Con vịt trống
21/01/2015 13:03 (GMT+7)

- Nuôi nó cho đến lúc nó tự chết. Nó giúp nhà mình giải quyết thức ăn thừa.

Tôi đi chợ tìm mua một cái lồng sắt. Thấy bà già tóc đã bạc. Mặt hom hem buồn buồn. Bà nói: “Sáu chục”. Bà tiếp: “Sáng chừ chưa bán chi. Tui bán rẻ cho cậu. Người khác tui bán tám chục lận”. Tôi thương tình mua giúp bà, mắc rẻ không thành vấn đề. Cột cái lồng vào xe, chạy về nhà hí hửng, khoe vợ:

- Em nhốt con vịt trong này, để nó chạy mất, người ta bắt làm thịt liền.

Vợ tôi gật đầu nhưng lại hỏi:

- Cái lồng anh mua mấy chục?

- Sáu chục.

- Trời đất, mắc! Lồng đan có vài sợi thép thôi mà sáu chục lận. Ai bán ác nhơn rứa?

- Bà già ấy tội lắm. Người già không bán mắc đâu. Người ta già rồi không nói dối em à.

- Anh biết chi. Chỉ có người sắp chết mới nói thật. Mấy bà bên chợ mà không nói thách à? Họ bán rẻ lấy tiền đâu nạp thuế lô hàng.

- Thôi đừng nói nữa. Mất tiền lại mang khẩu nghiệp. Chuyện nuôi con vịt là việc phước hãy để cho trọn vẹn. Nhiều khi mình tu một mà tội lại thành hai do tâm so đo ích kỷ. Ở đời cứ bị thua người ta một chút lại hay hơn.

Vợ tôi im lặng không cãi.

Ảnh minh họa

II. Từ khi có con vịt trống vợ tôi cực thêm. Nhốt nó lại thì tội nó. Thả nó ra nó phá và vấy bẩn khắp nơi. Lâu lâu phải trả lời người quen khi họ hỏi sao không làm thịt. Nuôi chi cho cực. Điên à! Vợ tôi than với tôi. Tôi nói:

- Hồi trước anh thường cõng con lên chùa Từ Hiếu xem “chú điệu” heo. Chùa nuôi một chú điệu heo cho nó ăn thức ăn thừa. Đổ đi mang tội phí của. Khi chết các thầy tụng kinh siêu thoát cho nó và đem chôn. Mình nuôi con vịt trống cũng vậy Hạnh ạ.

- Thì em có nói sao đâu. Nuôi cứ nuôi. Đều phải trả lời người ta hỏi này hỏi nọ, tán ra tán vào mệt quá! Họ nói mình mê tín.

- Kệ họ.

- Sao anh gọi heo là “điệu”?

- Heo tu ở chùa, ngày ngày nghe kinh kệ, ăn chay trường thì gọi điệu chứ gọi gì nữa. Chú điệu heo đó có phước lớn mới sinh vào chùa đó. Giống như con vịt nhà mình. May mắn trên một tỷ lần! Anh mua mấy chục con cá phóng sanh, anh tụng một biến chú Đại bi và Tam tự quy, anh cũng gọi mấy chú cá là điệu Rô, Chép, điệu Thát Lát mà.

Vợ tôi nhìn tôi cười:

- Em thấy anh và con lủi thủi đi mua cá phóng sanh. Có ai chứng minh đâu mà phong cho các chú cá thành điệu.

- Lương tâm mình chứng minh em ạ. Phóng sanh anh chẳng mong được phước, chẳng mong ai biết, mà anh được niềm vui và tập cho con mình thích phóng sanh, yêu phóng sanh. Nuôi con vịt là tập cho con mình biết yêu và biết ơn những sinh vật quanh ta. Tập cho tính nết chúng hiền lành không sát sanh, hại vật ấy là điều chúng ta được từ việc phóng sanh đó rồi. Con  nuôi con vịt này. Cũng hẳn mong hưởng được phước.

Hai năm sau. Bà con hàng xóm thấy con vịt trống qua hai mồng năm quả là hiếm. Bây giờ chú vịt trống không còn phá, tuy còn “phẹt… phẹt...” vấy bẩn, bừa bãi đôi chút. Nhưng nó đã tự tại. Khi chúng tôi thả nó ra cho nó giãn cánh, đặt cái lồng xuống là nó tự đến bên lồng chờ nhốt. Chú vịt trống ở trong lồng không bao giờ đòi ra. Mà đứng một chân ngủ, hoặc ung dung tự tại nghiêng ngó bên này bên kia. Chị thu tiền internet thấy con vịt sống dai, bèn hỏi vợ tôi:

- Chị Hạnh, chị nuôi con vịt này làm phép à?

- Phép chi mô. Nhà tôi không ai sát sanh.

- Đem bán đi. Trăm rưỡi, hai trăm là ít. Béo núc thế.

- Bán thì họ làm thịt. Họ giết, mình mang tội.

Có một điều chú vịt trống thấy con chó nhỏ nhà tôi màu trắng, nó tưởng vịt mái nên thường đến bên con chó nhỏ đòi “rập”. Nó mổ lông ở lưng, đầu con chó để leo lên, nhiều khi con chó bị đau quay lại cắn nhẹ. Con vịt trống bỏ đi. Chốc nó lại quên con chó đã cắn lại đến la cà bên con chó…

Vợ tôi nhiều lần thấy vậy, bàn với tôi:

- Mua cho nó con vịt cái. Vịt cái đẻ mình lấy trứng ăn. Em thấy mấy người ăn chay họ ăn trứng đó anh.

- Đúng, đó là trứng công nghiệp, trứng không ấp được. Nhưng không phải ai ăn chay cũng ăn trứng. Không mua vịt mái cho nó. Vì anh thấy ăn trứng cũng là từ sinh vật mà ra.

Hạnh cãi:

- Mật ong, sữa cũng từ sinh vật mà có. Vậy ăn chay được không?

Tôi không cãi vì đuối lý. Tôi nói nhỏ:

- Nếu như cái trứng có trống sẽ ấp nở thành con mà. Thôi đừng mua vịt mái nữa. Tạo thêm nghiệp làm chi.

Hạnh không nói thêm. Hình như tôi đã thuyết phục được Hạnh.

 *

III. Con chó nhà tôi bị mấy em bắt chó thả bả. Ở xóm này lâu lâu thường có mấy em thanh thiếu niên chạy xe Honda đi bắt chó. Có khi đem theo ná cao su bắn gà, bỏ vào bao chạy ào. Dãy nhà mặt tiền sát đường nhà xóm của tôi hầu như nhà nào cũng bị mất chó. Nhà tôi cứ nuôi lớn lên là chúng bắt bán. Nhà tôi mất ít lắm cũng đã sáu con chó rồi. Chúng bỏ bả hoặc dùng thòng lọng. Khi con chó trúng bả nằm ngoài đường thì chúng bỏ vào bao chở đi, nếu nằm trong nhà thì chúng leo rào vào xách ra. Chúng tôi giữ gìn lắm nhưng loài chó thường thích chạy ra đường hoặc nằm ghếch mỏ ở hàng hiên. Nhất là mùa động tình càng không giữ được chó. Mấy con chó nhà tôi đều bị bỏ bả. Hai con chó chúng tôi bắt lại được vì chúng không kịp đem đi khi chủ nhà phát hiện hoặc con chó vào nhà nằm chết. Ý tôi muốn cảnh báo cho người ăn thịt chó. Chắc chắn họ đều ăn thịt chó bị bỏ bả, không bổ béo chi mà còn ngấm độc. Chứ người Huế có quan niệm nuôi chó bán là làm ăn “cất đầu không lên, nghèo mãi”.

Từ khi con chó mất, con vịt trống lủi thủi một mình trong sân xem buồn bã, nó không tự tại như lúc trước. Xem ra, vợ tôi đúng khi định mua một con vịt mái cho con vịt trống gần bốn tuổi.

Nhìn thấy nó ung dung đi chơi trong sân, tôi gọi:

- Vịt… vịt…

Con vịt trống trờ tới, mắt nghiêng ngó có phần cảnh giác nhưng vẫn lững thững đi tới. Tôi nói:

- Chừ gần Tết rồi. Ai cũng lu bu hết. Nhà ta đang bận, ra giêng ta tìm mua cho điệu con vịt mái hí.

Không biết con vịt trống có hiểu không, nó đi lạch bạch vào bụi cán giáo, vừa đi vừa trả lời:

- Cạp… cạp…

Truyện ngắn Nguyễn Nguyên An

Các tin đã đăng: