Tính tùy duyên bất biến của nghi lễ Phật giáo Việt Nam
Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh An Giang
08/09/2010 23:42 (GMT+7)


Hòa với niềm vui chung của toàn dân tộc, sự thành tựu của đất nước trên mọi lĩnh vực, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống “phụng đạo – yêu nước”, bằng nét đẹp ấy, dưới sự đạo phong, đạo lực và đạo tâm của các bậc cao tăng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Phật giáo Việt Nam từng bước phát triển và đi lên, làm cho đạo pháp xương minh, góp phần làm cho Tổ quốc ngày càng phồn vinh thịnh vượng. Bên cạnh đó, nghi lễ Phật giáo cũng góp phần quan trọng, hoạt động hữu hiệu theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Nói đến nghi lễ là mọi người đều trực nhận sự hiện hữu của nghi lễ từ gia đình đến ngoài xã hội, chứ không riêng cảnh già lam Phật tự. Từ khi thành đạo với cội bồ đề, trong suốt 49 năm hoằng dương tế độ, Đức Phật dùng vô số phương tiện để giáo hóa độ sanh. Đức Phật không bị ràng buộc bởi bất cứ một khuôn khổ hay giáo điều nào, trái lại Đức Phật luôn vận dụng tính “Tùy duyên bất biến” để đem đạo Phật đi vào cuộc đời. Thấm nhuần tính “Tùy duyên bất biến” mà chư Tổ đã tùy thuận căn cơ chúng sanh, tùy dòng lưu chuyển không ngừng của thời đại, nên đã dùng phương tiện quyền xảo “nghi lễ Thiền gia” để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo quần chúng mà từng bước hướng dẫn họ vào đạo.

Từ khi du nhâp vào Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã dung hóa hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc. Cho nên dù tiếp thu nền nghi lễ Phật giáo của chư Tổ Trung Quốc, nhưng nghi lễ Phật giáo Việt Nam được chư Tổ chúng ta tùy theo tình dặc thù của Phật giáo Đại thừa Việt Nam mà hình thành nên những nét đặc trưng cho nghi lễ Phật giáo nước nhà với tinh thần “Hữu tướng vô tâm” đượm mùi thiền vị, cho nên đã phù hợp với tín ngưỡng dân tộc Việt Nam qua bao thời đại. Tuy nhiên với vị trí địa lý, đặc thù của từng vùng miền nên nghi lễ Phật giáo Việt Nam có những đặc trưng riêng. Trong các nghi thức hành trì, tán tụng của mỗi vùng miền có giọng điệu khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích là tuyên dương diệu pháp, báo ân Đức Phật. Do đó, người thực hành nghi lễ ngoài việc làu thông giáo điển mà còn phải có sự điêu luyện về giọng điệu mang tính đặc thù của văn hóa Việt Nam, nhất là người thực hành nghi lễ phải có nội tâm an tịnh mới có thể phát huy đúng tầm quan trọng của nghi lễ.

Trên bước đường hoằng pháp độ sanh, nghi lễ là một trong những hành trang không thể thiếu của mỗi sứ giả Như Lai. Bởi lẽ với âm điệu trầm bổng đầy thiền vị giải thoát của những bậc thực hành nghi lễ sẽ tạo được sự an lạc trong lòng người nghe, dương thới âm siêu. Nếu các hình thức và nội dung của nghi lễ có sự kết hợp nhuần nhuyễn với giáo lý mầu nhiệm của Đức Phật thì chúng sanh dù làm việc thiện hay ngược lại đều được cảm hóa, đạt được sự an lành trong ánh hào quang của chư Phật.

Nghi lễ Phật giáo luôn gắn liền với văn hóa dân tộc. Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, nói đến nghi lễ là nói đến những lễ nghi phép tắc từ hình thức đến nội dung. Lâu nay có sự ngộ nhận, nói đến nghi lễ thường được ám chỉ đó là những hình thức bên ngoài, nhưng xét nghĩ nếu không có sự thì người học Phật khó thấu triệt được lý tánh cao siêu của Phật pháp. Sự chỉ là phương tiện để diễn bày lý tánh, cho nên sự tướng nghi phong của nghi lễ chính là một trong vô lượng pháp môn phương tiện tối cần mà Đức Phật đã chỉ bày, đó là tính “tùy duyên bất biến của Đạo Phật”. Nếu mọi hành giả đều quán triệt sự lý viên dung, tùy duyên bất biến thì nghi lễ là công cụ đắc lực để thành tựu việc tu việc học. Nếu chỉ chú trọng một phần nào thì đều bị chi phối bởi vòng đối đãi của nhị nguyên, Phật pháp khó được hoằng dương đúng nghĩa, không bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như văn hóa dân tộc./.

Các tin đã đăng: