Trong chuyến đi Trung Quốc vừa
qua, chúng tôi đã có dịp tới thành phố Tô Châu, nơi có ngôi chùa Hàn San nổi
tiếng.
Ngôi chùa này được xây dựng từ thời Nam Triều (đầu thế kỷ thứ
VI) và đã được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì
ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường vì có hai thiền sư là Hàn San và Thập Đắc
đến trụ trì ở đó nên chùa lại được đổi tên là Hàn San tự.
Chùa từ thời đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nên
không còn giữ được kiến trúc ban đầu nữa.
Nếu so với các ngôi chùa khác ở Trung Quốc thì chùa Hàn San
không có gì đáng kể về mặt kiến trúc nhưng lại rất nổi tiếng nhờ có bài thơ
Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.
Nguyên văn bài thơ ấy được truyền tụng như sau:
Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang
phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô
thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán
chung thanh đáo khách thuyền.
và đã được khắc vào bia để ở trong chùa.
Bài thơ chỉ có bốn câu với 28 chữ nhưng đã gây ra khá nhiều vấn
đề tranh luận.
Câu 1:
Có người cho rằng câu 1 phải đọc như sau:
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
Và phải hiểu là:
Trăng lặn ở núi Ô Đề (1), trời đầy sương.
"Ô Đề" như vậy không còn là tiếng quạ kêu mà đã trở
thành một sơn danh vì người ta cho rằng ban đêm không làm gì có tiếng quạ kêu.
Nhưng cách hiểu này đã không được ai theo vì các con quạ vẫn có thể bất thường
kêu về ban đêm.
Trong thơ văn Trung Quốc, Lý Bạch đã có bài thơ Ô dạ đề và
Kim thị trong bài Tự thuật cũng đã có câu: "Không phòng dạ dạ văn đề
ô" (Đêm đêm nghe thấy tiếng quạ kêu ngoài phòng vắng vẻ).
Trong văn thơ Việt Nam, Quách Tấn cũng có bài Đêm thu
nghe quạ kêu và ông đã liên tưởng đến bến Phong Kiều trong bài thơ của Trương Kế
và đã viết:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng.
Câu 2:
Câu này cũng bị đặt thành vấn đề.
Nguyên do vào đời Thanh có Mao Tiên Thư cho rằng: "Ở Tô
Châu đối diện với chùa Hàn San có núi Sầu Miên nên câu 'Giang phong ngư hỏa đối
sầu miên' không thể hiểu là cây phong bên bờ sông và ánh đèn thuyền chài lấp
lánh trước mặt khách (tác giả) đã làm cho khách xa nhà nhớ quê không sao ngủ được."
Ý kiến này đã bị Trương Duy Minh, tác giả quyển Hàn San tự
(2) bác bỏ vì cho rằng bài thơ chỉ có bốn câu, ba câu đã tả cảnh rồi thì câu
"Giang phong ngư hỏa đối sầu miên" phải là câu tả tình mới đúng.
Điều này cũng hợp lý. Chính vì lẽ ấy mà tất cả các quyển Đường
thi tam bách thủ chú giải và Thiên gia thi chú giải đều giảng "sầu
miên" là "ưu sần bất đắc thành niên". Chỉ có một quyển Hội đồ
Thiên gia thi của Chung Bá Kính chú giải đã giảng "sầu miên" là sơn
danh như Mao Tiên Thư đã chủ trương.
Chúng tôi cho rằng cả hai nhà chú giải ấy đều chưa có dịp về
tới chùa Hàn San cũng như mấy họa sĩ người Trung Quốc đã minh họa bài Phong Kiều
dạ bạc mà cứ vẽ cầu Phong Kiều và chùa Hàn San ở bên ngọn núi.
Có thể vì tên chùa Hàn San có chữ "san"là núi nên
các vị ấy mới nhầm lẫn như vậy.
Chúng tôi khi về tận chùa Hàn San, đứng ở bến Phong Kiều bên
Đại Vận hà, nhìn quanh bốn phía đều không thấy có ngọn núi nào ở gần, chỉ nghe
nói ở tận xa, xa không nhìn thấy được, mới có núi Linh Nham sơn, Thiên Bình
sơn, Thiên Địa sơn, Sư Tử sơn, Hoành Sơn, Hà Sơn...
Thế thì Trương Kế, nằm trong khoang thuyền mà có nhìn ra
ngoài cũng chỉ thấy có những cây phong và những ngọn đèn chài, chứ làm sao có
thể đối mặt được với "ngọn núi Sầu Miên", một ngọn núi không có thực ở
bên chùa.
Để minh chứng cho điều sai lầm, chúng ta có thể xem bức ảnh
chụp bến Phong Kiều với mấy chiếc thuyền đậu ở bên cầu, cửa Thiết Linh quan và
ngọn tháp Phổ Minh ở phía sau chùa Hàn San.
Câu 3-4:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa
đêm làm gì có tiếng chuông chùa.
Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi
lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên
lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy).
Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho
rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy
mao cầu tì". (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là
một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.)
Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng:
"Cái công vị thường chí Ngộ trung(3), kim Ngô trung tự thực bán dạ đả
chung." (Vì ông không thường tới Ngô trung chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc
nửa đêm có đánh chuông thật.)
Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có
đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên "dạ bán
chung thanh"cũng không phải là vô lý.
Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần
qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh "nguyệt lạc",
"ô đề" và "dạ bán chung thanh."
Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết:
Thất
niên bất đáo Phong Kiều tự
Khách
chẩm y nhiên bán dạ chung.
(Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ
lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ).
Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết:
Ô đề
nguyệt lạc kiều biên tự,
Ỷ chẩm
do văn bán dạ chung.
(Quạ
kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa,
Nằm gối
đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết:
Tây
phong chỉ tại Hàn San tự,
Trường
tống chung thanh giảo khách miên.
(Chỉ
tại chùa Hàn San mà gió tây
Đưa xa
tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.)
Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Kỷ độ
kinh qua ức Trương Kế,
Ô đề
nguyệt lạc hựu chung thanh.
(Mấy
lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế,
Quạ
kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Thủy
minh nhân tĩnh Giang thành cô,
Y nhiên
lạc nguyệt đề sương ô.
(Nước
trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng,
Trăng
lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)
Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc
cũng đều nhắc lại cảnh "quạ kêu", "trăng lặn" và "tiếng
chuông nửa đêm" như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc
mắc cả.
Nguyễn Hàm Ninh xưa, ở nước ta, cũng đã hiểu như vậy nên đã dịch
bài thơ của Trương Kế sang thể lục bát như sau:
Quạ
kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa
chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền
ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm
nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà,
được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong
Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông
chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.
Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thấy cần phải đến
tận chùa Hàn San để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ Phong Kiều dạ bạc của
Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và
minh họa như đã nói ở trên.
Nguyễn Quảng Tuân
Chú thích:
(1) Có người cho là thôn Ô Đề
(2) Hàn San tự: sách do Trương Duy Minh biên soạn, Cổ Ngô
Hiên xuất bản xã in năm 1993 ở Tô Châu.
(3) Ngô trung: tên cũ của thành phố Tô Châu.
(4) Hội đồ Thiên gia thi: Nhật Tân thư trang xuất bản, không
đề
Source:
Tạp chí Văn Học, số 191
Xem Thêm:
Thiền Sư Nhất Hạnh Nói Về Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc
Đọc Lại Phong Kiều Dạ Bạc, Trần Long Hồ
Nguyên Văn Bài Thơ bằng chữ Hán và Các Bản Việt Dịch
Đến Hàn San Tự Để Tìm Hiểu Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc, Nguyễn
Quảng Tuân