3 - Từ bi:
Tinh thần từ bi, vô ngã vị tha là một trong những quan điểm quan trọng
khiến Phật giáo phát huy và tồn tại khi đến bất cứ quốc gia nào. Chính
điểm này là một trong những căn bản tạo nên mạch sống cho Phật giáo mãi
trường tồn cùng lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Từ bi là chất liệu không thể thiếu trong đạo Phật. Từ là thương cho
vui. Bi là thương cứu khổ. Đó là trọng trách thiêng liêng mà Chân lý đạo
Phật mang theo suốt chặng đường hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển. Nó
được thực hiện bằng mọi cách và ở bất cứ nơi đâu. Chính vì sứ mạng
thiêng liêng này mà đạo Phật đã đi theo lịch sử loài người, phát triển
nhịp nhàng bằng chất liệu tình thương mà hoàn toàn không sử dụng bạo
lực, bạo quyền.
Chất liệu tình thương của Phật giáo như dòng suối mát lạnh, ngọt ngào
làm cho vạn vật tốt tươi, cỏ cây đâm chồi nảy lộc. Từ bi đã hiện hữu
giữa cuộc đời là thần dược xoa dịu những nỗi đau của nhân loại, hàn gắn
những rạn vỡ tình người, xua tan những oán căm thù hận. Và còn hơn thế
nữa, lòng từ bi còn giải quyết những căn bản khổ đau của kiếp phù sinh,
đưa người ta đến an vui trọn vẹn.
Theo nghĩa, "Từ nghĩa là từ năng giữ nhất thiết chúng sanh chi lạc,
Bi nghĩa là bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ" hay vắn tắt là
"Từ năng giữ lạc, bi năng bạt khổ". Như vậy, từ bi mang niềm vui cho tất
cả chúng sanh. Ở trong lãnh vực tình cảm, tình thương yêu của Phật giáo
có thể so sánh với lòng mẹ thương con bao la rộng rãi. Tuy vậy, khi đi
sâu vào ý nghĩa của nó, chúng ta thấy rằng lòng từ bi là một tình thương
vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ, bao trùm lên tất cả muôn loài.
Trong thế gian, thương yêu bao giờ cũng đi đôi với hạnh phúc. Tuy
nhiên, những loại tình cảm ở đời chỉ giới hạn trong một mối quan hệ, một
đẳng cấp, một chủng loại, một phạm trù nào đó. Khi vượt ra ngoài, lắm
khi chúng ta thường đối xử hững hờ, kỳ thị với nhau, thậm chí còn dẫn
đến sự chống đối, tàn sát lẫn nhau một cách khủng khiếp.
Trong khi đó, từ bi vượt lên tất cả mọi tình thương hẹp hòi ích kỷ
của thế gian, không bến bờ, không biên cương, không hạn định. Lòng
thương yêu ấy tuyệt nhiên không chứa đựng bất cứ ý niệm kỳ thị nào.
Đối với Phật giáo tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, và mọi nơi chốn
trên thế gian này đều là nơi chôn nhau, cắt rốn, là quê hương, xứ sở của
mình. Lòng thương yêu vô cùng ấy tựa như ánh mặt trời tỏa sáng khắp
không gian, bao trùm vạn vật, chẳng phân biệt đây hay kia, thân hay sơ,
bạn hay thù, giàu hay nghèo, sang hay hèn, người hay vật.
Từ ý nghĩa này, Phật giáo có một tinh thần khoan dung và tha thứ.
Chúng ta đang sống giữa một thời đại quyền lực và danh vọng đang khống
chế con người, tham vọng của nhân loại bùng vỡ một cách cùng cực, chiến
tranh liên tục xảy ra, những cuộc chạy đua kinh tế, chính trị, quân sự
đang phô bày khắp trên thế giới, lửa hận thù tràn ngập khắp hành tinh.
Thảm trạng này đang có cơ hội đưa nhân loại đến vực thẳm của sự diệt
vong. Chính ngay lúc này, từ bi là chất liệu rất cần thiết cho cuộc đời.
Và chỉ khi vận dụng lòng từ bi của Chân lý Phật giáo, chúng ta mới thực
sự đủ năng lực dập tắt ngọn lửa chiến tranh và hận thù đang ngút ngàn
giữa buổi hoàng hôn của thế kỷ XXI này.
Đức Phật đã dạy: "Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật từ ngàn xưa".
4 - Vô ngã: Nhận xét về thế giới sự vật hiện tượng, Phật
giáo khẳng định rằng mọi sự vật, hiện tượng trên cõi đời này đều không
có một tướng trạng nhất định, tất cả đều luôn biến đổi, chuyển động
không ngừng. Nói cách khác, sự vật, luôn luôn chảy và biến đổi. Trong
khi đó nhận thức thông thường của chúng ta tưởng chừng như mọi vật đang
thực sự hiện hữu và cố định. Kỳ thực, tất cả vạn vật đều đang chuyển
động một cách vi tế mà ta khó nhận thấy được.
Nhưng nếu bình tâm và chịu khó quan sát, ta có thể thấy rõ điều này.
Chỉ cần nhìn vào các sự vật quen thuộc nhất trong đời sống thường nhật
như cái bàn, căn nhà… ta sẽ nhận thức được ý nghĩa ấy. Cái bàn khi mới
hoàn thành, nó rất mới, nhưng qua một thời gian sau, nó đã trở thành cũ.
Và cứ thế, theo thời gian, nó cứ cũ dần và cuối cùng hư hoại, có thể
chỉ còn là những mảnh vụn. Tất cả các sự vật cũng đều tuân theo quy luật
ấy. Vì vậy ta có thể nói rằng, tất cả các tướng đều là tạm thời, và nó
luôn chuyển đổi.
Các sự vật mà ta nhận biết được chẳng qua là một tướng trong một
chuỗi thay đổi liên tục của vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến
già, từ sanh đến diệt. Phật giáo tạm phân quá trình vận động ấy thành
bốn giai đoạn: Sanh, Trụ, Dị, Diệt hay Thành, Trụ, Hoại, Không.
Như vậy, tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều hoàn
toàn không có cái chủ thể nhất định, nó luôn biến động. Vì vậy, tất cả
đều là Vô ngã, nghĩa là không có một tướng trạng nào của sự vật là nhất
định, bất di, bất dịch cả. Đây gọi là Vô ngã tính.
Liên hệ bản thân của mỗi người, vì không thấy rõ được sự thật của
tướng trạng này, không nhận biết được sự giả hợp của ngũ uẩn mới tạo
thành tấm thân này. Nên ngay từ lúc lọt lòng mẹ, một cái tên gọi cùng
với nhận thức sai lầm về cái tôi đã tạo thành một ngộ nhận căn bản về sự
hiện hữu, về giá trị của một con người. Từ đó tính chấp và sự ích kỷ
hình thành, đây chính là giềng mối của bao sự thống khổ mà chúng ta phải
cưu mang suốt cả kiếp người.
Chính ảo mộng về cái của tôi và cái tôi đã đưa đến thảm trạng chiến
tranh, hận thù, cấu xé lẫn nhau. Chân lý Phật giáo đã soi sáng chân
tướng của vạn pháp bằng ánh sáng Chân lý Vô ngã, sự soi sáng ấy không
nhằm mục đích thỏa mãn tri thức của nhân loại, mà nó mang ý nghĩa trình
bày một sự thực về tướng trạng của con người và thế giới. Đồng thời xây
dựng cho nhân loại một nhận thức đúng đắn, hướng đến một nếp sống cao
đẹp, đầy tình người.
Thật vậy, khi chúng ta đã nhận thức được thực trạng của tấm thân ta,
thấu rõ được cái ta - còn gọi là cái tôi, cái của tôi - chỉ là những gì
rất mong manh, không bền chắc, luôn biến chuyển. Khi ấy bức tường thành
của sự ích kỷ, nhỏ nhen mới thực sự sụp đổ, ranh giới của chủ nghĩa cá
nhân mới bị xóa nhòa, thành trì bảo thủ mới được thật sự phá vỡ, lòng
bao dung, vị tha sẽ bừng sáng trong tâm hồn của mỗi con người.
Nhân loại sẽ xích lại gần nhau hơn để mỉm cười, thương yêu và cùng
sống với nhau trong tinh thần bao dung hòa ái và tha thứ lẫn nhau, sẵn
sàng quên đi những lỗi lầm mà chúng ta đã từng gây tạo cho nhau, hạnh
phúc thực sự hiện hữu ngay trên quả đất này.
Tinh thần Vô ngã vị tha là một trong những điểm quan trọng khiến Phật
giáo tồn tại và phát huy khi đi đến bất cứ một quốc gia nào. Chính điểm
này là một trong những căn bản tạo nên mạch sống cho Chân lý Phật giáo
tồn tại cùng với lịch sử tiến hóa của nhân loại. Phật giáo bao giờ cũng
hiện hữu vì hạnh phúc, an lạc của mọi người.
Với tình trạng hiện thời của thế giới, tiếng chuông báo động của
những nhà khoa học về các nguy cơ của trái đất thân yêu đang gióng lên
liên tục, sinh mệnh của nhân loại đang bị đe dọa bởi quá nhiều nguyên
nhân do chính mình gây tạo. Ngồi lại với nhau trong tình trạng yêu
thương đoàn kết và cùng một chí hướng là điểm quan trọng trong việc giải
quyết các vấn đề trên - tinh thần vô ngã, vị tha, từ bi, bình đẳng và
tôn trọng lẫn nhau là nhân tố cần thiết để thực hiện được điều ấy.
Những điều vừa trình bày trên đây: Nhân bản, bình đẳng, từ bi, vô ngã
là những trọng điểm được đề cập trong Chân lý Phật giáo. Nhưng nó cũng
là yếu tố cần thiết cho mọi người. Nếu muốn tạo hạnh phúc thật sự cho
chính bản thân mình và thiết lập một nền hòa bình cho nhân loại.
Như vậy chúng ta có thể nói rằng: Chân lý đạo Phật là con đường để tự
giải quyết những điều cơ bản nhất của con người, mặc dù đối tượng của
Phật giáo là tất cả chúng sanh, nhưng con người là trung tâm điểm, là
đối tượng chính để mang bức thông điệp cho cuộc đời, là loài người có
khả năng tốt nhất để thực hiện bức thông điệp ấy. Muốn thực hiện được
bức thông điệp ấy, nghĩa là phải thực sự vận dụng những tinh hoa của
Phật pháp vào trong đời sống và tâm hồn của chính mình.
Mặc dù cuộc sống luôn biến động theo dòng chảy của thời gian, nhưng
trong sự mong manh phù du ấy, ta vẫn luôn nhìn thấy một điều gì thật dễ
thương, thật ý nghĩa, thật thú vị giữa trần gian đầy mộng mị. Chỉ khi
nào con người sống trọn vẹn với tinh thần cao đẹp ấy của đạo Phật, chúng
ta mới thấy, mới hưởng được niềm hạnh phúc vô biên.
Thích Huệ Đăng (ANTG)