Một linh sơn hoang phế
Đại Lãm Sơn tự ngự ở phía Nam sườn
núi Dạm (nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) từng là một trong những trung
tâm Phật giáo lớn của Đại Việt xưa.
Cột đá ở chùa Dạm
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có
nhiều đoạn chép về chùa Lãm Sơn: “Bính Dần, Quảng Hựu năm thứ 2 (1086) (Tống Nguyên
Hựu năm thứ 1)… Làm chùa Đại Lãm Sơn”; “Đinh Mão, Quảng Hựu năm thứ 3 (1087)
(Tống Nguyên Hựu năm thứ 2) … Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn làm
hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến”; “Giáp Tuất, Hội Phong năm thứ 3(1904)… Mùa hạ, tháng Tư, tháp chùa Lãm Sơn xây
xong”: “Ất Sửu, Long Phù năm thứ 5 (1105) (Tống Sùng Ninh năm thứ 4)… Mùa thu,
tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở
chùa Lãm Sơn”.
Căn cứ vào đây, thấy rằng
chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086, đến năm 1094 mới
xong. Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa có nhiều tên gọi: chùa Dạm, Cảnh Long Đồng
Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám vì đây chính là nơi bắt nguồn của
truyền thuyết Tấm Cám, và cuối đời Nguyên phi Ỷ Lan đã về ở ẩn tu hành tại đây,
trên núi hiện còn một cái giếng Tấm Cám.
Sử sách ghi lại, chùa Dạm xưa được xây tứ cấp
vô cùng nguy nga, với 100 gian, chiều dài nền chùa 120m, rộng 70m, tổng
cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bốn lớp nền được bó ghép
bằng đá tảng, mỗi viên có kích thước 50x60cm, được đặt choãi chân, chếch
khoảng 70 độ và cao 5-6m. Dân gian lưu truyền rằng, ngôi chùa lớn đến mức, cứ
sau ngày rằm hàng tháng người ta mới đóng cửa chùa, bắt đầu từ xẩm tối đến lúc
trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa.
Chùa đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến
chống Pháp, nên ngày nay chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc,
cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng
các con thú bằng đất nung, giếng bống, pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý
Thánh Tông… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không
kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với
lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Đây được xem là công
trình điêu khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân
uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc đến mức độ
tinh xảo.
Chùa Dạm được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa vào năm
1964, thế nhưng đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mà chùa Dạm vẫn chưa được phục
dựng tu bổ. Tìm lên chùa Dạm, tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng hoang tàn, từ dưới
chân núi ngước nhìn thấy ngút ngàn màu xanh của cỏ cây hoang dại. Những lớp
tường đá kỳ vĩ, chứng tích của một đại danh lam vẫn bền bỉ bám vào mặt núi
thẳng đứng. Leo lên hàng trăm bậc gạch rêu phủ, được chiêm bái cây cột đá trứ
danh vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nhằm phục dựng lại di tích, từ năm 2011, Sở
Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ
chức khảo cổ tổng thể khu di tích chùa Dạm.
Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai
quật của Viện Khảo cổ học, đã lộ rõ khu di tích gồm 4 cấp nền với mặt bằng diện
tích rộng hơn 6.000m2, cùng nhiều di vật kiến trúc liên quan thời
Lý, Trần và Lê. Tại cấp nền 4 (cấp nền cao nhất có đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan)
với diện tích khai quật 1.242m2 (không kể diện tích bờ kè đá 204,8m2)
đã phát hiện được dấu vết nền móng của một hệ thống công trình kiến trúc liên
hoàn bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm và hai kiến trúc nhỏ hơn ở hai
phía Đông và Tây đóng vai trò như hai hành lang dẫn vào kiến trúc trung tâm.
Tiếp đến là lớp văn hóa với nhiều di vật chủ yếu là vật liệu kiến trúc, chủ đạo
là ngói mũi sen đơn và ngói mũi sen giả kép một đường chỉ. Lớp vật liệu này được
nhận định, có thể là dấu tích của sự sụp đổ các công trình kiến trúc thời Trần,
Lê đã phủ lên những dấu vết kiến trúc thời Lý.
Trên cấp nền 3 cũng phát hiện
được dấu vết của một công trình kiến trúc niên đại thời Lê Trung Hưng ở trung
tâm và hai công trình kiến trúc niên đại thời Lý ở hai phía Đông và Tây. Ngoài
ra, ở phía trước ngôi chùa hiện nay đã xuất lộ dấu vết bậc thềm được xây xếp
bằng những khối đá màu xám trắng, xám xanh hình chữ nhật và gạch bìa thời Lê
trung hưng, được dự đoán là không cùng một kết cấu với dấu vết kiến trúc nói
trên mà có thể có niên đại muộn hơn. Tại cấp nền 2, thấy xuất lộ dấu vết bó nền
lòng nhà ở cả 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng không còn nguyên vẹn.
