Kiếp người
28/04/2010 03:40 (GMT+7)

Đang ngồi tĩnh tọa trong bóng đêm huyền diệu của đỉnh đồi, những tiếng nổ bất thường từ xa vọng lại làm An giật mình mở mắt nhìn xuống thung lũng Silicon trước mặt.


 
Lẻ loi trên nền không gian đen thẵm, từng cụm pháo bông đang nổ ì ầm, tủa ra những đóa hỏa châu lung linh muôn màu đẹp mắt, từng giọt sáng rơi rụng như những vì sao băng chợt lịm tắt trên đỉnh đầu những ngọn hoa đăng của thành phố San Jose về đêm.  Thì ra thiên hạ đang chào mừng giây phút giao thừa của đầu năm 2010. 

  An nhớ lại mới hôm nào mọi người xôn xao lo tận thế của năm 2000, thế mà giờ đây thắm thoát đã mười năm trôi qua trong nháy mắt.  Nhìn hỏa châu rơi rơi rồi lịm tắt, An thấy sao chóng vánh như kiếp con người có được bao cái mười năm để trôi qua ?.  Bao người đã có mặt trên thế gian nầy trong một giai đoạn và rồi lần lượt đã ra đi mất hút không bao giờ trở lại, chẳng biết về đâu.  Có bao giờ họ thắc mắc trong bao cái mười năm hiện diện trên thế gian, họ tìm được đâu là niềm vui, đâu là hạnh phúc.  Nếu vui sao phải bỏ đi không bao giờ trở lại; nếu hạnh phúc sao không nắm giữ hay chỉ là kẻ mò trăng đáy nước, dẫu sức tàn kiệt tận chẳng nắm bắt được gì và rồi cũng trở về với cát bụi.

  Như một Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ tài hoa "bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. . . ", và đi mãi cho đến chết ông chẳng tìm được cái gì ; khi "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì", ông chỉ biết thương tiếc cho từng đoạn đời đã trôi đi.  Ngoài những câu hát nghêu ngao để lại cho đời, ông nào được cái gì đâu, với lời than khóc cho kiếp con người "chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. “ Lừng lẩy nổi tiếng hơn với một Micheal Jackson, vua nhạc pop, với tiền rừng bạc biển cũng chẳng giúp gì cho ông tìm được đâu ra hạnh phúc; và cái danh hằng triệu người trên thế giới ái mộ cũng không thể phá vỡ sự trống vắng trong từng ngỏ ngách của tâm tư người không lối thoát, đành tìm niềm vui với nỗi vui hồn nhiên của trẻ thơ cũng bị đời chụp mũ làm phiền, để rồi ông lạc lối trốn thế gian trong nghiện ngập, cuối cùng đưa đến cái chết trong cô đơn đau khổ.
 
  Cả hai ông cứ những tưởng rằng "rọi xuống trăm năm một cõi đi về", nhưng thực tế ra các ông chỉ có đi được phân nửa đoạn đường của hơn năm mươi năm rác rến, đã là may mắn so với nhiều người.

  Hai ông đến với thế gian từ một phôi đơn bào của tinh cha huyết mẹ, sau chín tháng phân chia viên gạch đơn bào đầu tiên đã trở thành khối đa bào bầy nhầy, với lớp tế bào không thấm nước bên ngoài, tạo cho các ông một "cái nhà tù biết đi", trong đó thần thức gá vào gói trọn theo đủ hồ sơ lý lịch tội lẫn phước từ bao đời kiếp trước, tàng trữ trong bộ nhớ của ngăn tủ thứ tám gọi là A Lại Da thức.  Số phận của một đời người quyết định tùy thuộc vào hồ sơ của ngăn tủ tàng thức nầy.  “Nhà tù biết đi”Trịnh Công Sơn lang thang trong thế gian bọt bèo, tìm không ra phương hướng "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”và tội nghiệp cho ông đến giờ phút chót từ giã thế gian vẫn không tìm được lối ra, đâu là chân lý cuộc đời với những bài hát hoang mang cho kiếp sống con người.

  An nghĩ lại thân phận mình cũng trăn trở không kém ông ta, với câu hỏi đeo đẳng suốt cả đời như một công án thiền :"mình sinh ra đời với mục đích gì?".  Mang cái tên An nhưng lòng luôn "bất an”vì tìm mãi. . . . . và tìm mãi cũng không có câu trả lời !.  Chỉ thấy quanh mình toàn là những bế tắc khổ đau của cảnh uế trược trần gian, những thú vui bọt bèo không tạo nổi một nụ cười.  Điêu tàn của bão lụt miền Trung hằng năm, vẫn cứ xóa nhòa đi tất cả những gì của xứ đất cày trên sỏi đá.  Ngoài những thiên tai như lũ lụt, con trốt, động đất, sóng thần. . v. . v xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới cướp đi tập thể hằng trăm ngàn mạng sống con người chỉ trong tíc tắc.  Nhân loại còn phải gánh chịu bao nhiêu thứ dịch bệnh hoành hành, cùng những tật bệnh trong cơ thể luôn chực sẵn rình mò, phát ra bất cứ lúc nào không trừ một ai.  Tuy nhiên những sự thiêu đốt con người bằng thiên tai bệnh tật, cũng không khủng khiếp nguy hiểm bằng lửa phiền não vô minh của SI THAM SÂN thiêu đốt chúng sanh đọa lạc vĩnh viễn trong trầm luân sanh tử, đời đời kiếp kiếp không sao thoát ra được.  Không riêng gì cõi người mà Đức Phật dạy "tam giới như nhà lửa không an"(dục giới, sắc giới và vô sắc giới}, vì ngay cả cõi trời khi kiếp hoại đến cũng không thoát khỏi những tai kiếp như thủy tai, hỏa tai hay phong tai tiêu diệt. .
  Cõi người không đủ phước hưởng “thọ dụng tự nhiên”như cõi trời, mà tựu trung người ta phải đấu tranh mới có miếng cơm ngon manh áo đẹp, nên thiên hạ an nhiên sát phạt đấm đá nhau “tranh danh đoạt lợi ", hơn thua đố kỵ, cá lớn nuốt cá bé, nước lớn hà hiếp nước nhỏ, gây chiến tranh tang tóc người giết người, làm đủ  mọi chuyện tội lỗi để rồi trở vào trong địa ngục với cái vòng luẩn quẩn, cũng chỉ phụng sự cho cái danh và cái bụng của tấm thân mấy chục kí lô.  Trong khi cõi trời nhìn chúng sanh trong cõi người tranh ăn như chúng ta nhìn những con lợn tranh nhau trong cái máng.  Tất cả chỉ vì cho "chữ tôi".  Mặc dù chỉ cần một mảng nhỏ của mỡ tắt nghẽn trong mạch máu, "nhà tù biết đi”đã giã từ thế gian ra đi bất cứ lúc nào, chẳng mang theo bất cứ thứ gì cho dù chỉ hai bàn tay trắng, cuối cùng hồ sơ tội phước không sót một mảy may mang đi qua một đời khác.  Đó là luật nhân quả.  Thương cho kiếp sống vô minh của con người trong cái khổ bế tắc của thế gian; Đức Phật Thích Ca thị hiện ra đời vạch rõ cho con đường giải thoát.

  Hôm nay là ngày vía Đức Phật A DI Đà lại trùng vào ngày đầu năm của thế giới, tâm tư An tri ân tận đáy tim, nếu không có Phật Di Đà làm sao một chúng sanh như An có thể vượt thoát sanh tử ?.  An tự biết khả năng mình không thể tự chuyển hóa hết mọi phiền não lậu hoặc, để trở thành bâc A la hán mà bước qua bờ sanh tử.  Phật Thích Ca phải tu bao nhiêu đại kiếp mới đi từ quả vị thấp đến quả vị cao rồi thành Phật, An không thể nào bằng Phật để chỉ có thể trong một đời "kiến tánh thành Phật”;hay có thể chứng được quả thánh nào đó thấy được "tịnh độ là đây” "tịnh độ hiện tiện".  Mà lòng An đầy những uế trược trần gian, chỉ cần một trong bát phong đã thổi bay An như cọng lông trước gió, thì làm sao An có thể nói "Di Đà tại tâm", trong khi tâm mình chỉ là kẻ phàm phu, nào chuyển hóa được là tâm của bậc Bồ tát để cảm nhận mình là”tự tánh Di Đà".  Điều nầy chỉ nói trong lý tánh mà thôi.  Thôi thì An thật thà biết mình không phải là kẻ đại căn đại trí, lời đại nguyện  của Phật A Di Đà với sáu chữ hồng danh, nhiếp thọ tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới về Tây Phương Cực Lạc  là một cái phao cứu tử cho An thoát khỏi biển uế trược của hiện đời và trong sáu nẻo luân hồi trước mặt.

   Nhìn những người miên mật ham tu tinh tấn ngày đêm, An tự hỏi ước ao biết bao giờ mình có được "lực tu như lửa cháy đầu”giống như họ với niềm tin kiên cố ?. Thế mà với Phật lực gia trì và nhờ ơn tăng bảo hỗ trợ.  An biết khôn ngoan thừa hưởng gia tài công đúc và trí huệ của Phật Di Đà qua pháp môn trì danh miên mật.  Vì không thực hiện được hoàn toàn "tâm vô sở trụ", nên An chỉ thấy rõ trong tâm và đọc rõ trong tâm, trụ vào ba chữ A DI ĐÀ mỗi khi niệm sáu chữ hồng danh.  Có định trong câu niệm Phật, giữ được giới trong lúc hành trì để sinh ra trí huệ.  Với cái phao trì danh, An đã tìm đuọc mục đích của con đường “chuyển phàm thành thánh trong một đời", thoáy ly khổ não của sáu dường.  Nếu Đức Phật có cho An chọn lựa được hưởng gia tài của tỉ phú Bill Gate hoặc một vé đi về Cực Lạc, An cũng xin tức tốc về với Phật Di đà ngay phút nào hay phút nấy.

    May  mắn hơn  nhạc sĩ Trịnh công Sơn lúc cuối đời, vì An biết được "nơi nao là chốn quê nhà";  không phải "đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”mà An biết ngõ ra giải thoát cho chính mình.  Nhờ các bậc sứ giả của Như Lai, An biết tập hạnh thiểu dục tri túc, bao dung với mọi người dù họ có lầm lỗi với mình, tập nghĩ và hành theo chánh pháp để tự mình siêu độ cho chính mình trong giờ phút lâm chung được về với Phật Di đà và phổ độ chúng sanh,  như bao người được kết quả vãng sanh kỳ diệu trước mắt. .  Đó là mục đích rõ ràng An đã tìm thấy được trong kiếp sống con ngưới, một niềm hạnh phúc vô biên chắc thật, không cái gì trên thế gian có thể đánh đổi mà đức Phật đã đem đến cho An và chung cho cả nhân loại.

   Trong ngày đầu năm mới An thầm đoc trong tâm;
- Con  về nương tựa Phật : người đưa đường dẫn lối cho con trong cuộc đời nầy.
- Con về nương tựa pháp:  con đường của tình thương và sự hiểu biết.
- Con về nương tựa tăng :  đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
                        
                    
Nhân Phúc (chuahoangphap)

Các tin đã đăng: