Nhớ lắm nụ cười hiền lành của Hòa thượng Thích Minh Châu
04/09/2012 05:10 (GMT+7)

Buổi sáng ngày 1/9/2012, khi tôi dang ngồi tiếp chuyện anh Hai Vàm Tắc, một người bạn vong niên, thì thầy Thích Vân Phong gọi điện báo tin Hòa thượng Thích Minh Châu vừa ra đi!

Hai chúng tôi xua đi tất cả những chuyện vui buồn sau bao nhiêu tháng ngày vừa gặp lại, để chỉ xoay quanh hung tin về một người thầy khả kính, tuy chưa có dịp tiếp xúc trực tiếp nhưng trong quá trình sinh hoạt trong màu áo Gia Đình Phật Tử và Học Sinh Phật tử, hai anh em chúng tôi từng gần gũi thầy trong rất nhiều nhiệm vụ.

Anh Hai Vàm Tắc thì luôn nhắc về một lỗi lầm mà anh cho là rất nghiêm trọng trong quá trình nghe giảng pháp ở chùa Ấn Quang hàng tuần, khi đó hai anh em chúng tôi hãy còn rất trẻ, sôi nổi, hăng hái nhưng cũng lắm bồng bột lỗi lầm.

Anh nói: “Tui nghĩ thiệt hết sức buồn và ân hận gì đâu á. Hồi đó, mình có nhiều diễm phúc  được nghe các chư  tăng thạc đức lớn giảng pháp thường xuyên. Vậy mà  khi lịch giảng tới phiên Hòa thượng Thích Minh Châu là Hai tui luôn có lý do để vắng mặt. Bây giờ nghĩ lại thiệt hổng còn gì tội lỗi cho bằng. Nói thiệt, nếu bây giờ mà cho tui trở lợi cái thời đầy diễm phúc đó nghen, muốn Hai tui mần cái gì tui cũng chịu…. Nhưng mà bây giờ thì Hòa thượng đi rồi, còn cái gì nữa mà mong…”

Tính tình anh Hai Vàm Tắc là vậy, luôn nói thật lòng mình, đôi khi gây mích lòng nhiều bận. Vậy đó mà lúc ấy anh lại là một huynh trưởng mẫu mực, luôn ở đầu sóng ngọn gió, trở thành gương soi cho huynh trưởng, đoàn sinh của mình.

Lời tự vấn lương tâm của anh Hai Vàm Tắc khiến tôi nhớ lại thuở ấy, từ năm 1975 trở về trước, chiều chủ nhật hàng tuần đều có giảng pháp tại hội trường chùa Ấn Quang do Viện Hóa Đạo và Tổng Vụ Hoằng Pháp phân bố lịch giảng. “Cái diễm phúc” mà anh Hai Vàm Tắc nói tới, đó chính là ngoài chư tôn Hòa thượng trong Viện Tăng Thống và Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo ra, tất cả chư tôn lãnh đạo trong Hội đồng Viện, từ Tổng Vụ Trưởng trở xuống đều có nhiệm vụ đến giảng theo lịch đã xếp.

Cho đến bây giờ, thế hệ chúng tôi ngày ấy vẫn không sao quên được âm thanh và giọng nói của từng vị, như: HT Thích Huyền Vi, HT Thích Thiền Định, HT Thích Quảng Độ, HT Thích Minh Châu, HT Thích Thuyền Ấn, HT Thích Tắc Phước, HT Thích Hộ Giác, HT Thích Pháp Tri, HT Thích Mãn Giác, HT Thích Giác Đức..v…v…

Mỗi vị có một phong thái và và lối thuyết giảng khác nhau. Thí dụ như HT Thích Hộ Giác thì luôn xã hội hóa chủ đề mình giảng và kéo xuống thấp nhất để trình độ, căn cơ mỗi người dễ tiếp thu; HT Thích Giác Đức (khi ấy là Đại đức - Quyền Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên) thì mạnh mẽ từng chi tiết một và tạo ra được cao trào cảm xúc,v…v…

Hòa thượng Minh Châu tại Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ ->

HT Thích Minh Châu thì điềm đạm, chú tâm vào kinh tạng do chính Ngài dịch thuật để giảng giải. Đây chính là cơ duyên thuận lợi rất lớn cho những ai muốn chuyên sâu vào lãnh vực này. Do đó các buổi giảng của Ngài có rất đông giới nghiên cứu dự thính, ngoại trừ anh Hai Vàm Tắc, bạn của tôi như vừa kể trên!

Vậy đó mà trong những lần làm nhiệm vụ, dàn hàng chào danh dự và bảo vệ các ngày lễ lớn, nhất là lễ Phật Đản tại lễ đài trung uơng, anh Hai Vàm Tắc từng khoe đã nhiều lần dìu tay HT Thích Châu lên lễ đài và được HT tặng… cây quạt!

Có một lần tôi đứng sát bên anh, khi dìu và hướng dẫn HT vào văn phòng Viện theo ngõ đi riêng, HT nói lời “Cảm ơn con” mà anh Hai nhà tui lại quay sang hỏi lại tôi “Thầy nói cái gì tui nghe hỏng rõ?”

Tôi gỉ đó bực bội nói “Thôi! Làm nhiệm vụ đi..” . Nhưng anh ta vẫm chưa hài lòng vì nghĩ rằng đời nào mà được một vị  lãnh đạo nói riêng như vậy nên hỏi nữa, tôi nói “Thầy nói CÁM ƠN MẦY “.

Anh ta há hốc mồm. Có lẽ anh Hai Vàm Tắc hiểu nhầm ý tôi là tại sao thầy lại nói như vậy, thật ra HT nói rõ ràng “Cảm ơn con”. Hai anh em giận nhau… ba tháng, nếu lúc ấy tôi không nằm bệnh viện, anh đến thăm.

Anh Hai Vàm Tắc không tự hào sao được khi mà bàn tay từng nhận bằng Tiến sĩ từ Tổng thống Ấn Độ ở Đại học Bihar; từng bắt tay giáo hoàng; từng bắt tay những nhân vật mà tuy trong 12 năm du học ở đất Phật, từng nắm tay và trao gởi  niềm tin, vận mệnh PGVN vào tay những vị  có uy tín thế giới, nhằm tìm giải pháp cứu nguy trong cơn Pháp nạn vô tiền khoáng hậu. Đọc hồi ký BS Erich Wulff (Minh Nguyên dịch) chúng ta thấy ngay điều này…v…v…

Khi anh Hai Vàm Tắc nói đến những niềm tự hào như thế  khiến lòng tôi như chùng lại, và chính bản thân mình mới là người kém diễm phúc hơn anh.

Đời cư sĩ Phật tử chúng mình chỉ có thế, nhất là thế hệ Phật tử của Gia đình Phật Tử, của Học sinh Phật tử như chúng tôi. Có những niềm tự hào thoáng chợt, nhưng cũng có những niềm tự hào mà không phải bất kỳ một Phậ tử cư sĩ chúng mình có được. Thế cũng đủ an ủi lắm rồi với cháu con hiện tại.

Ngày mai anh Hai Vàm Tắc lại dong ghe bầu trở lại vùng sông nước Hậu giang, tiếp tục tháng ngày của một lão nông mà mình mẩy đầy vết xâm của ký ức Phật sự.

Thương anh quá! Anh bảo rằng không có điều kiện cùng tôi lên Vạn Hạnh đỉnh lễ giác linh HT, nhờ tôi mang theo tấm chân tình này của anh, đỉnh lễ Ngài cho anh nhẹ lòng nơi xứ sở sông nước miệt vàm.

Vâng! Cảm ơn anh Hai Vàm Tắc đã giúp tôi trở lại những tháng ngày đầy vẹn tự hào mà cả một quảng đời thanh xuân của chúng mình đã sống, đã cống hiến không uổng cho đạo pháp. Tôi sẽ mang tất cả những điều này, đứng trước linh đài HT dâng lên Ngài những  lời thật ấy.

Ở đời, có những điều mình nghĩ nó không dính dấp gì đến chúng ta hóa ra không phải như vậy. Có những khi chính những điều ấy lại có sức tác động rất lớn trong con người, trong đời sống của chính mình. Trường hợp của anh Hai Vàm tắc và tôi, và có lẽ còn nhiều anh chị đạo hữu khác nữa, là một chứng minh.

HT. Thích Minh Châu hội kiến Giáo Hoàng tòa thánh Vatican La Mã.

Hòa thượng Thích Minh Châu không còn với chúng ta nữa, dù rằng với những công trình dịch thuật có bề dày cao hơn nhiều lần tuổi đời của Ngài, hay những công trình, thành quả giáo dục Phật giáo hiện nay đều là điểm son cho nhiều thế hệ phát huy.

Nhưng mà mất mát vẫn muôn đời là mất mát! Nói như anh Hai Vàm Tắc là:

“Hai tui biết, Đây là thứ ái-biệt-ly-khổ, nhưng mà thử hỏi với anh, tui có là Bồ Tát đâu, mà Bồ tát còn phải mắc cái vòng này. Thôi thì tui buồn, tui khóc, anh cứ để cho tui buồn, tui khóc…”

Tôi rất hiểu anh Hai Vàm Tắc, hành động quày quả bỏ ra về miền quê sông nước cũng chính là câu trả lời cho sự lìa đoạn của anh dù rằng ngôi thiền viện Vạn Hạnh bây giờ anh chưa bao giờ thấy qua, dù là trong hình ảnh. Như sau năm 1975, anh xa lìa chúng tôi chấp nhận trrở thành một lão nông dân chơn chất.

Anh yên tâm. Giác linh Hòa thượng sẽ hiểu cho anh. Nhưng còn phần mình, tôi hiện vẫn còn giận anh lắm, anh Hai Vàm Tắc à! Vì sao? Là vì tại sao lúc còn ngồi cạnh tôi  anh không muốn hỏi rằng sự đau buồn về tin HT Thích Minh Châu ra đi của tôi như thế nào?

Ngưỡng bạch giác linh Hòa thượng!

Anh em chúng con là như vậy đó, lớn hết rồi mà vẫn còn nhốn nháo, hờn giận vu vơ. Cho nên nhớ lắm nụ cười hiền lành của Hòa thượng đối với anh em chúng con, những người mà bây giờ lại đang lận đận trong màu áo lam, luôn muốn giữ gìn nó không nhạt nhòa theo năm tháng mà khi xưa những lời nguyện dành cho GĐPT, Hòa thượng chính là người soạn ra những điều luật ấy.

Làm sao chúng con có thể thờ ơ đây!

Mong giác linh Hòa thượng luôn gia hộ cho chúng con.

Dương Kinh Thành

Các tin đã đăng: