Những lợi ích của tri túc
20/10/2010 15:04 (GMT+7)

Ngày nọ, một ông vua đến viếng thăm Bụt và đặt một câu hỏi: “Khi trẫm nhìn vào những đệ tử của ngài, trẫm cảm nhận được sự bình an, sự vui vẻ và màu da chói sáng của họ. Trẫm cũng nghe rằng họ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nhưng thực sự trẫm không thể nào hiểu nổi làm sao họ có thể duy trì một đời sống như thế này?”. Bụt đã trả lời vị quân vương này thật tuyệt mĩ:

“Các đệ tử của Như Lai không hối hận về những gì có lẽ đã làm trong quá khứ nhưng chỉ tiếp tục làm nhiều và nhiều hơn nữa những thiện nghiệp. Thật không thể bằng sự hối lỗi dày vò, cầu nguyện hay van vỉ mà chỉ bằng việc làm tốt đẹp như giúp đỡ người khiến ai đã phạm tội lỗi trong quá khứ vượt qua được (cảm giác) tội lỗi. Đệ tử của Như Lai không bao giờ lo lắng về tương lai. Họ bằng lòng với những gì mà họ nhận được, và đây chính là đức tính biết đủ. Họ cũng không bao giờ nói rằng điều này thứ kia là không đủ cho họ. Đây là cách sống của họ. Do đó họ có thể duy trì một trạng thái bình an, vui vẻ và tỏa sáng hào quang chính là kết quả của sự tri túc.”

Bất cứ ai cũng có thể thử duy trì sự vui vẻ này bằng cách tri túc – biết đủ. Nếu có ai đó hỏi rằng tại sao chúng ta không thể bằng lòng với đời sống của chúng ta mặc dù chúng ta có nhiều thứ hơn là chúng ta cần, thì câu trả lời đúng đắn là gì? Câu trả lời đúng đắn nên là: “Chúng ta không có sự biết đủ”. Nếu chúng ta quả thật có sự tri túc thì chắc chắn là ta không bao giờ nói rằng chúng ta không bằng lòng với điều này hay với điều kia. Chúng ta không thể thỏa mãn với chính mình vì sự xung đột giữa lòng tham không đáy của chúng ta với định luật vô thường.

Một trong những lời khuyên tốt nhất của Bụt cho chúng ta để thực hành như một nguyên tắc sống là “Tri túc là tài sản lớn nhất”. Một người giàu có thì không nhất thiết là một người giàu về tiền bạc, của cải vật chất.

Một kẻ giàu có thì thường xuyên lo sợ cho mạng sống của y. Y thường xuyên ở trong trạng thái nghi ngờ và sợ hãi, nghĩ rằng người ta đang chờ đợi để bắt cóc y! Một kẻ giàu sụ không dám đi ra ngoài mà không có cảnh vệ, và mặc dù đã có rất nhiều cổng sắt và ổ khóa trong nhà, y vẫn không thể ngủ an giấc mà không bị quấy rầy bởi sợ hãi và lo lắng.

Hãy xem, một người tri túc thì quả là một người rất may mắn bởi vì tâm anh ta không phải vướng bận những quấy rầy kia. Anh ta quả là giàu. Vậy thì, thế nào thì được gọi là tri túc? Khi ai đó nghĩ “chừng này cũng đủ cho tôi và cho gia đình tôi và tôi không muốn gì hơn nữa”, đó chính là sự tri túc. Nếu mọi người đều nghĩ được như thế này thì quả là không có vấn đề gì. Khi chúng ta duy trì sự tri túc này, ganh ghét có thể sẽ không bao giờ khống chế tâm chúng ta và bởi vậy chúng ta để mặc cho người khác thụ hưởng đời sống của họ. Nếu không có sự ganh ghét thì sân hận cũng không thể sinh khởi. Nếu không có sân hận thì không có bạo động, đổ máu và mọi người đều có thể sống một cách hòa bình.

Một đời sống tri túc luôn cho ta hy vọng và sự tự tin. Đây không phải chỉ là lý tưởng. Đã hơn 25 thế kỷ chư Tăng ni trong giáo pháp của Bụt đã sống một cách hòa hợp như vậy. Họ chỉ có tứ vật dụng là thức ăn, y áo, chỗ ở và thuốc chữa bệnh. Không có ai cần gì nhiều hơn để sinh tồn. Và nhiều Phật tử, họ đã sống một cách rất tri túc, không cho phép tham lam khống chế những gì là căn bản cần thiết. Quả đáng ngạc nhiên, để trở thành tri túc, chúng ta chẳng cần bao nhiêu.

Theo Ven. Dr. K Sri Dhammananda Thera, Sư cô Pháp Hỷ dịch
Tạp chí Phật học

Các tin đã đăng: