Nơi bờ sông nhiều gió
06/05/2010 08:55 (GMT+7)

Những ngày nắng dần qua, mùa đông đến bên hiên nhà bằng những cơn gió rào rạt đánh khẽ vào cánh cửa gỗ đã cũ kỹ, mục nát. Đâu đó, thi thoảng người ta lại nghe thấy từng tiếng thở dài não nuột. Ngôi nhà phía cuối con hẻm nhỏ từ mấy ngày nay trở nên lặng lẽ và buồn rầu hơn bao giờ hết. Không ai nói với ai một lời nào.

Bà Tư vốn già nua lọm khọm nay chừng như tội nghiệp hơn, có lẽ bà không hiểu chuyện gì đang diễn ra, tuy nhiên lâu rồi bà nhận ra đã không còn sự hiện diện của Hàn, đứa cháu mà bà yêu quý nhất. Từ nhỏ đến lớn, bà vẫn thường quạt cho nó ngủ, trong những đêm hè, mỗi khi ba mẹ nó đi làm xa nhiều ngày. Hàn đã lớn lên trong tình thương của nội nó, trở thành một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, đầy lòng nhiệt huyết trong ánh mắt của bà. Nhưng từ mấy hôm nay, Hàn đã bỏ đi đâu đó mà không nói một lời, bà Tư vẫn hàng ngày thẫn thờ chờ nó nơi cánh cửa gỗ cũ kỹ, cứ kêu lách cách liên hồi mỗi khi gió đến trong những ngày đông giá lạnh.

Tiếng loảng xảng vang lên từ phía căn nhà có giàn hoa thiên lý thơm nức mỗi buổi tối về. Có lẽ đó là tiếng một vật gì bị ném xuống đất và đã vỡ toang. Trong nhà cô Hòa cứ ngất lên ngất xuống trên giường, bên cạnh cô là bé Ngân, đứa bé còn nhỏ, nó thực sự chưa hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong gia đình. Chỉ thấy nó hoảng sợ vô cùng khi chú Hưng ném những chiếc đĩa và bát ăn cơm vào góc phòng, nó sợ hãi cứ òa lên khóc. Bà Tư đã già nua, lụm cụm, mắt kèm nhèm sưng húp, cứ thở than mỗi khi dỗ dành đứa cháu tội nghiệp, vừa nói “Hàn ơi, sao cháu đi đâu mà không về nhà?”.

Duy chỉ có bác Hai là biết Hàn đi đâu bởi nó không thể chia sẻ cùng ai ngoài người bác hiền lành mà nó tin cậy nhất. Đã bao lần Hàn từng thổ lộ ý định của mình với ba mẹ nó nhưng chỉ nhận được những lời phản đối lạnh lùng.

Ngày lại ngày, Hàn vẫn nung nấu trong lòng một ước mơ xa xăm nào đó, mà giờ đây khi không khí trong nhà đã trở nên vô cùng nặng nề và ảm đạm, bác Tư lặng lẽ dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà rồi đi về phía bờ sông.

Ngôi chùa nhỏ hiện ra bên bờ sông nhiều gió. Khung cảnh khoáng đạt và nên thơ đến nao lòng. Bác Hai biết đây là nơi Hàn vẫn thường đến mỗi chiều, nó hay ngồi tư lự hàng giờ nơi một góc sân chùa, ánh mắt xa xăm dõi theo bờ sông đang trôi qua trước mắt. Những ngày nắng hay những ngày mưa người ta đều có thể thấy nó, một cậu bé chừng như già trước tuổi, lặng lẽ, trầm ngâm, cứ đến rồi đi không để lại nhiều ấn tượng. Nhưng hôm nay thì khác, bác Hai đã không tìm thấy Hàn, có lẽ hôm nay nó không đến nơi này?!

Bên bờ sông, từng luống cải đã nở vàng những đợt hoa cuối cùng, trải một màu vàng rực rỡ nhưng u buồn khắp triền sông, đâu đó vẳng lên tiếng sáo diều của lũ trẻ chăn trâu ngày muộn, ngân lên dìu dặt như lời chào tạm biệt buổi chiều đã gần tàn.

Thời gian trôi qua, từng chặp, từng chặp, khắc khoải, nặng nề… Cô Bình vẫn ngất lên ngất xuống trên giường, không chịu ăn uống, chú Hưng trở nên cộc tính và dữ dằn hơn bao giờ hết. Bé Ngân khóc mãi rồi cũng chán, nó cứ tròn xoe mắt nhìn mọi người rồi lại khóc ré lên. Chỉ có bà Tư là người dỗ dành nó rồi lại một mình lụi cụi đi nấu cơm, dọn cơm, nhưng bà cứ dọn ra rồi lại dọn vào vì không ai buồn đụng đũa. Ngồi ở một góc nhà, bà đút từng muỗng cơm cho bé Ngân ăn mặc dù nó đã có thể tự mình ăn cơm được. Dường như đó là công việc duy nhất bà có thể làm để thoát khỏi bầu không khí ảm đạm lúc này.

Tiếng chuông điện thoại bỗng reo, thật ồn ã bởi đã mấy ngày trong nhà không hề nghe thấy tiếng điện thoại nào gọi đến. Có lẽ đó cũng chỉ là một tiếng chuông điện thoại bình thường như nó từng vốn vậy, nhưng trong tâm thức dường như đã tê liệt của mọi người thì tiếng chuông như một thanh âm thảng thốt kéo người ta về với thực tại, một thực tại đầy buồn đau và mất mát.

Cô Bình nhỏm dậy ngay từ những tín hiệu đầu tiên nhưng ngay lập tức cô lại ngã vật ra giường bởi cú bật mình quá mạnh, cô dường như choáng váng một lúc trong khi chú Hưng nhào đến chiếc ống nghe:

- Alo, alo…

Tiếng đầu dây bên kia là một giọng nói đàn ông, trầm và chắc nặng:

- Xin hỏi, đây có phải là nhà của cháu Hàn không? Tôi cần báo cho gia đình một chuyện.

- Đúng rồi, tôi là cha của cháu. Có chuyện gì đã xảy ra vậy ông?

- Đại diện gia đình cháu hãy đến cầu Đen ngay lập tức, cháu Hàn đã nhảy xuống sông tự vẫn…

Chú Hưng dường như hóa đá khi nghe tin báo, chú hoàn toàn đờ đẫn không thốt lên được thêm một lời nào nữa. Ở phía bên kia, cô Bình, bà Tư và cả cô bé Ngân ngây thơ đang nín lặng dõi theo câu chuyện, nhìn vẻ mặt biến sắc của chú Hưng, họ dường như đoán được có một chuyện gì đó chẳng lành đang diễn ra.

Bé Ngân nhảy lò cò trong từng ô gạch lát nơi sân chùa. Những ngày đông ảm đạm đã qua, mùa xuân đang đến trên những cây hoa sứ đã bắt đầu lấm tấm nụ phía hàng rào. Ngôi chùa thật đẹp, một mặt xoay vào vách núi, một mặt quay ra phía bờ sông bốn mùa gió lộng. Nơi này là nơi anh Hàn của bé vẫn thường đến chơi, rồi dõi ánh mắt xa xăm, tư lự vào khoảng không gian xa xa. Đã bao lần Hàn ngỏ ý với ba mẹ nó, xin phép được xuất gia tại ngôi chùa này nhưng không bao giờ được toại ý. Bởi một lý do vô cùng đơn giản, gia đình Hàn vốn theo đạo Công giáo từ bao đời nay. Hàn đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục ba mẹ cho nó xuất gia, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện này ba mẹ nó vô cùng giận dữ. Khi Hàn quyết định ra đi và gởi lại một lá thư nói lên ý muốn của mình, ba mẹ nó vẫn cương quyết không chấp nhận, một cách lạnh lùng.

Không ai có thể hiểu được Hàn đã suy nghĩ gì, đã có nhân duyên gì đặc biệt để nó quyết định tìm hiểu về đạo Phật như vậy. Và rồi vĩnh viễn cũng không ai biết được vì sao nó đã lao mình xuống dòng sông một cách đầy tuyệt vọng và bế tắc như vậy. Ba mẹ nó đã không kịp nghe những lời nhắn gởi sau cùng của nó, khi họ đến bên bờ sông, xác Hàn đã được vớt lên. Khuôn mặt lạnh băng, với ánh mắt khẽ mở, đẹp nhưng u uẩn buồn. Đôi mắt Hàn vẫn vậy, lúc còn sống hay ngay cả khi đang nằm đó, như có một điều gì còn lại chưa thể nói cùng ai.

Vào mỗi ngày, cô Nga và chú Hưng vẫn đến nhà thờ để cầu nguyện cho Hàn và xưng tội mỗi tuần. Bà Tư những lúc rảnh rỗi lại tìm đến ngôi chùa nhỏ bên bờ sông, nơi đó có đứa cháu tội nghiệp của mình đã gieo mình vào một cõi huyền hoặc của nó. Bà luôn nghĩ tất cả đều là những điều huyễn hoặc, bởi đó là một cách giải quyết ngốc nghếch và dại dột nhất trong suy nghĩ của bà. Từng đêm, bà vẫn thường gặp Hàn trong giấc mơ để thủ thỉ kể chuyện cho nó nghe, về ba mẹ, em Ngân và những đứa bạn chăn trâu bên bờ sông mỗi chiều, chúng vẫn thường xin bà từng nén nhang để cắm lên mộ người bạn nhỏ. Bà nội biết Hàn rất thích ở chùa, nên bà đã xin thầy trụ trì cho phép đặt một tấm ảnh của Hàn trên bàn thờ linh trong chùa, với một suy nghĩ giản dị hàng ngày linh hồn của nó sẽ được loanh quanh trong khoảng không gian yêu thích của mình, để đùa chơi, nhìn ngắm bờ sông… hay cùng lũ trẻ chăn trâu thả diều vào mỗi buổi chiều. Từng đêm, trước khi đi ngủ, bà vẫn  thường cầu nguyện Chúa sẽ phù hộ và đỡ nâng linh hồn bé nhỏ của Hàn về miền ánh sáng nơi cõi của Người.

Thấp thoáng có bóng người đi lại bên bờ sông… Những ngày trước, bác Hai từng đến nơi đây để tìm Hàn, nhưng bác đã đến muộn… Chỉ vài phút trước đó, Hàn đã ngẩng mặt lên trời cao, với đôi mắt u buồn cố hữu, rồi từ trên chiếc cầu Đen bắc ngang dòng nước xiết, Hàn đã lao mình xuống dòng sông, cũng mênh mông và mơ hồ, như cuộc đời và những suy nghĩ của chính mình.

Bác Hai vừa nhặt những bông hoa sứ theo gió vừa rụng xuống trong sân chùa, đặt lên mộ đứa cháu nhỏ của mình, ngậm ngùi “Hàn ơi, cháu hãy yên nghỉ thật bình an nhé! Cháu sẽ tìm gặp được Đức Phật riêng của mình. Bác vẫn luôn nguyện cầu Hồng ân Thiên Chúa sẽ luôn bao bọc và chở che cho linh hồn của cháu”.

Từng đợt lau xám bên bờ sông đang lao xao, tấm di ảnh trong ngôi chùa nhỏ dường như đang mỉm nụ cười. Vẫn ánh mắt buồn, gương mặt gầy thoáng vẻ xanh xao, đối với bác Hai, dường như Hàn đã đi về một cõi nào đó của riêng nó, cho dù đầy bế tắc, nhưng đó cũng chính là sự lựa chọn của Hàn. Một sự lựa chọn vô cùng nghiệt ngã.

Thuần Chơn (GNO)

Các tin đã đăng: