Truyền nhân cuối cùng của Kinh lá
Đó là hòa thượng Chau Ty, tuổi đã ngoài
60, trụ trì chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Ông là truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng ở Bảy Núi có
thể viết được kinh trên lá buông - báu vật thiêng liêng của người
Khơ-me Nam Bộ. Chúng tôi tìm tới ông vào một buổi chiều mưa nặng hạt.
Tiếng mưa rả rích đưa chúng tôi vào không gian viết kinh Phật trên lá
buông thêm màu hoài niệm.
Theo lời hòa thượng Chau Ty, đây là loại
kinh của Phật giáo Nam tông Khơ-me, được những bậc tiền bối đạo hạnh
cao thâm và rất đỗi tài hoa viết bằng chữ Khơ-me trên lá cây buông qua
nhiều thế hệ rồi được truyền giữ nên giá trị tinh thần văn hóa là vô
giá. Tiếng Khơ-me gọi kinh lá là slấc-rich (một kiểu viết như in ấn,
khắc họa trên lá Sa-Tra - cây buông). Đây là loại cây trước đây mọc
nhiều ở vùng núi Cấm nhưng hiện nay gần như không còn. Theo lời truyền
lại của các sư sãi, kinh lá ra đời cách đây hàng trăm năm. "Ban đầu,
kinh lá xuất hiện một phần do điều kiện thiếu giấy mực, các sư ở chùa
nghĩ ra cách dùng lá để ghi chép, nhằm thuyết pháp và lưu truyền cho
thế hệ con cháu. Vì thế họ nghĩ mọi cách để tìm ra phương pháp lưu
truyền những bài kinh của dân tộc mình", trụ trì chùa Soài So cho biết.
Ban đầu, các vị tiền bối đạo hạnh tìm
một số lá cây trên rừng về viết thử nhưng chẳng loại nào lưu giữ được
quá 6 tháng. Hòa thượng Chau Ty cho biết: "Sau đó nhiều năm, họ tìm ra
lá buông, một loại lá cùng họ với thốt nốt, có nguồn gốc từ Campuchia
đã từng mọc trên núi Cấm, chiều dài của lá gần gấp đôi lá thốt nốt. Đặc
biệt, sau nhiều lần xử lí với mục đích viết chữ trên lá, lá buông cho
kết quả khả quan hơn những lá khác vì sức dẻo dai lại và độ mịn vượt
trội hơn. Tuy nhiên, để có được những tấm lá cho việc viết kinh, các
nhà sư phải tốn rất nhiều công sức và chuẩn bị hết sức công phu. Theo đó
họ cũng phải rèn luyện cách viết chữ (Kinh) trên lá rất tinh vi và tỉ
mỉ".
Công phu chế tác báu vật độc đáo
Theo lời hòa thượng Chau Ty, việc viết
chữ trên lá buông cần có công phu sáng tạo độc đáo bởi nó không giống
như cách viết trên giấy thông thường. Người viết phải tập luyện, rèn
giũa nét chữ rất kỳ công. Thuở xưa, các vị cao nhân còn phải tập khắc
chữ trên đá trước, vì viết trên đá để cho nét chữ cứng cỏi, lâu ngày
quen tay rồi mới viết trên lá thì chữ mới thanh thoát được. Kinh lá
được viết bằng loại bút có ngòi sắt được giũa nhọn gọi là Đék-cha, thân
bút bằng gỗ được bào tiện trau chuốt cho vừa tay người cầm, gần cuối
ngòi bút có đoạn thép được đính chắc chắn vào thân gỗ để giữ cho thân
bút bền và đẹp hơn.
Hòa thượng Chau Ty hướng dẫn PV cách viết Kinh lá
Nói về công phu chế tác báu vật, hòa
thượng Chau Ty cho hay: "Khi viết Kinh trên lá buông, tay phải người
viết cầm bút còn tay trái giữ lá, đồng thời đầu bút phải tựa lên ngón
cái của bàn tay trái giữ lá ấy để làm điểm tựa cho nét chữ không bị
nguệch ngoạc. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó
nhất là sự kết hợp nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có
cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, song
không đơn giản như viết chữ trên giấy".
Theo hòa thượng Chau Ty: "Chỉ cần viết
sai một chữ hoặc khi viết làm nguệch ngoạc nét chữ cũng coi như vứt bỏ
cả trang. Do trước đó các bậc cao nhân đi trước có răn dạy rằng viết
kinh Phật phải chu toàn, sạch sẽ, phải tỉ mỉ từng li, từng nét một.
Người viết kinh Phật phải là người đức hạnh cao thâm".
Viết chữ trên lá xong, công đoạn tiếp
theo để hoàn thành một trang kinh là tẩm mực lên lá để mực thấm vào nét
chữ đã viết. Mực có thể được làm bằng than hoặc trái mặc nưa có màu
xanh đen. Sau đó mang trang kinh đã tẩm mực ra phơi nắng, chờ cho mực
khô, lau sạch tất cả mực tẩm trên trang kinh đi thì hiện lên những chữ
đã viết (khắc) vì mực tẩm đã khô và chìm cùng nét chữ. Vậy là hoàn
thành một trang kinh. Nhiều trang kinh như vậy được kết nối lại với
nhau bằng xương lá buông (đã chế tác thành dây để buộc đồ) thì tạo
thành bộ kinh sách. Bởi vậy, nghệ thuật viết kinh trên lá không phải ai
cũng làm được mà đòi hỏi người thực hiện phải có tấm lòng kiên trì thể
hiện câu từ hết sức xúc tích, cô đọng. Thông thường, mỗi kinh lá chỉ
viết được 5 dòng, mỗi dòng viết khoảng 20 từ (tiếng Khơ-me). Vì thế,
một nội dung của Kinh lá có thể được viết từ 5, 7 đến 10 tấm lá. Từ xưa
tới nay, người giỏi nhất cũng chỉ viết được 5, 6 trang kinh một ngày.
"Ngày trước, thông thường tôi viết một cuốn kinh lá mất khoảng một tuần
mới xong, việc này còn tùy thuộc vào nội dung của bài kinh muốn viết",
hòa thượng Chau Ty cho biết.
Sau khi hoàn thành các công đoạn này,
việc kết lá kinh thành quyển phải tuân thủ qui tắc riêng để khi mở kinh
ra đọc, nội dung không bị xáo trộn. Hoặc các trang viết phải được đánh
số thứ tự trên góc hay giữa lá kinh để sắp xếp nội dung cho liên tục,
tránh nhầm lẫn. Theo hòa thượng Chau Ty, nội dung trong kinh lá là
những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật dạy con người biết tu tâm, dưỡng
tánh, sống hiền lành, luôn yêu thương đồng loại; những câu chuyện ngụ
ngôn dạy người đời lòng thương người, cách sống tốt đời, đẹp đạo.
Nguy cơ thất truyền cách thức viết kinh trên lá
Kinh lá đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên
trì cao nên việc truyền dạy từ đời này qua đời khác gặp không ít khó
khăn. Cho đến nay, trụ trì chùa Soài So vẫn chưa tìm ra được người chân
truyền. Trong khi đó, đã 41 năm nay (từ năm 1972) ông cũng không tìm
ra được lá buông để phục vụ việc bảo tồn truyền thống viết kinh trên
lá, mặc dù đã hỏi và đặt mua cả bên Campuchia.
Kinh lá trong chùa Xà Tón (Thị Trấn Tri Tôn - An Giang)
Không giấu được nỗi buồn, hòa thượng
Chau Ty tâm sự: "Tôi đã hơn 40 năm viết kinh lá và có niềm đam mê kỳ lạ
với loại hình nghệ thuật này. Vậy mà hơn chục năm nay, tôi cố tìm một
đệ tử để truyền nghề mà mãi vẫn không được. Buồn quá nên đã lâu lắm rồi
tôi không còn viết kinh lá nữa, phần vì lá buông bây giờ cũng hiếm
song cái chính là người trẻ bây giờ không muốn học, nguy cơ thất truyền
là khó tránh khỏi".
Mặt khác, theo các nhà sư cao tuổi ở Bảy
Núi, xưa kia vị sư tổ khai sinh ra kinh lá chỉ thu nhận có 9 đệ tử. Vì
viết kinh lá quá khó nên tổ sư chỉ chọn ra một đệ tử nổi trội nhất
trong số 9 đồ đệ ấy. Mỗi đời như thế, người được chân truyền cũng chỉ
truyền dạy lại loại nghệ thuật này cho một đệ tử tâm phúc có đủ đức độ
nhất. Chính vì việc tốn quá nhiều công sức, công đoạn mới có thể cho ra
một quyển kinh lá nên cũng có rất ít người biết viết hoặc đam mê với
công việc này.
Nói về việc này, thượng tọa Chau Sóc
Pholly, Sãi cả chùa Xà Tón (Soai Tong) ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri
Tôn, An Giang, khẳng định hiện nay, hòa thượng Chau Ty là truyền nhân
đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng và duy nhất ở Bảy Núi biết viết
kinh trên lá buông bằng chữ Khmer.
Đối với cộng đồng người Khơ-me, kinh lá
là một báu vật thiêng liêng không gì thay thế được. Trải qua bao thăng
trầm của cuộc sống, đồng bào Khơ-me vùng Bảy Núi từng ngày sống hòa
nhập với cộng đồng người Kinh, tiếp nhận và giao lưu văn hóa với cộng
đồng dân tộc anh em nên suy nghĩ của tuổi trẻ bây giờ cũng đổi mới. "Do
bận đi học hoặc phải đi làm việc ở xa, nhiều thanh niên Khơ-me bây giờ
chỉ vào chùa tu một thời gian ngắn là xuất thế. Chủ yếu là tấm lòng họ
muốn tu báo hiếu mẹ cha mà thôi. Vì thế, luật tục cũng phải thay đổi
chút ít để cho phù hợp. Dù vậy, người Khơ-me nào cũng đều hết lòng tôn
kính và quý trọng những bộ kinh lá này", hòa thượng Chau Ty thổ lộ.
Theo Đăng Văn - Nguyên Việt - NĐT