Giọt nước cánh chim
Thích Nhất Hạnh
18/11/2014 09:57 (GMT+7)

 

         Buổi sáng khi mặt trời lên, tia nắng đầu, như một chiếc đũa của một nhạc trưởng tài ba, làm phát động một bản hợp tấu vĩ đại của hàng vạn giọng chim. Bản hợp tấu hùng mạnh như sự bừng tỉnh của mặt trời sau đỉnh núi. Tất cả dân chúng của núi rừng đều đứng dậy, hoặc trên hai chân, hoặc trên bốn chân, kính cẩn và đôi khi ngơ ngác.

         Trong một cái bộng cây lớn chỉ bằng trái bưởi Biên Hòa, nơi thân cổ thụ cao cách mặt đất đúng mười hai thước, có một chiếc trứng chim nhỏ màu nâu. Không biết con chim nào đã tới đặt chiếc trứng xinh đẹp kia vào bộng cây. Bộng cây không được lót bằng cọng rơm hoặc tờ lá khô nào. Người ta có thể nghĩ là chiếc trứng kia không phải là từ một con chim sinh ra mà là do khí thiêng của rừng già và sức sống của cổ thụ un đúc kết thành. Ba mươi năm mà chiếc trứng vẫn nằm y nguyên, không nở.

         Có những đêm, loài chim thức giấc thấy mây che trên bộng cây và từ bộng cây có ánh sáng chiếu ra làm rạng rỡ cả một góc rừng. Vào một đêm trăng tròn tháng tư, chiếc trứng nở và một con chim lạ ra đời. Con chim nhỏ xíu, kêu chiêm chiếp trong đêm lạnh. Trăng rất sáng. Sao rất sáng. Chim nhỏ kêu suốt đêm; tiếng kêu không bi thương, không hờn oán; tiếng kêu như sự diễn tả bàng hoàng, lạ lùng. Con chim nhỏ kêu như thế cho đến khi mặt trời mọc, tia nắng đầu làm trỗi dậy bản hợp tấu của hàng vạn giọng chim. Từ lúc đó con chim nhỏ không còn kêu nữa.

         Nó lớn rất mau. Những hạt giẻ, những hạt đậu do những con chim mẹ đem tới bộng cây không thiếu. Chiếc bộng cây bây giờ trở thành nhỏ bé quá, con chim phải tìm một cái bộng lớn gấp mười lần để ở. Nó đã biết bay, biết đi tìm mồi và đã mang về những cọng rơm lót ổ. Lạ thay, ngày xưa trứng màu nâu, nhưng chim giờ đây toàn thân màu trắng tuyết. Lúc chim bay, hai cánh xòe rộng đập rất khoan thai. Hai chân nép hẳn về phía sau. Chim bay rất mau và rất im lặng. Chim thường bay tới những vùng rất xa, nơi có những thác nước trắng xóa rơi ào ào ngày đêm, hùng vĩ như hơi thở của đất trời.

         Có những lần chim đi năm bảy ngày không về. Khi về, chim nằm yên, có khi cả ngày cả đêm, không bay ra khỏi tổ. Chim không hót. Chim trầm lặng ít nói. Hai mắt của chim sáng thật sáng nhưng không bao giờ hết vẻ bỡ ngỡ lúc ban đầu.

         Nơi rừng già Đại Lão có một chiếc am dựng cheo leo bên triền đồi. Có một đạo sĩ tu ở đó gần năm mươi năm. Chim thường bay ngang rừng Đại Lão, và thỉnh thoảng thấy đạo sĩ đi chậm chạp trên một đường mòn xuống suối, tay cầm chiếc tịnh bình. Có một hôm nọ, khói lam nhẹ vương trên mái thảo am, không khí khu đồi trông ra ấm áp. Chim thấy hai đạo sĩ cùng đi với nhau trên con đường mòn dẫn từ suối lên đến thảo am. Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Đêm hôm ấy, chim ở lại rừng Đại Lão. Chim ẩn trên một lùm cây. Chim không ngủ. Suốt đêm chim nhìn ánh lửa phát ra từ chiếc thảo am. Hai đạo sĩ đã đốt lửa nói chuyện suốt đêm.

         Chim bay cao. Thật cao trên khu rừng già. Đã mấy hôm nay rồi, chim bay liệng trên trời cao, không đáp xuống. Dưới kia là cổ thụ già trong khu rừng già, dưới kia là dân chúng của núi rừng ẩn náu trong lau lách, bụi cây, tàn lá. Từ hôm chim nghe được câu chuyện giữa hai người đạo sĩ, chim thấy niềm bỡ ngỡ của chim càng ngày càng to lớn. Chim từ đâu tới và chim sẽ đi về đâu? Cổ thụ kia còn sống được mấy nghìn năm? Đàn con cháu của hàng vạn giống chim mà cổ thụ chuyên chở trên mình còn ca hát tới ngày nào? Chim đã nghe hai đạo sĩ nói tới thời gian. Thời gian là gì? Thời gian tại sao có thể đem ta lại và chắc chắn sẽ mang ta đi? Một hạt giẻ mà chim ăn có tính cách ngọt bùi của nó. Thời gian là gì? Tính cách của thời gian ra sao? Chim ước ao mổ đem về tổ một mảnh nhỏ thời gian, và nằm yên trong tổ mấy ngày để nghiên cứu xem đó là chất gì. Dù có phải để hàng tháng hàng năm mà nghiên cứu, chim cũng vui lòng. Nhưng làm thế nào để tìm ra thời gian để mà lấy được một mảnh nhỏ đem về?

         Chim bay cao, bay thật cao trên khu rừng già, không đáp xuống. Chim như một chiếc bong bóng căng tròn bay giữa hư không. Chim thấy bản thể mình trống không như chiếc bong bóng. Cái trống rỗng của bản thể chim chính là nền tảng hiện hữu của chim. Nhưng đồng thời cũng là niềm đau của chim. Thời gian ơi, nếu ta tìm được ngươi, chắc hẳn ta sẽ tìm thấy chính ta, chim suy nghĩ.

         Mười mấy ngày đêm rồi, chim nằm yên trong tổ. Chim đã mang về một viên đất nhỏ rừng Đại Lão. Chim nằm chiêm nghiệm. Chim mổ viên đất xem xét. Đạo sĩ rừng Đại Lão đã nói với bạn: Thời gian nằm ở nhận thức. Nhận thức và đối tượng nhận thức là một. Mỗi lá cây, mỗi ngọn cỏ, mỗi viên đất kia đều mang tính cách nhận thức, đều mang theo thời gian.

         Chim vẫn chưa tìm được thời gian. Mẩu đất nhỏ mang về từ rừng Đại Lão đã không chịu nói năng gì. Vị đạo sĩ không lẽ đã nói gạt bạn. Thời gian nằm ở nhận thức. Nhưng nhận thức nằm ở đâu? Chim nhớ tới những thác nước ào ào tuôn chảy bất tuyệt ở khu rừng phía tây bắc. Chim nhớ đến những ngày chim lắng nghe tiếng thác nước từ sớm đến chiều; chim đã ào ào theo thác nước, chim đã tuôn chảy theo thác nước, chim đã đùa giỡn với ánh nắng trên thác nước, chim đã nhủ thác nước vuốt ve những tảng đá trên dòng suối. Những lúc ấy chim tưởng chim là thác nước, và tiếng áo ào tuôn chảy bất tuyệt kia là chính từ chim phát ra.

         Một buổi trưa bay ngang qua rừng Đại Lão, chim không thấy thảo am. Trọn khu rừng đã cháy rụi, thảo am của đạo sĩ chỉ còn là một đống tro nhỏ. Chim hốt hoảng bay quanh tìm kiếm. Đạo sĩ không còn có mặt tại khu rừng. Đạo sĩ đã đi đâu? Rừng cháy, xác thú, xác chim. Lửa đã đốt cháy đạo sĩ rồi chăng? Đạo sĩ đã đi về đâu? Chim ngơ ngác. Thời gian ơi, ngươi là ai? Sao ngươi đem ta tới rồi ngươi lại sẽ đem ta đi? Ngươi ở đâu, đạo sĩ giờ này ở đâu? Đạo sĩ đã nói: thời gian nằm ở nhận thức. Vậy có lẽ giờ này thời gian đã đưa đạo sĩ về nhận thức. Nhưng nhận thức, nhận thức, ta biết đâu mà tìm nó bây giờ?

         Bỗng dưng chim thấy nóng ruột. Chim bay thật nhanh về khu rừng già. Tiếng kêu rú, tiếng gào thét của một loại chim khổng lồ. Tiếng nổ. Khu rừng già, từ phía xa, đang bốc cháy. Mau hơn, mau hơn nữa, chim bay. Lửa cháy rực trời. Lửa cháy lan gần tới cổ thụ. Hàng trăm vạn giọng chim hốt hoảng kêu la ríu rít. Tiếng nổ vẫn tiếp tục. Cây cổ thụ bén lửa. Chim lấy cánh đập lửa, mong cho lửa tắt, nhưng lửa không tắt. Lửa càng cháy bừng. Chim liệng ra bờ suối nhúng ướt hai cánh, trở về rải nước xuống khu rừng. Những tiếng xèo xèo. Không đủ, không đủ. Nước thấm ướt hai cánh chim không đủ dập tắt lửa.

         Chim lại liệng ra bờ suối tẩm ướt hai cánh, tẩm ướt đầu, ướt mình, ướt đuôi. Chim liệng trở vào khu rừng cháy. Những giọt nước bắn vào lửa nghe xèo xèo. Không đủ, không đủ. Nước thấm ướt mình chim không đủ dập tắt lửa. Tiếng kêu khóc của hàng trăm ngàn vạn giọng chim, và tiếng kêu khóc của những con chim non chưa đủ lông cánh. Lửa bắt cháy cổ thụ. Lửa kêu răng rắc. Lửa táp vào thân cây. Sao không có một trận mưa? Sao thác nước tuôn chảy bất tuyệt kia ở khu rừng tây bắc không tràn vào khu rừng đang bốc cháy? Đột nhiên chim thấy mình là thác nước. Chim bổng phát ra tiếng kêu lanh lảnh. Tiếng kêu trầm thống, bi thương đột nhiên biến thành tiếng ào ào của thác nước. Chim bỗng thấy hiện hữu mình tràn đầy. Nỗi cô đơn và trống rỗng tan biến như ảo tượng. Hình dáng của vị đạo sĩ. Hình dáng của mặt trời sau đỉnh núi. Hình dáng của thác nước tuôn chảy ào ào bất tuyệt từ ngàn đời. Tiếng kêu cứu của chim giờ đây là tiếng thác đổ ầm ầm. Không còn ngần ngại gì nữa chim liệng mình vào khu rừng lửa như một thác nước vĩ đại. Tiếng sấm đổ. Mưa trút xuống khu rừng. Mưa trút xuống như thác đổ.

         Một buổi sáng mai hồng. Có tia nắng mầu nhiệm của mặt trời, nhưng không có bản hợp tấu buổi sáng của ngàn vạn giọng chim. Khu rừng cháy loan lổ. Cổ thụ già còn đứng vững đó nhưng cành lá đã xém cháy hơn một nửa, xác chim lớn, xác chim nhỏ. Rừng buổi sáng im lìm, im lìm.

         Những con chim còn sống gọi nhau, giọng chim còn ngơ ngác. Chúng không biết do duyên cớ nào trời đang nắng bỗng nhiên mưa trút xuống làm tắt ngọn lửa cháy rừng chiều qua. Chúng có chứng kiến cảnh con chim rảy nước từ hai cánh để dập tắt lửa. Chúng biết đó là con chim trắng của cổ thụ già. Chúng đã bay khắp khu rừng cháy tìm xác con chim trắng; nhưng không tìm thấy. Có thể chim đã bay đi sống ở một khu rừng khác. Có con nghĩ rằng chim đã chết cháy ở một ngọn cây nào. Cổ thụ thương tích đầy mình, không nói năng một lời. Những con chim còn sống nghểnh mặt nhìn trời và bắt đầu xây lại những chiếc tổ khác trên thân hình đầy thương tích của cổ thụ. Có ai nghĩ rằng cổ thụ đang thương tiếc đứa con do khí thiêng núi rừng và sức sống ngàn năm của chính mình un đúc? Chim ơi, chim đã về đâu? Theo lời đạo sĩ, ta tin rằng thời gian đã đưa chim về bản nguyên nhận thức.

Các tin đã đăng: