Trịnh Công Sơn đã mê hoặc hàng triệu con tim bằng sự ưu tư
đầy Phật tính trong các ca khúc của mình. Thế nhưng lúc nào ông cũng bị
ám ảnh bởi một cuộc chia tay lớn: “Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh), hay: “Hạt bụi
nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi), hoặc:
“Ôi, tiếng buồn rơi đều/ Nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Tình xa)… Và
cuộc đời ông quả đã kết thúc sớm giữa một rừng hoa tang trắng vào ngày
1/4/2001. Sự ra đi của ông như một dấu lặng vĩnh hằng chấm dứt chuỗi
giai điệu 63 năm của một kiếp du ca, nhưng những giai điệu để lại vẫn
không ngừng vang vọng, xoáy vào tâm hồn người nghe những vấn nạn muôn
thuở của kiếp người.
Ông sinh ra ở Đăk Lăk, nhưng lớn lên ở thành phố Huế
trong không khí tĩnh lặng của ngôi chùa Hiếu Quang, nơi gia đình gửi ông
vào vì đời sống quá khó khăn và dường như nhìn thấy nơi bản thể ông căn
nghiệp tu hành. Những năm tháng sống ở chùa đã lưu dấu trong âm nhạc
Trịnh Công Sơn một cái nhìn hư vô đối với đời sống. Sinh thời, Trịnh
Công Sơn tâm sự: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo
chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đọc kinh và thuộc kinh
Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có nhiều năm tháng
nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và
tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có lẽ vì một
tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức bên
cạnh những di sản văn hóa Đông - Tây góp nhặt được còn có lời kinh kệ
nằm ở đấy”.
Với Trịnh Công Sơn, đạo Phật là hơi thở, là triết học
làm cho con người yêu đời hơn chứ không thờ ơ hay lãng quên cuộc sống:
“Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca
khúc của mình, một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu
được như ca dao hoặc lời ru con của mẹ. Tôi cố gắng làm thế nào để có
thể trong bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân
ái đến với mọi người”. Ông còn nói: “Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như
một tôn giáo. Mỗi người phải tự nỗ lực để xây dựng cho bằng được một
ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính
bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác
đi, nhìn cuộc đời khác đi”.
Tự dầm mình trong khí hậu của cô đơn, trong cái màu sắc
Khổ đế của Phật giáo và dùng lăng kính ngày xưa để yêu và sống, chỉ có
điều Trịnh Công Sơn nói bằng nhạc và thơ: “Nghe xót xa hằn lên tuổi
trời/ Trẻ thơ ơi/ Trẻ thơ ơi/ Tin buồn từ ngày mẹ cho/ Mang nặng kiếp
người” (Gọi tên bốn mùa). Do đó thế giới nhạc ngữ Trịnh Công Sơn rất lạ:
Thực quyện Ảo, Không quyện Có, Khoảnh Khắc hòa lẫn với Thiên Thu… Nhưng
ngày nào đời sống còn hiến tặng những “cây trái trần gian” thì ngày đó
Trịnh Công Sơn còn tha thiết với đời. Dẫu đó chỉ là những sắc màu của kỷ
niệm, của sự chia lìa, khổ đau, mất mát: “Dù đến rồi đi/ Tôi cũng xin
tạ ơn người/ Tạ ơn đời/ Tạ ơn ai/ Đã cho tôi tình sáng ngời/ Như sao
xuống từ trời” (Tạ ơn). Cả cuộc đời ông là sự phấn đấu không ngừng nghỉ
của một Phật tử. Trong Để Gió Cuốn Đi, ông đã hát: “Sống trong đời sống
cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi/ Để gió
cuốn đi” và trong bài Ru em: “Yêu em yêu thêm tình phụ/ Yêu em lòng chợt
từ bi bất ngờ”. Đây là thái độ “phá chấp” của một con người thấm nhuần
tư tưởng Phật giáo.
Sự nhạy cảm với tính hữu hạn của đời người
theo quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử trong dâu bể vô thường đã làm nên một
phong cách Trịnh Công Sơn “một mình một cõi” với những ca từ đầy chất
thơ, triết lý, kết hợp với những khúc thức giản dị mang âm hưởng giọng
thứ (La thứ) u hoài, man mác, gợi lên một sự trầm tư không dứt về ý
nghĩa tồn tại của đời người trên dòng thời gian tuyến tính, mà xét đến
cùng cũng chỉ là một tiến trình từ chiếc nôi đến nấm mồ không thể đảo
ngược: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mồ/ Dưới chân người cỏ xót xa đưa”
(Cỏ xót xa đưa). Thế nhưng, đôi khi Trịnh Công Sơn cũng rất “hảo hán” và
“ngông nghênh”. Trong Này Em có nhớ, Trịnh Công Sơn hát: “Chúa đã bỏ
loài người/ Phật đã bỏ loài người/ Này em xin cứ phụ người”. Và ông cũng
mạnh bạo tuyên bố trong bài Tự tình khúc: “Chỉ có ta trong một đời” rồi
chọn cách sống hết mình: “Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ Đừng cuồng điên mơ
trăm năm sau/ Còn đây em ngọt ngào/ Đứng bên ngày yêu dấu/ Nhìn mây trôi
đang tìm về núi cao” (Hãy cứ vui như mọi ngày). Đây không phải là một
thái độ nổi loạn theo kiểu hiện sinh mà là cách nhìn nhận của một Phật
tử trước những nỗi khổ đau và tính cách tạm bợ của cuộc đời.
Nhưng
dù có “ngông nghênh” tới đâu, Trịnh Công Sơn cũng về với cái trầm buồn,
u hoài, xa vắng. Nói cho cùng, Trịnh Công Sơn vẫn là thi sĩ của nỗi
buồn. Ông lớn lên qua cuộc chiến tranh dai dẳng. Ông lang thang, ngơ
ngác giữa cuộc sống bức bối, ngột ngạt: “Đại bác đêm đêm dội về thành
phố/ Người phu quét đường/ Dừng chổi đứng nghe/ Đại bác đêm đêm ru da
thịt vàng/ Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/ Trẻ con chưa lớn để thấy
quê hương/ Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương” (Đại bác ru đêm). Dưới
một bầu trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn lớn. Để vượt
thắng nỗi đau ấy, con người tìm kiếm mọi nẻo đường để “hòa giải” với
thiên nhiên, với người khác, với chính mình, và tình yêu chính là “miền
đất hứa” giữa chốn nhân gian này.
Có lần Trịnh Công Sơn tâm sự:
“Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị tình phụ.
Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu”. Ông cũng từng
lớn tiếng cổ vũ: “Hãy yêu nhau cho gạch ngói có tin vui” (Hãy yêu nhau
đi). Nhưng tình khúc của Trịnh Công Sơn lại phảng phất những nét buồn,
lẩn khuất trong đó là những hờn ghen, giận tủi vô thường của con người
trong kiếp trầm luân. Ông quen với những cuộc chia ly hơn là những phút
gặp gỡ. Gặp gỡ trong giây lát rồi xa cách nghìn trùng. Tất cả đối với
ông chỉ là những ký ức dĩ vãng, những chuyện tình huyền thoại xen lẫn
những mảng đời thường của hôm qua nhiều hơn là hôm nay.
Trịnh
Công Sơn đã thênh thang “một cõi đi về”. Cái ông để lại không là hơi ấm
tâm linh, niềm an ủi dặn dò của một Phật tử dành cho bao người đã đến và
sẽ đến trần gian này làm người. Nó là những lời thì thầm dấu yêu, những
khúc thơ đau thương về thân phận kiếp người, cái đẹp muôn đời mà con
người có đầy đủ tư cách cất mình vươn tới.