Đối
với các dân tộc Á châu, không ai là chưa từng nghe đến đức Bồ Tát Quán
Thế Âm. Chẳng những thế, truyền thuyết về ngài còn được nhân gian thêu
dệt vào những huyền thoại làm tăng vẻ huyền nhiệm, trong đó có sự hiện
thân của Bồ Tát Quán Âm Nam Hải.
Theo huyền sử Tàu thì Diệu Thiện là con gái thứ ba của vua Diệu
Trang, một tiểu quốc cận biên Ấn Độ; Không vâng lời vua theo gương hai
người chị là Diệu Âm và Diệu Thanh lập gia thất mà muốn xuất gia quy
Phật;
Sau nhiều lần cản ngăn và trừng phạt không thành, vua thuận cho Diệu
Thiện vào chùa, nhưng mật cho các sư ni hành hạ cho Diệu Thiện nản chí
mà quay về.
Ni trưởng chùa Bạch Tước báo cáo về triều là công chúa Diệu Thiện
vẫn cam chịu được mọi khó nhọc, một lòng quyết chú tu hành, nổi giận,
vua sai đốt chùa, bắt công chúa về lại triều rồi xử trảm. Nhiều hình
phạt đều bất thành vì được Ngọc Đế sai Thần hoàng bổn cảnh hóa thân cọp
cõng nàng chạy để bảo vệ nàng.
Trong lúc hồn liền khỏi xác, được Diêm vương đưa nàng đi thăm các
cửa ngục hành hình tội nhân. Do uy lực của Diệu Thiện mà các tội nhân
được siêu thoát; Diêm vương được lệnh nghinh tiển hồn Diệu Thiện trở
lại dương thế.
Tỉnh lại, Diệu Thiện hoang mang không biết đi về đâu, thì được đức
Phật khuyên hãy đến núi Phổ Đà ở cù lao Hương đảo Nam Hải tiếp tục tu
luyện. Sau 9 năm, Ngài đắc đạo, từ đó được hồng danh là Quan Âm Nam Hải.
Như vậy Nam Hải là biển phía Nam của Tàu, là phía Đông hoặc Đông Bắc
của Việt Nam. Quan Âm Nam Hải như thế, đối với người Việt cũng có thể
gọi là Quan Âm Đông hải ?
Từ câu chuyện trên, sang Việt Nam được địa phương hóa như sau: Ngài
vẫn là con thứ ba của vua Diệu Trang nước Hưng Lâm, vẫn bị hành hình
khổ nhục như câu chuyện trên, nhưng khi đi tu thì vào chùa Hương Tích
Việt Nam chứ không phải núi Phổ Đà bên Trung quốc. Đặc biệt là Quan Âm
đến Tàu hay Việt Nam đều biến thành thân nữ, mặc dù Đức Bồ Tát Quán Thế
Âm vốn là thân nam.
Từ đây, Đức Quán Âm tu ở Việt Nam nên gọi là Quan Âm Nam Hải. Thực ra
đây không phải là vấn đề để tranh cãi về Nam hải hay Đông hải, mà là
vấn đề hạnh nguyện của Ngài đã cứu vớt bao chúng sanh lâm nạn kêu cứu
đến ngài. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói:
Bấy giờ trong Pháp Hội, Bồ Tát Vô Tận
Ý, Từ tòa ngồi đứng dậy Chắp tay nhìn Đức Phật Mà cung kính bạch rằng:
Kính bạch Đức Thế Tôn Bồ Tát Quán Thế Âm ,vì bởi nhân duyên gì tên là
Quán Thế Âm?
Đức Phật liền chỉ bảo Bồ Tát Vô Tận Ý:
Này các Thiện Nam Tử! Nếu có vô lượng trăm, nghìn, muôn, ức chúng sanh
phải chịu mọi khổ não mà được nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm liền
dốc lòng niệm tên Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì Ngài Quán xét giọng tiếng
của người ấy liền được khỏi khổ não. Nếu được trì tên hiệu Bồ Tát Quán
Thế Âm dù vào trong lửa lớn lửa không thể cháy được là nhờ sức uy thần
của Bồ Tát Quan Âm. Nếu bị nước lớn trôi mà niệm tên Bồ Tát liền được
vào chỗ cạn. Nếu lại có chúng sinh hàng trăm nghìn muôn ức vì tìm cầu
vàng bạc ngọc mã não, trân châu San hô cùng hổ phách và các thứ ngọc
báu, phải vào trong bể lớn. Giả sử bị mây mù gió dữ thổi thuyền bè giạt
vào nước La Sát. Ở trong đám người đó dù chỉ có một người dốc lòng
niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm những người trong thuyền ấy đều liền
được giải thoát…
Bấy giờ đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý
nếu có các chúng sanh ở trong các cõi nước phải dùng thân chư Phật mới
độ được người ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện ra thân Phật…
Này Ông Vô Tận Ý Bồ Tát Quán Thế Âm
thành tựu các công đức đầy đủ là như thế Ngài dùng mọi thân hình dạo đi
khắp các nước để độ thoát chúng sanh.
Bồ Tát Quán Âm đối với các chúng sanh ở
trong chốn tai nạn nguy cấp và sợ hãi, Ngài đều hay ban cho những điều
không lo sợ, cho nên cõi Ta Bà mọi người đều gọi Ngài là bậc Thí Vô
Úy…
Do hạnh nguyện đó mà những thương nhân Ấn ngày xưa thường thờ Ngài
trong các thương thyền, nạn nhân tù tội, những nạn nhân biển cả, các
nạn nhân trên bờ, hay dưới nước đều thành tâm khẩn cầu và tôn kính thờ
phượng Ngài.
Chính vì nguyên nhân nầy mà các quốc gia châu Á đều tôn kính tạo
tượng thờ phượng trong chùa hoặc ngoài sân. Không một ngôi chùa người
Việt nào mà không có bóng dáng đức Quán thế Âm với bạch y, tay cầm
nhành dương và bình cam lồ, mắt nhìn xuống dương thế với khuôn diện
nhân ái và tấm lòng thanh thoát. Người Phật tử mỗi khi quỳ trước tôn
tượng như cảm thấy được che chở.
Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các chùa, mỗi ngày đều có nhiều thành
phần xã hội thành kính thắp nhang lễ bái trước Bồ Tát mỗi sáng và tối.
Chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan, công nhân viên chức, nam cũng
như nữ, mỗi sáng trước khi đi làm đều tạt vào lễ Ngài; Đức tin vào Bồ
Tát đã ăn sâu vào máu huyết dân tộc; Đi đâu, dù lên rừng xuống biển, dù
tha phương lập nghiệp, người Phật tử đều tôn tạo thánh tượng ngài để
thờ phụng.
Chính vì lòng khẩn thiết đó mà hạnh nguyện lắng nghe lời cầu cứu của
chúng sanh, được Ngài luôn chiếu cố. Quán Thế Âm là dụng tướng, nhưng
Quán Âm còn có nghĩa của diệu tánh trong mỗi hành giả biết lắng nghe
tiếng nói phàm tục của mình mà tìm cách hóa giải để thăng hoa, đó là
công hạnh của một hành giả Quán âm.
Minh Mẫn (17/7/2012)