Về cấu tạo
địa tầng, cơ bản các cấp nền có sự tương đồng, phủ lên trên những dấu vết kiến
trúc thời Lý là lớp vật liệu kiến trúc thời Lý - Trần và trên đó lại là những
lớp văn hóa muộn hơn thời Lê, Nguyễn và hiện đại. Ở một số khu vực có sự đan
xen, cắt phá của hoạt động thời sau vào lớp văn hóa Lý, Trần. Ở cấp nền 1 (cấp
dưới cùng), đã cho thấy các nhà xây dựng thời Lý đã sử dụng nền đá gốc tự nhiên
để làm nền móng, hiên và sân ở nửa phía Bắc. Nhưng nửa phía Nam, họ lại tận
dụng đất đồi có kết cấu bằng sỏi, đất sét và ngói vụn để làm hố móng cột.
Phục dựng ngôi chùa quy mô
Dựa vào kết quả khảo cổ, các nhà nghiên cứu
nhận định về lịch sử kiến trúc chùa Dạm: Thời Trần vẫn sử dụng những công trình
kiến trúc được khởi dựng từ thời Lý
nhưng có trùng tu. Đến cuối thời Trần đầu thời Lê sơ, những dấu vết kiến trúc
thời Lý không còn nữa, mặt bằng kiến trúc thời Lý được phủ lên bởi một lớp vật
liệu kiến trúc thời Trần là chủ yếu lẫn một số mảnh vật liệu kiến trúc thời Lê
sơ.
Quang cảnh phế tích chùa Dạm
Đến thời Lê trung hưng với sự phục hưng của Phật giáo, chùa Dạm được trùng
tu xây dựng lại nhưng thu nhỏ hơn về quy
mô và chủ yếu tập trung ở các cấp nền. Số lượng di vật thu được ở các cấp nền
rất lớn, loại hình phong phú, đa dạng và được xếp vào ba nhóm cơ bản là: vật
liệu kiến trúc, đồ gốm, sứ, sành và đồ kim loại. Việc xác định rõ cấu trúc của
các công trình kiến trúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cung cấp nguồn tư liệu
mang tính khoa học cao để thiết kế, phỏng dựng
một cách chân xác nhất chùa Dạm thời Lý trong tương lai.
Chiều 8-8-2013, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị bàn về quy hoạch chi tiết bảo
tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa chùa Dạm. Đại diện
đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã trình bày hiện trạng vùng đất, hiện trạng di
tích, các ý tưởng và phương án quy hoạch. Trong đó, hai phương án được đề xuất,
với mục tiêu phát triển chùa Dạm thành “trung tâm tâm linh tín ngưỡng quy mô”,
là điểm đến du lịch hấp dẫn, tương xứng với giá trị của một trong những trung
tâm Phật giáo Đại Việt lớn nhất trong lịch sử.
Theo phương án 1, tổng diện tích
đất quy hoạch 41,33 ha gồm 4 không gian chính được kết nối với nhau theo một
trục thần đạo: Tâm linh (8,62 ha); Văn hóa lễ hội (2,05 ha); Dịch vụ (4,84 ha)
và Không gian cây xanh cảnh quan (19,24 ha).
Phương án 2 theo quan điểm hạn chế
tác động đến môi trường hiện tại, phù hợp với định hướng quy hoạch nông thôn
mới của xã Nam Sơn, gồm các khu chức năng phát triển xen kẽ nhau, không sử dụng
trục thần đạo. Hội nghị đã thống nhất đổi tên đề án quy hoạch chi tiết bảo
tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích chùa Dạm thành đề án xây dựng Khu
du lịch văn hóa tâm linh Núi Dạm.
Ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu quy hoạch chi tiết trên
cơ sở kết hợp giữa phương án 1 và 2, mở rộng thêm không gian xung quanh khu di
tích Chùa Dạm. Đề án phải được hoàn thiện để trình UBND tỉnh trước ngày
20-8-2013.
Ông Nhường khẳng định việc trùng tu khu di tích chùa Dạm là việc làm
nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của khu di tích, qua đó gắn văn hóa tâm
linh với phát triển du lịch tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Chu Minh
Khôi (GNO)