Xây dựng nền văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc
25/03/2010 22:34 (GMT+7)



Giữa lúc nhu cầu xuất bản và cung ứng các ấn phẩm Phật giáo đang phát triển mạnh như hiện nay, Giáo hội nói chung và Ban Văn hóa TƯGH nói riêng, với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Hiến chương và Nội quy hoạt động chuyên ngành, vẫn còn bị trói buộc do một cơ chế không được định hình phù hợp với trào lưu phát triển của xã hội và vô tình tạo nên hiệu ứng tiêu cực, làm tê liệt một chi phần quan trọng trong hoạt động của GHPGVN. Hơn thế nữa, sự thiếu vắng đầu tư của ngành văn hóa Phật giáo trong lĩnh vực này đã gián tiếp thả nổi và gây lãng phí không nhỏ ở một thị trường đầy tiềm năng.

Trở lại với vấn đề cơ chế. Thử nhìn vào xã hội, chúng ta sẽ dễ nhận ra sự phân công phân nhiệm trong mỗi chuyên ngành là hết sức rõ ràng, trong đó hình thành những chân rết thúc đẩy các mảng hoạt động của từng bộ phận cụ thể có điều kiện phát triển, song song với việc quản lý phân quyền phân cấp, tạo nên một hệ thống lãnh đạo xuyên suốt và đồng bộ. Chính việc phân công phân nhiệm theo hướng khoa học thực tiễn đã giúp bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả. Trong Phật giáo, khái niệm về khoa học thực tiễn trong các hoạt động Phật sự chưa được chú trọng nhiều, do vậy việc triển khai các công tác trọng tâm còn lắm bất cập. Đặc biệt là ngành văn hóa, một trong những ngành xây dựng chiến lược lâu dài cho Phật giáo Việt Nam trên bình diện nhận thức Phật học cũng như quan điểm tư tưởng của đạo Phật Việt Nam.

Theo định nghĩa, văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa Phật giáo lại càng thể hiện tính nhân văn, đồng thời bao hàm ý nghĩa hướng dẫn nhận thức cho Tăng Ni Phật tử về con đường tiếp cận, phát triển Phật giáo.

Chính do tính thiết yếu và quan trọng như thế, Phật giáo cần phải có một chuyên ngành văn hóa Phật giáo tham gia thẩm định trong lĩnh vực in ấn xuất bản phù hợp với tinh thần Chánh pháp của đạo Phật, chuyển đổi những nhận định sai trái, ngộ nhận với những tà thuyết huyễn hoặc trong bối cảnh đời sống tâm linh của xã hội còn lắm "vàng thau, trong đục" lẫn lộn như hiện nay. Do vậy, không chỉ hình thành văn hóa đọc, mà cả khả năng lựa chọn sách để đọc, tự trang bị một phông văn hóa sâu rộng để hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới.  

Nhìn vào các ấn phẩm văn hóa Phật giáo, từ kinh sách, VCD, CD và vô số các loại hình khác được bày bán ở những phòng phát hành kinh sách tại các tự viện cũng như các nhà sách tư nhân, chúng ta dễ nhận ra sự thiếu vắng quản lý, dẫn đến việc ra đời một số sản phẩm gây hoang mang cho Phật tử, đặc biệt đối với những người bước đầu học Phật, theo hướng "Ông nói gà, bà nói vịt" hoặc "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", thậm chí ngay cả những sách hướng dẫn tu tập. Người có tầm nhìn xa luôn thấy được sự nguy hại ẩn chứa trong các ấn phẩm văn hóa Phật giáo đang xuất bản tràn lan, vô tội vạ hiện nay với mục đích chỉ cốt thu được nhiều lợi nhuận, đó là chưa kể đến những âm mưu xâm thực văn hóa hết sức tinh vi của các thế lực xấu ác nhằm làm mất đi giá trị nền văn hóa Phật giáo Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc do các thế hệ Tổ sư tiền bối đã dày công tô đắp và giữ gìn cho hậu thế...

Trong trào lưu tôn thờ, sùng bái thái quá các sản phẩm vật chất và tinh thần ngoại lai của một bộ phận không nhỏ người dân nói chung và Phật tử nói riêng, cần có những định hướng đúng đắn, thể hiện quyết tâm giữ gìn cho kỳ được bản sắc của tinh thần đạo Phật Việt Nam và văn hóa dân tộc Việt đang lộ diện nhiều khoảng trống thiếu an toàn. Trách nhiệm mang nặng tấm lòng ưu thời mẫn thế đang được kỳ vọng nơi sự góp sức của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Trung ương GHPGVN trong tinh thần "hộ quốc an dân".

Thích Thiện Bảo (GNO)

Các tin đã đăng: