Những bệ tượng độc đáo thời Lý
02/07/2010 01:42 (GMT+7)


Thuộc địa phận huyện Thanh Trì, chùa Huỳnh Cung mang trong mình nhiều dấu tích thời Lý. Qua cuộc khảo sát đầu năm 2010 của Cục Di sản Văn hóa, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chân tảng đá mài mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý cùng nhiều chân tảng đá vôi thời Lê Trung Hưng. Song, đáng quan tâm hơn cả là một bệ tượng Phật nhỏ nằm ở phía sau Thượng điện. Hiện nay, trên bệ này đặt một pho tượng đắp bên ngoài bằng vôi mật mang hình thức của một vị thần linh phi Phật.


Bệ tượng đá tại chùa Huỳnh Cung

Do thời gian, lưng của tượng đã bị bong ra một mảng lớn, để lộ một pho tượng đá liền khối bên trong. Qua quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu bước đầu nhận định, đó là một tượng Phật đã bị chuyển hoá thành tượng thần vào cuối TK19 đầu TK20. Vì sao có sự chuyển đổi này đến nay còn là bí ẩn. Không rõ việc làm này nhằm bảo vệ pho tượng thời Lý hay đó là một sự tuỳ tiện của đương thời. Đây gần như là sự thu nhỏ của chiếc bệ đá thời Lý ở chùa Thầy, cũng với tầng trên là một đài sen nhiều lớp cánh để trơn, với từng cánh sen hơi múp phồng không có đường chỉ chìm viền mép, mũi cánh nhô lên vừa phải, hình ảnh của những cánh sen thời Lý quen thuộc.

Ở phần giữa là một con sư tử mắt mở to tròn lồi, mũi bạnh, mồm mở rộng nhe răng, thân hình phục phịch, nằm bò, tương đồng với sư tử chùa Thầy cùng phong cách với những linh vật của chùa Phật Tích và một số di sản khác của thời Lý. Theo quan niệm xưa, con sư tử chính là biểu hiện cho sức mạnh của tầng lớp trên, của trí tuệ, là hiện thân về sự trong sáng của các thần linh, nó cũng biểu tượng cho tầng trời và việc đội đài sen đã chỉ ra rằng muôn loài, muôn vật đều quy y và tôn sùng Phật pháp.

Phần đế của bệ cũng làm giật cấp mấy tầng vuông, chém góc, để trơn tương đồng như bệ chùa Thầy. Suy cho cùng đây là một hiện vật rất quý hiếm trong không gian tạo hình của thời Lý. Chiếc bệ và tượng này cũng được tác giả cuốn “Chùa Việt” (TLB - Chùa Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin. HN 1996) đề cập thoáng qua. Rất may mắn cho chúng ta, bên cạnh đó lại có một bệ nhỏ hơn, cao khoảng 60cm.

Về chất liệu và bố cục cũng tương tự như chiếc bệ kể trên, song thay cho lân, người đương thời đã tạo nên một kết cấu trái giành với 8 múi múp phồng như cánh sen kép, gọt tròn mũi, đây là một kiểu thức mới, có thể là kiểu thức thứ 4 của các bệ Phật thời Lý. Cũng như nhiều bệ khác, phần dưới lân hay trái giành này đều có một vành cánh sen úp thuộc phong cách nghệ thuật thời Lý.

Ở chùa Đồng Nhân - quận Hai Bà Trưng cũng đang lưu giữ một bệ tượng độc đáo. Các cụ cao niên sống gần đó kể lại, khi chuyển đền Đồng Nhân ở ngoài bãi vào địa điểm hiện nay, thì ngôi chùa đã bị dịch chuyển sang phía bên trái, địa điểm cũ của chùa được sử dụng để dựng ngôi đền mới.

Tuy nhiên, có lẽ vì hai chiếc bệ Phật này (nối liền với tượng) được làm to và nặng khiến người đương thời không thể dịch chuyển đi, mà lấy vữa hợp chất đắp ra ngoài để biến thành tượng của bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Theo quan sát, hai chiếc bệ này to hơn bệ chùa Thầy chút ít. Bệ được sơn đỏ hoàn toàn, nhưng rất may là có nhiều mảng bong tróc ở cả trên tượng và dưới bệ nên qua đó các nhà nghiên cứu đã nhận thấy pho tượng bên trên và bệ đỡ cùng chung một khối đá, hiện vật này nặng tới hàng tấn.

Nếu có thể bóc được lớp vữa hợp chất để trả lại tượng gốc của thời Lý thì đây là một phát hiện rất lớn (bởi tượng Phật của thời Lý chỉ có một pho khá nguyên vẹn đặt tại chùa Chương Sơn, Ý Yên, Nam Định, pho chùa Phật Tích chỉ xác nhận được cụ thể là thân tượng, còn đầu tượng đang còn rất nhiều nghi vấn, pho thứ ba ở chùa Hoàng Kim, Quốc Oai không còn đầu).

Nếu hai pho tượng Đồng Nhân còn đầu nguyên vẹn, thì đây sẽ là một phát hiện lớn. Hiện nay, hai pho tượng có hình thức bên ngoài là của Trưng Trắc, Trưng Nhị, do đắp bằng hợp chất, dáng phục phịch, nghệ thuật không tương xứng với vai trò của hai nữ Anh hùng dân tộc này, có lẽ nên làm lại tượng của Hai Bà với giá trị nghệ thuật cao hơn, trang nghiêm hơn.

Trở lại với chiếc bệ, đây là một bệ Phật được làm rất đẹp, phần trên là đài sen hai lớp cánh lớn, một lớp cánh nhỏ ở bên dưới và một lớp phụ ở hàng trên cùng ken giữa từng cặp cánh chính, hình thức của cánh hầu như hoàn toàn tương đồng với cánh sen của bệ chùa Thầy và chùa khác, phần dưới cũng giật cấp 3 lớp mở rộng dần tạo cho chân đế vững chắc.

Ở phần giữa, thay cho sư tử, lân là một hàng gồm 16 u tròn nổi lớn. Có thể đây là những u tròn nổi sớm nhất trong tạo hình của nước ta, ít nhiều gắn với u tròn (bầu sữa mẹ) của nghệ thuật Chăm Pa, dưới u tròn này cũng có một đài sen úp như của chân tảng cột. Hình thức như nêu trên cho chúng ta thấy được một dạng bệ Phật mới, dạng thứ 5 trong nghệ thuật thời Lý.

Theo Anh Dũng - Trường Thành (ANTĐ)

Các tin đã đăng: