Truyện ngụ ngôn Phật giáo : Cá và Sóng
17/03/2010 21:27 (GMT+7)

Dòng tư tưởng trong tâm ta, niệm niệm sinh khởi bất tuyệt như sóng trào, chẳng cách chi dừng lặng. Chỉ khi niệm ngừng sinh khởi, cõi yên bình trong tâm ta mới hiển lộ, và ta hưởng được cảm giác tĩnh lặng, an nhiên, giống như con cá nhỏ lặn xuống biển sâu tận hưởng niềm an tĩnh.


Một con cá nhỏ bơi lội tung tăng, thả nổi và ngoi lên mặt nước ngắm bầu trời xanh. Một lượn sóng ùa tới, nó đùa giỡn ngụp lặn với sóng và nhìn sóng cuồn cuộn tiến vào bờ, thích thú hỏi:

- Cuộc sống hàng ngày của anh luôn vui nhộn, náo nhiệt như thế hả?

Sóng đáp:

- Không phải mỗi ngày mà mỗi khắc đều lăn tăn, náo động không ngừng! Có khi còn dữ dội hơn bây giờ. Chỉ cần giông to gió lớn, lúc ấy tôi như bay bổng, cuồn cuộn dâng cao, mạnh mẽ vũ bão khó mà tả cho hết!

- Chà! Oai nhỉ? Ước gì tôi được hóa thành sóng để mỗi ngày nương theo mưa gió, hào hùng lướt trên triều lưu chắc tuyệt lắm? – Cá thèm thuồng ước ao.

Cá nô đùa trên sóng chẳng mấy chốc đã thấm mệt. Nó bảo bạn:

- Sóng này! Tôi nhớ đến đáy biển yên bình rồi, anh có muốn cùng tôi xuống đó chơi không?

Sóng chưa kịp đáp thì một cơn sóng to khác đã hung hãn ập tới, đẩy nó đi xa. Con cá nhỏ đành lặn xuống đáy biển một mình, lim dim mắt nghỉ ngơi.

Ngày ngày, cá đều trồi lên mặt biển nô đùa với sóng. Lần nào nó cũng khẩn khoản mời sóng xuống đáy biển chơi, nhưng cứ gặp cảnh sóng chưa kịp trả lời thì đã bị xô dạt xa tít.

Ngày nọ, cá dặn lòng nhất định phải mời sóng cho bằng được, nên vừa gặp sóng nó nói ngay:

- Anh hãy xuống thám thính cho biết đáy biển yên tĩnh và chơi đùa cùng tôi nhé?

Nói xong, cá te te kéo sóng đi nhưng nó lại bị sóng cuốn đến một vùng xa tít.

Sóng đành thú nhận với cá:

- Thật lòng tôi cũng muốn xuống đáy biển với anh. Nhưng quả là không được. Sóng chỉ có thể lướt đi trên mặt biển, hễ xuống đáy sâu là chết ngay. Hơn nữa loài sóng chúng tôi không được tự do làm theo ý mình, luôn bị làn sóng phía sau xô đẩy chạy tới trước mãi. Hễ gặp gió nổi lên thì chạy mệt bứt hơi, mà triều lưu biến động thì toàn thân đảo lộn, nhồi vật ngất ngư. Thiệt tình tôi chỉ mơ được làm con cá nhỏ như anh, lặn xuống đáy biển yên bình, nghỉ ngơi…

Sóng chưa nói dứt câu thì đã bị một cơn sóng lớn đẩy bắn lên cao mấy thước. Cá sợ quá, không dám nán lại thêm phút giây nào, lặn tuốt xuống đáy biển náu thân và nghĩ thầm:

Cuộc đời như sóng thiệt tội nghiệp! Chẳng có lấy một khoảnh khắc bình an, cũng không được tự do quyết định, đâu sướng bằng một con cá nhỏ như ta!

(Theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Dòng tư tưởng trong tâm ta, niệm niệm sinh khởi bất tuyệt như sóng trào, chẳng cách chi dừng lặng. Chỉ khi niệm ngừng sinh khởi, cõi yên bình trong tâm ta mới hiển lộ, và ta hưởng được cảm giác tĩnh lặng, an nhiên, giống như con cá nhỏ lặn xuống biển sâu tận hưởng niềm an tĩnh.

Tâm con người giống như những đợt sóng cuồn cuộn. Các kinh điển, giáo pháp luôn nhắc ta hàng phục tâm, đừng để dòng thác nghĩ tưởng lôi cuốn mê hoặc, làm ta mất tự chủ. Niệm khởi dù sôi động, vui nhộn nhưng chỉ là lớp mặt nổi, biến hóa liên miên, sinh rồi diệt tiếp nối nhau thành dòng. Theo nó, ta chẳng thể an thân và chẳng có được một khoảnh khắc bình yên. Trong cuộc sống, có nếm qua kinh nghiệm nội tâm tĩnh lặng mới biết được mùi vị an bình, có từng bị khổ nhồi vật ngất ngư, mới biết quý và trân trọng hạnh phúc tĩnh lặng.

Nếu như ta dành nhiều thời gian tĩnh tâm, quán sát và theo dõi dòng tâm thức diễn hành mà không đồng hóa hay để chúng nhấn chìm, ta sẽ hưởng được mùi vị an lạc, giản dị, thanh bình và tự do. Chỉ khi tâm bình an ta mới có nhận định tinh tế, sáng suốt và bao dung. Đây chính là chỗ mà Thiền tông nói: Cao cao sơn đỉnh lập, thâm thâm hải để hành” là vậy.

Hạnh Đoan (Theo Giác Ngộ)

 

Các tin đã đăng: