Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm qua nghệ thuật điêu khắc cổ
04/07/2010 01:30 (GMT+7)

Trong các thư tịch cổ, hình tượng Quán Âm rất phong phú. Theo Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết thì có 11 hình tượng khác nhau của Quán Âm, nhưng sách Quán Thế Âm và Lục Quán Âm chỉ đưa ra 6 hình tượng. Ở Việt Nam, hình tượng Quán Âm có nhiều nét đặc thù, với nhiều hình tượng khác nhau trong các ngôi chùa cổ, được các nhà nghiên cứu thống kê và chia thành 6 nhóm phổ biến: Thánh Quan Âm; Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; Quan Âm Chuẩn đề; Quan Âm Tống Tử; Quan Âm Nam Hải; Quan Âm Tọa Sơn.

Ở Trung Quốc, Quán Thế Âm là vị Bồ tát được tôn thờ nhiều nhất, xuất hiện từ thế kỷ I, nhờ bản kinh Pháp Hoa mà tín ngưỡng thờ Quán Âm được truyền bá sâu rộng. Hình tượng Quán Âm về sau thường được tạc trong dáng nữ thân. Người ta tin rằng, Quán Thế Âm chính là người mẹ hiền của tất cả chúng sinh, người luôn lắng nghe và nhìn thấu mọi nỗi khổ chốn nhân gian, và luôn ra tay cứu độ. Tín ngưỡng phụng thờ Quán Thế Âm được truyền bá sang Nhật từ thế kỷ VI, không lâu sau triều đình Nhật Hoàng đã cho tạc hàng trăm pho tượng Quan Âm để kỳ an cho Hoàng đế.

Mặc dù truyền thống thờ Quán Âm đã xuất hiện rất lâu đời ở nước ta, thế nhưng những pho tượng cổ thuộc mô típ này hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ lại có niên đại rất muộn. Ở miền Bắc Việt Nam, pho tượng Quan Âm sớm nhất được biết đến hiện nay là pho Quan Âm Nam Hải ở chùa Cung Kiệm (Hưng Phúc tự, Bắc Ninh) có niên đại năm 1449. Kế đến là những pho tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại thế kỷ XVI, hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên (Đa Tốn - Gia Lâm - Hà Nội); chùa Nga My (Hà Nội); chùa Thượng Trưng, chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Động Ngọ (Hải Dương), chùa Bối Khê (Hà Tây). Thuộc niên đại thế kỷ XVI còn có pho tượng Quan Âm Cứu Độ ở chùa Phổ Minh. Từ thế kỷ XVII trở đi, hệ thống tượng Quán Âm ngày càng nở rộ, muôn hồng ngàn tía. Quán Âm được sáng tác với hình tượng Phật Bà có ngàn tay  và ngàn mắt; ngàn mắt biểu trưng cho Đại trí tuệ, ngàn tay biểu trưng cho Đại từ bi. Đặc sắc nhất phải kể đến những pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh) vào thế kỷ XVII, chùa Mễ Sở (Hưng Yên), chùa Tây Phương (Hà Tây) đều có niên đại vào thế kỷ XVIII... Pho tượng được coi là kiệt tác nghệ thuật bậc nhất trong nghệ thuật tạc tượng Việt Nam là pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn của chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh). Tượng cao 370cm, rộng 210cm, được làm từ gỗ sơn son thếp vàng, nghệ nhân Trương Thọ tạc vào mùa Thu năm Bính Thân triều Lê trung hưng (1656) cung tiến lên chùa. Đủ 1.000 bàn tay tạo cảm giác trùng trùng điệp điệp, ngoài đôi tay chính, là 998 bàn tay được gắn lên một giá đỡ hình đĩa rất lớn, đường kính 210cm, giá đỡ bố trí sát ngay phía sau thân tượng.

Các tượng  Quan Âm Tọa Sơn đặc sắc như: ở chùa Đại Trà (Hải Phòng) thế kỷ XVI; chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh), chùa Đa Tốn (Hà Nội) vào thế kỷ XVII; chùa Cả, chùa Nhạ Phú, chùa Dương Liễu (Hà Tây) vào thế kỷ XIX. Một dạng rất đặc biệt là Quan Âm Tống Tử mà dân gian quen gọi là Quan Âm Thị Kính, ở chùa Tây Phương, chùa Mía và các chùa khác thuộc thế kỷ XVIII. Quan Âm Tống Tử hòa nhập với Quan Âm Thị Kính lại là một sáng tạo độc đáo nữa của văn hóa Phật giáo Việt. Câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc nước ta, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính, “Xem trong cõi nước Nam ta/chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”. Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm Đồng Tử và Quan Âm Tống Tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.

Quan Âm còn xuất hiện trong bộ Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí) như ở chùa Thầy, chùa Bắc Lãm (Hà Tây) vào thế kỷ XVII, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào thế kỷ XVIII, và phổ biến trong các chùa thế kỷ XIX. Đáng chú ý trong các loại tượng Quan Âm Bồ tát ở chùa Việt là Quan Âm Chuẩn Đề, có nghĩa là “Tịnh Khiết”. Chuẩn Đề vẫn được hiểu là một pháp ấn được thể hiện bằng hai bàn tay chắp vào nhau đưa lên trước ngực, 2 ngón tay giữa dựng thẳng (tạo thành mũi nhọn của vajra - kim cương), các ngón còn lại đan vào nhau và quặp xuống, 2 ngón cái hoặc chắp dính vào nhau hoặc đan chéo nhau và gập lại.

Trong động Hương Tích - chùa Hương còn lưu giữ nhiều pho tượng quý, lừng danh nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tọa lạc chính giữa tòa Tam bảo, tượng do Võ quan Nguyễn Huy Nhật cho tạc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793) để cúng dường. Tượng gắn liền với truyền thuyết về Quán Âm Diệu Thiện. Quán Âm bản hạnh chép: Phật Bà là con gái thứ ba của vua Trang Vương, nước Hưng Lâm. Lớn lên, hai cô chị của Chúa Ba lập gia đình, ngán nỗi toàn gặp phải những chàng phò mã ham chơi. Vua Trang Vương ép Chúa Ba lấy chồng, những mong kén được người tài cho nối ngôi. Chúa Ba không tuân lời, nhất định xin đi tu để cứu độ gia đình và chúng sanh thoát khỏi tai ách. Trang Vương nổi giận sai đốt chùa, sát hại Chúa Ba. Trời Phạm Thiên bèn sai thần núi Hương Tích hóa thành chúa sơn lâm nhảy xuống cứu nạn Chúa Ba. Thần hổ cõng Chúa Ba về núi Hương Sơn, để bà tu hành ở am Phật Tích, Chúa Ba đắc đạo hóa thành Phật Bà ngàn mắt ngàn tay. Nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quán Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ…

Một trong những mô típ tạo hình Quán Âm độc đáo nhất, hiếm thấy ở nước ta là pho tượng Mã Đầu Quán Âm ở chùa Vĩnh Phúc (Hoài Đức, Hà Tây). Hình tượng Mã Đầu Quán Âm được nhắc tới trong sách Quán Thế Âm và Lục Quán Âm, phong cách đặc trưng là có 3 đầu hai tay, hoặc ba mặt tám tay. Trên đỉnh của ba mặt đều mang hình đầu ngựa, hóa thân này là của Đức Quán Âm bởi tâm đại bi, không đi vào Niết bàn mà cư ngụ trong các cảnh giới vô minh để cứu độ những ác thú. Theo Nguyễn Minh Ngọc (Viện Nghiên cứu Tôn giáo), tượng Mã Đầu Quán Âm chùa Vĩnh Phúc được làm bằng gỗ, đặt trên bệ cũng bằng gỗ. Tượng tạc một người phụ nữ ở tư thế ngồi trên ngọn núi, gương mặt tươi tắn, hiền hậu, đầu đội mũ làm theo kiểu nhọn dần lên phía trên. Hai chân buông thõng, một tay để vào nếp áo trước bụng, tay kia ôm con ngựa trắng, ngựa nép sát người, chỉ nhìn thấy một chân phía trước, đầu ngựa tỳ vào vai Quán Âm. Niên đại tượng vào khoảng thế kỷ XIX, cao 113cm, ngang vai 27cm. Tượng Mã Đầu Quán Âm chùa Vĩnh Phúc có nhiều nét khác biệt với mô típ của Trung Quốc được mô tả trong Quán Thế Âm và Lục Quán Âm.

Bài, ảnh CHU MINH KHÔI (Theo GNO)

Các tin đã đăng: