Còn đó nếp sống xưa ở Sri Lanka
Nguyễn Lâm
16/05/2010 03:03 (GMT+7)

Chúng tôi đến sân bay quốc tế Bandaraynake khi trời vừa sáng. Bước ra khỏi sân bay khá hiện đại, đập vào mắt chúng tôi là từng hàng xe khách cũ kỹ chạy chầm chậm trên đường phố chật hẹp.

Nghe nói chi phí sinh hoạt tại Colombo - thành phố lớn nhất Sri Lanka cách sân bay một tiếng đồng hồ chạy xe - khá đắt đỏ, lại không có nhiều nơi để tham quan, cả nhóm quyết định đến Negombo - một thị trấn nhỏ ngay bên bờ ấn Độ Dương cách sân bay chỉ mười lăm cây số. Đúng như những thông tin trong sách hướng dẫn du lịch, Negombo có bãi biển rất đẹp và nhiều kiến trúc cổ xưa, nhiều khách sạn giá rẻ, nhiều công ty du lịch…

Đời bình yên bên bờ Ấn Độ Dương

Quần thể đền thờ răng Phật

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là ở Sri Lanka, đi đâu cũng nhìn thấy tượng Phật! Tại vòng xoay, các ngã tư hoặc hai bên đường thường có cây bồ đề với một gian chùa nhỏ để người qua đường lễ bái. Thỉnh thoảng lại thấy một em học sinh mặc đồng phục, đeo cặp sách, tay cầm chùm hoa sứ hoặc hoa dại đến đặt dưới chân tượng Phật với vẻ mặt thành kính.

Riêng ở Negombo có cả chùa, nhà thờ Thiên Chúa giáo và đền thờ Hồi giáo. Trên những con phố nhỏ, rải rác đây đó là những công trình tôn giáo cổ kính: nhà thờ xây thời còn là thuộc địa Hà Lan, chủng viện có lối kiến trúc Bồ Đào Nha, những ngôi chùa thâm u...

Con kênh đào do Hà Lan xây dựng từ mấy thế kỷ trước nằm giữa hai hàng cây trông khá thơ mộng, êm đềm. Hầu như từ sáng tinh mơ đến tối mịt, trong thị trấn luôn văng vẳng tiếng đọc kinh, tiếng cầu nguyện. Tuy không thật sạch đẹp nhưng đời sống Negombo rất yên bình, người dân tỏ ra thân thiện và không tiết kiệm nụ cười đối với du khách.

Một kiến trúc cổ nho nhỏ ở Negombo

Đa số nhà ở Negombo đều có vườn cây rộng rãi, trong đó trồng rất nhiều dừa lửa. Những trái dừa vỏ vàng ươm bóng mượt chính là thứ nước uống tuyệt vời trong buổi trưa oi ả nơi đây. Biển ở Negombo rất đẹp. Dưới ánh mặt trời chói lọi, cả bầu trời và nước biển đều một màu xanh biếc, trong veo.

Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe đi thành phố cao nguyên Kandy - cố đô cuối cùng của Sri Lanka. Thừa hưởng nhiều di sản văn hóa Phật giáo tầm cỡ, ngày nay Kandy vẫn là thành phố quan trọng bậc nhất về mặt tâm linh đối với người dân nước này. Khu đền thờ xá lợi răng Phật cùng với dinh thự hoàng gia và các công trình cổ xung quanh đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đường lên Kandy uốn lượn qua các đồi trà xanh mướt rất đẹp. Trên con đường hẹp luôn có khá đông xe khách cũ kỹ ì ạch vượt những đoạn dốc cao. Trong xe chật nêm du khách balô và người dân từ các thành phố lớn về đây hành hương. Điểm tham quan đầu tiên trong ngày là đền Embekka Devalaya thờ vua Mahasena sống ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên, một trong những vị vua lừng lẫy nhất lịch sử Sri Lanka.

Đền có lối kiến trúc hao hao giống một số chùa cổ ở Việt Nam, khác chăng là có rất nhiều bức phù điêu bằng đá tuyệt đẹp. Ngôi đền được tương truyền là đang còn giữ và thờ một chiếc răng của Phật nằm ở trung tâm Kandy, bên một hồ nước trong xanh.

Ngọt ngào nụ cười Sri Lanka

Ngoài mật độ di tích dày đặc, Kandy còn hấp dẫn nhờ người dân nơi đây vẫn giữ được đời sống, lối sinh hoạt truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Mỗi sáng, đông đảo Phật tử tự nấu xôi mang đến đứng xếp hàng trước đền đợi đến lượt lễ Phật. Họ phải đi qua một cánh cửa được bảo vệ nghiêm ngặt mới được dâng xôi lên đức Phật.

Vẻ ngộ nghĩnh của một chú khỉ

Giống như tất cả các đền chùa trên đất nước này, du khách vào đây phải đi chân không. Cái nóng gay gắt tích tụ trên từng viên gạch khiến ai cũng cảm thấy bàn chân bỏng rát. Đây là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi đền đẹp đặc sắc, trong đền còn có những bức hình vẽ các câu chuyện về đức Phật và lịch sử Phật giáo. Nhà của người dân ở trung tâm Kandy rất xinh xắn, trước nhà thường có khoảnh vườn trồng cây xanh um và hoa đủ màu.

Chủ một quán trà ở đây bằng vài từ tiếng Anh và bằng… cách ra dấu cố gắng khoe với chúng tôi: Chỉ cần rải một ít vụn bánh ra vườn là các loài chim, sóc sẽ tấp nập kéo đến. Còn vợ ông, một phụ nữ mập mạp miệng luôn tươi cười nhờ ông hỏi chúng tôi rằng món trà sữa bà pha có vừa miệng không. Vị ngọt của trà sữa, món uống quốc hồn quốc túy của Sri Lanka chắc sẽ còn đọng lại trong tôi rất lâu cùng với những nụ cười hồn hậu mà bất cứ du khách nào cũng được nhận ở Kandy.

Bãi tắm của những chú voi mồ côi

Trên đường về chúng tôi ghé thăm một trại nuôi voi mồ côi nằm bên bờ sông, nơi ở của hàng trăm con voi bé nhỏ bị lạc mất cha mẹ. Nhìn những chú voi con vô tư đùa giỡn giữa thiên nhiên tươi đẹp, tôi thấy lòng chợt có một niềm vui nhẹ nhàng. Trong bữa ăn tối tại một quán bên đường cùng với bác tài xế, lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy tận mắt cách ăn bằng tay.

Khi một tô cơm nóng cùng khoảng sáu, bảy cái chén nhỏ đựng thức ăn, trong đó có chén cà ri sền sệt được bày ra bàn, bác tài trộn các thứ với nhau một cách khéo léo và ăn ngon lành bằng cách dùng các ngón tay phải. Trước ánh mắt tò mò của cả đoàn, bác tài vui vẻ nói rằng người Sri Lanka cho rằng chỉ khi ăn bằng tay mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị của thức ăn!

Đất nước của sư tử và hoa sen

Tượng Phật ở Dambulla

Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe đi tham quan Sigirya và Dambulla. Khởi hành từ lúc 5 giờ sáng nhưng không ai còn cảm thấy buồn ngủ trước cảnh mặt trời mọc. Giữa ban mai tinh khiết, vầng dương đỏ rực rỡ như một tấm kính màu từ từ nhô lên bầu trời màu cam sữa. Phong cảnh hai bên đường khá cuốn hút với những cánh rừng xanh bạt ngàn và những rừng dừa bất tận. Thỉnh thoảng mới thấy một thị trấn nhỏ với những mái chùa thâm nghiêm.

Hơn 9g sáng, chúng tôi đến núi Sư Tử - một trong những di sản văn hóa của thế giới vì trên đỉnh ngọn núi đá này có khu thành cổ Sigirya. Được dựng vào thế kỷ thứ V, Sigirya giờ đây hầu như chỉ còn lại phần nền. Nhưng qua những gì còn hiện hữu, trong đó có cả hồ bơi của vua, đủ thấy công trình này đã từng có thời huy hoàng đến thế nào.

Vuốt sư tử đá hai bên lối lên cung điện Sigirya

Những mảng tường còn lại và trên những vách đá vẫn còn rất nhiều hình vẽ miêu tả con người và nếp sinh hoạt thời xưa, màu sắc và đường nét vẫn còn nguyên, rất sống động. Đặc biệt nhất là ngay dưới chân núi, ở hai bên lối đi lên cung điện được tạc hình móng vuốt sư tử khổng lồ (sư tử là biểu tượng của đất nước Sri Lanka, tên cũ của đảo quốc này là Ceylon, có nghĩa là con cháu của sư tử).

Để lên được cố cung qua những bậc thang cheo leo, chúng tôi phải chen giữa đông đúc dân địa phương lẫn du khách giữa cái nắng như đổ lửa nên ai nấy mệt phờ. Nhưng khi lên đến đỉnh núi lộng gió, phóng tầm mắt ra xung quanh, thấy một vùng non xanh nước biếc, ngắm nhìn những hồ nước trong như gương, những ngọn núi ẩn hiện trong mây, ai nấy đều cảm thấy sảng khoái, những mệt nhọc trên suốt chặng đường vừa trải qua dường như đã tan biến...

Tượng Phật ngồi ở chùa Vàng

Chúng tôi đi tiếp gần 20 cây số để đến với thị trấn Dambulla nổi tiếng với chùa Vàng và chùa Hang. Trên đường đi lên, ngoài người dân tấp nập đến cúng lễ còn có những chú khỉ cầm hoa sen, đứng nhìn người từ xa trông rất đáng yêu. Dambulla cũng là một trong các thành phố cổ của khu vực Tam giác văn hóa nổi tiếng Sri Lanka.

Chúng tôi chụp ảnh tượng Phật ngồi khổng lồ ở chùa Vàng rồi sang chùa Hang. Ngôi chùa này trải dài trong bốn hang động nằm trên đỉnh một ngọn núi nhỏ. Mỗi động đều có rất nhiều tượng Phật, hình vẽ trên tường và trần hang mấp mô. Đèn chiếu sáng được bố trí khéo léo dưới chân các bức tượng, tạo nên một không gian lung linh, ảo diệu. Điểm khác biệt so với chùa chiền ở Việt Nam là người Sri Lanka không đốt nhang. Cạnh các bức tượng Phật hay trên bàn thờ chỉ có hoa súng và hoa sen - loại hoa biểu tượng cho lòng thành.

Hai ngày trôi qua nhanh theo lịch tham quan dồn dập, chúng tôi nhận ra sự hối hả của mình thật khác với nhịp sống chậm rãi của người dân bản xứ. Cũng như những thế hệ cha ông, sau giờ đồng áng, phần lớn cư dân đảo quốc này thong thả đồ xôi, đi hái sen lễ Phật, tận hưởng cảm giác bình yên của niềm tin. Có lẽ nhờ đó mà trên các nẻo đường Sri Lanka, chúng tôi thường được nhìn thấy những nụ cười còn thật sự hồn nhiên!

 

Theo: Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Các tin đã đăng: