Xóm
tôi nằm ở ngã ba sông. Bên này sông là 2 cái nhà thờ Công giáo và đạo
Tin Lành. Bên kia sông là ngôi chùa Khmer, còn cạnh nhà tôi là một ngôi
chùa Phật. Nghe ông tôi kể, ngôi chùa cổ này đã có từ thời cố tôi còn
nhỏ. Nhiều thiết chế tôn giáo quần cư trong một xóm nhỏ, kể cũng lạ. Có
lẽ người dân xứ tôi từ xưa đã mở lòng tiếp nhận đủ thứ đạo, miễn là cái
đạo đó khuyên con người làm điều tốt, việc thiện.
Âm
thanh quen thuộc đi vào ký ức tuổi thơ tôi là tiếng trống chùa tùng
tùng vang lên điểm lúc sang canh giữa đêm khuya, thỉnh thoảng hòa với
tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Thời trước, dân xứ tôi không nhà nào có
cái đồng hồ xem giờ. Tiếng trống chùa chính là đồng hồ báo thức của cả
xóm để thức dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Bọn trẻ chúng tôi, thì lấy đó
làm giờ báo thức để dậy học bài. Má tôi bảo, học trò phải dậy sớm học
bài khi bụng còn đói, học như ăn cơm, nuốt chữ mới mau thuộc, nhớ dai.
Kinh
nghiệm học bài của người không biết chữ như má tôi vậy mà hiệu nghiệm.
Anh em tôi ai cũng học giỏi. Tiếc vì nhà nghèo, đông anh em mà các chị
tôi đều phải bỏ học nửa chừng để các em trai được học hành đàng hoàng,
ra trường huyện, lên trường tỉnh, rồi đi Sài Gòn, để sau này có những
năm tháng du học xứ người. Song, tôi vẫn không quên những buổi học bài
sớm nhờ tiếng trống chùa điểm canh khuya.
Đường
về quê tôi giờ đã khác xưa. Xóm nghèo nay là xã nông thôn mới. Mái chùa
cổ kính và cái nhà thờ ngày trước, nay được nhiều phật tử và họ đạo
trùng tu khang trang hơn nhiều. Ngã ba sông xưa giờ vẫn con nước lớn,
ròng mỗi bữa. Nhưng trẻ con ngày nay, thì nhiều đứa có máy di động đời
mới, có định giờ nhắc lịch hẹn, chẳng còn đứa nào phải nhờ tiếng trống
chùa điểm canh, nên chắc cũng không còn trẻ con dậy sớm học bài. Ông từ
giữ chùa, đánh trống làm công quả ngày xưa cũng đã mất, không biết giờ
còn ai đánh trống điểm canh như trước hay không?
Dù vật đổi sao dời, nhưng cái âm thanh nhà quê từ mái chùa xưa vẫn theo tôi suốt quãng đường dài.