Xuất hiện chim Phượng hoàngTrước phủ Khống là một hồ nước rộng với cả ngàn con thuyền san sát đợi khách. Con thuyền chở chúng tôi đi qua đền Trình, qua hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu …Thực là tiên cảnh. “Với địa thế núi là Thành, sông là đường, hang động là Cung Điện, Tràng An mê hoặc lòng người, bởi một hệ thống hang động, những thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín mà đường đi lối về trong một hành trình tham quan không hề gặp nhau” - tôi đọc một đoạn trong cuốn sách dưới thiệu khu du lịch tâm linh Tràng An- Bái Đính.
Bỗng mọi người trên thuyền kêu lên: chim Phượng hoàng! Một con chim tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối. Tôi đưa máy ảnh lên chụp nhưng không kịp. Cánh chim thần đã lẩn vào xa xanh. Chúng tôi lùi thuyền lại chờ đợi. Những quả gấc rừng chín đỏ, thức ăn của chim Phượng hoàng rủ xuống ven suối. Vẫn không thấy Phượng hoàng trở lại. Cô lái đò bảo: Thế là các anh may mắn lắm rồi, mấy ai nhìn thấy Phượng Hoàng xuất hiện. Long – ly – quy – phượng, bốn loài thiêng, được dân ta tạc vào đền chùa cúng tế. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy chim Phượng hoàng. Cảm giác thật lạ cứ dâng lên trong tôi!
Con thuyền chở chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vào những hang đông kỳ bí. Hang Trần, hang Quy Hậu, hang Khống, hang Sơn Dương, hang Seo lớn, rồi hang Sính, hang Sy, hang Ba Giọt …Câu chuyện về chàng công tử yêu cô công chúa xinh đẹp thời nhà Đinh, thật cảm động. Khi công chúa bị mang đi cống Hồ, chàng công tử vô cùng đau khổ, chàng sắm sửa sính lễ, đến ngọn núi thiêng nà , cầu cho nàng tai qua nạn khỏi, chàng khóc, ba giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống đất tạo nên hang động kỳ bí này. Suốt một ngày trên thuyền cuối cùng chúng tôi cũng đến được đảo Si. Đây là hòn đảo giữa trời nước biếc xanh mọc toàn cây si. Tương truyền rằng, khi vua Đinh bị sát hạ, triều đình biến loạn, có một vị tướng mang 1000 quân sỹ trốn vào đây mong khôi phục nhà Đinh nhưng đã bị bao vây, bị giết hết, máu chảy thành vũng gọi là vũng Thắm, trên mỗi nấm mồ tướng sỹ người ta cắm lên một cành si, đảo Si có từ đấy, tự ngàn năm.
Chúng tôi dừng lại nơi linh thiêng nhất: đền Trần. Đền Trần dựng bên vách đá cao ngất, phía trước là một hồ nước trong xanh bốn bề núi dựng. Đền Trần thờ một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, thánh quý Minh Đại Vương và phu nhân. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây từ thế kỷ thứ 10, với mong muốn mượn uy danh của ngài để trấn trạch 4 hướng Đông - Tây -Nam - Bắc. Năm 1258, vua Trần Nhân Tông sau khi dẹp giặc Nguyên – Mông đã vào đây tu hành và sửa lại.
Chị Lan nói rằng suốt một tuần qua, ngày nào chị cũng nhờ người sắm lễ, dâng hương, cầu cho anh Hoàng Quang Thuận có được một tập thơ về chốn linh thiêng này. Chúng tôi mang đồ lễ, một gam dấy trắng, bốn cái bút máy . Tôi rút ra 141 tờ giấy khổ A4 , ký tên mình phía dưới góc, Hoàng Quang Thuận cũng vậy. Chúng tôi để giấy, bút đồ lễ lên khay, dâng lên bàn thờ rồi thắp hương. Cầu mong được bình an và đêm nay ở lại ngôi nhà sàn ven hồ nước sẻ có thơ ứng nghiệm!
Ứng nghiệm, nhà thơ phun châu nhả ngọcTrời khá nóng bức. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng gió nổi lên, lá cây bay rào rào …Người coi đền bảo: Ứng nghiệm rồi các anh ạ!
Sau bữa cơm tối đạm bạc, chị Lan ra đò trở về thành phố. Chúng tôi nghỉ lại trong ngôi nhà sàn chỉ có hai phòng. Vợ chồng tôi ở buồng bên phải, một mình Hoàng Quang Thuận ở buồng bên trái ngôi nhà. Gần 12 giờ đêm, tôi qua phòng, vẫn thấy Hoàng Quang Thuận ngồi bên chiếc bàn gỗ, xấp giấy trắng, hai cây viết vẫn để nguyên trên bàn. Tôi hỏi Thuận đã làm được bài thơ nào chưa? Hoàng Quang Thuận lắc đầu. Tôi trở về phòng , mệt quá , ngủ thiếp đi. Gần 5 giờ sáng, tỉnh dậy, mơ màng một lúc , trong đầu tôi hiện ra 4 câu thơ.
Tôi sang phòng Hoàng Quang Thuận định đọc cho anh nghe, chợt nhìn thấy ngoài cửa căn nhà sàn bóng ai đi lại như người mộng du trong làn sương sớm. Tôi gọi. Hoàng Quang Thuận giật mình. Rồi anh kêu lên : Anh Dương Kỳ Anh …Em làm được 121 bài thơ đêm qua, lạ lắm! Lạ lắm anh ạ!
Thuận chạy vội vào phòng mang ra một tập dấy khổ A4 đã kín chữ. Tôi nhận ra chữ ký của mình ở phía dưới góc mỗi tờ giấy. Chúng tôi vào nhà. Cả một tập thơ mới viết. Vợ chồng tôi ngồi nghe Thuận đọc thơ. Những bài thơ về vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, vừa lên ngôi đã khẳng định chủ quyền dân tộc. Những bài thơ về các địa danh lịch sử, những chốn linh thiêng, những hang động như tiên cảnh … “ Cờ lau, tập trận ở thung lau, ai biết làm vua kẻ chăn trâu …”/ “ Bỏ luôn niên hiệu của Bắc Phương, trời Nam một cõi đấng quân vương /Thái Bình niên hiệu vua Đinh đặt…”/…Tôi xin chép nguyên một bài thơ bốn câu, bài 101 của anh :
Xiêm y tiên nữ bỏ quên rồi
Bầu vú căng tròn, sữa vẫn rơi
Sư Tử chầu bên, không lay động
Voi thiền, mắt nhắm, nước sông trôi
Cao hứng, Thuận bốc máy điện thoại di động gọi chị Lan , gọi cả vợ anh đang ở Sài Gòn dậy, đọc thơ cho họ nghe …
Thật lạ lùng, có hàng chục địa danh trong những bài thơ mới làm của anh chúng tôi chưa bao giờ được biết, phải nhờ bác Thanh đang trông coi đền Trần chú giải suốt cả buổi sáng .
Thuận kể: Em ngồi từ 9 giờ đến 12 giờ đêm, không viết được một bài nào. Bỗng, em thấy mát lạnh trong người , như có một luồng gió thổi qua, rồi cứ thế những vần thơ tuôn trào. Em viết như một người mộng du …Khi ngửng lên, đồng hồ treo tường đã chỉ 4 giờ sáng. Nhìn tập giấy trắng đã kín chữ, em ngớ ra một lúc, mình đã làm được cả một tập thơ, em thầm kêu lên, rồi bỏ bút, lăn ra dường ngủ. Tỉnh dậy đã 5 giờ sáng. Em mở cửa, đi ra ngoài …
Tôi cầm bản thảo tập thơ trên tay, tự, vào lúc nửa, buồn ngủ rũ người, tôi có thể chép lại được một tập thơ như thế này trong 4 tiếng đồng hồ không? Không thể! Chép cũng không được huống chi làm! Một sự lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. Nếu tôi không tự tay ký vào dưới góc những tờ giấy trắng , có thể tôi sẽ nghĩ Thuận đã chép một tập thơ của anh làm, hay của ai đó rồi mang đi?
Nhà thơ Hoàng Quang Thuận
Tôi quen Hoàng Quang Thuận đã nhiều năm, anh là một nhà khoa học , điều đó nhiều người biết. Anh là hậu duệ của một thái y chuyên chữa bệnh cho các vua nhà Nguyễn; vợ anh, chị Thanh, cũng là người của hoàng tộc, một gia đình tri thức có tâm. Khi có người gọi anh là nhà thơ, anh nói ngay, gọi tôi là thái y Thuận, tôi đâu phải nhà thơ. Tôi có cảm tưởng anh là người quảng giao, sống thành thật, trong sáng, say mê thơ thiền.
Hôm sau, về Hà Nội, anh tổ chức một bữa cơm thân mật, có chị Ngô Thị Thanh Hằng - phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mấy vị bộ trưởng , thứ trưởng quen biết, vợ chồng tôi và nhà thơ Hữu Thỉnh , chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Hoàng Quang Thuận mang tập thơ cho mọi người xem và kể lại xuất xứ, mọi người hết thảy kinh ngạc…
Tôi không biết những nhà thơ nổi tiếng, những thi tiên, thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ thời xưa có được nhập đồng về thơ, có làm được một đêm hàng trăm bài thơ không? Cũng chưa biết tập thơ “Hoa Lư thi tập” đang được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp của Hoàng Quang Thuận – tập thơ được làm trong một đêm ở khu du lịch tâm linh nổi tiếng Bái Đinh sau khi xuất bản được đón nhận thế nào? Tôi chỉ biết đó là một chuyện lạ mà không dễ gì lý giải được.
Như ở đời có bao nhiêu chuyện tâm linh, có bao nhiêu chuyện lạ chúng ta từng được biết.
Theo
Dương Kỳ Anh - TNN