Phát hiện nhiều cổ vật khi tu bổ chùa
31/10/2011 05:10 (GMT+7)


Toàn bộ các hiện vật tìm được dưới nền chùa khá nhiều, gồm cả 1 tấm bia khắc chữ, chĩnh sành, tiền cổ, nhiều mảnh vỡ của các đồ dùng xưa. Do biết trong làng có nhạc sỹ Lê Mây, tác giả của "Hà Nội linh thiêng hào hoa" đang "ở ẩn", các cụ cao niên trong làng đã nhờ nhạc sỹ liên lạc với ông bạn cùng trong Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Hà Nội, là PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam. Say mê với nghề khảo cổ suốt mấy chục năm trời, quãng đường hơn 30km bụi bặm không ngăn được vị PGS tuổi "thất thập cổ lai hy" phóng xe máy lên để nhìn tận mắt cổ vật.

Khi PV cùng PGS.TS Nguyễn Lân Cường có mặt, các hiện vật và "cụ" rùa đá đã được đặt trang trọng tại hậu cung, hương khói thành kính. Tấm bia ngự trên lưng rùa thì chưa tìm thấy. Một tấm bia cổ khác khắc chữ cùng các hiện vật, như đồng tiền cổ, chĩnh sành... cũng được làm vệ sinh sạch sẽ.

Cẩn thận hơn, ông Nguyễn Công Canh, người thông thạo chữ nho trong làng còn chép lại toàn bộ chữ trên tấm bia, tra sách vở để bước đầu xác định niên đại của nó.  "Chữ Nho thì tôi đọc được, cũng ban đầu nhận định đây là rùa đội bia, nhưng việc xác định niên đại của cụ thì phải nhờ các nhà chuyên môn. Tôi không rành thứ ấy" - ông Canh cho biết.

Theo quan sát của PGS. TS Nguyễn Lân Cường, cụ rùa này được tạc từ loại đá mà lượng cacbonat khá lớn và có nhiều khả năng là loại đá từ Hòa Bình, nên khi chôn lâu ngày trong đất, nước ngầm đã hoà tan vôi làm cho toàn bộ thân rùa bị phong hóa, xù xì như được đúc bằng xi măng. Tuy nhiên, dựa trên những vết đầu rùa bị cào do máy xúc thì cụ được làm bằng đá nguyên khối.

Người trong làng cho biết, rùa đá được tìm thấy ngay dưới ban Đức Ông, nằm sâu dưới đất khoảng 1,6m. Theo đo đạc của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, rùa có chiều dài 1,05m, ngang 0,62m, đế đặt bia rộng 0,54m, cao 0,21m và chiều dài mai là 0,8m. Theo nhận định ban đầu của PGS.TS Nguyễn Lân Cường "có nhiều khả năng con rùa này có niên đại cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Cấu trúc của cửa võng, hay cúc dây cuốn thư cũng cho ta thấy niên đại khoảng thế kỷ XIX".

PGS.TS Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu nhằm xác định niên đại của rùa đá ở chùa Duyên Khánh.

Bên cạnh đó, trong ngôi chùa còn lưu một tấm bia đá khắc chữ. Ông Nguyễn Công Canh cho biết: Theo nội dung được khắc trên tấm bia, nó được dựng lên vào năm Dương Hòa Nguyên Niên, tức khoảng năm 1635, cách đây gần 4 thế kỷ. Tấm bia ghi lại công đức của một ông Hậu đã hằng tâm, hằng sản để tu bổ chùa. Cũng theo tấm bia thì ngôi chùa này được khởi công tu bổ vào năm Ất Mão, 1615. Tuy nhiên, chưa hiểu vì lý do gì mà sau đó 20 năm, tấm bia mới được dựng lên. Các cụ cao niên trong làng hi vọng những gì được tìm thấy sẽ làm rõ được một phần lịch sử và niên đại chùa.

"Chúng tôi còn tìm được một đồng chinh cổ mà chúng tôi nghĩ có lẽ có từ thời Trần, là từ thế kỷ XIII. Vậy có lẽ đến giờ ngôi chùa đã có đến 800 năm tuổi" - các cụ cao niên trong làng cho biết. Nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, đồng tiền này là đồng Nguyên Phong thông bảo triều Vua: Bắc Tống Thần Tông (Triệu Húc), có niên hiệu Nguyên Phong 1078 - 1085. Đồng tiền Nguyên Phong thông bảo của Triều Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) cũng có niên hiệu Nguyên Phong, nhưng là 1251 - 1258. Chữ Nguyên của 2 đồng tiền có sự khác biệt rất rõ ràng. Theo trí nhớ của ông Canh, khu vực chùa có thể là một nền đất cổ, bởi vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi gia đình ông làm đất canh tác ở đây, đất lẫn rất nhiều mảnh chĩnh sành. Thêm vào đó, ông và bạn bè đã từng tìm thấy một hũ đựng đầy tiền cổ và mang ra làm đồ chơi.

Hiện chùa Duyên Khánh cũng vẫn còn giữ lại được một số hiện vật từ thời Nguyễn, như một chiếc chuông được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 và chiếc khánh đúc vào thời Thiệu Trị. Ngoài ra, dù cột, kèo, rui, mè... đã bị mọt ăn hỏng cả, nhưng chùa vẫn giữ được một bộ cửa võng khắc rồng tuyệt đẹp mà PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho rằng rất có giá trị, là một trong những yếu tố giúp chùa sau này có thể được xếp hạng di tích.

Theo Vũ Hân - CAND

Các tin đã đăng: