Việc lựa chọn
bảo vật quốc gia được thực hiện theo tiêu chí: hiện vật gốc độc bản, có hình
thức độc đáo và giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất
nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu;
hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị
thẩm mỹ tiêu biểu cho một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế
tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở
một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các
giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Tượng Phật Đồng Dương
Vào năm 1902,
một nhóm nhà khoa học người Pháp đã tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam) một pho
tượng Phật bằng đồng cao 95cm. Nghệ thuật điêu khắc của pho tượng thuộc trường
phái Tích Lan, miền Nam Ấn Độ xưa. Các nhà khoa học Pháp đã xác định được niên
đại của pho tượng khoảng thế kỷ thứ VII và đây chính là pho tượng Phật bằng
đồng cổ nhất Việt Nam.
Ngay sau khi
phát hiện, bảo tượng này được đưa về lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Năm 1954, tượng Đồng Dương theo chân những người di cư vào Nam, được lưu giữ tại Bảo tàng Sài
Gòn. Ngày nay pho tượng Phật Đồng Dương chính là bảo vật quốc gia quan trọng số
một của Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.
Tượng Phật
Đồng Dương có trọng lượng 120kg là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu cho kỹ thuật đúc
đồng tinh xảo kết hợp với nghệ thuật tạo hình do nền văn hóa Chăm Pa để
lại. Tượng cao 119cm, chỗ rộng nhất 38cm, chỗ dày nhất 38cm, đứng trên một bệ
tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của bệ là khối bán
cầu ở thế ngửa lên, phần dưới bệ lớn hơn, cũng hình tròn như miệng chuông úp
xuống. Bệ và toàn thân tượng đồng được đóng chặt vào nhau bởi những chiếc mộng
đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Đôi bàn chân của tượng chấm sát đất và
khít khao với mặt phẳng của đất đến nỗi “cây kim cũng không thể lọt qua”. Từ
chân tượng trở lên, thể hiện diệu tướng của Phật với hai tay, hai chân, hai mắt
và giữa cổ (có khắc 3 ngấn chìm) gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Vai bên phải để
trần thể hiện tướng tròn và đẹp. Gương mặt tượng với hai má phẳng và rộng như
sư tử chúa. Mắt Phật đang mở nhìn ra thế giới. Giữa trán tượng có khắc một vòng
tròn thể hiện “bạch hào”. Đầu tượng có nhục kháo nổi lên giữa búi tóc cuộn
quanh.
Các nhà khoa
học cũng khẳng định tượng Đồng Dương có niên đại sớm hơn nhóm tháp Chàm Đồng
Dương tới 2 thế kỷ, do vậy có thể những bức tượng này đã được người xưa đưa từ
nơi khác đến đây. Theo Giáo sư Ph. Stern (người Pháp) trong cuốn sách Nghệ
thuật Chăm đã nhận định: Tượng Bồ-tát Quan Âm Đồng Dương thể hiện
phong
cách độc đáo nhất của nghệ thuật Chăm: gương mặt tượng nghiêm trang, mũi
rộng
và tẹt, đôi môi có viền, các cung mày gồ lên và lượn sóng... Năm 2005,
Bảo tàng Guimet ở thủ đô Paris nước Pháp đã tổ chức triển lãm cổ vật
châu Á, một
trong những đề tài cuốn hút là: “Điêu khắc Chăm-pa thế kỷ VI - XVI”,
trưng bày
những di vật cổ thuộc nền văn hóa Chăm được đưa đến từ Việt Nam. Vì
Bồ-tát
Đồng Dương là pho tượng vô cùng quý hiếm ở Đông Nam Á nên đã được Bảo
tàng
Guimet mua bảo hiểm với giá 5 triệu USD. Đây là mức giá bảo hiểm kỷ lục
đối với
hiện vật của Việt Nam
được đưa ra nước ngoài triển lãm từ trước tới nay, khẳng định giá trị
của pho
tượng đối với văn hóa lịch sử nước nhà.
Tượng Bồ-tát Quán Âm Tara
Năm 1978, các
nhà khảo cổ nước ta đã phát hiện được pho tượng Đồng Dương thứ hai, có cùng
niên đại với pho tượng Đồng Dương tìm thấy năm 1902. Tượng này nằm ở độ sâu gần
2m, dưới nền di tích cổ của thành phố thần Indra, giữa những tháp Chàm. Đây là
tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm, thể hiện hình tượng Bồ-tát Tara - một trong số nhiều hiện thân của Bồ-tát Quán Thế
Âm (Avalokitesvara). Tượng Bồ-tát Tara có niên đại vào thế kỷ thứ 9, hiện vật gốc độc bản
này đại diện cho di tích nền móng Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chăm-pa. Hiện
vật này gắn liền với sự kiện vua Chăm-pa Indravarman II đã cho xây dựng ở đây
một Phật viện và một đền thờ để thờ Bồ-tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875.
Pho tượng
được đúc bằng đồng trong tư thế đứng, cao 114cm,
hiện đang được bảo lưu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-pa, TP.Đà Nẵng. Tượng
tạc thân hình nữ giới mảnh khảnh, nét mặt nghiêm nghị. Phần thân trên để trần,
ngực căng tròn, phía thân dưới mặc xà-rông. Cặp lông mày rậm tạo thành đường
lõm, nạm ngọc. Mắt tượng tạo bởi những viên đá quý với hai màu đen trắng để
thành tròng trắng và đen của con ngươi. Pho tượng có thêm con mắt ở giữa trán
hình thoi, cho thấy Phật giáo thời kỳ này còn chịu ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ
giáo. Những nghệ sĩ dân gian xưa đã kết hợp giữa phong cách nghệ thuật điêu
khắc Ấn Độ với chân dung phụ nữ Chăm để tác tạo hình ảnh Bồ-tát có phong cách
đặc thù.
Hai bảo tượng Bồ-tát Ta Ra và
tượng Phật Đồng Dương là hai pho tượng bằng đồng cổ nhất nước ta, mặc dù đã có
tuổi trên 1.300 năm nhưng vẫn còn rất tốt, cho thấy sự hoàn hảo trong kỹ nghệ
đúc đồng cổ xưa, không chỉ là báu vật vô giá của Việt Nam mà còn chiếm giữ vị
thế vô cùng quan trọng đối với văn hóa khảo cổ ở Đông Nam Á.
Tượng Phật Lợi Mỹ
“Văn hóa Óc
Eo” là minh chứng cho quan hệ giao thương chặt chẽ đã được thiết lập ngay những
thế kỷ đầu Tây lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long và Ấn Độ. Các pho tượng Phật
bằng gỗ là một loại hình độc đáo riêng có của đồng bằng sông Cửu Long, có niên
đại thuộc nền văn hóa Óc Eo. Hiện đã tìm thấy khoảng 28 pho tượng và 2 bàn tay
tượng Phật bằng gỗ được phát hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, một pho
tượng Phật còn khá nguyên vẹn, được phát hiện ở ấp Lợi Mỹ, làng Phong Mỹ, tỉnh
Sa Đéc cũ, thuộc cuối rìa phía Nam vùng Đồng Tháp Mười là bảo vật giá trị nhất
đại diện cho nền văn hóa Óc Eo.
Tượng trong
tư thế đứng thẳng trên bệ sen. Bệ có hình tròn, thắt giữa tạo thành 2 tầng.
Tầng trên gồm một lớp cánh tròn, đầu cánh thuôn nhọn và nhiều lớp xen kẽ nhỏ
hơn. Phần nhụy tròn giữa tạo thành bệ. Tầng dưới gồm một lớp đài sen úp, 2 lớp
cánh tạc trên một nền trụ tròn phía dưới. Tượng có khuôn mặt hơi gãy, miệng mím
với hai vành môi rõ, cằm lẹm hơi đưa ra. Hàm hơi vuông, tai cong, dái tai dài
gần chấm vai. Chỏm Usnisa hơi nhọn. Phần đầu không nhận thấy các lọn tóc. Cổ
không có ngấn. Thân thể được tạc khá thon mảnh, vai ngang, ngực rộng, eo thon,
đùi thẳng và chắc. Hai tay gập vuông góc, đưa ngang ngực trong tư thế ấn chuyển
Pháp luân. Đức Phật khoác y kín hai vai và dài tới cổ chân. Tượng Phật gỗ là
sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa
phản ánh tính chất tiếp thu các luồng ảnh hưởng nghệ thuật mới, vừa bộc lộ
những nét bản địa chân chất, bền vững trong sự sáng tạo đa dạng. Những pho
tượng Phật gỗ là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc đã được cư dân cổ đồng bằng
sông Cửu Long tạo ra và góp phần làm nên những tinh hoa của nghệ thuật Phật
giáo Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu Tây lịch.
Thiên thủ Quán Âm chùa Bút
Tháp
Pho tượng
Quan Âm thiên thủ thiên nhãn của chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) được coi
là kiệt tác bậc nhất trong nền nghệ thuật Việt Nam, do nghệ nhân Trương Thọ tạc
vào mùa thu năm Bính Thân, triều Lê trung hưng (1656).
Sử sách ghi
lại, Trịnh Thị Ngọc Trúc là con gái Thanh Đô vương Trịnh Tráng, được vua Lê
Thần Tông lập làm hoàng hậu. Tuy ở ngôi cao, nhưng bà vẫn tìm đường thoát tục,
tránh xa bụi bặm hồng trần. Bà đem các con gái về chùa Phật Tích xuất gia, rồi
sau đó đem tiền của cùng Chuyết Công hòa thượng và Minh Hành thiền sư về Đình
Tổ, xây dựng chùa Ninh Phúc.
Năm Đinh Hợi
(1647), Trương Thọ được hoàng thái hậu Ngọc Trúc vời đến phòng riêng, giao cho
trọng trách sáng tạo pho tượng Phật Bà, phải vừa thể hiện được triết lý sâu xa
nhà Phật, vừa tôn cao vẻ đẹp người phụ
nữ Việt Nam.
Được hoàng thái hậu ủy thác, nghệ nhân đã vào rừng, ẩn mình trong hang đá lạnh,
đêm này trầm tư suy ngẫm.
Chín tháng
sau, nghệ sĩ trở về trong hình dạng râu tóc bù xù, da bọc xương, nhưng đôi mắt
sáng quắc. Nghệ nhân dâng lên hoàng thái hậu phác thảo một pho tượng Phật Bà
nghìn mắt nghìn tay. Hoàng thái hậu, Thiền sư Minh Hành vui mừng cho tuyển chọn
những thợ mộc tài hoa, những thợ sơn lành nghề, những nhà thị giả dày dạn kinh
nghiệm, và trao tất cả họ cho nghệ nhân Trương Thọ cai quản. Sau gần 9 năm miệt
mài lao động sáng tạo, kiệt tác Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ra đời.
Tượng được
làm từ gỗ sơn son thếp vàng, kích thước cao 3,7m; rộng 2,1m; dày 1,15m. Phật
được tạc trong dáng nữ với khuôn mặt đôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát. Đầu tượng
còn được tạc thêm hai bộ mặt ở hai bên má và có thêm 8 bộ mặt ở 3 tầng trên mũ
và trên đỉnh có một pho tượng A Di Đà. Tượng có đủ 1.000 bàn tay tạo cảm giác
trùng trùng điệp điệp. Ngoài hai đôi tay chính chắp trước ngực theo kiểu “liên
hoa hợp chưởng” và được đặt trên đùi theo kiểu “thiền định”, có 40 cánh tay lớn
nằm ở hai bên. Đằng sau lưng Phật có 958 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo 14 lớp
vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang
cho tượng. Trong lòng mỗi bàn tay của tượng đều chạm một con mắt, tạo ra ý
nghĩa kép, những cánh tay vừa tỏa hào quang độ lượng của Phật, nhìn thấu cõi
nhân gian, vừa tượng trưng cho những bàn tay sẵn sàng cứu vớt mọi chúng sinh
đang chịu nỗi thống khổ. Với nghìn con mắt và nghìn bàn tay, Phật Bà như nhìn
thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm để cứu giúp chúng sinh. Phật Bà ngồi
hành đạo trong tư thế thư thái ung dung, vạt y rủ mềm xuống bệ, cơ hồ như phủ
lên muôn loài, hàng phục Tràng ba Long vương dữ tợn đội tòa sen đưa Phật Bà
vượt qua biển. Dưới bệ khắc ghi dòng chữ: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt
cốc nhật doanh tạo” và “Nam đồng giao thọ nam, Trương tiên sinh phụng khắc”.
Tương truyền,
ngày Thiền sư Minh Hành cử hành lễ an vị, trời thu trong xanh, những vì sao
xuất hiện ban ngày lấp lánh, hương thơm ngạt ngào, trong thinh không như du
dương tiếng nhạc. Lúc ấy, chính nghệ nhân họ Trương cũng không thể ngờ rằng,
pho tượng đã trở thành tuyệt phẩm của muôn đời, hàng trăm năm sau, bất kỳ một
du khách nào trên thế giới khi đến đây cũng phải kính cẩn nghiêng mình chiêm
bái.
Pho tượng A Di Đà chùa Phật
Tích
Chùa Phật
Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) ngày nay còn bảo lưu được pho tượng A Di Đà, các nhà
khảo cổ học đoán định rằng pho tượng này xưa kia tọa lạc trong lòng tháp báu
thời Lý. Pho tượng cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,8m.
Thân tượng
biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, làm nên
khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Vẻ mặt thể hiện nội tâm cân bằng giữa động và
tĩnh. Đầu tượng kết nhục kế tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ,
tuổi thọ vô lượng. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Hai tai dài
rộng, thành quách rõ ràng, dái tai tròn mọng chảy xệ xuống. Sống mũi thẳng, nảy
nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng. Thân tượng mặc áo Pháp rộng rãi, cách điệu
kiểu lá sen, gấp nếp lật đi lật lại ở vai áo, rủ xuống nách, trải rộng trên
lòng đùi. Trên áo có các đường gân lá song song bó sát eo tạo dáng thon thả.
Các đường nét luôn đổi chiều cốt xóa đi sự đơn điệu, những nếp áo mảnh đồng
thời cũng là gân lá sen, bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải, nương nhẹ vào
đan điền làm nên nét uyển chuyển. Hai chân xếp bằng theo lối kiết già vững
chãi. Tòa sen là đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, ngự trên bệ đá tám cạnh
hình tháp. Đài sen không cùng niên đại với tượng mà được tạc muộn hơn, thế kỷ
XVII, nhưng thủ pháp đục chạm của bệ hài hòa với thân tượng. Bệ bát giác
được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc
mây lửa. Mặt trên của hai tầng diềm là những chùm hoa dây xoắn, trên cuống hoa
có những người bé tí hon leo trèo.
Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc (niên đại 1057), đã
được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo
tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này.
Chu Minh Khôi (GNO)