Những năm qua báo chí liên tục lên án về việc bán thịt được cho là thú rừng rất phản cảm ở lễ hội chùa Hương. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết sẽ có biện pháp chấn chỉnh nhưng không ngăn, không thể dẹp các quán ăn ở hai bên lối lên chùa.
Hình ảnh phản cảm như thế này ở hai bên lối vào chùa Hương được Trưởng BTC lễ hội hứa hẹn
sẽ có sự điều chỉnh, nhưng không dẹp bỏ (hình ảnh được chụp trong mùa lễ hội 2013 - Ảnh: VnExpress)
Tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Ngọ -2014, ông Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, mùa lễ hội năm nay có nhiều nét mới. Trước kia có 3 hướng vào chùa Hương là cổng Hội Xá, cổng Đục Khê, cổng Tiên Mai. Năm nay sẽ mở thêm một cổng mới là cổng Hang Vò - đây là cổng nối với tuyến đường đi thẳng từ Hà Nam lên vào khu vực bên kia của Đền Trình.
Vừa qua, đã đầu tư xây dựng cổng Hội Xá Hương Tích Môn, được làm bằng đá xanh với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Một trạm kiểm tra vé được xây mới có 19 cửa với sự giám sát của camera sẽ được đưa vào sử dụng trong mùa hội này, thay thế cho các cửa dzích dzắc thiếu thẩm mỹ được sử dụng từ nhiều mùa hội trước. Toàn bộ khu soát vé này nằm trong một ngôi nhà bốn mái kiểu mái chùa gọi là Phổ Độ Môn mới được đầu tư xây dựng với kinh phí 7 tỷ đồng.
Vé thắng cảnh chùa Hương mùa hội năm nay sẽ được thay thế bằng thẻ từ có mã vạch, hệ thống đường điện chiếu sáng mới được lắp đặt từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích phục vụ việc hành hương của du khách vào ban đêm. Năm nay, hệ thống cáp treo cũng sẽ không dừng ở chùa Giải Oan như các năm trước mà chạy thẳng từ Thiên Trù vào động Hương Tích.
Công tác kiểm soát xuồng đò và đảm bảo an ninh trật tự cũng đã được hứa hẹn là sẽ siết chặt nhằm tránh tình trạng “hành” du khách khi đến chùa Hương.
Tình trạng “chặt chém” du khách bao năm qua gây nhức nhối được những người kinh doanh lý giải do họ phải chi tới hàng trăm triệu đồng mới có một suất hàng quán tại đây, nên họ phải bán hàng giá cao, chỉ có du khách là lãnh đủ. Ông Hậu cho hay, việc bốc thăm phân chia hàng quán trong khu du lịch chùa Hương từ lâu đã trở thành cái lệ “đất vua chùa làng” và đó là “lộc” mà những người dân địa phương được hưởng, chính quyền huyện không thể can thiệp được. Giá thầu một gian hàng gốc chỉ 10 triệu đồng/mùa lễ hội nhưng nhiều người phải mua lại suất thầu đó với giá 100-300 triệu đồng.
Những năm qua báo chí liên tục lên án về việc bán thịt thú rừng ở lễ hội chùa Hương. Ông Hậu cũng cho báo chí biết rằng sẽ có biện pháp chấn chỉnh nhưng không ngăn, không thể dẹp các quán ăn treo thịt phản cảm tại các quán xá ở hai bên lối lên chùa.
Đề cập công tác quản lý vệ sinh môi trường, theo Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương, với số lượng du khách về trẩy hội lên đến 1,5 triệu người mỗi năm, 1 ngày du khách xả ra không dưới 10 tấn rác. Lò đốt công nghệ Nhật được thành phố đầu tư từ cách đây 2 năm đã giải quyết khá tốt việc xử lý rác thải.
Năm nay, chùa Hương đã xây dựng thêm một lò hóa rác ở trên đường lên động Hương Tích. Rác thải sẽ được đốt hóa toàn bộ, còn phần cứng như vỏ chai sẽ tái sử dụng. Để giữ gìn vệ sinh môi trường, bên cạnh tập huấn hộ làm kinh doanh, chủ đò thường xuyên nhắc nhở du khách bỏ rác vào đúng nơi quy định, năm nay một đội kiểm tra lưu động được tổ chức kết hợp đồng thời với hệ thống camera giám sát, thực hiện phạt “nóng” những du khách thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi.
Một nhà máy xử lý nước sạch dành riêng cho khu vực này cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm sau.
Được biết giá vé tham quan thắng cảnh và phí thuyền đò không tăng, cụ thể giá vé tham quan thắng cảnh 50.000 đồng/lượt; vé đò 35.000 đồng/lượt gồm cả vào và ra. Riêng giá cáp treo sẽ tăng 20.000 đồng/lượt so với mùa hội trước, với giá vé một lượt cả đi và về là 140.000 đồng.
Chu Minh Khôi