Bốn Mùa Lá Rụng
Thích Thái Hòa
19/06/2012 06:01 (GMT+7)

Trong văn học cũng như trong thực tế, người ta thường đề cập đến mùa thu có lá rơi, nhưng ít ai lại thấy thực tế hơn, chính xác hơn là trong bốn mùa, mùa nào cũng có lá rơi rụng cả…

Trong mùa xuân có mặt của cả mùa đông và mùa hạ, trong mùa hạ có mặt của cả mùa xuân và mùa thu, trong mùa thu có mặt của cả mùa hạ và mùa đông, và trong mùa đông đều có mặt của cả mùa thu và mùa xuân, đó là cách nhìn hết sức thực tiễn của thiền quán.

Và cách nhìn thực tiễn và chính xác hơn nữa, là trong mỗi mùa đều có chất liệu của cả ba mùa kia, nên mùa nào cũng cóù lá rụng và mùa nào cũng có hoa nở cả.

Bằng cái nhìn thiền quán ấy, ta mới khám phá ra nơi tự thân của chính ta và của những người chung quanh ta, với bất cứ độ tuổi nào cũng có thể nở hoa và với bất cứ độ tuổi nào cũng có thể rơi rụng và với độ tuổi nào ta cũng có niềm vui và nỗi buồn của chính độ tuổi ấy.


Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, tuổi già không có niềm vui và tuổi trẻ không có nỗi buồn. Hiện nay giới trẻ, có những vị có rất nhiều nỗi buồn, có những vị buồn cho số phận hẩm hiu của chính mình, có những vị buồn cho hoàn cảnh của gia đình mình, cha và mẹ không hòa thuận với nhau, anh và em không có sự thương yêu tương kính, tương thuận nhau, nhưng cũng có những vị buồn vì cho rằng:

“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”.

Cảm giác rằng, mình sinh ra đời không đúng lúc và sai lầm thời đại, đó là những cảm giác thất vọng và khổ đau, nhưng cảm giác thất vọng và khổ đau hơn nữa, là mình đã vọng tưởng rằng, mình đã bị quê hương ruồng bỏ, mình đã bị giống nòi khinh! Và nếu ta sống với những cảm giác như vậy, thì cuộc đời của ta bốn mùa đều là lầm lũi và trở nên băng giá. 

Trong tất cả chúng ta, đến hành tinh này đều là thụ động và rồi ta từ giã hành tinh cũng là thụ động. Ta đâu có tự sinh mà cha mẹ của ta sinh, khi sinh rồi ta đâu có muốn chết, mà cái chết vẫn đến với ta bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nên ta không có thẩm quyền để chọn lựa sự sinh ra và sự chết đi của ta ngay từ buổi ban đầu. Ngay từ buổi đầu ta có thẩm quyền chọn lựa đâu mà lầm với không lầm! Khi nào ta có thẩm quyền chọn lựa cha mẹ, dòng họ và thời đại hay xã hội đểø ta sinh ra mà ta sinh ra không đúng với những gì mà ta đã chọn lựa, thì đó mới gọi là lầm, nhưng thử hỏi trong tất cả chúng ta ai là người không lầm?

Vì là thụ động trong sự sinh ra và trong cái chết đi, nên đầu thai lầm thế kỷ là điều khó tránh khỏi, nhưng khi lớn lên ta đã được học hành và ta đã có ý thức đối với cuộc sống, mà ta chọn cho ta một cách sống hay một định hướng sai lầm, đó mới là điều thật đáng than trách. Và điều đáng than trách hơn nữa, là do ta đã chọn cách sống và định hướng sai lầm, nên ta đã bỏ dòng họ và quê hương của ta và rồi ta có cảm giác là ta bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh! Nhưng thực ra, chẳng có quê hương nào ruồng bỏ mình mà do mình mặc cảm quê hương, rồi trốn chạy; và chẳng có ông bà nào trong dòng họ mà khinh con cháu, nhưng do con cháu vì mặc cảm tự tôn hay mặc cảm tự ty mà chạy theo tà kiến, nên không những quên mất dòng họ mà còn kết án dòng họ!

Quên mất dòng họ, chính là quên mất quê hương và quên mất quê hương là quên mất đường về. Đối với tuổi trẻ đánh mất quê hương, chính là đánh mất bản chất mùa xuân của chính mình. Và đối với tuổi già cũng có những vị đã đánh mất quê hương và dòng họ của chính họ, nên họ đã trầm mình trong những tháng ngày đông giá lạnh. Nhưng cũng có những vị đã tìm ra được những niềm vui thanh khiết, trong những ngày còn lại của đời người và họ sống hết sức có ý nghĩa, và họ đã tạo ra được mùa xuân cho chính họ vào tuổi già, đồng thời họ cũng đã tạo ra được mùa xuân cho cả con cháu của họ.

Bởi vậy, mùa thu hay mùa đông, mùa xuân hay mùa hạ của thiên nhiên là có ước lệ của thời gian nhất định, nhưng mùa thu hay mùa đông, mùa xuân hay mùa hạ thuộc về tâm hồn của con người là bất định về thời gian, nghĩa là có khi chỉ cần trong một khoảnh khắc mà sự sống con người trở thành vĩnh cửu và vô hạn, nhưng cũng có khi, con người kéo lê đời mình cả trăm năm trong vô vọng, mà chẳng có một chút ý nghĩa nào, ngoài sự lo lắng và sợ hãi, ngoài việc sống để giành giựt hơn thua, để rồi tạo ra mùa hè nóng bức hay mùa đông băng giá cho nhau!

Thực sự, trong cuộc sống của con người, ở nơi nào có đấu tranh, có giành giựt, thì ở nơi đó có sự oi bức của mùa hạ, chính sự oi bức của mùa hạ ấy, mới làm cho đời sống của con người bị chết ngột không có lối thoát; chính cái oi bức của mùa hạ ấy, mới đốt cháy hết sạch mọi hạnh phúc trong đời sống của con người. Sự oi bức do mùa hạ của thiên nhiên đem lại, con người có thể vượt qua được bằng những tiện nghi của khoa học hiện đại, nhưng sự oi bức của mùa hạ trong tâm hồn, thì không có một văn minh khoa học nào có thể giúp ta vượt qua, ngoài sự thiền quán để an tịnh tâm ý và nuôi dưỡng chất liệu từ bi trong ta.

Và sự băng giá hay lạnh cóng của khí hậu thiên nhiên mùa đông, ta cũng có thể sử dụng những tiện nghi của khoa học hiện đại để vượt qua, nhưng sự băng giá và lạnh buốt của tâm hồn, thì cho dù những tiện nghi của khoa học có hiện đại đến bao nhiêu đi nữa, cũng không thể giúp ta vượt ra khỏi tình trạng ấy. Ta có thể vượt ra khỏi tình trạng ấy, khi nào ta biết bật ngọn đèn chánh niệm ở nơi tâm ta lên, khi tâm ta đã có ngọn đèn chánh niệm, ta biết rõ ta đang hiện hữu với tất cả những gì toàn vẹn trong từng giây, từng phút của sự sống, và mỗi giây phút đi qua đời ta là mỗi giây phút sống động nhiệm mầu, là mỗi giây phút đưa ta đi đến với thời gian không giới hạn, với không gian vô cùng.

Thực sự, không có sự sống nào gọi là sự sống khép kín, bản chất của sự sống là mở. Ta phải mở và thả ra tất cả những gì mà ta đã nắm bắt trong một đời người. Ta phải buông thả những ý niệm và những tri giác sai lầm trong ta về thời gian và không gian ra. Ta phải thả mùa xuân trong đời sống của ta ra, thì mùa hạ trong đời sống của ta không có lý do gì để có mặt. Trong đời sống của ta, mùa hạ đã không có lý do để có mặt, thì mùa thu và mùa đông cũng theo đó mà lặng yên.

Buông bỏ mùa xuân, nghĩa là buông bỏ mọi hạt giống vô minh, tham ái và hưởng thụ ở trong tâm thức ta, vì trong đời sống của con người, mùa xuân được tạo nên bởi những chất liệu này, mà không phải là những chất liệu của chánh niệm, tuệ giác và tình thương, nên mùa xuân ấy là mở đầu cho một sự sống hạnh phúc mơ hồ, mà thất vọng và khổ đau chắc chắn sẽ xuất hiện ở trong mùa hạ và trong những mùa kế tiếp của đời người.

Bằng đôi mắt thiền quán, khi ta thở vào hay ra là ta phải có ý thức toàn thân, chính ý thức ấy, khiến ta có thể tạo ra mùa xuân đầy sức sống, đầy ý vị cho ta suốt cả chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của cuộc sống, từ những yếu tố sinh học và tâm học ở trong ta.

Thở với ý thức toàn thân là ta phải có ý thức về toàn thể không gian và thời gian trong lúc ta đang thở. Đối với không gian, hơi thở của ta liên hệ chặc chẽ với không khí, với hơi ấm, với thể lỏng và với thể rắn, đồng thời nó gắn chặt với các bộ phận sinh học khác ở trong cơ thể của ta. 
Và quan trọng hơn hết là một khi hơi thở của ta đã gắn chặt được với không gian tâm thức, thì bấy giờ những hạt giống khổ đau ở trong tâm thức ta từ từ lắng yên và chuyển hóa. Lúc ấy mùa xuân đối với ta không gọi mời mà nó vẫn đến, không cần duy trì mà nó vẫn hiện hữu. Nó hiện hữu một cách thanh cao với ý nghĩa toàn vẹn và không có giới hạn.

Thở với ý thức toàn thân là ta ý thức rõ, ở trong thân thể ta từ đầu đến chân không có chỗ nào là không có mặt của hơi thở và trong các bộ phận của cơ thể, không có bộ phận nào là không gắn liền và không liên hệ với hơi thở. Chính hơi thở chánh niệm với ý thức toàn thân, chúng tạo ra năng lực mùa xuân hiện thực cho các bộ phận sinh học trong ta. 

Sở dĩ, hơi thở và các bộ phận trong cơ thể, chúng gắn liền được với nhau là do chúng không có tự tính cho chính nó. Hơi thở không có tự tính cho chính nó, nên hơi thở có thể đến và hòa nhập vào với bất cứ bộ phận nào của cơ thể và có thể trở thành một với các bộ phận ấy. 

Và các bộ phận trong cơ thể cũng vậy, chúng không có tự tính cho chính nó, nên chúng mới tiếp nhận hơi thở một cách tự nhiên. Hơi thở đi vào và hiện hữu ở trong các bộ phận và các bộ phận đi vào và hiện hữu ở trong hơi thở mà không hề có một sự chướng ngại nào cả.

Bởi vậy, khi thiền quán ta thấy rõ tự thân của ta vốn là “Nhất chân pháp giới”, nghĩa là vũ trụ đang hiện hữu ở trong sự thuần nhất chân thực. Sự hiện hữu này không làm trở ngại đối với sự hiện hữu kia, sự hiện hữu kia không làm trở ngại đối với sự hiện hữu này. Chúng hiện hữu trong nhau, để cùng nhau tạo ra một sự sống vô cùng, hay là một mùa xuân bất tận.

Đối với thời gian, khi ta thở với ý thức toàn thân, thì ta thấy cả bốn mùa đều có mặt trong nhau và bốn mùa đều có mặt trong từng hơi thở của ta. Ta thở vào và ra dài, hay ta thở vào và ra ngắn, thì sự vào và ra của hơi thở, nó liên hệ chặc chẽ từ không gian vật lý đến không gian tâm thức trong đời sống của ta. Và khi ta thở vào và ra dài hay ta thở vào và ra ngắn, thì sự dài ngắn của hơi thở, chúng có liên hệ chặc chẽ từ thời gian vật lý đến thời gian tâm thức trong đời sống của ta.

Không gian vật lý dù lớn mấy cũng nhỏ so với không gian tâm thức và thời gian vật lý dù dài mấy cũng ngắn so với thời gian tâm linh, nên khi thiền quán, có khi ta chỉ ngồi yên lặng để nhìn kỹ tâm ta, mà trong khoảnh khắc ta thấy cả mười phương vô tận thế giới, hay ta ngồi yên lắng để cảm nhận niềm vui của tâm chỉ mới thoáng chốc mà đã trải qua mấy mùa sương tuyết, hay khi ta hẹn ai và chờ đợi thì thời gian vật lý mới chỉ đi qua mấy phút mà ta có cảm giác lâu như thế kỷ.

Bởi vậy, không gian của tâm là không gian vô cùng, nên ta đi mãi trong đó mà không bao giờ chạm phải bởi bất cứ một biên cương nào cả. Và thời gian của tâm là thời gian vô tận, nên sống và chết ta cứ đi mãi ở trong đó, và ẩn hay hiện của chúng, chỉ là những trò chơi đuổi bắt, khi gió nghiệp thổi lên, khiến những ngọn sóng ái triều chập chùng khởi sinh vô tận. 

Nhưng, một khi gió nghiệp lắng yên, sóng thức không còn có điều kiện để sinh khởi, biển tâm hoàn toàn an tịnh, không còn gợi lên một tý sóng cồn, bấy giờ ta sống trong biển tâm ấy, thì không gian chính là thời gian và thời gian chính là không gian, chúng không phải là một mà cũng không phải khác. Ở nơi đó mọi ý niệm hoàn toàn lắng yên. Thực tại vốn không có ý niệm, nếu ta sử dụng ý niệm để ý niệm về thực tại, thì thực tại đó là thực tại của ý niệm mà không phải là thực tại của thực tại.

Khi ta sử dụng ý niệm để phán xét và cảm nghiệm niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống, thì chính cái ta đang sống và đang tiếp xúc để cảm nghiệm ấy, là cái đang sinh diệt, chúng là trò chơi được biểu hiện từ tâm thức. Và hẳn nhiên, thế giới mà ta đang sống và đang cảm nghiệm như thế, thì cả bốn mùa đều có lá rơi, chứ không phải chỉ có mùa thu mới có lá rơi và ta cũng có thể rơi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, đó là một sự thực của cuộcï sống, nó luôn luôn xảy ra cho ta và cho những người chung quanh ta là như vậy. 

(hoangphap.info)


Các tin đã đăng: