Bộ thạch kinh Pháp Hoa đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam
05/09/2010 21:40 (GMT+7)

Trong chuyến hành hương về các Phật tích tại Ấn Độ vào năm 2009, Phật tử Lê Thành Đức, Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM đã được HT.Thích Như Niệm quy y với pháp danh Đạo Ân ngay trên quê hương Đức Phật. Chính thiện duyên này đã bồi đắp thêm niềm tin Phật pháp cho Phật tử Đạo Ân. Những ngày trên đất Ấn, anh đã thật sự cảm động khi thấy việc NS.TN Khiết Minh, trụ trì chùa Kiều Đàm Di tại Vaishali đã vất vả đưa những người thợ từ Việt Nam sang Ấn Độ để khắc bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa lên tháp Tổ Kiều Đàm Di. Từ đó, trong tâm anh hình thành ý tưởng về bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá thực hiện tại Việt Nam. Đây là bộ thạch kinh Pháp Hoa đầu tiên tại nước ta.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Đem ý định đó trình bày với Hòa thượng bổn sư là HT.Thích Như Niệm và được Hòa thượng khuyến khích, được sự nhất trí của những người Phật tử cùng tâm nguyện, Phật tử Đạo Ân cùng nhóm Phật tử chùa Pháp Hoa đã cùng quyết định thực hiện công trình khắc trọn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đá.

Bộ kinh khắc trên đá được lấy nguyên bản từ kinh Đại thừa "Diệu Pháp Liên Hoa" do Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn ngữ ra Hán văn và được HT.Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt. Đây là bộ kinh Đại thừa được đông đảo Tăng Ni Phật tử trì tụng hàng ngày.

Trước đây chúng ta có nhiều mộc bản kinh Pháp Hoa, nhưng chưa thấy có thạch bản về bản kinh này. Công trình được đặt trong khuôn viên một ngôi chùa có cùng tên là Pháp Hoa (Q.Phú Nhuận) đã được khai sơn cách đây 82 năm trên mảnh đất Sài Gòn-Gia Định.

HT.Thích Như Niệm, viện chủ chùa Pháp Hoa cho biết: "Thực hiện công trình điêu khắc kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đá, chúng tôi muốn thực hiện lời huấn dạy của Hòa thượng bổn sư khai sơn của chúng tôi rằng tất cả mọi người đều có Phật tánh, bình đẳng, có thể giác ngộ và đi đến đời sống an lạc, tìm sự giải thoát như tinh thần kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã dạy. Công trình này cũng giúp Phật tử tiếp cận dễ dàng hơn với kho tàng kinh tạng của Đức Phật".

HT. Thích Như Niệm bên công trình đang ở giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Bảo Toàn

Công trình kỳ công

Trước khi đặt đá khởi công, các nhóm kiến trúc sư, kỹ thuật viên đã có gần 5 tháng để chuẩn bị từ các khâu: kỹ thuật dàn khung, nhân công, chọn đá, thiết kế 3D… Theo đó, toàn bộ công trình được thiết kế chi tiết, sắp xếp bố cục chữ cho cân đối, hài hòa và chỉnh sửa nhiều lần mới thống nhất. Công trình chính thức khởi công vào đầu tháng 5-2010 (ngày 19-3 âm lịch) và sẽ khánh thành vào đúng dịp Đại lễ Vu lan. Công trình đậm nét văn hóa tâm linh này cũng thiết thực góp phần chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Để thực hiện bộ thạch kinh Pháp Hoa, nhóm Phật tử thực hiện đã đặt mua 70m2 đá granite đen khổ lớn từ Ấn Độ và gần 40 tấn đá trắng vân mây từ Thanh Hóa. Công việc được triển khai liên tục ngày đêm với số lượng các nghệ nhân, thợ điêu khắc vào lúc cao điểm tới gần 30 người, gồm nhiều nhóm thợ đến từ Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Đà Nẵng, những vùng đất nổi tiếng của cả nước về nghệ thuật khắc, chạm trên đá.

Mười phiến đá granite bao bọc khung bê tông với chiều dài 14,5m, rộng 4m và cao gần 10m, thiết kế như những trang sách mở. Từng trang 2 mặt đá được chia làm 10 ô, giữa các ô là 6 cột có chiều cao 4m, đường kính 35cm, đầu cột là hình tượng đầu dơi biểu tượng cho chữ Phúc, đế cột được thiết kế mô phỏng là những hoa sen đang nở biểu tượng cho sự thanh cao, thanh tịnh. Toàn bộ bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa gần 70.000 chữ Việt được sắp xếp bố cục hài hòa, chữ màu trắng khắc trang trọng trên nền đen của đá granite. Viền bao các tấm đá này là các khung bia bằng đá trắng vân mây, trên đó điêu khắc các hoa sen thời Lý cách điệu. Từng chi tiết trên đế cột, đầu cột, bệ đá cũng như từng nét chữ được chế tác rất công phu, tinh tế, sắc sảo, tôn nghiêm.

Mái che cho toàn bộ công trình được đúc bằng bê tông cốt thép. Toàn bộ phần mái này cũng được lợp bằng đá trắng vân mây, khắc hình vẩy rồng, đỉnh mái là bức thủ quyển ghi "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa" bằng chữ Hán và chữ Việt với chiều dài 4,2m, cao 2,4m. Trên thủ quyển là hình tượng lưỡng long chầu Pháp luân trên hoa sen, biểu tượng việc Đức Phật lần đầu tiên thuyết pháp sau khi viên thành Chánh đẳng Chánh giác. Đỉnh mái được điểm thêm cặp rồng chầu bằng đá, cuộn mây đi vào phía bức thủ quyển. Ở bốn góc đỉnh mái là hình tượng 4 cá chép hóa rồng. Toàn bộ công trình thạch kinh Diệu Pháp Liên Hoa thiết trí trên cánh đồng sen mềm mại được ghép từ 12 tấm đá trắng vân mây với chiều dài gần 30m. Bốn góc bệ đá là tượng 4 vị Thiên vương hộ trì. Các pho tượng này do các nghệ nhân đá Non Nước thực hiện. Phía trước công trình là một cụm sen "mọc" lên từ đá. Cụm sen này được điêu khắc từ một tảng đá nặng gần 3 tấn màu trắng ẩn vân hồng được vận chuyển từ Hà Tĩnh vào, trên mặt lá sen khắc tóm lược ý nghĩa của kinh Diệu Pháp Liên Hoa và những lời tâm nguyện của nhóm Phật tử thực hiện công trình.

Nói về công trình này, Phật tử Đạo Ân, đại diện nhóm Phật tử cho biết: "Ngưỡng mộ sự cao quý của tinh thần kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhóm Phật tử chúng tôi đã cùng nhau phát tâm khắc kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đá nhằm ghi lại những lời vi diệu và lưu lại một kiến trúc văn hóa đậm nét Phật giáo cho đời sau".

HT.Thích Như Niệm -  Phó ban Thường trực BTTXH TƯGH, viện chủ chùa Pháp Hoa:

"Công trình tâm linh xuất phát từ tâm thành"

Khi thực hiện công trình khắc trọn bộ kinh Diệu Pháp Pháp Hoa lên đá, chúng tôi mong ước rằng sẽ có nhiều người chiêm ngưỡng và hành trì tụng niệm bộ kinh hàng ngày. Tinh hoa của bộ kinh là tinh thần bình đẳng, nhất như, mọi người kiên trì tụng niệm kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng đều có thể thành Phật.

Công trình điêu khắc kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đá là công trình xuất phát từ tâm thành của một nhóm Phật tử nhằm góp phần xây dựng tàng kinh các, công việc này cũng giống như phát tâm xây chùa, đúc tượng, thỉnh kinh… Công đức này góp phần vun bồi thêm nét đặc sắc cho truyền thống "tri ân báo ân" của người con Phật và làm sống dậy những giá trị văn hóa Phật giáo qua việc tái hiện lại những tạng kinh của Đức Phật với hình thức giúp Phật tử dễ tiếp cận nhất.

Công trình được điêu khắc toàn bộ bằng đá, chữ trắng trên nền đá đen quý hiếm, hoa văn hoa sen, rồng cách điệu thời Lý, Trần được chế tác công phu tượng trưng triết lý Phật giáo. Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên đá nhân dịp này sẽ nhắc nhở thêm về tinh thần từ bi, tự thân giải thoát, giác ngộ và đoàn kết dân tộc của con Rồng cháu Tiên. Đặc biệt, hình tượng hoa sen cũng là tinh thần thuần khiết, bất nhiễm của triết lý Phật giáo có từ hàng ngàn năm qua. Đây là công trình xuất phát từ lòng thành kính tri ân cúng dường Đức Phật và các bậc tôn sư tiền bối nhân dịp cả nước đón mừng sự kiện Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

H.Diệu (GNO)

Các tin đã đăng: