Khi đi tham quan hoặc nghiên cứu những di tích Phật giáo xưa ở các
nước ta, người xem phải xúc động sâu sắc trước vẻ đẹp của một số công
trình kiến trúc, và điêu khắc còn lại rải rác nhiều nơi trên đất nước.
Một số lớn công trình nổi tiếng đã bị huỷ hoại hoàn toàn hoặc một phần
trong các cuộc chiến tranh ngoại xâm hoặc do nhiều yếu tố khác, như Chùa
Dạm, Chùa Đọi, Chùa Đậu, Chùa Cói, v.v… Nhưng chỉ riêng số ít ỏi còn
lại cũng đã minh chứng được một điều là nền kiến trúc và nền điêu khắc
xưa đã có những tác phẩm xuất sắc, có thể nói là có những tác phẩm tuyệt
luân gắn liền với những lý tưởng của Phật giáo. Những lý tưởng Phật
giáo nói đây là lý tưởng mà người ngày xưa tiếp nhận trong hoàn cảnh
lịch sử trong thời đại.
Biện chứng hoà bình nhân bản lực hấp dẫn của Phật giáo chính là nằm ở
đó những nghệ sĩ tạo hình của nước ta thời xưa, có ý thức rõ ràng về
điều đó hay không, ngày nay chúng ta không thể biết rõ, nhưng có một
điều chắc chắn là họ đã tìm thấy ở Phật giáo những gì đáp ứng một cách
viên mãn cho những khát vọng của họ, của con người nói chung. Hãy nhìn
vào những tác phẩm của họ, ở đâu ta cũng có thể nhìn thấy không khí trầm
mặc, yên tĩnh, kết tinh của những cảm nhận thấu triệt (theo triết học
Phật giáo), những đau khổ của con người, và cuối cùng là sự giải thoát.
Khi chiêm ngưỡng tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở Chùa Bút Tháp
người xem như hoà mình vào không khí ấy và thấy một cái gì khác đi trong
tâm hồn mình không phải là một cái gì làm cho mình yếu đi, hèn đi trước
những sức mạnh siêu nhiên nào đó, mà là một cái gì làm cho mình trở nên
cao hơn, vững tâm hơn vào chính mình. Tính vĩnh cửu của những tác phẩm
nghệ thuật xuất sắc kia, sức mạnh xuyên suốt thời gian của chúng, hẳn là
đã gắn chặt với những lý tưởng vĩnh cửu của Phật giáo.
Lý Tưởng Phật Giáo Và Nghệ Thuật Tạo Hình
(Trích tập văn “kỷ niệm Phật thành đạo & Phật giáo và hòa bình” PL. 2530-1987)
Hoạ Sĩ Phan Kế An
Khi đi tham quan hoặc nghiên cứu những di tích Phật giáo xưa ở các
nước ta, người xem phải xúc động sâu sắc trước vẻ đẹp của một số công
trình kiến trúc, và điêu khắc còn lại rải rác nhiều nơi trên đất nước.
Một số lớn công trình nổi tiếng đã bị huỷ hoại hoàn toàn hoặc một phần
trong các cuộc chiến tranh ngoại xâm hoặc do nhiều yếu tố khác, như Chùa
Dạm, Chùa Đọi, Chùa Đậu, Chùa Cói, v.v… Nhưng chỉ riêng số ít ỏi còn
lại cũng đã minh chứng được một điều là nền kiến trúc và nền điêu khắc
xưa đã có những tác phẩm xuất sắc, có thể nói là có những tác phẩm tuyệt
luân gắn liền với những lý tưởng của Phật giáo. Những lý tưởng Phật
giáo nói đây là lý tưởng mà người ngày xưa tiếp nhận trong hoàn cảnh
lịch sử trong thời đại.
Nếu nói chung thì không phải tất cả các Chùa chiền và tranh tượng
trong mọi Chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao. Rất
nhiều tác phẩm nghệ thuật gắn với Chùa thờ Phật bị mang tính công thức
nặng nề, bị rập khuôn theo những mẫu mực có sẵn, hoặc bị làm ra bởi
những người ít tài năng. Sự áp đặt của những công thức thật ác liệt.
Chẳng hạn muốn làm một pho tượng Thích Ca, nghệ nhân xưa chỉ có thể diễn
tả theo năm cách khác nhau tuỳ theo năm giai đoạn quan trọng trong cuộc
đời của Phật Thích Ca:
1. Tượng Cửu Long (Thích Ca lúc mới sinh);
2. Tượng Tuyết Sơn (lúc tìm đạo, tu khổ hạnh);
3. Tượng Niêm Hoa (Thích Ca cầm hoa sen thuyết pháp);
4. Tượng Thích Ca ngồi toà sen (lúc thành Phật);
5. Tượng Thích Ca nhập Niết Bàn (nằm gối tay, lúc hoá).
Các tượng Phật Quan Âm hay tượng La Hán, Tôn giả, Kim cương, Thiên
vương, v.v… cũng đều có những công thức chặt chẽ tương tự. Về ý, về
hình, về phong cách, cũng lại có những khuôn mẫu có sẵn mà các tác giả
phải theo gần như triệt để. Trong lĩnh vực kiến trúc lại cần như vậy.
Cấu trúc của các ngôi Chùa đều phải theo đúng những công thức sẵn có. Và
cả trên những tác phẩm hội hoạ hiếm hoi gắn với Phật giáo còn lại cho
đến nay, cũng là thế.
Tuy vậy, trong hoàn cảnh sáng tác khó khăn, nghiệt ngã ấy, ở các thời
đại trước kia vẫn có những nghệ sĩ tài năng đã tạo được những tác phẩm
siêu việt rung động lòng người, không những chỉ ở thời đại của mình,
không những chỉ đối với những Phật tử mộ đạo, mà còn ở cả thời đại ngày
nay khi mà khoa học đã phát triển cao, khi mà số đông người chiêm ngưỡng
nghệ thuật ấy ở nước ta và ở các nước khác đến nước ta không phải là
những người theo Tôn giáo. Chúng ta bàn đến những thành tựu rực rỡ của
nghệ thuật trong Phật giáo là bàn đến những tác phẩm cụ thể ấy, chứ
không phải là nói về tất cả những tác phẩm gắn với tất cả các Chùa thờ
Phật.
Ngày nay, nếu chúng ta đến Chùa Tây Phương ở Hà Sơn Bình, ngoài nghệ
thuật kiến trúc hết sức hài hoà, độc đáo, chúng ta còn phải khâm phục
những pho tượng La Hán, Tuyết sơn sống động và phong phú về tính cách. Ở
Chùa Mía, một số pho tượng đất làm kinh ngạc bao nhiêu khách tham quan.
Tượng đá Phật A Di Đà ở Chùa Phật Tích (Hà Bắc) là một mẫu mực cổ điển
tràn đầy tính cách của Phật vĩnh cửu.
Trên các nẻo đất nước, chúng ta còn gặp những công trình nghệ thuật
Phật giáo khác, tìm thấy ở đó một hoà điệu sâu lắng về tâm hồn.
Sự hoà điệu tâm hồn ấy, ở một mức độ rất lớn, là sự bắt gặp những cốt
cách dân tộc được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Cái
làm nên tính chất dân tộc khác nhau của các nghệ thuật Phật giáo khác
nhau (Trung Quốc, Nhật Bản, Khơme, Việt Nam…) chính là ở cái cốt cách
dân tộc dễ nhận thấy ấy.
Nhưng ở đây, tôi không đi sâu vào tính chất dân tộc của nghệ thuật
Phật giáo, dù đó là một đề tài thú vị. Ở đây, tôi muốn nêu lên và thử
giải đáp một vấn đề khác: Tại sao Phật giáo lại có thể trở thành một
nguồn cảm hứng chủ đạo của nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời trước?
Nghiên cứu sự tiến hoá của ý thức con người trong lịch sử, các nhà
nghiên cứu (đặc biệt là các nhà tâm lý học lịch sử) nêu nên ba giai đoạn
phát triển của ý thức: Ý thức huyền thoại, ý thức Tôn giáo và ý thức
duy lý. Xã hội Việt Nam, từ khi Phật giáo du nhập, là một xã hội nông
nghiệp truyền thống, và tương ứng với xã hội ấy là ý thức Tôn giáo. Ba
Tôn giáo được truyền vào Việt Nam thời đó là Phật giáo, Khổng giáo và
Đạo giáo. Xét cho cùng Khổng giáo không phải là một Tôn giáo thật sự, về
thực chất đó là một thứ luân lý được Tôn giáo hoá. Nó không giải đáp
cho con người những câu hỏi lớn về số phận của mình, nó không bay lên
ngang với “tầm nghĩ vũ trụ” vốn có ở con người. Nó chỉ giải đáp về bổn
phận xã hội của con người trong thang bậc đẳng cấp xã hội. Đạo giáo lúc
truyền vào Việt Nam cũng đã thoái hoá thành những phép tắc mê tín, dị
đoan, mà không còn là một hệ thống triết học Tôn giáo nữa. Chỉ có Phật
giáo mới đem lại cho người Việt Nam thời trước những giải đáp lớn về số
phận con người. Điều cần nhấn mạnh là những giải đáp ấy về căn bản đã
thoả mãn được những nguyện vọng sâu xa nhất của con người, đem lại cho
con người một niền tin lớn về cứu cánh của mình, khi mà trong xã hội
chưa có và cũng chưa thể có ý thức duy lý (khoa học).
Tôi không đi sâu vào triết học Phật giáo, một trong những triết học
lớn của loài người thời cổ, nhưng tôi thấy cần nhấn mạnh bản chất biện
chứng (sinh diệt và vĩnh cửu) và quan niệm bình đẳng tuyệt đối của con
người (mọi người đều có thể thành Phật) của triết học Phật giáo mới cắt
nghĩa được sức hấp dẫn của nó đối với “chúng sinh” bị đày ải trong “biển
khổ”.
Phật giáo xoá nhòa ranh giới giai cấp và đẳng cấp, cũng xoá nhòa ranh
giới giữa các quốc gia dân tộc. Nó phản đối bạo lực đến cùng. Tất
nhiên, đó là những ảo tưởng trong những điều kiện có những xung đột xã
hội quyết liệt. Nhưng đó lại là những khát vọng vĩnh hằng và sâu xa nhất
của con người. Hơn bất cứ Tôn giáo nào hết, Phật giáo là Tôn giáo hoà
bình. Trong lịch sử, nếu có những Tôn giáo gắn liền sự bành trướng của
mình với bạo lực, thì Phật giáo không như vậy. Nó chỉ mở rộng ảnh hưởng
của nó bằng cách làm cho chúng sanh “giác ngộ”. Điều đó có nghĩa là Phật
giáo tôn trọng ý thức, nhận thức của mỗi con người, và vì thế nó mang
tính chất nhân bản sâu sắc.
Biện chứng hoà bình nhân bản lực hấp dẫn của Phật giáo chính là nằm ở
đó những nghệ sĩ tạo hình của nước ta thời xưa, có ý thức rõ ràng về
điều đó hay không, ngày nay chúng ta không thể biết rõ, nhưng có một
điều chắc chắn là họ đã tìm thấy ở Phật giáo những gì đáp ứng một cách
viên mãn cho những khát vọng của họ, của con người nói chung. Hãy nhìn
vào những tác phẩm của họ, ở đâu ta cũng có thể nhìn thấy không khí trầm
mặc, yên tĩnh, kết tinh của những cảm nhận thấu triệt (theo triết học
Phật giáo), những đau khổ của con người, và cuối cùng là sự siêu thoát.
Khi chiêm ngưỡng tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở Chùa Bút Tháp
người xem như hoà mình vào không khí ấy và thấy một cái gì khác đi trong
tâm hồn mình không phải là một cái gì làm cho mình yếu đi, hèn đi trước
những sức mạnh siêu nhiên nào đó, mà là một cái gì làm cho mình trở nên
cao hơn, vững tâm hơn vào chính mình. Tính vĩnh cửu của những tác phẩm
nghệ thuật xuất sắc kia, sức mạnh xuyên suốt thời gian của chúng, hẳn là
đã gắn chặt với những lý tưởng vĩnh cửu của Phật giáo.
Chính đó là điều làm cho chúng ta ngày nay phải suy nghĩ.
Với tư cách một người làm nghệ thuật, lắm khi tôi đặt cho mình một
câu hỏi: Tại sao những thành tựu nghệ thuật của chúng ta ngày nay thật
đáng kể là thế, nhưng vẫn chưa thấy đạt tới những chủ đề tư tưởng và
nghệ thuật cao bằng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo xuất sắc thời
trước? Phải chăng những nghệ sĩ ngày nay của chúng ta, trong khi bận tâm
với việc thể hiện những hiện thực cách mạng phong phú hôm nay, vẫn chưa
đặt cho mình những tầm khái quát cao hơn để thâm nhập sâu hơn vào những
chủ đề có thể gọi là vĩnh hằng của nghệ thuật, trong đó chủ đề lớn nhất
là số phận của con người? Và phải chăng đó là nguyên nhân khiến cho
nghệ thuật chúng ta vẫn còn “bay là là sát mặt đất” mà chưa bay bổng lên
thật cao? Tôi chưa khẳng định, nhưng tôi cho rằng đó là một hướng cần
suy nghĩ.
Tôi không đề xướng việc quay trở lại với những mô típ nghệ thuật Tôn
giáo nói chung, nghệ thuật Phật giáo nói riêng, ở một thời đại mà ý thức
duy lý (khoa học) chiếm vị trí thống trị như thời đại chúng ta, đề
xướng như vậy là sai lầm và cũng vô ích. Con người đang đi tới những
chân trời xa hơn, không thể quay trở lại với những chân trời cũ, dù
những chân trời ấy có hấp dẫn đến mấy. Nghệ thuật cũng vậy.
Điều mà tôi suy nghĩ là trên con đường lớn của nghệ thuật hôm nay,
chúng ta phải kế thừa và phát triển những gì mà nghệ thuật trước kia đã
đạt được.
Đã có những thời điểm lịch sử, nghệ thuật tạo hình nước ta tạo ra
được những tác phẩm xuất sắc với những chủ đề vĩnh hằng gắn liền với
triết học Phật giáo, tại sao chúng ta lại không thể đạt tới được trình
độ đó và còn đi xa hơn, với những ưu thế của hôm nay? Tại sao chúng ta
lại không thể rút từ những bản chất biện chứng, hoà bình và nhân bản của
triết học Phật giáo và từ những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo những bài
học cần thiết để tiếp tục đi tới?
Trong thời đại ngày nay, khi loài người đứng trước nguy cơ chưa từng
thấy của hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân, đứng trước câu hỏi lớn “tồn tại
hay không tồn tại”, đồng thời cũng đứng trước những triển vọng phát
triển rực rỡ chưa từng thấy của nền văn minh loại người chúng ta đang
chứng kiến và tham dự vào một xu hướng lớn của thời đại, xu hướng liên
kết mọi lực lượng yêu hoà bình và tiến bộ, từ những người mác xít đến
những người theo Tôn giáo. Bởi vì xét đến cùng...những lý tưởng Tôn
giáo, đặc biệt là lý tưởng Phật giáo ... hướng tới sự giải phóng con
người khỏi mọi bể khổ, khẳng định giá trị thật sự của mỗi con người.
Trong những điều kiện như vậy, việc tìm lại trong những tác phẩm nghệ
thuật Phật giáo những bài học nghệ thuật cần thiết chắc chắn sẽ thúc đẩy
sự nghiệp nghệ thuật tiến lên những trình độ cao hơn.
Hà nội ngày 15 tháng 4 năm 1986
(Luy Lâu sửa)