Và mưa hoa rơi xuống …
Xuân Nguyên
25/06/2010 23:57 (GMT+7)

Cách đây khoảng chục năm tôi đã nhận ra, và cách đây khoảng vài năm tôi lại nhận ra không phải chỉ tôi mà hầu như mọi người đều điên, đều mát giây như vậy.

Bạn đã bao giờ thấy một người điên, vừa đi vừa lảm nhảm lung tung trên phố chưa ? chắc hẳn đã có lần thấy, phải không ?

Bạn cũng điên như vậy thôi, khác chăng là bạn không lảm nhảm trong miệng mà bạn lảm nhảm liên tục trong đầu óc của mình, hàng tá suy nghĩ vớ vẩn lung tung đang lảm nhảm trong đầu bạn. Để ý mà xem, đi bộ trên phố, chạy xe, hay làm gì đi nữa, bạn vẫn đang lảm nhảm trong đầu.

Bạn điên, tôi điên, và cả xã hội loài người này bị điên, người "bình thường" là một người điên, điên một cách bình thường vì chưa phát ra tiếng. Một khi phát ra tiếng, thì cái xã hội - vốn bệnh hoạn này sẽ gọi là bạn điên và có lẽ ai đó sẽ tống bạn vào bệnh viện tâm thần.

Tâm trí là một cỗ máy kì diệu, tôi không phủ nhận, quá tuyệt vời, khoa học chưa bao giờ có thể chế tạo ra một cỗ máy nhỏ gọn, im lặng, bền bĩ với sức làm việc vô cùng như nó. Nhờ nó mà chúng ta tạo ra thế giới này.

Nhưng nó là công cụ, nó chỉ là một công cụ cho chúng ta sử dụng. Giống như tay của bạn - là một công cụ. Bao giờ bạn cần đến tay thì bạn dùng, không cần tay thì để đó, nó có đó, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng cho bạn sử dụng.

Tâm trí là một công cụ, nhưng công cụ đã trở thành ông chủ, còn chúng ta, những ông chủ, lại trở thành công cụ của nó.
Bạn có thể sử dụng trí não của bạn như cánh tay của bạn được không ? Hay là nó đang sử dụng bạn, bạn đang là nô lệ của nó ?

 

Descartes đã từng nói một câu  đặt nền tảng cho triết học phương tây: Cogito, ergo sum - tôi tư duy, tôi tồn tại. Và Descartes tưởng rằng đã tìm ra chân lý qua câu nói đó.

Không đâu Descartes, ông còn chưa biết chân lý là gì đâu. Ông đã đưa ra một sai lầm căn bản cho loài người, đồng nhất chính bản thân với tư duy suy nghĩ của mình. Không có một cái tôi nào mà lại cho rằng chúng ta có một cái tôi.

Bộ não- tâm trí là gì ? là nơi cho ra đời tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm và bạn bị nó dối lừa khi đồng nhất mình với chính nó.
Để tôi chỉ cho bạn thấy sự dối lừa ở đây.

Qua tư tưởng, quan điểm bạn có nhận thức về thế giới xung quanh, bạn nhận thức được mọi thứ xung quanh nhờ vào những tư tưởng, quan điểm của mình. Bạn cũng có những nhận thức về chính bản thân bạn
tôi là người như thế này, tôi là người như thế kia. Khi tôi hỏi bạn là ai, bạn có thể trả lời ra sao, bạn có thể nói rằng, tôi tên này nọ, tôi sống ở đâu đó, tôi dân tộc gì đó, tôi là người thích cái này, cái nọ... và mọi thứ khác.

Tùy thuộc vào quan điểm tư tưởng của bạn về chính mình.

Nhưng cái "tôi" đó, cái hình ảnh đó có thực sự là chính bạn không ?

Không, khi bạn bị mất trí chẳng hạn, không nhớ một thứ gì, tôi sẽ hỏi lại bạn là ai ?
Lúc này bạn có thể trả lời được những gì ?
Không được gì hết đúng không ? Bạn không thể nói gì được hết, nhưng bạn vẫn tồn tại, vẫn sống. Đúng không ?

Nghĩa là cái "tôi" đó, cái hình ảnh đó không phải là bạn, nó vẫn chỉ là một thứ do phóng chiếu mà ra.

Bây giờ nói về suy nghĩ, tư duy. Qua bộ não mà ta có thể suy nghĩ, tư duy. Đây là vấn đề rất quan trọng. Bạn có đang lắng đọc những dòng này không, hay bạn đang có những phán xét, phân tích trong đầu? Nếu thế thì tâm trí bạn đang điều khiển bạn mất rồi. Hãy đọc với cả tâm hồn vì đây là vấn đề rất quan trọng, đụng chạm đến phần căn bản của loài người.

Nhờ có suy nghĩ mà ta thoát ra khỏi cây cỏ, động vật. Chúng ta tạo ra xã hội của chính mình cũng dựa trên suy nghĩ.
Suy nghĩ - hay tâm trí rất là quan trọng, từ một câu thơ đến cả công trình khoa học, từ một cuộc chiến tranh hay thậm chí cả một cây viết cũng bắt đầu từ suy nghĩ mới tạo ra được. Thậm chí, ngay cả lúc này đây, tôi cũng đang dùng suy nghĩ của mình để viết những dòng này trả lời cho bạn. Đây là điều không thể khác được.

Chính vì quan trọng như vậy nên dần dần chúng ta đã nhầm lẫn, đã bị dối lừa. Chúng ta tưởng rằng mình là suy nghĩ của chính mình.
Khi bạn đang ở bên người yêu, hoàn toàn ở bên cạnh, tay trong tay, không hề có một gợn sóng suy nghĩ nào, hoàn toàn trống vắng và bạn có hiện diện ở đó.
Khi bạn sắp bị giết, 1 giây nữa thôi, bạn sẽ bị giết, cái chết đang ở ngay trước mặt bạn, mối nguy hiểm đang cận kề,tâm trí dừng bặt, suy nghĩ biến mất nhưng bạn vẫn nhận thức rõ rằng, lần đầu tiên trong đời bạn nhận thức rõ ràng từng diễn biến đang xảy ra xung quanh - và bạn xuất hiện - chính là bạn

 

Bây giờ, bạn cũng có những hình ảnh về vợ, chồng, cha, mẹ, anh em, bạn bè... và những người này cũng có những hình ảnh về bạn.
Thực sự  bạn chỉ "thấy" những hình ảnh này về họ, hay nói đúng hơn, bạn đang nhìn họ một cách gián tiếp thông qua những hình ảnh do bạn dựng lên.

Vấn đề ở đây là, những hình ảnh này không phải là thực, những hình ảnh này xuất hiện từ đâu ?
Từ những kỷ niệm đã xảy ra giữa bạn và họ, từ những điều vụn vặt trong cuộc sống, từ những thỏa mãn, từ những xung đột, từ quan điểm, suy nghĩ ...và những thứ này luôn là quá khứ.

các hình ảnh này luôn luôn là quá khứ, luôn luôn trong quá khứ mà ra.

Bạn có hình ảnh về một cô bạn gái dễ thương, bây giờ, ngay lúc này, trong khoảnh khắc hiện tại này đây, cô ta đã thay đổi, nhưng liệu bạn có nhận ra ngay lập tức điều này không ?
Không. Bởi vì bạn không "thấy" cô ta một cách trực tiếp, như hiện tại cô ta đang là như vậy, bạn chỉ đang "thấy" cái hình ảnh dễ thương trong quá khứ của cô ta, phóng chiếu lên hiện tại bây giờ.

Nghĩa là bạn thực sự không sống trong hiện tại, bạn chỉ đang sống trong quá khứ, hay nói chính xác hơn là bạn đang sống trong một hiện tại do quá khứ phóng chiếu ra.
Bạn có đang nhận thức được vấn đề tôi đang nói ở đây không ?

Chúng ta không thực sự "thấy" nhau, chúng ta chỉ đang "thấy" nhau một cách gián tiếp thông qua hình ảnh của nhau do chúng ta dựng lên trong đầu óc, và hình ảnh này là không thực, hình ảnh này luôn từ quá khứ mà ra. Chính vì vậy
Chúng ta không thực sự sống trong hiện tại, chúng ta chỉ đang sống trong một quá khứ kéo dài, chúng ta chỉ đang sống trong một ảo tưởng của chính chúng ta mà thôi.

Bạn có ý thức được vấn đề tôi đang nói tới đây không?
Liệu bạn có thể "thấy" một ai đó, một thứ gì đó một cách trực tiếp, ngay trong hiện tại, như đúng bản chất thứ đó đang là như vậy, không có một hình ảnh nào chen ngang giữa người đó với bạn không ?

Đây là vấn đề rất quan trọng để nói tới ở đây.

 

Trí tuệ là gì ?
Trí tuệ có phải là nhận thức sâu sắc rằng những kiến thức, kinh nghiệm, học vấn, hiểu biết.... tất cả đều không phải là trí tuệ.

Lão tử có nói một câu đại ý: kẻ trí thì biết ít, biết nhiều không phải kẻ trí.
Tôi ngờ rằng câu nói trên vẫn chưa hoàn toàn chính xác. Câu nói chính xác có lẽ phải như vầy: kẻ trí thì không biết gì cả.

Chết đi với những đều đã biết. Hãy bỏ rơi tất cả những kiến thức, kinh nghiệm lại sau lưng cùng quá khứ để có thể sống trọn vẹn trong hiện tại tinh khôi, có thể lắng nghe, cảm nhận, quan sát các sự vật, hiện tượng trong hiện tại đúng như bản thân nó, đúng sự thật nó là, không bị bóp méo qua bất kỳ một lăng kính quan điểm, tư tưởng hay học thuyết nào.
Chính chúng sẽ giết chết, làm biến dạng khả năng nhìn nhận thực tại.

Krishnamurti đã có một câu nói rất thông thái.
Truth is a pathless land - Sự thật là một vùng đất không lối mòn.

Sự thật là gì ?
Có phải là thứ đang sờ sờ ở ngay trước mắt chúng ta? đang tồn tại, đang hiện hữu ngay đây, bây giờ ?
Sự thật luôn sống động, nó thay đổi luôn luôn theo hiện tại, nó chuyển động cùng thời khắc lúc này, bây giờ. Không phải vậy sao ?
Nó không có nơi ở cố định, không có một lối mòn xưa cũ nào để đi đến nó cả.
Mọi kiến thức, kinh nghiệm, học thuyết thì đều thuộc về quá khứ. Điều này chắc chắn. Chúng đến từ những lối mòn xưa cũ, từ những dự kiện đã qua trong quá khứ tạo ra chúng.

Làm sao quá khứ có thể tìm thấy hiện tại ? Làm sao có thể thấy được sự thật thông qua một lối mòn ? Không thể nào. Sự thật đã chuyển động. Nó đã rời chỗ đó đi rồi.

 

Chúng ta đi qua bầu trời cuộc sống, thế gian.
Chú chim bay qua bầu trời và không để lại dấu vết nào sau đường bay.
Chiếc máy bay bay qua bầu trời và để lại sau lưng nó những vệt khói. Khói có thể trắng hay đen.
Bạn hiểu chứ ?

Bạn chạy xe trên đường, bạn hiện diện, nhận biết liên tục trong từng khoảnh khắc, một con chó băng ngang, bạn liệng xe tránh, sau đó tiếp tục chạy xe đi.

Để ý, bạn liệng xe tránh, sau đó tiếp tục chạy xe đi - không một tì viết nào xảy ra trong đầu bạn- khoảnh khắc đó đã biến mất, đã bỏ qua, và bạn tiếp tục chạy xe đi.
Nhưng thực sự bạn không như vậy.

Bạn liên tục bị phân mảnh, thân thể động tác ở một nơi, suy nghĩ ở một chỗ khác, và cảm xúc thì đâu đó, bây giờ gom lại, trở thành toàn thể và hành động với cái toàn thể đó.

Bây giờ bạn đứng đó trình bày quan điểm, tôi có ý kiến khác, phản biện lại chẳng hạn, bạn lập tức bốc hỏa lên và độp lại liền, như thế là tạo ra một vệt khói phía sau, là phản ứng.


Để tôi nói rõ về phản ứng, nó giống như là tôi nhấn một cái nút và ngay lập tức bạn có phản ứng, tôi có thể nhấn một cái nút khác, một câu nào đó khen ngợi chẳng hạn, và bạn  sẽ có một phản ứng khác.

Đó chính là phản ứng, chúng ta cũng vậy, chúng ta không thật sự hành động, chúng ta chỉ đang phản ứng với những điều kiện bên ngoài, những điều kiện xã hội tác động lên chúng ta.

Tôi quen một người, và anh ta từng chỉ trích tôi, tôi có một kết luận về anh ta, tôi từng tham gia một tổ chức và tôi có một định kiến về tổ chức này. Nhưng những kết luận, định kiến này đến từ đâu ? có phải đến từ quá khứ không ? Nghĩa là tôi luôn mang theo quá khứ bên mình ? Đúng không ? Tôi đã nhìn nhận và hành động bám theo quá khứ này ? Phải không ?

Không ai có thể bước 2 lần vào 1 dòng sông, dòng nước sông đã chảy đi, bây giờ đã là dòng nước khác, thậm chí cả người bước vào dòng sông cũng đã thay đổi.
Anh ta đã khác, tổ chức đã thay đổi, bạn có thể nhận biết liên tục được không ? liên tục bỏ rơi quá khứ, sống liên tục từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác ?


Các nhà tâm lý đã nói gì, chúng ta cần mơ, không có giấc mơ, con người sẽ điên, sẽ loạn thần kinh. Nhưng Phật có mơ không ? giấc mơ là cần vì chúng ta liên tục bám giữ quá khứ phía sau, chúng ta chưa hoàn thành, vì vậy chúng ta cần giấc mơ, nếu chúng ta hoàn thành, chúng ta hành động và kết thúc liên tục trong hiện tại, chúng ta không cần mơ.


Phật không cần mơ, thậm chí ông ta cũng không cần thiền. Mơ hay thiền là thuốc, nó cần cho người bệnh, còn với người đã đạt đến bản thể của mình như phật, nó cần phải vứt đi.

 

Bạn nhìn một bông hoa rồi từ đó thấy rằng nó đẹp, vậy là bạn muốn nó là của mình.
Bạn nhìn một anh chàng, chàng trông thật thông minh, thật sang trọng, rồi suy nghĩ nhảy vào, ước gì mình được giống như anh chàng đó.
So sánh là ngu xuẩn, tôi không hiểu sao chúng ta lại hay so sánh như vậy.

Niềm vui thì không thể tìm kiếm, hài lòng thì có thể tìm kiếm.
Khi niềm vui vỡ òa, bạn không thể suy nghĩ đúng không? hôm qua tôi trông thấy một thứ gì đó và tôi rất vui, hôm nay tôi muốn có lại niềm vui đó, tôi muốn tìm kiếm niềm vui đó và bây giờ niềm vui chính là sự hài lòng.

Niềm vui chính là sự hài lòng khi bạn suy nghĩ lại về nó. Không phải sao ? Và quá trình tìm kiếm niềm vui đó chính là thủ phạm gây ra đau khổ


Cô gái kia đã đem lại một khoảnh khắc hạnh phúc nào đó trong tôi, và bây giờ tôi lưu giữ nó, tôi muốn có lại nó, cô gái kia sẽ là của tôi ? không phải sao?

Chúng ta có những đau khổ về vật chất, thể xác và những đau khổ về tình cảm, tâm hồn.
Những đau khổ về cơ thể thì rõ ràng rồi, đúng không ?
Còn những đau khổ bên trong, những đau khổ về tâm lý, do đâu mà có ?

Nếu bạn có lần để ý, bạn sẽ thấy những đau khổ này do quá trình lưu luyến, bám giữ mà ra.
Cô gái kia đã đem lại một khoảnh khắc hạnh phúc nào đó trong tôi, và bây giờ tôi lưu giữ nó, tôi muốn có lại nó, cô gái kia sẽ là của tôi ? Nếu không có được cô gái đó hoặc cô ta bỏ đi cùng người khác, tôi sẽ đau khổ, tôi sẽ bất hạnh. Đúng không ?

Chúng ta lưu luyến, bám giữ vào một người nào đó, một ý tưởng nào đó, một tổ chức, một vật chất nào đó. Vì nó tạo cho chúng ta cảm giác hạnh phúc, cảm giác an toàn.

Tôi là thành viên của tổ chức này, tôi có những bạn bè này, tôi có nhà cửa, tiền bạc này, khi xa rời họ tôi sẽ đau khổ biết bao nhiêu.
Tôi đã sống, đã cống hiến trọn đời ở mảnh đất này, đã được sinh ra, lớn lên và giáo dục ở đây, nếu xa rời nơi đây tôi sẽ là gì ? tôi sẽ như thế nào? tôi sẽ không sống được nếu điều đó xảy ra ?

Không phải như vậy sao, chính sự lưu luyến, bám giữ này khiến chúng ta đau khổ về mặt tâm lý, và quá trình vô minh chính là đây.
Vì vậy, chúng ta phải thoát ra khỏi sự lưu luyến, bám giữ này. Chú ý ở đây - tôi nói là thoát ra, chứ không phải là vứt bỏ.

Bạn hiểu chứ, tôi không nói bạn phải vứt bỏ nhà cửa, tiền bạc, địa vị của mình, tôi không nói bạn phải vô cảm, không xúc động, không cảm giác. Tôi chỉ nói là thoát ra.
Nghĩa là bạn vẫn có nhà cửa đó, bạn có thể muốn nhiều tiền để cuộc sống tốt hơn, không sao hết, nhưng bạn đừng đồng nhất chính mình với những điều trên.

Bạn có thể yêu, có thể có người yêu, nhưng bạn phải biết yêu thương, phải biết hạnh phúc với chính mình. Không lệ thuộc vào tình cảm của cô ta.

Điều này cũng giống như là, bạn là một lữ khách đi trong cuộc sống này, trời thì mưa và sấm xét, và bạn lại lạc đường - đó là khi bạn bám giữ, khi bạn lưu luyến.
Tôi không nói bạn vứt bỏ, vì làm sao bạn vứt bỏ được chứ, trừ khi xã hội, thế giới này không còn tồn tại. Cũng như mưa và sấm xét, làm sao bạn vứt bỏ nó được, nó thuộc về tự nhiên, về bên ngoài cơ mà ?

Bây giờ trời có đó, có mưa và sấm xét nhưng bạn đang ở trong nhà, trong chính ngôi nhà - bản thể của chính mình- trời có mưa và sấm xét đó nhưng nó không làm bạn ướt nhẹp, không làm bạn mệt mỏi hay bị đe dọa nữa, và chính lúc này, mưa có vẻ đẹp của nó, sấm xét có vẻ đẹp của nó, bạn thoải mái tận hưởng.

Bạn không bám giữ, không cần bám giữ hay lưu luyến, trời không mưa, không sấm xét, không sao hết. Trời quang, nắng đẹp. Quá tuyệt vời. và bạn hoàn toàn hạnh phúc trong ngôi nhà của chính mình.

 

Xuân Nguyên

09080102@yahoo.com

Nguồn:

http://vn.360plus.yahoo.com/0908-0102

Các tin đã đăng: