Câu Chuyện Của Người Mẹ và Nỗi Lòng Người Con
07/09/2010 00:03 (GMT+7)

Có một người mẹ rời quê hương ra đi đã lâu. Cô rời quê hương cùng chồng và đứa con gái đầu lòng đến sinh sống một nơi cách quê nhà khá xa. Cuộc sống thường nhật dần dà được ổn định, nhờ hai vợ chồng cô chịu khó làm ăn. Tháng năm qua, hai vợ chồng làm ăn khá giả và họ sinh thêm được một đứa con trai. Hai đứa trẻ đều thông minh, đời sống lại đầy đủ nên học hành rất chăm chỉ, và cả hai được xem là học trò giỏi của lớp và của trường.

Đời sống của họ trôi qua trong bình thường với cuộc sống thường nhật của những khó khăn cũng như niềm vui có được. Thời gian đi mau và các con của họ lớn dần. Người con gái của họ vào năm 18 tuổi, đã tốt nghiệp Trung học với bằng tốt nghiệp có số điểm rất cao, tương lai và hy vọng tràn trề. Ghi danh vào một Đại học tiếng tăm theo ý cha mẹ, cô con gái sẽ đi qua một học trình 5 năm, sau đó theo dự định của mẹ, cô sẽ thực hiện ước mơ của mẹ mình, tiếp tục học để lấy bằng cao học. Nhưng rồi một hôm bỗng dưng cô gái nỗi cơn điên lọan! Kể từ đó, cô gái bỏ cả học hành, khóc khóc cười cười bất thường. Gia đình của họ đi vào khúc rẽ của đời mình. Họ bước vào một hành trình gian truân từ đó.

Thời gian nầy khổ đau nhất là người mẹ. Bà ta là người năng động và có tham vọng rất lớn, nên không chấp nhận những cái gì bình thường, thế nên trong tình huống nầy bà ta nhìn đứa con gái mình mang nặng đẻ đau dứt ruột sinh ra với một thất vọng dữ dội và một bất lực to lớn. Vì thất vọng vì sợ mất mặt với đời nên bà đã gặp lắm nỗi gian truân từ những lăn lóc trong cơn đau nỗi khổ liên tục đêm ngày của hành trình tư tưởng xây dựng trên vọng tưởng của mình. Ngay cả trong giấc mơ bà ta cũng thấy mình đang sống trong sợ hãi và niềm tuyệt vọng. Hai vợ chồng bà thấy rõ cuộc đời của họ đi vào ngỏ cụt không lối thóat. Cuộc sống thường nhật của họ kể từ đó mất niềm vui, chỉ còn thấy khổ đau. Hai vợ chồng và các con họ quay cuồng cuốn hút vào vòng xóay của giận của thương và của sợ hãi. Khi cái lực vô hình của khổ đau đang mãnh liệt chi phối, con người bỗng trở nên yếu đi, mất hết tự chủ, hai vợ chồng họ chỉ biết rơi nước mắt, cằn nhằn, than thân trách phận.

Khổ hay không cũng phải tiếp tục việc làm để kiếm sống. Hai vợ chồng vẫn ngày hai buổi đi làm, người con gái ở nhà vì đã bị đuổi học. Cô con gái sống trong thế giới nửa tỉnh nửa mê, nhưng vẫn tự lo được những việc bình thường như ăn uống, nói chuyện với nhau trong nhà. Người mẹ không chấp nhận con gái mình đã thật sự điên lọan, bởi vì bà không thấy được nguyên nhân của những cơn điên nầy, nên bà ta hy vọng đây chỉ là một cơn khủng hỏang của tuổi mới lớn, rồi sẽ qua đi. Bệnh viện không “giam lỏng” một bệnh nhân như thế, vì vậy cô gái vẫn ở nhà với bố mẹ. Hằng ngày trước khi đi làm người mẹ dặn dò cô con gái đủ điều, vừa dạy con cẩn thận vừa hăm dọa để cho con sợ mà không làm bậy. Ở nhà buồn quá, cô gái đi ra ngòai và đi lang thang trong tình trạng khi tình khi say, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, khóc khóc cười cười. Không chủ động được tư tưởng và hành động của mình, cô gái đã làm nhiều việc đáng tiếc, là đề tài cho sự vật vả và khổ đau ngày càng lớn của người mẹ.

Mỗi buổi chiều xong việc hai vợ chồng vội vã về nhà và người mẹ mong được gặp con gái đang bình yên ở nhà, nhưng cô gái bỏ đi chơi nguyên ngày và thâu đêm suốt sáng, là sự kiện trước đây cô hòan tòan bị ngăn cấm. Nhiều đêm bà mẹ không ngủ ngồi chờ con đi chơi về với sự sợ hãi và nỗi lo âu tràn ngập lòng bà. Đứa con gái đi suốt đêm, và tìm đến những nơi đông người như phòng nhảy với âm nhạc kích động ồn ào để hò hét nhảy nhót cho thỏa thích. Cô uống bia, uống rượu và dùng những lọai thuốc kích thích như Ecstasy khi đến phòng nhảy. Ảnh hưởng của những thứ nầy tạo kết quả cho hành động thác lọan “khát sống” không kềm chế, và cô gái đã làm những việc mà mẹ cô trước đây đã ngăn cấm, đã dặn dò không cho làm hoặc dữ dội răn đe cô. Sự ngăn cấm hăm dọa trước đây được tác động bởi sự bất mãn trong cô, chất chứa ẩn tàng đầy ắp trong tiềm thức của cô gái, đến hôm nay “cựa mình sống dậy” làm cô gái sống lọan, sống “bất cần đời” không kể đến người khác và ngay cả bản thân mình.

Khi vừa mới lớn và bắt đầu có nhận thức về mình và về người, cô gái đã nuôi dưỡng một nỗi uất ức. Những gì cần dạy dỗ con, bà mẹ đã dạy qua lời cằn nhằn, và bằng sự khống chế. Bà không đặt tình thương của mình đúng chỗ để có được sự cảm thông, sự hiểu biết, nói lời giải thích hoặc để tôn trọng con mình bằng việc nghe ý kiến và nhận xét của con. Sống trong sự đặt để như thế cô gái khổ sở cố gắng kềm chế sự bất mãn trước những cằn nhằn hoặc giận dữ của mẹ mình, đôi khi cả sự dữ tợn của người cha qua hành vi trừng phạt không đúng dựa vào những giận dữ vô cớ của người mẹ. Trong đầu óc người mẹ đã phát họa một lối sống cứng ngắt và cũ xưa, bắt con gái phải sống như ý mình, không giải thích không bàn luận, và bất kể là con có đồng ý hay không. Bà mẹ chỉ thấy được mình mà không thấy được con của bà. Ăn ngủ, học hành, giao tiếp với bạn bè phải theo đúng ý của bà, nếu không cô gái sẽ bị gọi là đứa con hư hỏng chỉ bỏ phí cuộc đời mình và là đứa con đại bất hiếu.

Chữ HIẾU được bà mẹ triệt để áp dụng trong những lần “dạy dỗ” con qua cái nhìn và lối suy nghĩ của riêng bà. Cái thấy của bà không thông suốt được cái xã hội văn hóa học đường trong đó không có người mẹ chỉ có bạn bè và cô gái. Bà mẹ thiếu tinh thần bình đẳng dân chủ tôn trọng kẻ khác, đặc biệt đối với con mình. Bà quên rằng nó là một người trẻ tuổi biết suy nghĩ và hiểu biết.

Những quyết định của riêng bà, đặt căn bản trên cái nhìn như thế, thường trở thành một sự ép buộc một sự đặt để, và do đó có sự chống đối, là dịp bà mẹ cằn nhằn ngày nầy qua ngày khác. Suốt những tháng năm bị đặt để dưới sự hà khắc của người mẹ, cô gái nuôi dưỡng trong lòng niềm phẫn uất ngày một lớn. Nỗi phẫn uất đó dần dần biến thành nội kết trong tâm tư cô gái và đã ăn sâu mọc rễ. Khi nội kết đã theo năm tháng đâm rễ nằm sâu trong lòng sẽ không thể chuyển đổi được nữa. Đến khi sức chịu đựng đã không còn, niềm phẩn uất nổ bùng tạo lọan động trí óc của cô gái, và từ đó cô gái khóc cười, say rồi tỉnh, tỉnh rồi say.

Nhiều năm trôi qua, cô gái vẫn trong trạng thái điên lọan. Người mẹ vẫn khổ đau vật vả than trời trách đất và gia đình rối bời theo từng cơn điên lọan của cô con gái. Mỗi đầu ngày là những lời cằn nhằn và dạy dỗ của người mẹ với con gái. Mỗi buổi chiều bên mâm cơm gia đình là những lời than thân trách phận của bà mẹ. Khi đêm về là lúc người cha nếm mùi căng thẳng sợ hãi của người mẹ, bởi vì bà mẹ vừa khổ đau vừa giận dữ đợi con về đã để tư tưởng mình tự do vẽ những hình ảnh làm bà càng thêm khủng hỏang rối trí. Lời cằn nhằn của bà vẫn đều đặn rót vào tai chồng trên giường ngủ, lào rào suốt đêm, nên cả hai vợ chồng đã nhiều đêm mất ngủ. Ngày đi làm mệt nhọc, đêm về không được nghỉ ngơi đầy đủ, hai vợ chồng sau nhiều năm trở nên khá tiều tụy, sức lực mỏi mòn.

Cuối cùng họ chấp nhận cho con gái điều trị tại bệnh viện tâm thần. Khi tình trạng gia đình vẫn không thay đổi thì cho dù được trị liệu bằng thuốc men sau nhiều tháng nhiều năm, vẫn không đưa cô gái trở về sự bình an của tâm hồn. Những người quen khuyên họ tìm đến chùa để nghe kinh lễ Phật tìm thanh thản tâm hồn và để cầu nguyện cho con gái họ hết cơn điên lọan.

Kể từ đó bà mẹ thường đến chùa tụng kinh niệm Phật. Hằng năm đến Mùa Vu Lan, người mẹ ăn chay suốt một tháng bầy để cầu nguyện cho con gái của mình được thóat khỏi cảnh điên lọan, trở về đời sống bình thường như xưa. Người mẹ hy vọng rằng với sự phù hộ của chư Phật, một ngày nào đó con gái của bà sẽ bình thường trở lại, và cô sẽ lập gia đình với người cô thương, sinh con đẻ cái, săn sóc giáo dục con nên người.

Mùa Vu Lan năm nay, năm 2010, bà mẹ tiếp tục cầu nguyện và ăn chay suốt Tháng Bẩy. Người con gái của bà ta vẫn khóc khóc cười cười, vẫn lang thang trên đường phố, nhìn người qua lại với đôi mắt ngây dại. Bây giờ cô đã được 34 tuổi.

Biết đến bao giờ cô gái nầy sẽ thóat khỏi cảnh sống trong hư hư thực thực, khi tỉnh khi mơ. Biết đến bao giờ người mẹ có được sự bình an trong những giây phút sống. Lời kinh bà tụng vẫn ngân vang câu:

Nguyện trú kiết tường dạ kiết tường

Trú dạ lục thời hằng kiết tường

Nhất thiết thời trung kiết tường giả

Nguyện chư Tam Bảo ai nhiếp thọ

(Dịch ý: Xin nguyện cầu ngày và đêm sáu thời, tất cả các thời thường được an lành. Nguyện cầu Chư Phật từ bi gia hộ)

Nhiều người đã phát tâm tu hành và sùng Đạo khi còn trẻ. Có người khi già cả mới tìm đến chùa tụng kinh nghe Pháp. Cũng có người bôn ba bận rộn không nghĩ đến Đạo, đến khi gặp một khúc mắc hay vấn đề tạo chấn động mãnh liệt trong tâm, người ta mới nghĩ đến chùa và tìm về chùa để cầu chư Phật gia hộ cho khổ đau giảm bớt và an lành đến với đời sống. Người Phật tử sùng Đạo hay đến chùa lễ bái hương hoa cúng Phật vào Ngày Rằm và Mồng Một. Một số lớn Phật tử thường năm chỉ đến dự hai lễ lớn là Lễ Phật Đản (Q – Vaisakha) và Lễ Vu Lan (m – Ullambana).

Chùa là nơi thanh tịnh. Vào đến sân chùa chúng ta thấy tượng lộ thiên của Ngài Quán Thế Âm, vị Bồ Tát với hạnh biêt lắng nghe để hiểu để yêu thương. Trước chánh điện chúng ta gặp Ông Thiện Ông Ác, như một cảnh tỉnh một nhắc nhở về những hành động thiện ác ta đã làm và sẽ làm. Vào trong chánh điện điển hình chúng ta ngắm được nụ cười vi diệu của Đức Bổn sư Thích Ca, vị Phật với hạnh tinh tấn, dạy cho ta không biếng lười buông xuôi. Hình ảnh Phật A Di Đà với bàn tay phóng quang, là sự diễn bày hạnh tế độ, cứu vớt để đưa về cõi thanh tịnh giải thóat. Tam Thế Chư Phật với Đức Bổn Sư, A Di Đà và Di Lặc là biểu tượng của Hiện tại, Quá khứ và Tương lai. Tam Thế Chư Tôn gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở bên trái, Bồ Tát Đại Thế Chí ở bên phải là hạnh Thanh Tịnh, Từ Bi và Trí Tuệ... Tất cả đều mang đầy đủ ý nghĩa đẹp để ta thấy được và hiểu rõ ý nghĩa của giải thoát và ràng buộc vướng mắc. Bằng thành tâm thành ý ta biết đưa những hình ảnh nầy vào cuộc sống của chúng ta, để đời sống chúng ta an lạc. Đó là sự phù hộ có được từ Chư Phật Chư Bồ Tát.

Những tượng đất tượng đồng trong chùa không có khả năng cho ta an lạc, nếu ta qùy gối van xin ban phước lành theo nghĩa đen của sự kiện. Nếu hiểu rõ sự hiện hữu qua hình tướng của chư Phật trong Chùa là ta đã thấy để có thế biết mà lập tâm tu hành sửa đổi đời sống của chúng ta cho gia đình bớt nặng nề khổ đau.

Qùy gối trước tượng Phật trong Chùa là hành động dừng hành động. Tạm thời trong khỏanh khắc nầy không phải bôn ba cái thân, không phải động não suy nghĩ lo lắng, mà qùy gối yên lặng trước bàn thờ để niệm hồng danh chư Phật, đưa thân và tâm về một mối, gọi là tạo thanh tịnh thân tâm. Hướng lên bàn thờ chấp tay là thái độ sùng kính tri ân nên thành tâm học hỏi. Sùng kính Đức Phật với đời sống thanh tịnh tu hành đạt đạo giải thóat, không còn bị phiền não khuyấy động như chúng sanh ở cõi Ta bà. Từ sự sùng kính ngưỡng mộ cho ta phút giây dừng lại và nhìn sâu vào lòng mình để tu sửa. Thấy được cái vướng mắc của tâm mình đang nằm ở đâu mới có giải pháp để tháo gỡ được cái khúc mắc. Đó là ý thức nằm trong cái lạy trước hình tượng chư Phật chư Bồ Tát.

Nhiếp tâm trong chánh niệm làm ta dẹp được cái vọng đưa ta trở về cái thực. Cũng nhờ cái thấy mà ta hiểu được tình thương chân thật là tình thương ở đó ta thấy được người ta thương. Nói rằng thương người mà chỉ thấy mình là tình thương ảo giác tạo vọng động khổ đau. Người mẹ trong câu chuyện kể trên đây nếu thấy được con mình và nếu người con thấy được mẹ mình trong những sinh họat thường nhật của họ sẽ làm cho cả hai hiểu được nhau hơn thì lời nói và hành động đã có mặt của sự qúy mến và tôn trọng nhau.

Khi đã thực sự biết thương là đã có sự cảm thông, thì những bước chân ta đi trong cuộc đời mình và cuộc đời người sẽ là bước chân an lạc. Chính những bước chân an lạc tạo thành con đường an lạc. Chư Phật không xuất hiện như một phép lạ dùng thần thông lập nên con đường đó cho ta đi.

Mùa Vu Lan là Mùa Báo Hiếu. Báo hiếu Cha Mẹ không gì bằng tích cực sống.. Biết chia sẻ và yêu thương người nghèo khó khốn khổ là báo đáp sự dạy dỗ về chữ THƯƠNG của Mẹ. Phấn đấu với cuộc sống không buông xuôi là đáp chữ NGHĨA của Cha. Sống mà tạo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội là giữ được chữ HIẾU đẹp nhất, vì tạo niềm vui cho Cha Mẹ. Xã hội có một người sống hạnh phúc thì phẩm chất đời sống của xã hội được nâng cao thêm. Tự thân ta, ta đã đem hãnh diện về cho Cha Mẹ.

Những ai còn mẹ phải biết mình là người hạnh phúc và nên qúy trọng giữ gìn hạnh phúc đó. Mẹ không ở mãi với ta, tuy lòng ta rất mong muốn. Hãy nghe lời ca khi người con mất mẹ:

Nếu mai này Mẹ hiền có mất đi

như đóa hoa không mặt trời

như trẻ thơ không nụ cười

ngỡ đời mình không lớn khôn thêm

như bầu trời thiếu ánh sao đêm…

“Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu”

UYÊN HẠNH (Thientam)

Các tin đã đăng: