LTS: Trong mùa lễ hội tháng Giêng năm nay, một
số tờ báo đã phản ánh về hiện tượng người đi lễ tại các cơ sở tín
ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa ở miền Bắc đã cài tiền vào tay các
thánh tượng, tượng các nhân vật lịch sử… gây bức xúc trong dư luận. Hiện
tượng ở một số địa điểm tín ngưỡng Phật giáo được nêu lên bằng những
lời lẽ phê phán gay gắt cùng với hình ảnh cụ thể dễ đưa đến những ngộ
nhận rằng sự mê tín dị đoan đang phủ lên chùa chiền, người Phật tử mê
tín mù quáng… Trong lúc thực tế thì không hẳn như thế. GN sẽ trở lại vấn
đề này trong tương lai, ở số này xin khép lại Câu chuyện trong tuần với
ý kiến của TT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Hoằng pháp
T.Ư GHPGVN.
- Bạch Thượng tọa, vài ngày trở lại đây, báo chí
trong cả nước lại rộ lên chuyện tình trạng lộn xộn của người đi lễ, cúng
lễ nơi các cơ sở tín ngưỡng (trong đó có các cơ sở Phật giáo), bức xúc
nhất là việc một số người đi lễ cài tiền lên trên khe hở, cả trên tay
các thánh tượng. Những lời bình về hiện tượng này cũng gay gắt không
kém. Quan điểm của Thượng tọa ra sao về vần đề này?
TT. Thích Bảo Nghiêm: Trước tiên chúng ta
cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo về sự việc này và cũng nên thận
trọng khi đánh giá.
Điều mà tôi nghĩ ai cũng biết là các thầy không bao
giờ chỉ dẫn Phật tử mình như thế và vì lẽ đó, nếu đã là Phật tử thì họ
sẽ có cách cúng kiếng đúng với Chánh pháp. Do vậy, một số phương tiện
truyền thông dùng từ "Phật tử" trong trường hợp này là không chính xác
mà đúng hơn là "người dân". Họ là những người ít có dịp đi nghe giảng
pháp và chỉ đi cúng lễ những dịp đầu năm mới nên có hiện tượng đó.
Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, tất cả những tín
ngưỡng được phản ánh hầu hết đều xuất phát từ quan niệm dân gian với
cách nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên không thể
tránh khỏi những hành động không phù hợp và cần phải chấn chỉnh, chẳng
hạn như: vứt tiền xuống suối tại chùa Hương mà người ta cho là rải lộc,
đặt lễ không đúng nơi đúng chỗ, mua tiền giả dâng cúng Phật thánh v.v…
- Vậy theo Thượng tọa, chúng ta có cách nào để dần
thay đổi thực trạng này ?
- Những hiện tượng này bắt đầu phát sinh cách đây
khoảng 7, 8 năm và chỉ diễn ra trong đầu năm mới gắn liền với ước vọng
mang tính tâm linh của nhiều người cùng với cả những điều kiêng kỵ nhất
định. Do vậy nếu như gặp trường hợp này, chúng tôi cũng luôn tìm cách
dung hòa để vừa tạo sự trang nghiêm cho các cơ sở tự viện vừa làm cho
người cúng lễ cảm thấy an lòng. Nếu như họ đặt tiền vào tượng Phật hay
không đúng chỗ, chúng tôi thường chờ họ đi khỏi rồi mới chỉnh sửa lại.
Hay nhờ các Phật tử thân tín nhắc nhở chứ chư Tăng Ni cũng không có đủ
thời gian mà suốt ngày làm các việc này. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ
nhất thời mà thôi và về lâu về dài chúng ta cần có sự phối hợp của nhiều
phía. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là truyền thông và giáo dục với
phần đông quần chúng trong xã hội về những gì nên làm và không nên làm ở
những nơi linh thiêng và cần có cách biểu hiện mang tính văn hóa.