Nở hoa tâm hồn
23/04/2013 23:35 (GMT+7)



Trong đạo Phật, khởi đầu tu hành, khi còn là cư sĩ thì quy y Tam bảo, nghĩa là kính trọng Phật là bậc Đạo sư, lấy Giáo pháp làm kim chỉ nam và tôn kính chư Tăng dìu dắt mình trên bước đường tu. Và đến lúc đủ duyên, quý vị phát tâm xuất gia thì phải cần thầy thế độ là cạo tóc cho mình, gọi là bổn sư thế độ, tức vị đó dìu dắt mình suốt cuộc đời tu hành. Nam cư sĩ xuất gia thì nương vào Tăng, nhưng nữ cư sĩ xuất gia phải nương các Ni trưởng. Tăng không độ cho Ni, vì Ni có tâm trạng phức tạp, chỉ có các Sư bà biết được tâm trạng của phụ nữ.

Khi tôi xuống tóc, Hòa thượng Trí Đức cho tôi pháp danh là Nhật Nghiêm, pháp tự là Trí Quảng. Đặt pháp danh xong, ngài xuất bài kệ làm kim chỉ nam cho tôi tu hành. Hòa thượng dạy tôi nương theo bốn câu kệ này tu hành, nhất định có kết quả tốt. Người xuất gia không may gặp vị Tăng đạo đức không cao thì không thể che mát được.

Xuất gia cần có bậc cao đức để nương, làm bóng mát để mình tránh được sự oi bức của cuộc đời. Nếu gặp thầy trẻ xuất gia một lúc, thầy đó hoàn tục, làm sao tu, phải cầu vị cao tăng khác chỉ đạo. Hoặc xuất gia rồi, nhưng ở với thầy, phát hiện những điều mình bất kính thì phải bỏ đi. 

Tu Phật để tâm hồn mình luôn nở hoa - Ảnh minh họa

Trong kinh Hoa nghiêm cũng dạy rằng học với vị sư đắc được pháp nào đó, rồi phải từ giã, theo vị sư khác để tiến tu, không thể theo vị đó suốt đời. Còn nếu ở với thầy còn nhiều điều mình cần học thì ở lại được. Mỗi người có sở đắc riêng, chúng ta học xong rồi đi. Thiền diễn tả ý này là: “Khô mộc lý long ngâm bằng quân hội đạo khứ”. Đạo là cái gì vô ảnh vô hình, không thể nắm bắt được.

Vì vậy, thấy vị cao tăng tu hành, sống bình thường, nhưng tại sao được người người kính trọng. Việc đó không thể giải thích, không bắt chước được, chỉ có ngộ đạo mới thấy được. Thầy ăn một chén cơm, mình cũng ăn vậy. Thầy tụng kinh, mình cũng tụng kinh y hệt như thầy, nhưng sao người không kính trọng mình. Đạo khó hiểu là vậy, nên phải tìm cửa để vào. Khi nào chúng ta học ở thầy được rồi, nghĩa là việc gì thầy làm được, mình cũng làm được thì chúng ta từ giã thầy, lúc ấy mới lên được, nở hoa được.

Tôi khuyên quý vị nếu thấy tôi không có gì đáng học thì nên tìm đạo sư khác để học; đừng vì đã quy y với thầy mà ở với thầy sanh phiền não là sai.

Hòa thượng cho tôi bài kệ là định hướng cho tôi đi đúng:

NHẬT lãm Thiền tông cổ đại nhân

NGHIÊM trì giới hạnh siêu tinh thần

TRÍ châu Pháp giới chơn thường lạc

QUẢNG phát tâm hoa nhựt nhựt tân.

Nghĩa là hoa lòng phải nở ra, mỗi ngày phải luôn mới. Vì vậy, tôi suy nghĩ mỗi ngày tu hành, nếu tôi không phát hiện thêm ý mới thì coi như ngày đó vô nghĩa. Phát hiện điều mới là trong lòng mình nở hoa. Mỗi ngày chúng ta phát hiện một ý tưởng để thăng tiến trên đường đạo, nhưng muốn như vậy, phải làm sao?

Mỗi ngày phải siêng năng đọc tụng kinh điển, không tụng kinh thì trí không sanh, không đọc tụng kinh thì thấy ngày đó thiếu thốn, nghĩa là Pháp thân mình bị ốm yếu, vì người tu lấy Pháp làm thân, không phải lấy sinh mạng làm thân. Mỗi ngày thân phải nghe pháp, tụng kinh, nếu không thì Pháp thân yếu. Mỗi ngày mỗi ngày chúng ta dành thì giờ cho việc đọc tụng, suy tư Phật pháp; không làm như vậy, chúng ta dễ lạc đường, khó quay trở lại. Thà không tu còn đứng tại chỗ, nhưng tu sai thì đi lạc xa, không tiến được, mà rớt vào ngã mạn.

Thực tế cho thấy một số Phật tử tu lâu, nhưng tu sai nên rất khó chịu, nghe pháp thì không chú tâm và hiểu đạo theo dị kiến, họ học nhiều biết nhiều, nhưng làm cho người ghét, rồi lại khoe rằng tôi tu lâu rồi, nhưng thực sự đã bị lạc. Trong lúc người mới phát tâm nghe pháp tập trung và có ảnh hưởng tốt, tâm họ thanh tịnh. Vì vậy, cổ nhân nói phải giữ tâm ban đầu. Người mới phát tâm vào chùa thấy tượng Phật uy nghiêm thì kính trọng, nhưng đi lâu lại xem thường Phật. Đó là nhứt niên Phật tại tiền, lúc mới tu, Phật ở trước mặt, nhưng nhị niên Phật thăng thiên, lúc thấy Phật, lúc không thấy, hay thấy Phật bình thường là tâm hư rồi. Và tam niên bất kiến Phật, tu ba năm thì không còn thấy Phật, là tu sai, đi lạc quá xa.

Người xưa khuyên tu lúc nào cũng có Phật ở trước mặt, hay giữ Phật trong lòng, mới có tiến bộ; đó là ý câu kệ thứ nhứt. Nhờ câu kệ này, tôi nghiền ngẫm, luôn có Phật trước mặt và để Phật vào lòng; từ đó gặp việc buồn không buồn, gặp việc thuận hay nghịch đều không thiết, vì trong lòng đã có Phật.

Câu thứ hai: Nghiêm trì giới hạnh siêu tinh thần. Việc quan trọng tu hành phải có giới hạnh, mất giới hạnh là đi lạc. Giới ban đầu ràng buộc chúng ta, nhưng tu một thời gian, điều ràng buộc làm chúng ta trở thành người đáng kính trọng. Thí dụ Phật tử tu năm giới, mới đầu không được uống rượu cảm thấy khó chịu, nhưng sau quen, không nghiện rượu thấy dễ chịu; nói cách khác là khi cai được nghiệp của mình sẽ thấy giải thoát là nhờ giới làm chúng ta thanh tịnh.

Giữ được giới nào thì thân chúng ta thanh tịnh chỗ đó, đáng được kính trọng chỗ đó. Càng giữ giới càng tốt, từng bước siêu thoát, đi lên. Thân vật chất chúng ta vẫn hiện hữu, nhưng tinh thần chúng ta thăng hoa gọi là thoát tục và khi chúng ta không bận rộn hơn thua phải trái với cuộc đời thì trí sanh ra, hiểu biết sanh ra.

Còn kẹt cuộc sống, quyết định của chúng ta không sáng, thấy theo tình cảm thì thương trái ấu cũng tròn. Tinh thần chúng ta siêu thoát thế gian, thấy mới đúng.

Theo Phật, thiện tri thức có hai là người xấu và người tốt. Thấy người xấu và người tốt đều là thiện tri thức thì tinh thần mới nở hoa, nhìn đời đẹp như vậy là nhìn theo Thiện Tài. Người tâm bị giới hạn thấy gì cũng xấu, vô chùa thấy sư không vừa ý, gây một trận bỏ về; về nhà thấy người thân là cha mẹ vợ con cũng không thích, bỏ đi là không còn đất sống.

“Trí châu Pháp giới chơn thường lạc”. Người sống ung dung tự tại là vì tinh thần của họ siêu thoát. Siêu thoát tinh thần thì đi vào cuộc đời mới thấy chơn thường lạc là thấy lạc quan, yêu đời, vì thấy theo Hoa nghiêm, mỗi người một vẻ, một ý tưởng tốt. Kinh Pháp hoa nói chỉ có hoa sen đẹp nhất, nhưng kinh Hoa nghiêm nói tất cả các hoa đều đẹp, kể cả hoa dại, có những hoa nhỏ đơn giản vẫn  đẹp, tập hợp thành vườn hoa đẹp, tức cuộc sống đẹp.

Thật vậy, có người rất nghèo, nhưng sau khi lao động, họ ăn bánh mì khô cũng thấy rất dễ thương, hay chúng ta cho con cá ăn thấy nó cũng đẹp, thấy nó vui ta cũng vui. Tâm chúng ta siêu thoát thì tất cả mọi việc đều thấy đẹp, nhưng tâm còn kẹt cuộc đời thì thấy không có gì đẹp. Ở núi, tôi thấy con sóc, con khỉ bò ra leo lên cây bắp, gỡ vỏ ra, lấy hột ăn mà trái bắp còn nguyên, thấy rất dễ thương.

Khi tâm hồn chúng ta siêu thoát, không còn hơn thua giành ăn với chúng sanh thì thấy cái gì cũng có nét đẹp riêng. Phật dạy chúng ta tu, nhìn cái dễ thương, đừng nhìn cái đáng ghét. Người quá tham lam thấy cái gì cũng đáng ghét. Dứt sạch tham lam, siêu thoát tâm hồn, trí chúng ta châu viên Pháp giới là cánh cửa giải thoát, từ đó thấy chơn thường lạc là thấy cái thật.

Thấy thật là sao? Vì chúng ta tham, tranh giành với chúng sanh nên thấy nó ghét; nhưng lòng chúng ta cởi mở thấy trái đất này là của muôn loài, thì tại sao ta hại nó. Loài nào chúng ta cũng diệt, vì chúng ta tranh giành sự sống với nó, chúng ta không muốn nó sống thì nó cũng không muốn chúng ta sống, nên tất cả đều chết. Sự thật theo Phật thì tất cả các loài tương quan tương duyên tồn tại, một loài mất là mất sự cân bằng của trái đất. Chẳng hạn như tôi thấy voi rừng ra quật chết người, nó nổi giận, vì ta lấn đất, giành cuộc sống của nó. Rừng là chỗ ở của nó, nhưng chúng ta khai hoang, buộc nó phải tiến ra phá hoa màu thì chúng ta lại diệt nó.

Phật dạy rằng tất cả vì cuộc sống mà tranh giành giết nhau, cái gì hợp với ta thì ta thấy phải, không hợp với ta thì ta cho là trái. Tất cả các loài phải cộng tồn. Một ngàn năm trước, trái đất có bao nhiêu người, đất dành cho loài khác tồn tại; nhưng một ngàn năm sau, loài người phát triển quá nhanh, đẩy tất cả các loài khác vào vòng diệt chủng. Và riêng trong loài người còn tranh giành với nhau, tự hủy hoại nhau.

Nếu có ý thức cân bằng môi trường sống thì cái gì cần cho ta sống và cái gì phải để cho các loài khác sống, cái gì cần giữ cho thiên nhiên tươi tốt, thì không tàn phá thiên nhiên, không sát hại muông thú, chắc chắn là không xảy ra thiên tai, không bị khủng hoảng môi sinh gây tác hại cho chính loài người và cho cả thiên nhiên, cùng muôn loài.

Thấy đúng sự thật gọi là chơn, ta phải giải quyết tốt đẹp, làm sao ta sống và các loài cùng sống, làm sao các anh em thượng đẳng là Phật, Bồ-tát, các anh em đồng đẳng là loài người và anh em hạ đẳng là các loài dưới chúng ta, tất cả cùng sống hài hòa; được như vậy, tâm chúng ta lúc nào cũng an vui. Ngày nào còn tranh giành giết nhau là còn gieo tang tóc cho loài người và muôn loài.

Câu thứ tư: Quảng phát tâm hoa nhựt nhựt tân là trăm hoa đua nở trong lòng, thấy tất cả các loài đều đẹp, mỗi ngày chúng ta biết thêm được điều mới là nhựt nhựt tân. Nhờ bài kệ này hướng dẫn tôi sống tốt đẹp trải qua suốt sáu mươi năm. Tất cả Phật tử suy nghĩ theo để sống tốt thì điều thứ nhất tôi muốn nhắc nhở là làm sao chúng ta học được điều Phật làm, Thánh Tăng làm.

Điều thứ hai là ta sống trên cuộc đời này chỉ làm lợi là vô hại, không làm tốt được cho cuộc đời thì cũng không làm xấu, để sau không phải ân hận. Thấy người bệnh hoạn, xấu xí, hôi dơ, ta biết nghiệp của họ, nên thương họ và từ từ tháo gỡ khó khăn cho họ, nói cách khác, cái xấu xí của họ cũng dễ thương, họ hôi dơ không dám đến gần ta thì thấy họ vậy cũng dễ thương, hoặc người nghèo mà biết an phận nghèo quy củ tu hành thì cũng dễ thương.

Chỉ làm việc lợi ích thì mỗi ngày trôi qua thấy quá khứ đẹp, làm sai trái thấy không vui, tâm không nở hoa được.

Mỗi ngày cố gắng làm lợi cho người, không giúp được thì cũng không gây đau khổ, để nhìn đời thấy đẹp. Chúng ta thấy rõ mỗi loài đều có nghiệp, nó yếu ớt, không chống trả được loài người, nên phát tâm thương, giúp, cứu được là cứu và làm được nhiều việc thiện thì sau tâm chúng ta luôn an lạc, vì nhớ đến quá khứ tốt, tâm ta sẽ an, nhớ quá khứ xấu, tâm chúng ta sẽ khổ. Làm được nhiều việc tốt, thì kết thúc trăm hoa đua nở trong lòng, tất cả những gì làm tốt trong quá khứ đều có trong lòng chúng ta và cái hôm nay sẽ là nhân cho cái sau.

Cầu mong quý Phật tử nỗ lực làm nhiều việc tốt, tâm sẽ nở hoa, cuối cùng trăm hoa đua nở trong lòng thì con đường Bồ tát đạo như vậy sẽ dẫn đến quả vị Phật không xa.

HT.Thích Trí Quảng (GNO)

Các tin đã đăng: