Từ Viên Chăn tới Luông Pra Băng- Kỳ 2: Không tiếng còi xe
Tô Đức Chiêu
03/05/2010 03:46 (GMT+7)


Đoàn nhà văn Việt Nam và đoàn nhà văn Campuchia trước chùa Xỉ Mương

Đèn đỏ không một ai vượt ẩu, không nhất thiết phải có người giữ trật tự nơi ngã tư. Xe ở đường phụ ra bao giờ cũng nhường và bật tín hiệu xin ra đường chính. Trật tự giao thông cũng là trật tự xã hội và sự êm đềm của phố phường làm từng thành viên trong đoàn suy ngẫm về những inh ỏi, lộn xộn, đôi khi bát nháo trên đường phố quê nhà.

Rồi hai bên tai tôi vọng đến từ xa thẳm những tiếng ù ù, vang động, đầy hoan hỉ của động cơ và còi xe trên con đường này vào một ngày xuân năm 1974 khi hàng trăm thanh niên Viên Chăn đi đón Hoàng thân Xuphanuvông trở về kinh đô Vạn Tượng.

Hiệp định Viên Chăn về chấm dứt chiến tranh và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào ký kết trước đó hơn một năm đã được thực thi có hiệu quả.

Ông Hoàng Xuphanuvông, người con yêu dấu và rất được kính trọng của nhân dân các bộ tộc Lào, từng nhiều lần làm Bộ trưởng trong các chính phủ liên hợp và có thời làm Phó Thủ tướng, đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ giành độc lập tự do của nhân dân Lào.

Trục đường quảng trường trung tâm, Thủ đô Viêng Chăn

Nước Lào trước đây có ba vùng trị vì: Phía bắc là vương triều Luông Pra Băng, phía tây là vương triều Vạn Tượng, phía nam là vương triều Chămbatsăc. Cuối thế kỷ 17, hai vương triều Luông Pra Băng và       Chămbatsăc bị Thái Lan thôn tính. Năm 1827 vương triều còn lại là Vạn Tượng cũng rơi vào tay Thái Lan. Người Pháp sang đánh đuổi người Xiêm chiếm luôn cả ba tiểu vương để cùng với ba xứ của Việt Nam và Cao Miên thành lập Liên bang Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam thì cũng mùa thu năm đó nhân dân Lào nổi dậy giành chính quyền. Chính phủ Lào Tự do được thành lập do Hoàng thân anh cả Phêtxarat làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuvanna Phuma và Hoàng thân Xuphanuvông đều là Bộ trưởng. Pháp tấn công Lào ông Hoàng Xuphanuvông với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng chỉ huy quân đội đã cùng quân dân Lào và nhóm cán bộ Việt Nam chiến đấu rất anh dũng ở mặt trận Thàkhẹt. Trước sức mạnh vượt trội về vũ khí của quân Pháp, Liên quân Việt - Lào rút qua sông Mekong, kẻ thù truy sát dữ dội, nhà toán học trẻ tuổi đầy tài ba của Việt Nam là Lê Thiệu Huy trong đội bảo vệ đã lấy thân mình che đạn nên Hoàng thân chỉ bị thương còn Lê Thiệu Huy đã hy sinh anh dũng. Người chiến sĩ Việt Nam ấy đã nêu tấm gương sáng ngời về tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào. Đó là ngày 21-3-1946.

Ngày 22-3-1957 Hoàng thân Phêtxarat về lại Viên Chăn. Chính phủ Liên hiệp được thành lập do Hoàng thân Xuvanna Phuma làm Thủ tướng. Hoàng thân Xuphanuvông giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch và Xây dựng công trình. Nhưng người Mỹ không muốn 3 ông Hoàng này bên nhau và đặc biệt có ông Hoàng đỏ trong Chính phủ. Ngày 14-10-1949 Hoàng thân anh cả Phêtxarat qua đời và từ đây nước Lào chìm đắm trong khói lửa và chia cắt. Ngày 9-8-1960 Đại úy Coongle và Trung úy Đươn làm đảo chính ở Viên Chăn. Ngày 16-12-1960 Chính phủ lại được thành lập vẫn do ông Hoàng Phuma làm Thủ tướng và Hoàng thân Xuphanuvông làm Phó Thủ tướng. Rồi Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào được ký kết. Ngày 19-4-1964 Cupraxit làm đảo chính, nước Lào lại chìm vào binh đao…

Viên Chăn đẹp và yên tĩnh. Nhà hai tầng, ba tầng, thưa thoáng, ẩn mình trong khuôn viên xanh. Những cô gái Lào xinh đẹp đi lại nhẹ nhàng, nói năng thân mật và rất có thiện cảm với khách. Trong thành phần của đoàn có cán bộ quay phim trẻ tuổi Lê Quốc Việt, rất lạ là không nói nổi một nửa câu tiếng Lào, mà không hiểu sao kết bạn khá khăng khít với lái xe Troách. Anh này không biết tiếng Việt. Trên đường đi kinh đô Luông Pra Băng mỗi khi đoàn nghỉ họ lại ngồi với nhau ở mỏm đá hay gốc cây nào đó, những đôi bàn tay xòe ra nắm lại, những ngón uốn cong hay chĩa thẳng, để rồi hiểu nhau cười như nắc nẻ. Đêm Luông Pra Băng, sau khi dự chiêu đãi của Tỉnh trưởng Đuôngpachan, tham gia các vòng Lămvông, xem các nghệ sĩ rất trẻ của cố đô trình diễn nghệ thuật, đưa đoàn về nghỉ tại khách sạn Haysoke trên đường Phuvaotay, Lê Quang Việt mất tăm. Sáng hôm sau anh nói với tôi:

Cháu định nghỉ thì Troách đến đón. Các nghệ sĩ biểu diễn vừa rồi chủ yếu là nghiệp dư và còn rất trẻ. Mà nghệ thuật múa hát tuyệt vời. Nói chuyện với họ vui lắm chú ạ!

Tôi ngạc nhiên:

- Nói thế nào?

Việt cười rất khoái:

- Nói bằng ra hiệu ấy mà.

- Hiểu nhau à?

- Hiểu quá đi chứ!

Đường đi từ Viên Chăn tới Luông Pra Băng hơn 400km, khúc khuỷu lên xuống, lượn cua tay áo liên tục, xe đi về, chưa ai thấy một lần Troách bóp còi. Và suốt mấy ngày trên đất Lào không vị khách nào trong đoàn nghe thấy tiếng còi xe hay sự va chạm xe với xe, xe với người… Xe nối nhau dừng nghỉ ở Phucum để khách ăn trưa, ra vào không một phút nào dừng, cũng không thấy một tiếng còi và tiếng cãi cọ nhau của những anh tài nóng nẩy. Bữa ăn thực ngon và đậm sắc Lào. Cá rán có nước chấm thả nhiều ớt còn xanh đậm đà thú vị đã đành nhưng thịt gà nấu rau cải cũng nhiều ớt vừa ăn vừa xuýt xoa. Bữa ấy qua rồi sao mà nhớ mãi!

Một buổi sáng đoàn tụ tập trước sân khách sạn Haysoke chuẩn bị thăm Hoàng cung thì có tiếng còi xe. Hàng loạt tiếng còi xe. Nhưng không liên hồi làm náo loạn mà ngắt quãng: Tờ… rúc… tờ… rúc… vui vui gây sự chú ý. Đó là loại xe nhỏ, khoang chở hàng phía sau đều dựng các loại cây và thỉnh thoảng mới có người ngồi. Thì ra đó là đoàn xe quảng cáo cho việc trồng các loại cây ăn quả và trồng cây gây rừng. Đoàn xe đi một lúc lại nghe tiếng chuông coong… coong… nhẹ nhàng như reo, nhìn ra mới thấy một ông voi to lớn, oai hùng, bề thế, cõng trên lưng một cô gái trẻ trung đang cười. Cô em xinh tươi đi đâu chẳng rõ nhưng nụ cười thì cứ hiện ra long lanh trước nắng vàng buổi sớm và nhí nhảnh với màu xanh bát ngát của rừng.

Theo: An ninh Thủ đô

Các tin đã đăng: