Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh
và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều mơ có được. Nếu
như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch,
phát dương nội công, thì Tẩy tủy kinh là thần pháp biến đổi từ
bên trong, giúp con người cải lão hoàn đồng.
Từ
sức hút của huyền thoại…
Trong Tiếu ngạo giang hồ,
Dịch cân kinh được nhà văn Kim Dung mô tả là thần công do thiền
sư Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra, uy lực vô cùng lớn, “hàng
trăm năm qua không phải bậc kì nhân thì không truyền thụ, mà dẫu kì nhân
nhưng không gặp kì duyên thì cũng không truyền thụ; dù có là đệ tử xuất
chúng của chính Thiếu Lâm mà không có phúc duyên thì cũng không được
truyền”.
Lệnh Hồ Xung - người hùng thoát chết nhờ Dịch cân
kinh
Trong tiểu thuyết này, Lệnh Hồ Xung đại đệ tử phái Hoa Sơn bị nhiều
luồng chân khí hỗn chiến trong cơ thể, tình trạng vô cùng nguy kịch, chỉ
có Dịch cân kinh mới hóa giải được. Nhưng muốn học, điều kiện
đầu tiên là phải gia nhập Thiếu Lâm, mà chàng thà chết không phản bội
Hoa Sơn, do đó kiên quyết không chịu học. Cuối cùng, cảm kích trước
nghĩa khí và công lao của vị thiếu hiệp, Phương Chính đại sư của Thiếu
Lâm đã phá luật, mượn lời Phong Thanh Dương để truyền lại bí kíp này cho
Lệnh Hồ Xung.
Còn trong Thiên long bát bộ, Trang Tụ Hiền
nhờ luyện Dịch cân kinh mà đẩy được kịch độc băng hàn ra khỏi cơ
thể, tự chữa vết thương, rồi trở thành cao thủ hàng đầu trên giang hồ. Ở
một cuốn tiểu thuyết Kim Dung khác, Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh
cũng nhờ vào bộ bí kíp này để giải thoát cho mình và Hoàng Dung, vạch
mặt Dương Khang trong đại hội Cái Bang.
|
Một bản Dịch cân kinh lưu truyền |
Sức hấp dẫn của bí kíp võ công này qua nghệ thuật mô
tả của Kim Dung lớn đến nỗi, trước năm 1975, ở Sài Gòn xuất hiện những
bản Dịch cân kinh giả khác với bản lưu truyền tại Trung Quốc;
trong điều kiện khó khăn về thông tin, sách vở bấy giờ, rất nhiều người
đã tin và học theo, nhẹ thì vô ích, nặng dẫn tới mất mạng.
Trên thực tế, trước khi đi vào tiểu thuyết, ở Trung Quốc, Dịch cân
kinh và Tẩy tủy kinh đã là những huyền thoại. Tương truyền
sau khi Đạt Ma viên tịch, đệ tử Thiếu Lâm tìm thấy trong động một hộp
sắt không khóa, nhưng không thể mở ra. Sau đó, có tăng nhân nghĩ ra cách
nung nóng hộp, mới mở được, thì ra hộp được hàn kín bằng sáp để tránh
hơi nước tràn vào làm hỏng. Trong hộp có hai cuốn sách, một cuốn là Dịch
cân kinh, cuốn kia là Tẩy tủy kinh, đều viết bằng chữ
Phạn.
Một thuyết cho rằng, bấy giờ ở Thiếu Lâm, người thực sự thông hiểu
tiếng Phạn chỉ có Nhị tổ Huệ Khả. Huệ Khả để Dịch cân kinh lại
Thiếu Lâm, mang theo cuốn Tẩy tủy kinh đi vân du thiên hạ. Các
tăng nhân khác trong chùa cũng có mấy người biết chút tiếng Phạn, cùng
nhau dịch ra rồi theo đó tu luyện, dẫn đến công phu Thiếu Lâm sau này
chia nhiều nhánh, có sự sai khác.
Sau đó, có vị tăng nhân mang Dịch
cân kinh lên núi Nga Mi gặp nhà sư người Thiên Trúc Bát Lạt Mật Đề,
tạo ra bản Dịch cân kinh chữ Hán đầu tiên. Vân du quay về, Huệ
Khả mang theo bản dịch Tẩy tủy kinh của mình, lúc đó mọi người
mới phát hiện ra Dịch cân kinh với Tẩy tủy kinh là một.
Một thuyết khác phổ biến hơn, và được hưởng ứng hơn, đó là Tẩy tủy
kinh đã bị thất truyền. Sự ủng hộ đối với giả thuyết này có lẽ phát
sinh từ tâm lí kì vọng, bởi Tẩy tủy kinh vốn được coi là phương
pháp tu luyện giúp cải lão hoàn đồng – điều luôn có sức hấp dẫn với bất
cứ ai; và việc có đến 2 bộ chân kinh chắc chắn hấp dẫn hơn việc hai bí
kíp đó chỉ là một. Đồng thời, khi một bộ võ công bị thất truyền, cũng
không loại trừ khả năng nó đang được giữ kín ở đâu đó và sẽ tái xuất
giang hồ vào một ngày không hẹn trước, khi đó giang hồ sẽ lại nổi sóng,
bước vào một cuộc tranh giành mới để độc chiếm thứ tuyệt đỉnh công phu.
|
Đại Hùng bảo điện của Thiếu Lâm luôn được cho là
ẩn giấu những bí kíp võ công. |
Quan
niệm truyền thống cũng cho rằng, kể từ khi
Dịch cân kinh ra đời,
đối với tăng nhân Thiếu Lâm, ngồi thiền và luyện công mới bắt đầu trở
thành hai mặt không thể tách rời, tạo ra nguyên lí “thiền võ hợp nhất”
của công phu Thiếu Lâm Tự.
…Đến thực tế
Tuy nhiên, sử liệu có vẻ lại cho thấy điều gần như hoàn toàn ngược
lại, điều có thể làm thất vọng những “anh hùng xạ điêu” thời hiện đại
đang ôm mộng chạm vào bí kíp ngàn năm.
Lần theo dòng lịch sử, từ đời Đường trở về trước, chưa có tài liệu
chính thức nào đủ chứng minh chuyện Đạt Ma truyền dạy võ công cho đệ tử.
Thời Tống Chân Tông, Trương Quân Phòng soạn một bộ Vân kíp thất bá,
thuộc loại sách về Đạo giáo, trong đó có một thiên “Đạt Ma đại sư
trú thế lưu hình nội chân diệu dụng quyết”.
Theo ghi chép
trong Tống sử, có một cuốn Tồn tưởng pháp, một cuốn Thai
tức quyết của Đạt Ma, một cuốn Đạt Ma huyết mạch luận của
Huệ Khả, đều là những sách dạy về luyện khí, dưỡng thần. Nhưng theo các
nhà nghiên cứu, có khả năng những sách này là do người đời Tống tạo ra
rồi gán tên cho Đạt Ma.
Đến năm Thiên Khải thứ 4 đời Minh (1624), Tử Ngưng đạo nhân ở núi
Thiên Thai tên là Tông Hành có đưa ra một bộ Dịch cân kinh, nói
là của Bồ Đề Đạt Ma. Trong cuốn sách này có hai lời tựa, một của danh
tướng Lí Tĩnh đời Đường, viết năm Trinh Quán thứ 2 (628), một của danh
tướng đời Tống là Ngưu Cao, viết năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142).
Phần tựa của Lí Tĩnh viết: “Sau khi Đạt Ma qua đời, để lại một hòm
sắt, tăng đồ mở ra thấy có một bộ Dịch cân kinh và một bộ Tẩy
tủy kinh, đều viết bằng tiếng Phạn. Tẩy tủy kinh bị Huệ Khả
đem đi, đã thất truyền; Dịch cân kinh tuy còn ở Thiếu Lâm Tự,
nhưng chỉ có thể đọc hiểu được một phần nhỏ, các tăng đồ diễn giải theo ý
mình, rồi theo đó mà tập, vì vậy trở thành bàng môn, mất đi yếu chỉ
thực sự của việc chân tu. Sau đó, có cao tăng người Thiên Trúc là Bát
Lạt Mật Đề dịch ra, rồi chuyển đến tay Cầu Nhiêm Khách, người này giao
lại cho Lí Tĩnh và gọi đó là “tiên thánh chân truyền”.
Phần tựa của Ngưu Cao thậm chí còn li kì hơn, và gắn với một nhân vật
được người Trung Quốc nói chung và giới võ lâm nói riêng hết sức sùng
bái: Nhạc Phi.
|
Người hùng Nhạc Phi |
Bài
tựa viết: Trên đường hành quân, Ngưu Cao gặp một nhà sư tự xưng là sư
phụ của Nhạc Phi. Vị cao tăng than rằng Nhạc Phi danh tuy thành mà chí
chưa đạt, rồi nhờ Ngưu Cao chuyển cho vị danh tướng này một cái hộp,
trong có hai quyển
Dịch cân kinh; sau đó vị hòa thượng nói phải
sang Tây phương gặp sư phụ Đạt Ma, và theo cơn gió mà biến mất. Không
lâu sau đó, Nhạc Phi bị gian thần hãm hại, nên bộ sách này vẫn do Ngưu
Cao giữ và truyền lại.
Tuy nhiên, dựa trên nhiều cứ liệu như văn phong, cú pháp, nhiều nhà
nghiên cứu hiện đại nhận định: chính Tông Hành đã ngụy tạo ra hai phần
lời tựa kể trên, nhằm tăng tính chất cao siêu thần bí cho cuốn sách của
mình.
Lúc đầu, Dịch cân kinh chỉ lưu truyền một bản sao, đến giữa
đời Thanh bắt đầu xuất hiện bản khắc. Năm Hàm Phong thứ 8 (1858), thêm
một bản từ Thiếu Lâm truyền ra, gọi là Vệ sinh yếu thuật. Vương
Tổ Nguyên ở lại Thiếu Lâm 3 tháng, tìm được một bản Nội công đồ,
một bản Thương bổng phả, nội dung giống như Vệ sinh yếu thuật,
liền san cải, bỏ bớt những phần tạp lẫn vào và đặt tên là Nội công
đồ thuyết. Những bản khắc đời Thanh này đều dựa trên cơ sở Dịch
cân kinh, nhưng bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó một phần lấy từ
sách Thọ thế truyền chân của Từ Minh Phong đời Càn Long.
Năm 1938, Ngô Đồ Nam xuất bản cuốn Quốc thuật khái luận, trong
đó những phần nói về Thiếu Lâm đều dựa theo thuyết cũ, cho Đạt Ma là
thủy tổ, và cho Bạt Đà – Huệ Quang – Đạt Đàm – Đạt Ma – Huệ Khả là các
thế hệ truyền thừa.
|
Vài thế tập Dịch cân kinh trong các bản
hiện tồn |
Năm 1984, trong bài nghiên cứu “Võ thuật Thiếu Lâm
thực chất không có liên quan gì đến Đạt Ma”, giáo sư Trương Truyền
Tỉ của đại học Bắc Kinh đã bác bỏ một cách tương đối thuyết phục thuyết Dịch
cân kinh do Đạt Ma sáng tạo ra. Dịch cân kinh, tác phẩm được
coi là cội nguồn công phu Thiếu Lâm, thực chất là một cuốn sách rèn
luyện công phu giúp lưu thông kinh mạch, cường gân tráng cốt của các
chân nhân Đạo giáo. Quan điểm này gần đây (2007) đã được chính Thiếu Lâm
Tung Sơn xác nhận trên website chính thức của mình.
Đây là một tuyên bố gây thất vọng với rất nhiều người, đặc biệt là
những fan của Kim Dung, Cổ Long vốn sùng bái những Dịch cân kinh, Tẩy
tủy kinh, Cửu âm chân kinh… những bí kíp thượng thừa mang màu sắc
huyền thoại.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, ngay cả khi Dịch cân
kinh không phải do Đạt Ma sáng tạo ra, thì cũng không phải vô tình
mà nó được gán cho Thiếu Lâm; việc nói rằng Tông Hành mượn tên tuổi Đạt
Ma cũng khá khiên cưỡng, bởi lẽ các môn phái đều ưu tiên tôn vinh tổ sư
của mình, mà bản thân các tông sư của Đạo giáo như Thái thượng lão quân
có tầm ảnh hưởng không kém gì Đạt Ma.
Mặt khác, Thiếu Lâm Tự
ngày nay đã không còn giữ được nguyên vẹn những kì thư trong Tàng Kinh
Các sau nhiều lần binh hỏa, nhiều tuyệt kĩ cũng đã thất truyền, cho nên
những gì còn lại ở Thiếu Lâm hiện nay không đủ chứng minh diện mạo Thiếu
Lâm trong quá khứ, và những gì các hòa thượng Tung Sơn ngày nay biết
đến cũng không phải là toàn bộ sự thật về Thiếu Lâm.
|
Dịch cân kinh được coi là một bài tập dưỡng sinh
hiệu quả |
Mặt khác, ngay cả khi phải thừa nhận rằng Dịch cân kinh không
bắt nguồn từ Đạt Ma, Thiếu Lâm Tự vẫn coi đây là một pho võ công quý.
Bản thân cuốn sách này cũng được đưa vào các sách dạy y học cổ
truyền của Trung Quốc như một tông thư hàng đầu.
Gần đây, dư luận lại xôn xao khi tìm thấy ở Tứ Xuyên một cuốn Dịch
cân tẩy tủy kinh bản khắc in, trên có chữ “Nam Tống Thiếu bảo Nhạc
Bằng phụng giám định bản nha tàng”. Việc cuốn sách được khắc in cho
thấy tính chính thống và tin cậy của tư liệu trên sách, khiến dư luận
hết sức hứng khởi. Nếu được xác minh là đúng, thì thuyết Dịch cân
kinh đã có từ đời Tống và gán với tên tuổi Nhạc Phi là hoàn toàn có
cơ sở, cũng có nghĩa rằng, bí kíp Dịch cân kinh có thể không
chỉ là huyền thoại!
|
Hình ảnh bản Dịch cân tẩy tủy kinh mới công bố. |
Cũng nên nhớ rằng, không cần đến khi Dịch cân kinh
ra đời, Thiếu Lâm mới trở thành Thái Sơn Bắc đẩu của võ lâm Trung
nguyên. Và kungfu Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, truyền lại đến ngày nay
không chỉ nhờ vào những huyền thoại, mà còn nhờ những tuyệt kĩ và chiêu
thức võ công có thật, không chỉ vô cùng hiệu quả, mang tính thực chiến
cao, mà còn vô cùng tinh diệu và đẹp mắt.
Còn nữa
»» Huyền thoại Thiếu Lâm tự - Kỳ 1: Từ Đạt Ma đến 72
tuyệt kỹ
Minh Tư (VTC NEWS)