Khám phá pho tượng Phật 200 tỷ, cao nhất Đông Nam Á
16/11/2011 08:59 (GMT+7)


Độc đáo “Hộ Quốc An Dân Phật Đài”

Pho tượng Phật cao 49m được xây dựng trên diện tích đất lên tới 1.376m2, với bệ đá một chiều là 43m, một chiều là 32m. Công trình được làm hoàn toàn từ đá hoa cương nguyên khối vận chuyển từ Nha Trang và Ninh Bình. Tổng trọng lượng của các khối đá lên tới 20.678 tấn. Pho tượng Phật cao 49m thì trong đó, riêng chiều cao từ cổ đến đỉnh đầu là 15m, tương đương với tòa nhà cao 5 tầng, còn phần tai Phật cũng cao tương đương tòa nhà 3 tầng.

Lễ Khai phóng tạc mẫu phần đầu tượng Phật bằng đá hoa cương nguyên khối cao 49m vừa được tổ chức sáng ngày 6/11/2011 trên khoảng đất trống rộng hàng nghìn mét tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Công trình tượng Phật thật sẽ được làm bằng đá hoa cương nguyên khối do Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện. Tượng sẽ được đặt ngay tại vị trí đắc địa nơi ngọn đồi "hữu bạch hổ" trong khuôn viên Thiền viện Tây Thiên với tên "Hộ Quốc An Dân Phật Đài" tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Thầy Thích Kiến Nguyệt (trụ trì Thiền viện Tây Thiên) cho biết: "Sở dĩ pho "Hộ Quốc An Dân Phật Đài" được chọn đặt tại Tây Thiên là bởi dựa trên nhiều nguồn sử liệu trong nước và ngoài nước như: Ngọc Phả Hùng Vương; Đại sử Ký (Mahavamsa) của Tích Lan; Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ; Thủy Kinh chú của Lệ Đạo Nguyên viết vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên; và câu chuyện Nhất Đầm Dạ Trạch trong Lĩnh Nam Trích Quái thì Phật giáo truyền vào đất nước ta từ thời vua Hùng Vương (khoảng TK thứ 3 trước Công nguyên) do hai nhà sư người Ấn Độ đầu tiên có tên là Sonna và Uttara, hai người con của Hoàng đế Asoka, đến vùng đất Tây Thiên Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc, các Ngài xây thành Nê-Lê (tức chùa Địa Ngục) và dựng tháp A-Dục. Từ những dữ liệu trên, trong một chừng mực nào đó chúng ta có thể nói: Tây Thiên là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam".

Pho tượng Phật cao 49m được xây dựng trên diện tích đất lên tới 1.376m2, với  bệ đá một chiều là 43m, một chiều là 32m. Công trình được làm hoàn toàn từ đá hoa cương nguyên khối vận chuyển từ Nha Trang và Ninh Bình. Các kỹ sư phải cần tới 57 thước đá, mỗi thước cao 70cm để thi công kỳ quan tượng Phật bằng đá hùng vĩ này. Tổng trọng lượng của các khối đá lên tới 20.678 tấn. Pho tượng Phật cao 49m thì trong đó, riêng chiều cao từ cổ đến đỉnh đầu là 15m, tương đương với tòa nhà cao 5 tầng, còn phần tai Phật cũng cao tương đương tòa nhà 3 tầng. Sau khi được hoàn thành thì "Hộ Quốc An Dân Phật Đài" là pho tượng bằng đá lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni đang làm lễ tạo mẫu tượng Phật.

Vị trí đắc địa

Nhớ lại nhân duyên ý nghĩa xây dựng Đại Tượng Phật Việt Nam, thầy Thích Kiến Nguyệt kể: Một lần có một Phật tử bạch trình với các vị Hòa thượng trong Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm: "Con đi các nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan thấy có nhiều đại tượng Phật ở những nơi có huyệt đạo quan trọng, để cho nhân dân hướng thiện, tu nhân tích phúc, tin sâu nhân quả, thực hành lời Phật dạy - từ bi, bác ái, vô ngã vị tha, cầu cho tai ách được tiêu trừ, gia đình an vui hạnh phúc... Nhiều người nước ngoài tìm đến để hành hương, tham quan, khiến cho văn hóa, kinh tế vùng đó phát triển".

Từ nhân duyên đó mà Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm có ý tưởng xây dựng một pho Đại tượng Phật cho Việt Nam. Chúng tôi đã cùng các vị giáo sư có tâm huyết hiểu biết về phong thủy, về địa linh ở phía Bắc đi tìm đất thiêng có linh khí để xây Đại tượng Phật. Đoàn chúng tôi đến Ba Vì, từ xưa đã nổi tiếng thiêng liêng, nơi có núi Tản Viên... Sau khi xem xét nhiều nơi, cân nhắc chọn lựa nhiều vị trí, cuối cùng thống nhất chọn vị trí ngọn đồi "hữu bạch hổ" của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ngày nay", thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt nói.

Chư tăng đắp những mẫu đất sét đầu tiên mẫu tượng Phật. Ảnh: TG

Với chiều cao 49m, pho Đại tượng Phật bằng đá hoa cương nguyên khối sẽ trở thành công trình tượng Phật kỳ vĩ nhất có ở Việt Nam. Bên trong tượng là một tòa tháp 10 tầng, tượng trưng cho 10 pháp giới của chúng sinh. Mỗi pháp giới đều có một chữ Tâm nhằm giáo dục con người hướng thiện, rũ bỏ cái xấu. Thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt cho biết: "Chiều cao của pho Đại tượng Phật 49m chính là lấy ý nghĩa từ việc Ngài ngồi thiền liên tục 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ đề, thề không chứng đạo thì bỏ xác tại đó. Ngài ngồi thiền đúng 49 ngày đêm thì chứng đạo thành Phật. Sau đó, Ngài bắt đầu đi truyền đạo, cũng trong 49 năm".

Thiền viện đã mời các vị giáo sư đầu ngành có uy tín, nhiều kinh nghiệm để tham gia tư vấn kiến trúc như: T.S Nguyễn Ngọc Long (nguyên Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng Công trình Giao thông), GS. Hoàng Đạo Kính (Phó Chủ tịch hội KTS VN)... Ban chỉ đạo công trình từng bước triển khai công tác xây dựng như khoan dò địa chất, chuẩn bị mặt bằng, tạo mẫu tượng Phật, lập hồ sơ thiết kế thi công, chọn phương án, duyệt xét mẫu tượng. Sau đó Ban chỉ đạo công trình thống nhất chọn mẫu tượng của điêu khắc gia Nguyễn Văn Đua, tượng này làm bằng chất liệu nhựa composite cao 4,9m (tỉ lệ 1/10). Hiện doanh nghiệp OxC và nhóm các nhà điêu khắc Tạ Quang Bảo, họa sĩ Vi Kiến Thành, họa sĩ Đỗ Khắc Oanh, kiến trúc sư Trịnh Minh Chính... được Thiền viện lựa chọn thiết kế phần tượng và mỹ thuật cho công trình Đại tượng Phật bằng đá hoa cương lớn nhất Đông Nam Á.

Phật tử tham gia lễ tạo mẫu tượng Phật.

"Khó" nhất là thiết kế phần đầu tượng Phật!

Theo họa sĩ Đỗ Khắc Oanh (DN OxC) thì trong quá trình kiến tạo tượng Phật, việc kiến tạo phần đầu là quan trọng và khó khăn nhất. Nếu diện mạo của Phật không mỹ thuật, không thể hiện nét từ bi, trí tuệ và an lạc, để tạo ấn tượng, cảm tính và có sức hút đối với người nhìn, thì xem như không đạt được nhu cầu về tâm linh.

"Muốn gương mặt Phật đạt được những yêu cầu trên thì chúng ta không thể phóng lớn tượng từ mẫu tượng có tỉ lệ 1/10, vì đầu tượng cao tới 15 mét ở trên cao, nghệ nhân cao khoảng 1,7m nên không thể đứng trên dàn giáo ngắm nhìn toàn thể diện mạo Ngài để chỉnh sửa chi tiết. Nếu dùng mẫu tượng Phật cao 4,9m rồi phóng to lên 10 lần, thì phần đầu sai số kĩ thuật và mỹ thuật rất lớn. Do đó, để pho tượng Phật có một diện mạo như ý thì bắt buộc phải tạo mẫu theo tỉ lệ 1/1 bằng đất sét, rồi đổ tượng mẫu này bằng nhựa composite, từ nhựa composite chia thành từng phần nhỏ, các khối đá sẽ theo kích thước hình dáng của mẫu bằng nhựa composite", họa sĩ Đỗ Khắc Oanh nhấn mạnh. Cũng vì vậy nên ngay trong lễ Khai phóng tạc mẫu đầu tượng Phật diễn ra hôm 6/11, các Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng phật tử, nhân dân đã tiến hành nghi lễ đắp đất sét lên mẫu đầu tượng Phật.

Chuẩn bị những suất cơm chay cho khách thập phương.

Việc thi công xây dựng đối với tượng Phật bằng đá là rất khó, vì tính theo tỉ lệ, tượng cao 49m thì khoảng cách từ cổ tới cằm là 3m, tìm kiếm viên đá có chiều dài 3m để đỡ cái đầu là một việc không dễ, đưa tảng đá lớn đó lên cao trên 40m là một việc càng khó. Nếu dùng đá xanh tạo tượng, thì không bền vì bị axit có trong nước mưa ăn mòn tạo thành thạch nhũ đóng trắng, kém mỹ quan. Việc thi công bằng đá hoa cương thì bền hơn, nhưng phải vận chuyển từ Nha Trang (Khánh Hòa) ra Bắc rất khó khăn. Cuối cùng thiền viên Tây Thiên đã chọn biện pháp làm bên ngoài tượng Phật bằng đá hoa cương, các lớp bên trong bằng đá xanh có kích thước tiết diện là 700 x 700 có chiều dài là 700 -1400 - 2100. Các khối đá liên kết với nhau bằng mộng đá, chốt inox và đổ chì giữa các mạch để nước mưa không lọt vào phá hủy lớp đá xanh bên trong tạo hiện tượng thạch nhũ. Dự trù tổng kinh phí cho tượng Phật bằng đá hoa cương và đá xanh khoảng gần 200 tỉ đồng.

Các vị cổ đức dạy "xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, trong 3 việc ấy thập phương nên làm" vì đó là những việc thiện có phúc đức lớn. Đại tượng Phật "Hộ Quốc An Dân Phật Đài" không chỉ là công trình tượng Phật bằng đá lớn nhất Đông Nam Á mà còn là công trình kiến trúc văn hóa mĩ thuật Phật giáo độc đáo, vừa là lời nhắn nhủ giáo huấn của chúng ta hôm nay đối với con cháu ở thế hệ mai sau.

Một số pho Đại Tượng Phật nổi danh trên thế giới

Tượng Tian Tan Buddha (Đại Phật Thiên Tân) ở Lan-Thau, Hồng Kông, tượng này rập khuôn theo mẫu tượng Phật ở chùa Thiên Đường ở thủ đô Bắc Kinh, tượng bằng đồng cao 34m.

Tượng Phật Daibutsu ở Nhật Bản đặt tại chùa Kotoku-in, bằng đồng rỗng, cao 13m, nặng 93 tấn.

Tượng Phật A Di Đà tọa lạc tại thành phố Ushiku là tượng Phật cao nhất thế giới ngày nay, tượng bằng đồng, cao 120m, trị giá 30 triệu USD, hoàn thành năm 1955. Hiện nay là điểm du lịch tâm linh, thực hành tín ngưỡng nổi tiếng thế giới.

Đại tượng A Di Đà ở Linh Sơn Trung Quốc, tạo dựng năm 1996, cao 88m, do 1560 bản đồng đúc ghép thành, diện tích thân tượng hơn 9.000m2, nặng gần 700 tấn đồng.

Đại Tượng Phật Di Lặc Ấn Độ khởi công xây dựng từ ngày 21 đến ngày 23/3/1996, dự trù hoàn thành vào năm 2012. Tượng cao 153,7m, đặt trên khuôn viên có diện tích là 48 hecta, chi phí riêng phần tượng là 111triệu USD.

Theo Diệu Tâm - GĐN

Các tin đã đăng: