Như một huyền thoại
Hạnh Chiếu
29/03/2010 06:47 (GMT+7)


Thuở nhỏ, Sư đã rất lạ. Nhà nghèo, cha mất sớm. Mẹ buôn bán tảo tần nuôi Sư. Bà thường bảo con trai ra đồng mò cua, phụ mẹ kiếm miếng ăn. Sư cũng vâng lời, nhưng chiều nào cũng về tay không, rồi nói đối với mẹ : "Con tìm không thấy con cua ở đâu". Một hôm, trước khi quảy gánh ra chợ bán như mọi khi, mẹ Sư dặn : "Nè ! Mẹ có mua một xâu cua để ở dưới ao. Con ở nhà giã cua nấu canh. Trưa mẹ về, hai mẹ con mình ăn". Dặn rồi, mẹ đi. Nhìn theo chiếc gánh oằn vai, Sư thương mẹ nhiều lắm.

Chạy ra bờ ao, Sư thấy ngay xâu cua. "Cua ơi ! Mẹ bảo tao giã mày nấu canh". Nhìn chúng thật lâu, bỗng nhiên Sư thấy những dòng bọt trắng trào ra, trào ra nhòe cả một vùng nước. Đau lòng, Sư buông xâu cua xuống : "Cua ơi ! Đừng khóc nữa. Tao không giã mày đâu. Tao thả mày đây. Đi nhanh lên". Thế là, Sư tháo hết xâu cua, thả xuống ao.

Mẹ về. Sư đón lấy gióng gánh. "Chà ! Mẹ đói bụng quá. Con nấu canh cua rồi chưa?".

Sư ngập ngừng : "Mẹ ơi ! Con... con thả chúng nó hết rồi".

Vừa mệt, vừa đói, mẹ Sư không dằn được cơn giận, liền quơ lấy cây roi. Sợ quá, Sư chạy thẳng một mạch ra khỏi nhà, không dám ngoái đầu nhìn lại. Và mẹ Sư không ngờ, cái bóng roi vô tình đã chia cắt mẹ con kể từ ấy.

Non bốn mươi năm sau.

Con đường làng xưa cũ chỉ còn là những khúc đê buồn rối chỉ. Tất cả đều hun hút theo thời gian. Sư lặn lội nhiều lần trên những con đường, qua lại quanh những bờ ao... nhưng vẫn không tìm thấy dấu cũ. Mệt quá, Sư tấp vào một cái chòi tranh ven đường.

Bà lão thấy khách, liền rót một chung trà : - Sư dùng trà.

- Dạ

Nhìn mái đầu bạc phơ của cụ tương phản với mái tranh cũng bạc màu, rệu rã mục; cả hai như chìm ẩn trong nhau cùng chịu đựng, cùng mòn mỏi, già nua. Sư nhớ mẹ đến nao lòng.

- Cụ à ! Cụ ở đây có một mình sao ?

- Già ở đây một mình,

- Cụ sống bằng cách nào ?

- Già bán trà sống lây lất qua ngày.

- Cụ không có con cháu gì sao ?

- Hồi xưa, già có một đứa con trai. Nhưng nó đã bỏ đi từ năm 12 tuổi. Già tìm kiếm, trông đợi, thương nhớ... gần bốn chục năm nay. Thân quạnh quẽ không có ai, già che đỡ cái chòi tranh này, bán trà sống qua ngày.

Sư im lặng nuốt nghẹn. Bây giờ thì chắc chắn rồi. Mưa nắng dù có cuồn cuộn trên tóc, trên mắt mẹ nhưng vẫn không làm thay đổi được cái ánh nhìn năm xưa. Thăm thẳm. Yêu thương.

- Cụ à ! Nếu như tôi rước cụ về chùa, cụ có chịu không ?

- Về chùa thì tôi chịu lắm. Nhưng già rồi, không làm gì được, ăn cơm chùa, tôi sợ tội.

- Không sao ! Cụ đừng lo. Ở chùa thiếu gì việc. Người trẻ làm việc trẻ. Người già làm việc già. Nhổ cỏ, lượm lá... cũng là công quả vậy. Miễn cụ chịu ăn chay, niệm Phật là không có tội.

- Nếu được vậy thì Sư cho già theo về chùa với.

Sư nhìn mẹ, mỉm cười đằm thắm :

- Cụ ở đây đợi nhé ! Tôi về chùa xin phép quý Thầy rồi sẽ trở lại đón cụ đi.

Về chùa, không nói gì đến mẹ mình. Sư chỉ kể lại hoàn cảnh của một bà lão trên đường. Quý Thầy thương quá, xin Sư cho đi đón về. Sư mới dám. Bà lão được nghỉ trong một am tranh nhỏ nhắn sau vườn chùa. Mỗi sáng, Sư đến tìm mẹ thăm hỏi, rồi khoanh một vòng cỏ tròn, nói : - Bữa nay, cụ làm xong bao nhiêu đây rồi nghỉ, vào niệm Phật nhé.

- Dạ.

Bà lão vui lắm. Sư cũng vui. Thời gian sau bà bệnh. Sư tự tay chăm sóc mẹ. Càng ngày, bà càng yếu dần. Hôm ấy, nhìn thần sắc mẹ, Sư biết. Nhưng vì có việc, Sư phải vắng chùa vài hôm. Trước khi đi, Sư căn dặn quý Thầy : - Nếu ở chùa, bà lão có mất, quý Thầy đặt bà vào áo quan, đợi tôi về hãy đậy nắp.

Quả như điều Sư đoán. Vừa trở về, được tin mẹ mất. Sư đi thẳng tới am tranh, nhìn mặt mẹ lần cuối, rồi từ từ đậy nắp quan. Giữa hai hàng Tăng chúng, Sư cầm tích trượng, đứng cạnh quan tài mẹ, trầm tĩnh nói : - "Như lời Phật dạy, một người tu hành ngộ đạo, cha mẹ được sanh thiên. Nếu lời ấy không ngoa, xin cho chiếc quan tài này bay lên hư không". Nói xong, Sư liền gõ tích trượng ba cái, chiếc quan tài từ từ bay lên hư không và nứt ra nhiều mảnh.

Đến lúc ấy, chư Tăng mới biết bà lão là mẹ của Thầy mình. Không cho mẹ biết tung tích về mình. Không cho Tăng chúng biết tung tích về mẹ. Sư đã thầm lặng tạo cho mẹ phần công đức mang theo về cõi lành. Trái hiếu thảo đã chín, rụng xuống nắp quan mẹ một quả thơm ngọt tràn đầy, dâng lên cúng dường mười phương Phật.

Sư chính là Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711), một cao tăng Việt Nam đã cứu Phật pháp thoát khỏi ách nạn vào đời Hậu Lê, mà suýt chút nữa vua Lê Hy Tông đã làm cho mai một. Và vì thế, Sư đã trở thành bậc tôn sư của triều đình đương thời. Tầm vóc là vậy, nhưng Sư vẫn là "Hòa thượng cua" trong lòng nhân gian, luôn sống mãi với cái khoảnh khắc chóng vánh thuở thiếu thời. Chóng vánh nhưng không dễ tan. Bởi vì chính cái khoảnh khắc ấy đã thu gọn, cô đọng những gì lớn lao nhất, ý nghĩa nhất của một người con Phật khi bắt đầu chọn cho mình một lối đi. Chất liệu từ bi và lòng hiếu thảo vô bờ của Sư đã thể hiện được con đường Bồ Tát đạo trong Phật giáo.

Cuộc đời và công hạnh của Sư như một huyền thoại. Một huyền thoại mà làm nên những cái thật muôn đời.

Hạnh Chiếu

Các tin đã đăng: