Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu khái quát
một số quan điểm Phật học tân tiến, từ đó chứng minh đạo Phật có thể
thích nghi với thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có thể trở thành
con đường tu dưỡng giúp con người trở nên từ bi, trí tuệ hơn.
Phần
Đức tin trong đạo Phật nhấn mạnh đạo Phật ban đầu vốn là một
triết lý nhưng trong quá trình phát triển đã nhuốm màu sắc tôn giáo.
Lịch sử Phật Giáo cho thấy Đức Thích Ca là một con người bằng xương bằng
thịt, một thái tử có vợ con nhưng từ bỏ tất cả để đi tìm triết lý giải
thoát nhân loại ra khỏi khổ đau. Ngài không phải là thần linh hoặc giáo
chủ mà chỉ là bậc thầy dẫn đường. Sau khi Ngài mất, giới tăng sĩ mới tôn
thờ Ngài như một thần linh tối cao.
Quá trình thần thánh hoá ấy kéo dài 2500 năm khiến cho hầu hết Phật
tử ngày nay coi trọng phần đức tin tôn giáo mà coi nhẹ phần lý trí
(triết lý) của đạo Phật.
Xưa nay lý trí và đức tin luôn chống đối nhau, và đức tin lùi dần
trước khoa học; tuy vậy một con người có thể có cả hai thứ đó, mỗi thứ ở
một bán cầu não. Đức tin thuộc phạm trù tình cảm, nó có thể lung lay
thậm chí mất đi. Để giữ đức tin, tôn giáo phải dùng các nghi thức cầu
nguyện, tụng niệm hàng ngày, thực chất là một kiểu tự kỷ ám thị. Các vị
chân tu, các cư sĩ-trí thức đều coi trọng phần lý trí hơn đức tin.
Giờ đây khoa học phát triển như vũ bão, đức tin ngày càng lùi bước,
cho nên đạo Phật nếu muốn tồn tại thì phải từng bước đề cao phần lý trí
của mình, đặc biệt là đạo lý mỗi người phải tự giác ngộ và tự giải thoát
mình, đừng trông mong vào ai khác, kể cả đức Phật. Mới đây khi ở thăm
Hà Nội, Pháp Vương Gyalwang Drukpa nhắc lại: Đức Phật chưa từng nói rằng
các con hãy nương tựa vào ta, ta sẽ bảo vệ và đưa các con đến nơi giải
thoát an toàn. Ngài cũng chưa bao giờ nói các con hãy cúng dường ta.
Ngài chỉ nói: ta là người hướng đạo, các con phải đi trên đôi chân của
mình.
Nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ gốc Việt cư sĩ-giáo sư Trịnh Xuân
Thuận nhận định: Phật Giáo không phải là một đức tin thần khải, đó là
một hệ thống tư tưởng rất duy lý. Ðức Phật không phải là Thượng Đế, mà
là hướng dẫn viên cho cuộc hành trình. Ngài đã tìm ra chủ đích, đó là sự
giác ngộ, và mỗi người chúng ta phải tự thể nghiệm lấy. Ngài nói: "Ðừng
bao giờ tin lời Ta; các con phải thực chứng cho riêng mình".
Nếu đã hiểu Phật tại tâm thì niềm tin ở Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)
cũng chính là tin vào mình. Sống và hành động theo lời Phật dạy, chứ
không phải thờ tượng Phật, mới là thờ kính Phật. Vô minh là nguồn gốc
của mê tín, cuồng tín; đạo Phật phá bỏ vô minh, vì thế mê tín và cuồng
tín cũng như chiến tranh tôn giáo đều không có chỗ trong đạo Phật.
Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu khái quát một số quan
điểm Phật học tân tiến, từ đó chứng minh đạo Phật có thể thích nghi với
thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có thể trở thành con đường tu
dưỡng giúp con người trở nên từ bi, trí tuệ hơn và có cuộc sống tâm linh
yên lành; cuốn sách nhấn mạnh cần gạt bỏ dần phần tôn giáo và chú trọng
phần triết lý cao cả của đạo Phật, khuyến khích phát triển quần thể cư
sĩ (những người chủ yếu tin vào triết lý của đạo Phật), qua đó đưa tôn
giáo này đi vào cuộc sống, đạt tới mục đích Phật Giáo nhập thế, phục vụ
sự phát triển của xã hội.
Đọc cuốn sách nói trên ta không khỏi nghĩ tới tình hình Phật Giáo
nước nhà hiện nay: nhìn bề ngoài có vẻ đang thịnh, song thực ra có lẽ
ngược lại. Phần tinh hoa của đạo Phật bị lấn át bởi sự phô trương hình
thức (một bệnh phổ biến của cả xã hội, kéo theo bệnh giả dối). Tính chất
tôn nghiêm, thiêng liêng vốn có của tôn giáo và hình ảnh thanh cao đáng
kính của tăng sĩ nhạt nhoà dần.
Xây chùa to, dựng tượng lớn kiểu Trung Quốc, xa lạ với truyền thống
kiến trúc giản dị, nhỏ mà đẹp của tổ tiên ta. Lễ hội linh đình, hoành
tráng, màu mè loè loẹt, thu hút hàng nghìn người tham gia, tốn kém tiền
của và thời gian của dân [5]. Xu hướng thị trường hoá, thương mại hoá
hoạt động tôn giáo len lỏi vào đền chùa. Nhiều người đến đây chỉ để cầu
phúc xin lộc, "giải sao" (dĩ nhiên phải chi tiền cho nhà chùa) chứ không
phải để tu học hoặc để tìm sự tĩnh lặng.
Tâm lý ấy khuyến khích sự phát triển các hình thức mê tín dị đoan, là
điều pháp luật nhà nước ta cấm và các tăng sĩ chân chính phản đối. Thế
nhưng có nơi vẫn lợi dụng tâm lý đó để thu tiền, thậm chí tái hiện hủ
tục mê tín dị đoan có từ thế kỷ trước [6]. Trong các dịp lễ tết, cảnh
hàng ngàn dân tụ tập quanh đền chùa, ngồi cả ra đường phố đã trở thành
một hiện tượng quen thuộc đáng quan tâm [7].
Thực ra, với giáo lý cao cả của mình, đạo Phật hoàn toàn có thể giúp
xã hội thêm văn minh, trí tuệ, trật tự ổn định. Điều này thấy rất rõ
ngay tại nước bạn Lào, nơi hầu hết dân theo Phật Giáo. Người dân hiền
lành, lương thiện, thể hiện rõ Phật tính trong lòng họ; xã hội yên bình,
trật tự, không có tệ nạn, dù đời sống còn thấp hơn Việt Nam.
Đền chùa thật sự là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh, không có tệ thu tiền
để làm các nghi lễ. Tăng sĩ thanh cao giản dị, được mọi người thực lòng
kính trọng.
Xã hội tiến lên thì tôn giáo cũng phải tiến theo cho thích hợp với
thời đại. Phật Giáo thế kỷ XXI phải tiến bộ hơn thế kỷ XX. Thiển nghĩ
hơn bao giờ hết Phật Giáo nước ta hiện nay cần đề cao giáo lý Phật tại
tâm, giáo dục mọi Phật tử tự giác sống theo lời Phật dạy, từ bi hỷ xả,
chống tham sân si, chống hình thức phô trương xa hoa lãng phí cùng các
tệ nạn mê tín dị đoan xa rời bản chất trí tuệ của đạo Phật.
Chỉ có phát huy được phần tinh tuý ấy thì Phật Giáo Việt Nam mới tồn
tại lâu dài, trở thành một triết lý sống góp phần tô đẹp bộ mặt tinh
thần của xã hội và do đó làm nên một nét đặc sắc trong văn hoá truyền
thống Việt.
Hồ Anh Hải (Tuần Việt
Nam)
Ghi chú:
[1] Sinh 1946, tốt nghiệp ĐH Y khoa Cochin Port-Royal (Pháp), giảng viên
ĐH Saint-Antoine Paris, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội Tiêu hoá Bệnh viện
Orlean, đã nghỉ hưu, hiện ở Olivet (Pháp).
[2] Xem
http://www.tuanvietnam.net/2010-03-18-phat-xa-loi-va-nhung-chiec-xe-doi-moi-dat-tien;
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=111602&ChannelID=2
và các tin, bài liên quan.
[3] Nhà văn Hy Lạp (1885-1959), suýt là chủ nhân giải Nobel Văn 1957
(thiếu 1 phiếu); sách xuất bản 1946.
[4] http://cusi.free.fr/pgtd/chp0077.htm. Giới Phật tử phương Tây phổ
biến cho rằng Phật Giáo sẽ dần thoát khỏi hình thức tôn giáo và tồn tại
lâu dài dưới hình thức một con đường tâm linh thế tục thích hợp cho
nhiều nền văn hóa.
[5] Đại sứ Nhật ở Việt Nam Mitsuo Sakaba nhận xét: Chùa Việt Nam nhiều
màu sắc, tượng Phật cũng sáng lấp lánh đầy màu sắc thần thánh. Ở Nhật,
chùa chiền phải là nơi thanh tịnh, tượng Phật chỉ nên có hai màu đen
trắng. (http://vanvn.net/News.Asp?Cat=13&SCat=&Id=1690)
[6] Cách đây 80 năm cư sĩ Thiều Chửu từng nhận xét: sự tổ chức ở nhà
chùa không đúng chút nào với lời Phật dạy; bỏ mất hẳn cái tinh thần
trọng lao động, không theo quy chế "một ngày không làm một ngày nhịn ăn"
của Tổ Bách Trượng. Lại còn dùng thuật mê tín vẽ ra đàn tràng cúng bái,
đục khoét nhân dân để sống một đời nhàn rỗi.
[7] Ở Trung Quốc (TQ) từng có một số hiện tượng tụ tập tương tự, được
giải thích là do dân chúng mất niềm tin sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở
Liên Xô, cần tìm một niềm tin tôn giáo để thay thế. Hiện nay TQ chú
trọng phát triển Phật Giáo nhập thế, cụ thể là tăng số lượng cư sĩ Phật
giáo, xây dựng nhiều "Làng Cư sĩ (Cư sĩ lâm)", một loại khu chung cư
dành cho các cư sĩ và gia đình. Website Cư sĩ lâm là trang mạng Phật
Giáo lớn nhất TQ. Mới đây Diễn đàn Phật Giáo Cư sĩ thế giới lần thứ ba
đã họp tại Malaysia (18-21/12/2009); Việt Nam có cử phái đoàn tham dự.