ĐẤT
PHẬT
Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn
là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh
đến tu hành. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của nhiều
tao nhân mặc khách như Trạng nguyên Nguyễn Trực, văn sĩ Nguyễn Thượng
Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo
Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông (ở ngôi 1128- 1138), nên
còn gọi là hang Thánh hóa.
Ngoài ra, quanh đỉnh núi còn rất nhiều quần thể kiến trúc Phật giáo và
danh thắng được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau, tạo nên
vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng, mà dân gian thường coi đây là nơi gặp gỡ
giữa người và tiên.
Chúa Trịnh Căn(1682-1709), một vị chúa được coi là có nhiều công lao
trong thời gian trị vì, trong buổi thanh bình thong thả dao chơi miền
thôn dã, trải xem các danh lam thắng tích, thấy nơi nào đẹp đều nhập
vào ngọn bút phẩm đề. Khi đến chùa Phật Tích (tức chùa Thầy) ở xã Sài
Sơn, Quốc Oai đã thốt lên rằng: Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật
Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở
cả bốn mùa. Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn mây ráng; Ao
rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng nhật nguyệt. Núi tựa bình
phong, sông như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu; vàng
gieo sắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh. Trong khi ngoạn thưởng,
cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ lai láng. Liền làm bài
thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực. Thơ rằng:
Càn khôn vẹn thiểu một bầu đông
Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân song tiếng ngọc nện boong boong
Trì thanh lẻo lẻo ngư long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong
Lọn thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông.
Chùa Cao là một ngôi chùa có danh tiếng nằm trên núi Sài thuộc khu vực
chùa Thày ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Tương truyền chùa được xây dựng
từ thời Lý, trong khu vực chùa còn có hang thánh hóa, nơi Từ Đạo Hạnh
thoát xác để có điều kiện quay lại trần thế ở ngôi Hoàng đế nhà Lý.
Phả tích và các tư liệu thành văn có ở chùa ghi nhận, chùa luôn có sư tổ
kế đăng nên cảnh chùa thực sự trang nghiêm. Đến đầu thế kỷ 20, Hòa
thượng Như Tùng là vị sư trụ trì ở đây. Trong năm mươi năm tu trì ở đây,
Hòa thượng đã mang hết tâm sức lo liệu công việc của chùa, nào là xây
tòa tam bảo, nào là tu sửa đường núi lên động, nào xây nhà thiêu hương,
nào sửa hang Thánh hóa… đặc biệt còn cho in kinh sách. Có hàng chục bộ
kinh sách viết về chùa Thày hoặc có liên quan đến chùa Thày đã được in ở
thời kỳ này như Sài Sơn Thánh tổ đại thừa chân kinh, Sài Sơn Thánh tích
thực lục, Sài Sơn thi lục,Thánh tổ linh sám v.v…
Trong bài văn phổ khuyến xây dựng chùa, nhà sư Như Tùng đã viết: "Chùa
Sài Sơn là một cảnh danh thắng của nước Nam ta, ngàn năm về trước có đức
thánh Từ tu luyện ở đó, tới nay dấu hóa vẫn còn, đâu đâu cũng đã biết
tiếng. Nói cảnh thiên nhiên là một cảnh đẹp trong nước, vậy thì tô điểm
non sông trong Tổ quốc cũng là chức trách của quốc dân ta. Nay tôi theo
cảnh thiên nhiên thêm công tu bổ để muốn công đức chung cùng thiên hạ,
há phải bán danh cầu phúc mượn tôn giáo mà lấy sự lợi riêng đâu?".
Nơi đây từng in dấu ấn của nhiều vị Thiền sư đã có công hoằng dương
Phật pháp, thật là miền đất Phật cạnh miền Kinh đô.
CHỢ TRỜI
Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với
nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... Trong đó có một
phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các
bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ.
Chợ Trời được dân gian coi là nơi gặp gỡ giữa người và tiên. Người ta
chán cảnh mua danh bán lợi nơi trần thế, muốn tìm lên chợ Trời để tìm
lấy sự công bình vì nghĩ rằng đã có "Cân giá Thiên bình", tức là cân
Trời. Văn sĩ Hà Thành từng coi nơi đây là điểm dừng chân hội ngộ, nơi
lánh bụi trần ồn ào những danh và lợi.
Dạo cảnh lên qua đỉnh chợ trời
Mua trời quả núi để về chơi.
Của kho tạo vật là bao vạn
Cân giá Thiên bình đáng mấy mươi.
Mây nước bày hàng mười sáu ngọn
Gió giăng mặc cả một đôi lời.
Đem về nay dẫu không văn tự.
Đã có thiên thư nắm vững rồi.
Hay lại thể hiện bằng bài thơ:
Mua danh bán lợi ngán cho đời
Để vắng bao lâu cảnh chợ trời.
Vầng đỏ chiều đông chồi lá vỗ.
Gió vàng phiên trước cánh hoa rơi.
Đầu cầu ngưu nữ mây man mác
Hàng nước rồng tiên cuội khểnh khơi.
Nên nỗi thằng kia ăn cắp chợ.
Nếu không trời biết dễ mà chơi.
Bước lên đỉnh núi thanh cao, rũ bỏ
những âu lo hằng ngày để tận hưởng "của kho vô tận biết ngày nào vơi",
tận hưởng không gian bao la thuần khiết mà thiên nhiên ban tặng cho con
người:
Tung lên đình đám thấy kì đời
Núi của Thầy mà chợ của Trời.
Buổi nắng ô vàng rung là rụng
Hôm trăng cuội đã cắm hoa chơi.
Đất Phật, chợ Trời, nơi gặp gỡ giữa Tiên và Phật. Mới hay, các bậc tao
nhân xưa chỉ lối dẫn đường, để đến ngày nay, du khách thập phương vẫn
nao nức một lần được đặt chân đến chùa Thầy, để được chiêm ngưỡng những
thành quả kỳ diệu của thiên nhiên để lại cho vùng đất linh thiêng hào
hoa này. "Thấy non Sài Sơn có chợ Trời, phen này ta thử, thử lên chơi"
như giục giã bước chân ai.
Nguồn tin: hanoitv.vn