Đầu năm nói chuyện về ngày 'Rằm tháng giêng'
22/02/2010 22:48 (GMT+7)

Dân gian ta có câu: “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy” để nói lên tập quán cùng sự hệ trọng của từng cái rằm.

Trái với lệ xưa, ngày nay rằm tháng bảy không phải “kẻ quảy, người không” mà trở thành phổ cập bởi đó là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, tương tự ngày rằm tháng mười “mười người mười quảy” mang đậm ý nghĩa liên hoan mừng cơm mới sau một vụ mùa.

Trong mười hai cái rằm của một năm, riêng ngày rằm tháng giêng có nhiều ý nghĩa với nhiều nguyên ủy. Ngày này được gọi là lễ thượng  nguyên, rằm tháng bảy là lễ trung nguyên và rằm tháng mười là lễ hạ nguyên. Rằm tháng giêng còn gọi là Tết Trạng nguyên và Tết Nguyên  tiêu.

Theo Phật giáo thì ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn, họ bảo: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Đây còn là ngày vía thiên quan, người ta đến chùa nhương sao để xin giải trừ tai ách.

Theo Nho học thì nguyên xưa ngày này là Tết Trạng nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.

Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các  văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn. Tết  Nguyên tiêu hình thành, là một sinh hoạt tao đàn trang nhã.

Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng... Nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Đã là lễ tết, cúng bái thì đương nhiên có mâm cỗ để khi bái tất trong gia đình quây quần bên nhau hoặc mời thêm bà con chòm xóm.

Số gia đình theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào...

Ở các chùa thôn quê, làng quê, cỗ bàn chỉ dùng tương chao, hoa quả nấu với đậu khuôn, đậu phụng, dầu phụng, không thêm nhiều hương liệu nên khi ăn người ta hay bảo nhau: ăn chay phải trộn nhiều món vào một tô mới ngon.

Thật vậy, từng món canh mướp, bí, bầu nấu riêng với đậu phụng sẽ trở nên đơn điệu song nếu trộn chung lại thành món canh tổng hợp ý vị. Chính những bữa ăn nguyên chất chay này với cây nhà lá vườn mới là những bữa ăn bổ dưỡng mà không độc hại.

Người ta cũng tránh chế biến thức ăn chay thay hình dạng tôm kho, thịt nướng, cho rằng làm như thế là cái tâm vẫn còn vọng tục, vẫn còn hướng về mặn, khó coi!

Làm thức ăn chay khó hơn thức ăn mặn. Tương ngon dùng gạo, nếp, đậu nành ủ mốc, phải vừa đủ mẳn, có vị ngọt, không chua, không hôi. Món chao và đậu dầm cũng phải khéo tay mới không có mùi khó chịu.

Ở miền Trung, nhiều người không theo đạo Phật thì ngày rằm cúng chè xôi và cúng mặn. Cỗ bàn mặn cũng gồm các món cơm canh tuy không thịnh soạn như ngày Tết Nguyên đán.

Nhiều làng quê ngày rằm, nhất là rằm tháng mười, cúng thịt vịt, bánh xèo và mì Quảng. Thông thường thì “nấu xôi nếp quạ, nấu chè đậu đen”. Nếp quạ màu đen, rất thơm dẻo. Thiên hạ cũng dùng nếp tượng nấu xôi. Nếp tượng màu trắng, hột lớn hơn các loại nếp khác.

Trong ý niệm dân gian, những gì lớn gọi là “tượng” (voi), những gì nhỏ gọi là “sẻ” (chim sẻ) như nếp tượng, xoài tượng, ốc trâu... hoặc ổi sẻ, xoài sẻ, trâm sẻ...

Gọi là xôi nhưng thực chất là cơm nếp. Chè nếp và đậu đen nấu với đường đen, có nêm chút muối. Phải chăng khi thưởng thức hương vị ngọt bùi, người ta vẫn cần thêm một chút mặn? Chè nấu thật “tới nước đường” thì để đến ngày sau không bị thiu.

Những chén chè đặt trên trang hàng tuần mới lấy xuống, trên mặt đóng một lớp mốc, gạt lớp mốc ấy đi, phần dưới vẫn ăn được. Trước đây, người đời hay dùng hai màu đỏ và đen.

Câu đối tết cũng viết bằng mực Tàu (màu đen) trên giấy đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho sự tốt đẹp vui vẻ, màu đen là màu định hình cuối cùng, không pha chế được nữa. Dĩa xôi nếp quạ, chén chè đậu đen cũng là hai màu ấy. Nếp nấu với đường đen ngả ra màu hơi đỏ, trong chén chè điểm xuyết những hạt đậu màu đen...

Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thì thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Đúng như cái cảnh tuyệt vời thơ mộng của đêm nguyên tiêu:

Kỳ cục đả thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi

Dịch nghĩa theo lối thuận nghịch độc là:

Chén hòa tuyết trắng nghiêng hồ rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ...

Theo vnecono.vn

Các tin đã đăng: