cái gì thầy cũng biết, thầy em hiền và tốt lắm. Thầy viết chữ Hán rất đẹp. Trước thầy em học Đại học sư phạm ngoại ngữ, khoa Trung văn. 

Những điều Tuấn nói đã kích thích trí tò mò của Hương. Hương hẹn: “Chủ nhật này mình sang Tuấn chơi đựơc không?”. Tuấn bảo: “Để em sang đón chị nhá?”. Hương bảo: “Không cần đâu, hẹn nhau ở chỗ chân cầu Chương Dương cho Tuấn đỡ vất vả”. Tuấn bảo: “Được rồi, em sẽ ra đón chị ở chân cầu” 

Đúng hẹn, Tuấn ra đón Hương rồi đưa về chùa. Chùa nằm ở trong một khu đất rộng. Trước cổng chùa có một cây si và một cây đa nên người dân ở đây gọi là Chùa Si Đa. Sau này khi căn bệnh thế kỷ xuất hiện và được nói đến ra rả trên đài báo thì cái tên si đa bỗng trở nên thô thiển, uế tạp, người ta không gọi tên chùa như cũ nữa mà gọi ngắn lại thành Chùa Si. Tiền cung, hậu cung, hồ vọng nguyệt, trai phòng, nhà bếp...Tuấn dẫn Hương đi thăm hết một lượt. Qua phòng thầy thì thấy đóng cửa. Tuấn bảo: “Thầy em đi giảng ở chùa trong, đến trưa sẽ về”. Lúc đầu Hương có ý chờ nhưng trưa hôm ấy thầy không về. Tuấn bảo: “Có lẽ chiều tối thầy mới về, chị cố ở lại chờ thầy về nhé?”. Hương lắc đầu, bảo: “Thôi, nhìn qua ảnh cũng đã hình dung ra thầy rồi”. 

Thầy không đẹp trai bằng Tuấn mặc dù có thể uyên bác hơn, Hương thầm nhận xét thế. Chữ thầy được treo ở nhiều nơi trong chùa. Nói chung đó là nét chữ của người đã đạt đến một trình độ Hán Nôm nhất định, không dễ gì mà có được. Chữ của Tuấn cũng treo khắp phòng. Nhìn chung, có thấy sự tài hoa nhưng phối trí còn chưa khéo. “Thầy toàn kêu em viết lung tung lên giấy dó, chết tiền, thầy bảo em tập viết lên giấy thường đã, khi nào đẹp rồi mới được viết vào giấy khung. Nhưng em thấy chữ em cũng đẹp rồi đấy chứ?”, Tuấn hồn nhiên kể với Hương. 
- Nhà em ở cách đây có xa không? - Hương hỏi. 
- Gần thôi, trưa nay chị về nhà em ăn cơm nhé? - Tuấn mời rất chân thành. 
- Ừ, nhưng em không phải xin phép thầy à? 
- Thì thầy đi vắng đấy thôi. Em có đi lâu đâu, chiều lại về chùa kia mà! 

Buổi trưa hôm ấy Hương ăn cơm ở nhà Tuấn. Mẹ Tuấn có một cửa hàng xén nho nhỏ, bày ngay trước cửa nhà, chủ yếu bán cho người trong làng, trong xã. Mẹ Tuấn độ năm mươi tuổi, hiền hậu, cởi mở, hay chuyện. Bà là người tín tâm, khi kể về việc cậu con trai xuất gia bà cho đó như là một cái duyên hạnh ngộ. Năm ấy chú mất, cô mời thầy tới đọc kinh hộ để chú đi cho nhẹ. Mấy ngày hôm đó thằng Tuấn cứ quấn lấy thầy. Sau đám, nó chỉ thích lên chùa chơi với thầy. Hễ đi học về là nó lại chạy qua với thầy, có hôm ngủ lại đó không về nhà. Rồi nó cứ xin cô cho lên chùa ở với thầy. Nghĩ cũng là cái duyên của hai thầy trò, thế là cô lên chùa xin với thầy cho nó ở nhờ cửa Phật. Thấm thoát cũng đã mười năm rồi đấy. Thầy nuôi cho ăn học hết năm nay nữa là xong cấp ba. Chả phải làm gì. Chỉ ăn với học thôi. Có khi ở nhà cô chẳng nuôi được như thế. 

Hương hỏi: 
- Em vào chùa khi còn nhỏ thế mà không nhớ mẹ, đòi về hả bác? 

Mẹ Tuấn bảo: 
- Cũng khóc, mếu máo đòi về, lại đòi cả thầy về ở cùng nữa. Về nhà được mấy hôm lại te tái lên với thầy. Vài ba bận như vậy thì thôi, không đòi về nữa. 

Hương thấy trong lòng bỗng trở nên nhẹ nhõm khi biết Tuấn còn một đứa em trai nữa, độ mười lăm tuổi. Hiểu theo cái nghĩa thực dụng của người đời thì bố mẹ Tuấn vẫn còn người để nối dõi. Trong thâm tâm Hương không muốn Tuấn vào chùa, không muốn Tuấn xuất gia, không muốn Tuấn bỏ đời theo đạo. Giải thích theo mẹ Tuấn thì đó là cái duyên. Còn Tuấn tự giải thích là: “Em thấy hợp với cảnh chùa, rồi ngộ ra rằng, theo thầy để diệt khổ”. Hương có lần bảo: “Em đã biết khổ là gì mà vội đi diệt khổ”. Tuấn bảo: “Làm người là khổ”. Hương bảo: “Thế thì diệt làm sao được? Chẳng lẽ lại diệt sự sống?”. Tuấn bảo: “Người là cái cây, khổ là con sâu, chỉ diệt con sâu thôi chứ không diệt cái cây”. Hương bảo: “Nhưng đời cây ấy không ra trái, không tái sinh. Như vậy có khác gì diệt sự sống?”. Tuấn lắc đầu: “Thôi, chị khắc đi khắc đến, ngồi một chỗ không nhìn thấy cuối con đường có gì đâu. Em đang đi mà chưa đến. Cũng chẳng biết nói với chị thế nào” 

Sau hôm sang nhà Tuấn về, tự nhiên Hương hay nghĩ về Tuấn. Rồi một ý nghĩ loé lên, càng lúc càng thôi thúc mãnh liệt. Phải rồi, Hương sẽ tìm cách nào đó để lôi Tuấn ra khỏi chùa. Người như Tuấn mà đi tu thì oan uổng lắm. Tuấn đã hiểu gì về đời đâu mà vội bỏ phí đời đi như thế? Chờ dịp Tuấn thi xong cấp ba, Hương hỏi: “Tuấn có thích học nghề sửa xe máy không?”. Tuấn hỏi lại: “Để làm gì?”. Hương bảo: “Mình có một người bạn sửa xe máy tay nghề rất cao, có thể nhận dạy Tuấn mà không thu học phí. Tuấn muốn học mình sẽ xin cho?”. Tuấn lắc đầu: “Em sẽ thi Đại học, vào học khoa triết, khoa sử hay khoa Hán Nôm gì đó, rồi em học thêm trường Trung cấp Phật giáo nữa, chị bảo học nghề sửa xe máy để làm gì?”. Hương thuyết phục: “Để về mở cửa hàng cùng với mẹ, chỗ ấy sửa xe máy rất đông khách, lại có thể dậy cho cả cậu em trai nữa, Tuấn đi tu làm gì, buồn lắm, cuộc sống ngoài đời vui hơn nhiều, Tuấn nghe lời mình đi?” 

Tuấn bảo: 
- Những điều chị nói em đã bỏ ngoài tai từ mười năm nay rồi. Mỗi người mỗi phận, em không có sự lựa chọn nào khác nữa đâu. 

Hương nói thế nào cũng không thuyết phục được Tuấn. Thời gian sau này hai người không còn gặp nhau thường xuyên nữa. Hương mỗi ngày một thưa vắng đến lớp Hán Nôm. Công việc biên tập làm Hương bù đầu, mớ chữ Hán kia trở nên quá tải, không nhét vào đâu được nữa. Rồi Hương bỏ lớp. Thỉnh thoảng Hương gặp Tuấn qua điện thoại. Sau này khi máy tính ở chùa Tuấn nối mạng thì Tuấn thường xuyên i meo cho Hương. Cũng có lần Tuấn đến nhà trọ chơi với Hương. Lần thì Tuấn hỏi Hương cách ôn thi đại học? Lần thì Tuấn mang cho hương một vốc hoa ngọc lan. Có lần Tuấn lại đưa cho Hương xem cả một lá thư của một cô bạn học cùng lớp cấp ba nữa. Cuối năm ấy Hương thông báo cho Tuấn biết tin Hương sắp cưới. Mấy ngày hôm nay Khanh đang đi hỏi mua giường, tủ, đặt thiếp, chọn khách sạn và lên danh sách khách mời. Hương bảo: “Nhất định Tuấn phải sang đấy nhé. Hôm đón dâu Tuấn phải về quê chị chơi”. Tuấn hỏi kỹ ngày giờ rồi bảo: “Nhất định em sẽ đi dự đám cưới chị” 

Nhưng trước hôm cưới một ngày, Hương đang ngồi bàn tính cùng Khanh về danh sách khách mời thì Tuấn đến. Trông Tuấn khác hẳn mọi lần. Tuấn không mặc bộ võ phục trắng nữa mà mặc bộ áo nâu nhà chùa. Điều Hương đặc biệt chú ý là đầu Tuấn không còn sợi tóc nào. Khuôn mặt Tuấn rực hồng dưới ánh đèn nê ông. Lớp da trên đầu Tuấn bóng nhẵn, nổi những vệt xanh mờ. Cặp mày Tuấn như xếch lên và sống mũi nhô cao hơn. Khi Tuấn cười, hàm răng trắng như ngà. Tuấn bảo: 
- Hôm nay đẹp ngày, thầy làm lễ thế phát cho em. Từ giờ phút này trở đi em mang chân tiểu. Em bắt đầu học hai mươi tư chương uy nghi tức những điều luật đầu tiên của người xuất gia. Ngày mai em không đi dự lễ cưới của chị được. Tối nay em sang chơi với chị, tặng chị món quà này. 

Tuấn đặt quà vào tay Hương. Quà của Tuấn là một cuộn giấy nhỏ. Khi Tuấn về rồi, Hương mới mở ra xem. Đó là một bức đại tự viết theo lối thảo. Chỉ có một chữ duy nhất, Hương nhận ngay ra đó là chữ Chấp. Chữ Chấp thuộc bộ thổ, cấu tạo theo nguyên tắc hội ý, gồm chữ Hạnh và chữ Hoàn ghép lại. Hạnh nghĩa là hạnh phúc, Hoàn nghĩa là trọn vẹn. Tuấn muốn chúc Hương Hạnh phúc trọn vẹn! Nhưng Hương hiểu Tuấn còn có ý khác nữa. Trước đây đã có lần Tuấn bảo: “Sống trong chữ Chấp là đời, còn vượt ra khỏi chữ Chấp sẽ là đạo”. Thế là Tuấn đã tỏ rõ chí của mình cho Hương hiểu. Tuấn đã bước sang bên bờ kia của cuộc đời rồi. Đó là chốn gì Hương không sao hiểu, chỉ thấy nó hư ảo thế nào đấy. Tự dưng Hương có cảm giác như đánh mất Tuấn. Khanh hỏi: “Em là thế nào với cái cậu sư ấy?”. Hương đáp bằng một giọng buồn buồn: “Chị em quen nhau thôi”. Khanh bảo: “Cũng đẹp trai đấy nhỉ?”. Hương đáp: “Đẹp! Nhưng chẳng để làm gì” 

Hôm sau trên đường đưa dâu về nhà trai, Hương nhìn thấy Tuấn đứng ở chân cầu. Hương nhìn sang Khanh tự hỏi: Khi mười tám tuổi Khanh thế nào nhỉ? Rồi Hương lại tự trả lời: Khanh mơ vào Đại học và mong có ngày rước một cô dâu xinh đẹp về nhà như hôm nay. 

Dưới chân cầu nước chảy mà như đứng im.   

Nguyễn Đình Tú
(phattuvietnam.net)

Các tin đã đăng: