Ngày nay, EFEO đã phát triển tới 17 chi nhánh tại 12 quốc gia châu Á. EFEO là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành khảo cổ, bảo tàng, khoa học xã hội và nghiên cứu Phật giáo tại Việt Nam.
Tòa nhà trụ sở của EFEO tại Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ XX,
ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Chu Minh Khôi
Hơn một thế kỷ thăng trầm
Từ ngày 3 đến ngày 6-12-2014, một chùm sự kiện đặc biệt về Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp. Đó là, hội thảo quốc tế với chủ đề “EFEO và khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam”; triển lãm “Đa dạng Việt Nam - Các tác phẩm nhiếp ảnh của EFEO”; công bố ấn phẩm sách song ngữ “Một thế kỷ nghiên cứu của EFEO tại Việt Nam”; triển lãm “EFEO - tư liệu và thực địa tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, GS.TS Yves Goudineau - Giám đốc Viện EFEO Pháp đã điểm lại quá trình hơn 100 năm thăng trầm của EFEO. Từ tiền thân là phái đoàn khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898, Viện Viễn Đông Bác Cổ chính thức được thành lập vào ngày 20-1-1900, có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trụ sở đầu tiên của EFEO đặt ở Sài Gòn, đến năm 1902 được di dời ra Hà Nội. Với tham vọng rộng lớn về mặt khoa học, EFEO xây dựng ở Hà Nội một thư viện và bảo tàng, về sau trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tiếp theo đó, EFEO cũng thành lập nhiều bảo tàng khác ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế, Phnom Penh, Battambang...
Ngày 23-11-1945, giữa bộn bề gian khó của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65 thiết lập “Đông phương Bác cổ học viện” để thay thế “Pháp quốc Viễn đông Bác cổ học viện”. Điều 3 của sắc lệnh nhấn mạnh: “Những luật lệ về việc bảo tồn cổ tích vẫn để nguyên như cũ”, cho thấy sắc lệnh này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đến vấn đề văn hóa, đồng thời khẳng định những giá trị khoa học không thể chối bỏ mà EFEO đã đóng góp cho Việt Nam.
EFEO tái hoạt động tại Hà Nội từ năm 1949 đến năm 1953, sau đó do diễn biến tình hình tại Việt Nam, EFEO bị tê liệt cho đến khi Hiệp định Geneve được ký kết. EFEO đã chuyển giao toàn bộ khu nhà, bảo tàng và những bộ sưu tập mà EFEO sở hữu cho chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ tháng 9-1954, trụ sở chính của EFEO được tạm đặt ở Bảo tàng Blanchard dela Brosse Sài Gòn. Sau đó, việc quản lý khối tài sản còn lưu ở Sài Gòn và Đà Nẵng được chuyển giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, EFEO chính thức đóng cửa tại miền Nam từ năm 1961. Trụ sở chính được chuyển về Paris và tháng 3-1956, đến năm 1958 thì EFEO được chuyển sang trực thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục Pháp.
Sau khi Đông Nam Á kết thúc các xung đột và dần ổn định về chính trị, EFEO quay trở lại hợp tác cùng các viện nghiên cứu, các nhà khoa học ở Đông Dương.
Năm 1990 tại Campuchia, EFEO tiếp tục các cuộc khai quật lớn ở Angkor. Ba năm sau, EFEO trở lại Lào. Năm 1983, EFEO ký kết hợp tác với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và sau đó là Đại học Hà Nội. Mười năm sau, EFEO mở lại trung tâm tại Hà Nội vào năm 1993 kèm một thư viện, tiến hành các nghiên cứu về lịch sử và nhân loại học. Sau Hà Nội, EFEO không ngừng mở thêm các chi nhánh, tại Hồng Kông, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Tokyo, Seoul và cuối cùng tại Bắc Kinh vào năm 1997. Vào năm 2013, tòa trụ sở EFEO chính thức khánh thành tại 113 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.Hồ Chí Minh để đi vào hoạt động nghiên cứu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Phật giáo là một trong những trọng tâm nghiên cứu
PGS.TS Ngô Văn Doanh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Trong nửa đầu thế kỷ XX, EFEO đã làm được rất nhiều việc đối với các di tích lịch sử và văn hóa cổ ở Việt Nam. Những thành tựu đáng kể nhất, là quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chăm-pa ở miền Trung và các di sản Phật giáo ở miền Bắc”.
Những câu chuyện được thuật lại sau những chuyến đi của các thủy thủ ghé vào bờ biển của Chăm-pa ngay từ thế kỷ XVII đã kích thích sự tò mò của các nhà tiên phong về Đông phương học thực địa vào thế kỷ XIX. Nhưng phải kể từ khi EFEO được sáng lập thì những nghiên cứu về Chăm-pa mới thực sự triển khai. Henri Parmentier, người chỉ đạo những cuộc khai quật và phục chế di tích Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chánh Lộ năm 1902-1904 đã công bố công trình của mình “Thống kê khảo tả những di tích Chăm-pa của An Nam”. Chính từ đà này, Henri Parmentier đã sáng lập ra Bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng vào năm 1919.
Kể từ khi được mở tại Hà Nội, EFEO đã quan tâm tới ngành cổ học của nước Việt cổ xưa, từ lưu vực sông Hồng tới dãy Hoành Sơn phía Bắc. Nguồn tư liệu chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm trở thành tâm điểm của những chương trình kiểm kê và bảo tồn các loại tư liệu quý giá. Rất nhanh chóng, ngay từ năm 1904, việc thống kê những nguồn tư liệu Việt cổ đã được Paul Peliliot và L. Cadiere khởi xướng, để rồi ra đời cuốn sách quan trọng “Thư mục An Nam” xuất bản năm 1934.
Các nhà khoa học Pháp là Jean Przyluski, Sylvain Levi và P. Pelliot đã nghiên cứu Phật giáo, để rồi EFEO công bố cuốn sách “Lịch sử Phật giáo An Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII”. Vào đầu những năm 1940, dưới sự bảo trợ của EFEO, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp đã phối hợp với Hội Phật giáo Bắc Kỳ xuất bản Kinh Phật Việt Nam.
EFEO cũng mở cuộc truy tập thác bản văn bia trong các ngôi chùa Việt. Không thể lúc nào cũng đọc được hay kiểm tra nội dung bản khắc tại nơi các bia đá tồn tại, các nhà nghiên cứu của EFEO đã nghĩ ra kỹ thuật tạo thác bản, để rồi sau đó cách thức này đã được sử dụng ở khắp châu Á. Người ta rập bia bằng cách quét một lớp mực dọc theo văn bản được khắc trên đá. Sau đó, dán tờ giấy được làm từ cây gió lên bia với sự trợ giúp của một loại chất dính thực vật. Lớp mực sẽ làm hiện dần những chữ Hán, chữ Nôm màu trắng trên nền đen cùng với cả những họa tiết trang trí bao quanh bản khắc. Những bản giấy gió mang văn bản văn bia này được đưa về trung tâm nghiên cứu. Từ năm 1910 đến năm 1940, EFEO đã tập hợp được 22.000 thác bản từ bia đá ở các ngôi chùa Việt Nam.
Nghiên cứu văn bia Phật giáo trong những năm từ 1911 đến 1954, EFEO đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Công đức Phật giáo và lịch sử kinh tế An Nam”. Sở dĩ các nhà nghiên cứu Pháp lại quan tâm nghiên cứu về vấn đề công đức trong Phật giáo, là vì trong số 22.000 thác bản văn bia sưu tầm được ở Việt Nam, phát hiện ra tới khoảng 18.000 thác bản ghi công đức của người dân trong việc xây dựng chùa, đình. Phần lớn nội dung này cung cấp một khối lượng đáng kể những thông tin, cụ thể về tính chất, số lượng và giá trị các vật phẩm cúng dường của người dân lên các chùa, đình.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, có tới 80% những người khi cúng tiến tiền, đất đai, vật phẩm vào trong các ngôi chùa là người hoàn cảnh không con cái, con cái bỏ đi, con cái đã chết… Bởi vậy, bia hậu dựng lên trong chùa như là văn bản giao kèo, được những ngôi chùa nhận cam kết khi những người này qua đời sẽ được cúng giỗ hàng năm vào những dịp giỗ chạp, Tết. Người cúng tiến khi chết đi sẽ được nghỉ ngơi vĩnh hằng và thường được gắn danh hiệu danh dự là “con cháu nhà Phật”, trong khi đó chùa chiền hoặc làng xã có điều kiện tăng thêm tài chính và di sản đất đai.
Nhưng nghiên cứu của EFEO không dừng lại ở đó, mà từ những nội dung về giá trị phẩm vật được tiến cúng đã phác thảo về tình hình kinh tế tài chính của các thời cổ xưa, tình hình tiền tệ và thậm chí nhìn thấy cả sự lạm phát diễn ra trong những thời đó. Chẳng hạn, từ thông tin mảnh ruộng, quả chuông, pho tượng… tiến cúng có giá trị bao nhiêu quan tiền, khi khớp nối hàng trăm, hàng nghìn bia đá được tạo tác cùng thế kỷ mà thấy được giá cả, tình trạng trượt giá của tiền tệ.
PGS.TS Phan Phương Thảo - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho hay, vượt qua các ngành nghiên cứu, nhiệm vụ đối với di sản của EFEO từ lâu đã mang một diện mạo đa chiều, bao gồm cả việc thống kê và bảo tồn các di tích khảo cổ học. Trong nửa đầu thế kỷ XX, EFEO còn giữ vai trò tham vấn cho chính quyền đô hộ Pháp tại Việt Nam trong việc quản lý, cấp kinh phí tu sửa, xử lý các khiếu nại liên quan đến di tích, cũng như tham gia giải quyết một số tranh chấp về đất đai và tu sửa một số đền, chùa ở Hà Nội.
Khi chính quyền bảo hộ Pháp mới tiếp quản Hà Nội, tình trạng đập phá di tích để xây dựng những công trình mới diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, trước khi EFEO ra đời, một số ngôi chùa lớn và vô cùng giá trị về lịch sử tại Hà Nội đã bị phá hủy để nhường chỗ cho xây dựng bưu điện và nhà thờ lớn. Việc thành lập Ban khảo cổ của EFEO vào năm 1920 khởi đầu cho một nhiệm vụ lập bảng thống kê và sắp xếp phân loại di sản những công trình và di tích tiêu biểu.
Tiếp đó, EFEO trùng tu những ngôi chùa chính của thành phố và Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới sự giám sát của Charles Batteur, Thanh tra Ban Khảo cổ học. Sự can thiệp vào cửa ô Quan Chưởng (ô Thanh Hà) đã tránh cho ô cửa này bị phá hủy. Sau đó, EFEO quan tâm đến các ngôi chùa và đình của Đồng bằng sông Hồng và nhất là ở tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, L. Bezacier, phụ trách bảo tồn các công trình xây dựng ở Bắc Kỳ, vào năm 1935 tiến hành trùng tu theo hệ thống. Rất nhiều ngôi chùa đã được EFEO chỉ đạo trùng tu vào thời đó như: chùa Thầy, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp...
Chu Minh Khôi