Cùng
tìm hiểu truyền thống văn hóa của bà con Khơ-me vùng Nam Bộ bạn nhé!
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính có gần 500 ngôi chùa lớn
nhỏ của người Khơ-me. Nổi tiếng nhất trong các ngôi chùa Khơ-me ở Nam
Bộ phải kể đến: Chùa Vàm Ray (Trà Vinh), chùa Dơi (Sóc Trăng), chùa
S’Doach Chop (Tri Tôn, An Giang)…Giống như nhiều ngôi chùa Khơ-me, mỗi ngôi chùa lớn hay nhỏ đều là
bảo tàng về mặt kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc. Ngôi chùa rất
kiên cố, hoành tráng, lộng lẫy… được xem như một trung tâm tôn giáo,
giáo dục và văn hóa. Trong chùa nổi bật nhất là ngôi chính điện: Một
tòa nhà đồ sộ với bộ mái nhiều tầng, ngói màu vàng rực, các góc mái
cong vút lên, bên cạnh đó là các tượng điêu khắc độc đáo, mang nhiều
giá trị mỹ thuật được chính người dân nơi đây tạo dựng nên.
Tục đi tu đã có từ lâu trong truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của
người dân Khơ-me ở Nam Bộ. Thông thường, mỗi chùa có ít nhất 5 - 10 ông
lục, nhiều khi đến 60 - 70 ông ăn ở, học tập và tu hành. “Ông lục” là
tên gọi những chàng trai đi tu ở chùa. Đối với chúng mình, còn có một
tên khác quen thuộc hơn là “sư sãi”.
Chùa S’Doach Chop – An Giang.
Trong
chùa không có tiếng chuông, tiếng mõ. Các ngôi chùa được chăm chút từng
ngày và là nơi sinh hoạt của các nhà sư khi đến đây tu hành.
Một ông lục đang chuẩn bị bữa sáng.
Tất cả đều tập trung ăn sáng tại nhà hành lễ.
Từ xa xưa, người dân ở đây đã quan niệm nếu người con trai nào mà
không trải qua quá trình tu hành ở chùa thì bị gia đình, xã hội cho là
bất hiếu, lớn lên rất khó lấy vợ. Các cô gái khi đến tuổi lấy chồng
thường chọn những chàng trai đã hoàn tục sau khi tu hành ở chùa. Họ tin
rằng đó là một người chồng tốt, biết chữ nghĩa, biết chăm lo cho gia
đình và có nghĩa vụ đối với xã hội.
Hàng
ngày, các ông lục sẽ phải “Đi bát” hay còn gọi là “Đi hành khất” vào
lúc 10 giờ sáng. Trước khi đi, tất cả đều phải tắm rửa và thay những bộ
trang phục sạch sẽ.
Các ông lục chính là con trai của các gia đình trong vùng. Gia đình
nào có con trai từ 12 tuổi trở lên thường được gửi vào chùa để tu hành.
Thời gian có thể là 3 - 4 tháng, có thể là 1 - 2 năm, hoặc cũng có thể
trọn đời, tùy vào sự tự nguyện lựa chọn của các sư sãi. Tu hành ở đây
được quan niệm là tu để rèn luyện, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở
ngày mai, một cơ hội tốt để cho họ được học văn hóa, đạo lý và rèn
luyện tinh thần, đức hạnh.
Việc hành khất thường chỉ mang tính tu rèn, để người dân thể hiện thanh tâm. Đa số thức ăn đều được chuẩn bị trong chùa.
Các chàng trai khi tu hành sẽ được tự quyết định về thời gian hoàn
tục của mình. Tuy nhiên đa số họ đều lựa chọn tu qua "giới Sa di". Giới
Sa di có 10 điều cấm, ông lục nào vi phạm 1 trong 10 điều cấm thì đều
phải thọ giới trở lại.
Mười điều cấm đó là:
1. Không sát sinh.
2. Không trộm cắp.
3. Không tà dâm.
4. Không nói láo.
5. Không uống rượu.
6. Không ăn ngoài bữa.
7. Không xem múa hát, tiệc tùng.
8. Không dùng đồ trang sức, mỹ phẩm.
9. Không chiếm ghế cao, giường êm (không sống xa hoa).
10. Không cất giữ vàng bạc, của cải. |
Các
vị Sa di còn phải tuân theo 110 uy nghi (cách ăn nói, đi đứng, cư xử
với người xung quanh, với xã hội). Hàng tháng, nhà chùa sẽ cho vị Cả
nhì huấn thị (khuyên răn) hai lần các nhà sư trẻ mới vào chùa. Khi 20
tuổi, các nhà sư có thể làm lễ lên bậc Tỳ khưu và tiếp tục thọ 227 giới
(gồm 4 nghiêm luật và 13 cấm luật). Bà con Khơ-me quan niệm rằng tu
hành đến bậc Sa di là để ơn cha, bậc Tỳ khưu là để ơn mẹ.
Tất cả các thức ăn sau khi đi hành khất đều được đem về tập trung để chuẩn bị cho bữa ăn.
Đặc biệt, người tu hành theo Phật giáo Khơ-me đều được phép “ăn mặn”
theo giới. Tuy nhiên, họ không được ăn 10 loại thịt: Cọp, khỉ, mèo,
chó, chồn… Các ông lục sẽ được phép dùng bữa cơm từ sáng sớm đến giờ
Ngọ (11 giờ - 13 giờ), còn từ giữa trưa đến chiều tối chỉ được dùng
sữa, bánh ngọt, nước giải khát…
Bữa ăn trong không gian thoáng mát, sạch sẽ và có cả sự yên tĩnh, thành tâm.
Theo NamBun - PL&XH