Chiếc áo người tu
Vân Minh
03/05/2010 03:58 (GMT+7)

Chiếc Áo không làm nên người tu
Nhưng người tu không thể rời chiếc áo.

Chúng ta biết rằng, mọi sự hiện hữu trên cuộc đời này đều có sự tương quan hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn như việc trở thành một tu sĩ cũng cần phải hội đủ nhiều yếu tố. Trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất đó là phẩm chất bên trong và hình thức bên ngoài, hình thức bên ngoài muốn nói ở đây là chiếc áo.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng biết rất rõ về chiếc áo. Từ khi lọt lòng mẹ cho đến hết cuộc đời, chiếc áo luôn theo ta suốt cả cuộc hành trình. Lúc còn nhỏ, chúng ta chưa ý thức được chiếc áo có ý nghĩa gì, nhưng khi lớn lên, chúng ta biết rằng nó là vật dùng để bảo vệ thân thể, và ngoài ra còn là vật nhằm trang sức cho con nguời đẹp thêm. Ở đời, có rất nhiều thứ để tạo nên một cái đẹp bên ngoài, chẳng hạn như phấn son, sữa rửa mặt, các đồ trang sức… nhưng trong đó chiếc áo chiếm một vị trí khá quan trọng. Thường thì chúng ta tối ngày lo vùi đầu vào việc chăm sóc bản thân, mà không biết rằng thân thể này chỉ là giả tạo. Chúng ta vừa bước chân ra khỏi nhà là lo sửa soạn áo quần, tô son điểm phấn. Đời sống vật chất càng sung túc thì nhu cầu ăn mặc cũng theo đó mà gia tăng. Cứ nhìn những cửa hàng quần áo bày bán la liệt thì biết. Sản phẩm may mặc ngày càng được tạo ra khá phong phú và đa dạng với nhiều màu sắc và kiểu dáng độc đáo do những đầu óc của các nhà thiết kế sáng tạo nên. Đó là chỉ nói sơ lược qua vài ý về chiếc áo của người thế gian, còn chiếc áo của người tu sĩ thì sao?

Từ khi có căn duyên bước vào cửa  chùa, quyết chí xuất gia bỏ đi tất cả những vướng mắc bụi trần, chúng ta đã bỏ đi chiếc áo của thế gian để khoác lên mình mảnh áo nâu sồng đạm bạc. Chiếc áo này đã làm thay đổi tâm hồn ta, hướng đời ta đến một chân trời mới. Vậy chiếc áo của người tu có gì khác với chiếc áo của người đời? Về mục đích thì nhìn chung chiếc áo của người tu không khác chiếc áo của người đời-dùng để bảo vệ cơ thể, nhưng ở đây có điểm khác biệt là chiếc áo của người tu còn biểu trưng cho sự giải thoát. Nó không còn là những màu sắc lòe loẹt mà thay vào đó là màu nâu, màu vàng hay màu lam thanh cao. Đối với người xuất gia chúng ta, chiếc áo có thể là tất cả, nhưng cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì khi người mặc nó thiếu đi sự hiểu biết và tôn trọng về nó. Thực ra, bản thân chiếc áo chỉ là một vật vô tri, nó hoàn toàn không thể làm nên một con người. Đúng như người xưa từng nói: “Chiếc áo không thể làm nên người tu.”

Thật vậy, chẳng một ai có thể nói rằng hình thức bên ngoài của một người lại đi quyết định tất cả người đó. Ví dụ, để đứng được trong hàng ngũ xuất gia thì ta phải khoác lên mình chiếc áo của người tu, nhưng dẫu khi đã khoác lên chiếc áo ấy mà chúng ta còn có quá nhiều sự ham muốn của thế gian thì vẫn chưa trở thành một người tu sĩ đúng nghĩa được. Người xuất gia khi mang trên mình chiếc áo cà-sa là đang mang trong mình một trọng trách lớn lao: trọng trách đối với Phật pháp và cả bản thân mình nữa. Mặc chiếc áo của người tu mà tâm vẫn còn ham muốn những điều tầm thường của thế gian, vẫn còn bị cám dỗ bởi tài, danh, sắc, thực, thùy, năm món dục lạc của cuộc đời thì thật chưa xứng đáng để mặc nó.

Ngày nay, có nhiều người không biết, hoặc cố tình không biết ý nghĩa của chiếc áo nên đã lợi dụng chiếc áo để thu lợi cho bản thân, không biết nghĩ đến thanh danh và sứ mệnh của đạo pháp. Giáo pháp của đức Phật còn đó, nhưng giáo pháp đó có sống mãi được với thời gian hay không thì lại còn tùy thuộc vào những người xuất gia. Người xuất gia mỗi khi chỉ biết chưng diện theo bề ngoài, quên đi phẩm chất của một người tu đạm bạc, thì đang góp phần làm cho Phật pháp suy đồi.

Thời đại hôm nay, Tăng Ni trẻ là những người rất dễ bị vấp ngã trên con đường đi tìm chân lý. Mỗi khi bản thân chúng ta không đủ bản lĩnh để vượt qua những điều tầm thường của thế gian, tâm còn yêu thích vẻ đẹp bên ngoài, còn ưa chạy theo những mốt thời trang thế tục thì khi ấy dầu chúng ta thân có xuất gia nhưng tâm lại không hề xuất gia. Và chiếc áo trong trường hợp này hoàn toàn không làm nên được một vị tu sĩ.

Ngược lại, nếu một người tâm có tốt đến đâu, nhưng không khoác lên mình chiếc áo tu sĩ thì họ vẫn không thể trở thành một “thầy tu” được. Vậy trong chừng mực nào đó, chiếc áo cũng góp phần làm cho một người trở thành một vị tu sĩ. Thế nên, một con người cao đẹp là sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất và hình thức, tuy nhiên trong đó phẩm chất là yếu tố quyết định. Như ông bà ta thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Nhưng không phải vì phẩm chất quan trọng hơn hình thức mà chúng ta xem nhẹ hình thức. Chiếc áo kia sẽ không làm nên “người tu”, nhưng nó lại trợ duyên cho ta trong bước đường tu tập. Nó là thứ cảnh tỉnh ta khi ta làm việc sai trái. Hình thức “đầu tròn áo vuông” như vậy cũng là phương tiện giúp ta tránh làm những việc không tốt.

Chiếc áo không làm nên người tu, điều này đúng. Nhưng người tu cũng không thể xa rời chiếc áo, điều này cũng không sai.

Nguồn Tập San Pháp  Luân 11



Các tin đã đăng: