Cửa Thiền Dính Bụi
Huỳnh Trung Chánh
06/12/2011 20:29 (GMT+7)

Thượng Tọa Thích Quang Lạc ấn nút cho chiếc ghế bành Lazy boy giữ độ nghiêng vừa ý, đoạn ngã người lún sâu vô lớp nệm mousse dầy cộm, thoải mái xem cuộn phim video Tây Du Ký. Bộ phim dàn cảnh công phu, hình ảnh đẹp, diễn xuất vững vàng, tình tiết ly kỳ, đối thoại hấp dẫn, nên thầy thật khoái chí. Tài tử đóng vai Tề Thiên khỉ khọt dễ thương đang bày trò "khỉ" ban nước thánh trường sanh bất tử "khai ngấy" cho bọn Hổ Lực đại tiên, hoạt cảnh vui nhộn khiến thầy Quang Lạc cao hứng cười "ha hả" vang rền. Ở xứ người chùa chiền chỉ sinh hoạt vào cuối tuần, ngày thường chùa vắng tanh, nên tu sĩ có thể tùy nghi sống với sở thích, đỡ phải gò bó theo những lễ nghi phiền phức xa vời.

Thầy Quang Lạc vốn say đắm truyện Tây Du từ thời còn là một học sinh trường tiểu học Phan Văn Trị Saigon. Thuở ấy, cậu bé tên Đạt cùng thằng bạn thân tên Tường, đã chia nhau nhịn ăn quà sáng, để có tiền thuê truyện Tây Du rồi say sưa nghiền ngẫm từng câu chuyện thần thông biến hóa. Hai thằng bạn tâm đầu ý hiệp suốt ngày tranh cãi truyện Tây Du, đến nỗi, chỉ cần nhắc hồi thứ mấy trong quyển sách, thì cả hai đều biết ngay nội dung đoạn đó. Đạt và Tường thường giao đấu bằng cách đố nhau các chương sách, thử sức nhau bao bận để phân tài cao thấp mà đứa nào cũng thuộc vanh vách, nên phải chịu xử "huề". Thế rồi hai đứa lại mơ mộng diễn lại những pha gây cấn trong truyện. Điều éo le là ai cũng khoái đóng vai Tề Thiên tài ba xuất chúng, còn vai Bát Giái ục ịch, biếng nhác, ham ăn, ham gái thì chẳng mạng nào thèm. Tranh cãi nhau không xong nên hai đứa phải biểu diễn thần thông biến hóa. Tường "chuồn" đi một lát đã quơ về được mấy trái cam trên bàn cúng Ông Thiên đầu xóm. Đạt lẻn vào chùa Linh Sơn một chập cũng chôm chỉa được nải chuối Xiêm cúng Phật. Bày cách giao đấu nào cũng bất phân thắng bại, nên cuối cùng, trên bước đường "hành hiệp giang hồ" thuộc giang san hẻm Đề Thám, hai nhóc con anh hùng đành chấp nhận hiện hữu của hai Tề Thiên Đại Thánh: Tề Thiên Đạt phục phịch và Tề Thiên Tường ròm rỏi.

Lớn lên, không còn tụm năm, tụm ba làm Tề Thiên phá làng phá xóm, nhưng đôi bạn vẫn ôm ấp riêng mình mộng Tề Thiên dọc ngang Trời Đất. Tường đam mê khoa học, mài miệt trau dồi tri thức của loài người, với hoài bão trở nên một nhà bác học tài ba có khả năng "Tề Thiên", theo nghĩa là biến cải huyền cơ tạo hóa. Tuy nhiên, vừa tốt nghiệp cử nhân khoa học, thì Tường đã vướng phải oan gia nghiệp chướng bám sát như bóng với hình. Cái tri thức ghê gớm mà

Tường tự tin có khả năng đối phó "Đất Trời", tỏ ra chẳng công hiệu gì với nữ yêu kiều diễm, thành thử chàng bị hớp hồn, không còn cách gì đằng vân độn thổ trốn đi đâu được. Rồi chỉ mấy năm sau, mấy tiểu yêu lần lượt ra đời, khiến cho Tường chạy ngược xuôi "vắt giò lên cổ" dạy học kiếm tiền phục vụ bầy yêu, thì còn hơi sức đâu nuôi dưỡng mộng Tề Thiên cao xa nữa. Đạt cương quyết thi hành mộng Tề Thiên dựa trên những sự thực phũ phàng của đất nước. Chàng

chủ trương, trong giai đoạn chiến chinh, không có sự tiến thân vào nhanh chóng hơn binh nghiệp, nên đã sớm tình nguyện nhập học trường võ bị. Đạt dự trù, bằng mọi giá, chàng sẽ tiến lên địa vị khá cao trong quân đội, rồi chàng sẽ móc nối tạo thêm vây cánh; chừng đó, mặc sức mà bắt tay nhau vo tròn bóp méo đất nước, "thay Trời trị dân", mộng Tề Thiên chắc chắn có cơ thành tựu. Do đó, Đạt đã hội nhập quân đội một cách nhiệt tình: chàng chiến đấu dũng cảm,

nhưng cũng biết chiều lòn, nịnh bợ thượng cấp để dễ thăng quan tiến chức. Đạt lại sớm lãnh hội tiềm lực của hệ thống lính ma, lính kiểng, nhờ vậy, cũng khá rủng rỉnh. Tiền bạc giúp Đạt khôn ngoan hơn, chàng biết "tìm thầy, chạy thuốc" nên khám phá được con đường thăng quan tiến chức mà không phải đổ mồ hôi và xương máu ở chiến trường. Vì vậy, chỉ bằng đi mấy năm, trong khi các bạn đồng khóa vẫn còn lận đận với cấp trung úy, thì Đạt đã nghiễm nhiên là một

thiếu tá quận trưởng rồi. Tất cả mọi diễn tiến đều đúng phong phóc như Đạt dự liệu, như vậy, chỉ cần thăng chức vài lần nữa, thì Tề Thiên Đạt sẽ dọc ngang Trời Đất, xưng hùng xưng bá một phen. Sau mấy năm làm ăn khấm khá, Đạt gom góp hết tiền bạc, dự định đầu tư "cú" lớn: mua lon trung tá và chức vụ tỉnh trưởng tại vùng cao nguyên. Nhân dịp yết kiến phu nhân thượng cấp để đóng "hụi chết", Đạt khẩn khoản van cầu bà nâng đỡ và may mắn được "bà" chuẩn

hứa. Trên đường về quận, Đạt đang dệt giấc mộng tuyệt vời, bất ngờ người tài xế vừa lách tránh một mô đất bất bình thường, thì bỗng có loạt súng nổ vang rền. Đạt đau nhói ngã gục. Chàng cảm giác như đang lao vút xuống hố thẩm đen ngòm hun hút dường như bất tận, rồi bị hất tung ra khoảng không gian mờ ảo. Cuộc đời sôi nổi của chàng, từ thuở lung lăng phá xóm làng đến lúc lâm nạn đều hiển hiện rõ ràng trước mắt như một cuộn phim quay nhanh vun vút mà không

sót một chi tiết nhỏ. Rồi Đạt chợt thấy mình lửng lơ trong một gian phòng vôi trắng. Bác sĩ, y tá đang xúm xít vây quanh một xác người bất động để gắng sức cứu chữa. Thây nằm sóng sượt đó chao ôi sao giống Đạt quá. Rõ ràng là Đạt rồi. Đạt run sợ rụng rời, chàng lớn tiếng van xin bác sĩ cứu mạng nhưng bọn họ lầm lì làm việc dường như chẳng ai quan tâm đến. Trong cơn thảng thốt kinh hoàng, chợt thấy tượng Quan Âm trên cổ cô y tá ngời sáng, người Tề Thiên đời

nay, khi lâm chung dưới "núi nghiệp" của tử sinh vội chấp tay chân thành nguyện cầu Quan Âm cứu độ... Trong cơn đau nhức rã rời, chập chờn mê sảng, Đạt lần lần hồi tỉnh mà miệng vẫn còn mấp máy niệm danh hiệu Quan Âm. Thần trí khôi phục Đạt mới biết đã bị viên đạn xuyên vào lồng ngực cách tim không quá hai phân, máu me linh láng, nhưng may được trực thăng khẩn cấp đưa về Tổng y viện Cộng Hòa cứu chữa nên đã thoát cơn hiểm nghèo. Trải qua những giây

phút vật lộn với thần chết, nằm tê tái đơn côi trong bốn bức tường tẻ lạnh, Đạt bàng hoàng nhận chân cái bọt bèo vô nghĩa của kiếp người. Bao nhiêu hùng khí Tề Thiên Đại Thánh oanh oanh liệt liệt đều tan biến mất. Quãng đời cũ, vinh nhục, thành bại, anh hùng hay hèn hạ gì, đều trở thành thứ trò múa rối vô duyên.

Vui buồn gì thì cũng là cái vui buồn hời hợt trong biển khổ luân hồi sanh tử miên man bất tận. Nội tâm rung chuyển toàn diện, khiến cho con người tự "tôn" tự đại khinh thường Trời Đất, sau khi kề cận với thần chết khắc nghiệt, đã bàng hoàng "ngộ không", thực chứng được lý vô thường vô ngã, để rồi quyết tâm buông bỏ cái giả tạm, dõng mãnh phát bồ đề tâm nguyện làm một "hành giả" tu học Phật Pháp, hầu có thể độ mình và độ người. Thế rồi, trước sự ngạc nhiên tột độ của thân nhân bè bạn, Đạt dựa vào chiến thương để xin giải ngũ, rồi âm thầm xuất gia, với pháp danh Quang Lạc. Trong thời gian nầy, Giáo Hội Phật Giáo đang củng cố cơ sở tổ chức nên rất cần cán bộ. Sư được trọng dụng, do đó phải hi sinh dành bớt thời giờ tu tập và trau dồi nội điển cho nhu cầu giáo hội. Nhờ kinh nghiệm thừa thãi về giao tế và hành chánh, thầy Quang Lạc đã phục vụ giáo hội đắc lực, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có một uy thế khá vững vàng, vượt xa những vị tu sĩ thâm niên mà chỉ biết cặm cụi tu hành. Chính nhờ những giao tế nhân sự, thầy đã nắm vững tình trạng nguy cơ của đất nước, nên đã kịp thời quyết định di tản sang Mỹ vào tháng tư năm 1975, rồi định cư ở một thị xã vùng duyên hải. Thầy vốn có tham vọng trở thành một thứ "tổ sư" tại nước người nên ngôi chùa mà thầy vận động xây dựng liền được tự phong là "chùa tổ". Rồi thầy cũng phát họa kế hoạch qui mô nhằm kiến thiết ngôi "chùa tổ" nguy nga, sau đó, sẽ đến dự án xây dựng một đại tùng lâm vĩ đại để lấy tiếng với đời.

 "Tâm viên ý mã", - tâm như vượn, ý như ngựa -. Mới hồi tưởng chút quá khứ mà tâm ý đã dong ruổi đi ngàn dặm, mãi đến khi cuộn tape đã hết thầy mới sực tỉnh. Video ngưng chạy, nên vô tình, truyền hình tự động chuyển sang đài 15, với màn ảnh sống động lồng lộng thân hình nẩy lửa, trần truồng như nhộng của người đẹp đang ưỡn ẹo tắm nắng. Đài cable 15 thường chiếu những phim hấp dẫn, mà không bị cắt ngang bởi những mục quảng cáo đáng ghét nên được

nhiều khán giả ưa chuộng. Ngoài ra, đài cable cũng thường "phóng khoáng" hơn đài thường, và luôn có những pha cởi truồng tuốt luốt hay phơn phớt cảnh "làm tình nhẹ nhàng" nữa. Tuy thỉnh thoảng thầy Quang Lạc vẫn bị bắt buộc phải nhìn cảnh "gai mắt", nhưng thầy cũng nóng mặt. Thầy "khó chịu" tắt máy truyền hình rồi ngồi thừ ra, đầu óc trống không nhàm chán. Ở nước nhà, tu sĩ phải bận rộn Phật sự suốt ngày, chăm chỉ tuân theo nề nếp, lo công phu, tập thiền quán..., lại được thầy tổ giám sát, nên đâu có lúc vẩn vơ lơ đảng. Đến xứ người, một mình một cõi tự tác, mà công việc Phật sự cũng chỉ thu gọn vào 2 ngày cuối tuần, thời giờ trống không rỗi rảnh nhiều quá, biết làm gì cho hết? Nhàn nhã lắm đôi khi thầy nảy sinh những cơn ngán ngẫm cho tháng ngày lê thê lếch thếch. Uể oải rướn lên với lấy tập san Phật giáo đọc dang dở, thầy liếc sơ sịa vài trang thấy nội dung cũng chỉ toàn là mớ giáo lý cũ mèm khô khan, chẳng có gì hấp dẫn nên lại vứt qua một bên. Thầy thở dài: "nản quá!". Thầy cũng không hiểu nỗi tâm tư mâu thuẫn của chính mình, Khi thì thầy cũng mong muốn tu cho thật "nổi" để lấy tiếng với đời, nhưng con đường tu sao mờ mịt, xa xôi chẳng thấy bến bờ gì cả. Đôi khi thầy lảng vảng ý nghĩ nên bán "quách" ngôi chùa kiếm chút đỉnh vốn hoàn tục, nhưng thầy thấy không ổn, mà thật ra thì cũng không đành lòng. Càng ngày thầy càng thấy câu châm ngôn trong tự viện, mà ngày mới xuất gia, các vị đàn anh thường nhắc nhở dường như phản ảnh trung thực bước đường tu tập của thầy:

Nhất niên Phật tại tiền

Nhị niên Phật thăng thiên

Tam niên bất kiến Phật

Thật vậy, ngày mới xuất gia, sơ phát bồ đề tâm dõng mãnh thầy tinh tấn tu tập nhất quyết đạt đạo để độ đời. Hình ảnh Đức Phật lúc nào cũng hiện hữu trong tâm, cũng ở trước mặt, và quả vị thì cũng "chắc mẻm" trong tầm tay rồi. Thời gian sau, thầy phải gánh vác việc giáo hội, bận rộn chuyện đời chuyện đạo, việc tu tập giải đãi lần lần. Vả chăng, càng thực hành thầy càng thấy việc tu sửa tâm thập phần gian nan hơn chăn giữ "trâu hoang", chuyện thành đạo mịt mờ,

mà nhiệt huyết tu hành cũng cạn lụt: Phật ngự ở cõi Trời mông lung xa lắc xa lơ rồi. Bây giờ, có lẽ thầy đang ở giai đoạn "tam niên bất kiến Phật", nên Phật là Phật, thầy là thầy. Phật gỗ lặng lẽ, bất động tọa trên bệ xi măng ngoài chánh điện lạnh lẽo, đâu có dính líu, liên hệ gì với con người bằng xương bằng thịt, nhạy cảm, đang tận hưởng những tiện nghi vật chất trong phòng riêng ấm cúng nầy. Thầy bấm nút cho ghế nệm xoa bóp lưng, rồi ngã người lim dim mơ mộng. Bỗng

thầy choàng dậy, vớ điện thoại không dây để cạnh, bấm nút chọn đường dây tự động số một. Tiếng người đẹp "hê lô" ở đầu dây khiến thầy nghe ấm áp, mắt thầy sáng lên:

- A lô! Đang làm chi đó? có gì vui không?

- Ơ! mệt quá thầy ơi! đang sửa sang tiệm mới cho kịp khai trương đầu tháng tới. Thầy cúng khai trương dùm nghen thầy?

- Hà! hà! Thiên Kim muốn chi mà chả được?

- Cám ơn Thầy! Thôi "bai" nghen thầy. Kim phải đến tiệm mới ngay, để chỉ dẫn đám thợ.

Thầy Quang Lạc tiếc rẻ gác máy. Thiên Kim có chồng ngoại quốc nên vui vẻ, và cởi mở, do đó thời gian hàn huyên với người tín nữ nầy vô cùng hứng thú. Thầy vội bấm số điện thoại tự động số 2, tín nữ Lam Kiều, người đẹp cô đơn có giọng nói ngọt ngào, dễ thương và rất chịu tâm sự. Tiếng chuông reo vang ở đầu dây hằng mươi lượt, nghe sốt cả ruột mà không ai bắt máy. Chán nản thầy đành mở truyền hình xem tiếp. Hình ảnh quảng cáo những chiếc xe hào nháng

bóng lộn, nhắc nhở thầy liên lạc người đệ tử làm giám đốc mua bán xe:

- A lô! Thượng Tọa Quang Lạc đây! À! Thầy định nhờ con tìm cho thầy chiếc xe khác! Ừ thì chiếc xe Cadillac của thầy còn tốt, nhưng thầy thích loại Mercedes đời mới cơ! Con ráng tìm cho thầy gấp nhe! "bái bai"!!

Mơ màng nghĩ đến chiếc xe vừa ý thầy rộn ràng sung sướng. Giờ nầy, nếu có người bàn bạc tán đồng sở thích với mình thì mới thú vị. Thầy nhìn tới nhìn lui đồng hồ, rồi đắn đo bấm một số điện thoại tự động quen thuộc. Ngọc Bích là tín nữ thuần thành, chỉ hỏi han quanh quẩn những đề tài tu tâm, dưỡng tánh nhạt nhẽo, nhưng giọng nói nàng nhỏ nhẹ, ấm áp khiến thầy rất ưa chuộng. Nghe tiếng người đẹp ở đầu dây, thầy hí hửng:

- Ngọc Bích khỏe không? đang làm chi đó?

- Dạ! cũng bình thường..., thưa thầy!

Bỗng thầy nghe phơn phớt tiếng đàn ông gay gắt: "Ai đó?", rồi tín nữ Ngọc Bích rối rít: "Thầy nói chuyện với nhà con nha!". Tuy không đến nỗi có chuyện mờ ám xấu xa, nhưng vì dụng ý chọn lúc người chồng đi làm để hàn huyên tâm sự vặt với người vợ, nên thầy cũng ngượng ngập, tim đập thình thịch.

Thầy vốn nhanh trí, nên liền lên tiếng đon đả:

- A lô! Chào anh Thành! Thầy định gọi anh ở sở làm, mà gọi lộn số điện thoại ở nhà, không ngờ lại gặp được anh. Hên thật là hên!

- Thầy gọi tui hay thầy gọi ai! Mà thầy gọi tui "mần" gì?, tiếng của Thành gay gắt, xẵng lè.

- Ơ! thầy định hỏi thăm anh..., ơ! về vụ mua bảo hiểm nhân thọ vậy mà!

- Chuyện đó có gấp lắm không?, Thành quạu quọ.

- Ơ cũng không có gì gấp gáp! Vậy nếu anh bận, thì hẹn khi khác vậy!

Vừa nói xong, không đợi Thành trả treo thêm lời nào nữa, thầy vội vàng gác máy. Thầy Quang Lạc tiu nghĩu thẹn thùng. Thật ra, thầy không hề có tà ý tán tỉnh ai, thầy chỉ ưa trò chuyện "lững thững", xưng hô "trổng trổng" mập mờ với phái nữ vậy thôi. Tâm sự với họ dù chuyện đời hay đạo cũng thú vị hơn bọn đàn ông khô khan nhạt nhẽo. Thầy không ngờ gặp vận xui, khiến Thành có thể ngờ oan cho thầy. Thế nên, thầy xốn xang đứng ngồi không yên vì nghĩ đến tính đa

nghi như Tào Tháo của y. Khi nổi cơn ghen, Thành thường đánh đập vợ tàn nhẫn. Vì vậy, thầy vừa tội nghiệp cho số phận của Ngọc Bích mà cũng lo lắng cho thanh danh tu sĩ của mình. Do đó, thầy muốn giả lả, ngỏ lời đính chánh với Thành, nhưng đính chánh thì hóa ra "tự thú tội" sao? Thế là thầy trằn trọc suốt đêm không ngủ, thấp thỏm chờ đợi đến đúng sáu giờ sáng, để gọi đến tiệm thực dụng của Bích Ngọc. Giờ khắc sớm bửng nầy chắc chắn Thành vẫn đang trùm mền

ngáy ngủ, nên thầy liên lạc với Bích Ngọc mong dọ hỏi phản ứng của Thành ngày qua. Nghe đúng âm thanh của Bích Ngọc, thầy mừng rỡ hỏi:

- "Đang làm chi đó? Có gì vui hông?".

Bỗng nhiên âm thanh chát chúa, nhức óc của Thành phát ra - có lẽ hắn nghi ngờ nên chịu khó thức dậy sớm theo vợ ra tiệm, mà còn gắn hệ thống điện

thoại song song để nghe lén nữa -:

- Ai đó! thầy Quang Lạc phải không?

Thầy Quang Lạc lỡ làng muốn im lặng rút lui mà chẳng được, bẻn lẻn đáp yếu xìu:

- A thầy đây! Thầy muốn nói chuyện với anh...

- Thầy gọi tui hay thầy gọi cho vợ tui?, Thành quát lớn.

- Thật ra, thì thầy chỉ có ý định kể một mẩu chuyện đạo cho chị nghe vậy thôi...

- Hừ! giờ nầy thức nói chuyện đạo? Tu sĩ gì mà...

Thành bắt đầu dùng những lời lẽ nặng nề xỉ vả thầy. Nhớ lại trước đây Thành đã từng kính cẩn quì lạy thưa thỉnh cúng dường, mà nay lại dám to tiếng mắng chửi, thầy tức tối vô cùng mà phải ráng nhịn nhục tìm cách giải tỏa những điểm hiểu lầm. Nhưng thầy càng nhỏ nhẹ thì hắn càng hỗn láo hơn, nên cuối cùng thầy đành gác máy.

Thầy Quang Lạc rối ren khó nghĩ. Thầy biết Thành là con người nguy hiểm, hắn đã thù oán thì không dễ dầu gì để thầy yên thân. Thế rồi, chỉ nội nhật hôm đó, Thành điện thoại mấy lần liên tiếp, dùng lời lẽ thô tục, cục xúc xỉ vả thầy. Rồi hắn còn dọa nạt sẽ phá nát thanh danh thầy, cho thầy không còn đất đứng mới thôi. Mấy hôm sau, bác ủy viên tài chánh hốt hoảng báo động rằng Thành đã liên lạc từng hội viên hội Chùa để tố cáo một "lô" chuyện nham nhở của thầy.

Thành còn tuyên bố đã liên lạc với hàng ngũ Thượng Tọa Đại Đức có chức sắc trong giáo hội kể lể "mét thót", rồi thỉnh cầu quí vị tu hành chân chánh lên án loại bỏ "con chiên ghẻ" ra khỏi giáo hội. Lời tố cáo vu vơ nầy đáng lẽ quí vị tu sĩ bằng hữu nên gạt bỏ ngoài tai, nào ngờ họ lại nửa tin, nửa ngờ nên im lìm tránh né không liên lạc với thầy nữa. Điều đáng phiền là có vị lại ron ren thăm dò điều tra tư cách của thầy qua vài Phật tử thân cận. Giới Phật tử lại nhộn nhịp

bàn ngang tán dọc, càng ngày câu chuyện càng được thêm thắt thập phần mê ly rùng rợn. Thẩm mỹ viện là trung tâm thu phát tin thời sự giựt gân của quí bà. Những tin đồn phóng đại bắt được, chủ nhân Thu Trúc liền báo cáo thầy đầy đủ, khiến thầy thêm nao núng lo âu. Thầy là tu sĩ, dù sao cũng giữ thể thống, nên đâu thể trả đũa hay đôi co gì với Thành. Thầy chỉ có cách im lặng "niệm Phật", mà im lặng thì Thành càng làm tới khiến cho những người vốn dè dặt lúc đầu đã

lần lần nghiêng theo luận điệu của hắn. Tư thế thầy thật khó tự mình "giải độc" cho mình, vì như vậy thì có vẻ như "nhột nhạt tự thú", khiến thiên hạ càng nghi ngờ nhiều hơn nữa. Giải pháp nhờ những Phật tử có uy tín minh oan cho thầy tương đối hợp lý, nhưng khi thầy nghĩ đến, thì có lẽ đã quá muộn. Giờ nầy, thì ngay bác ủy viên tài chánh, người Phật tử thân cận nhất dường như lòng dạ cũng lung lay rồi. Vậy còn lại mấy vị thực lòng bênh vực cho thầy đâu? Vả chăng, do ưu tư lo lắng thái quá đó, thầy đâm ra nghi ngờ đủ mọi người. Thầy cảm thấy là dường như ai cũng đối đãi với thầy khác lạ hơn xưa. Họ khinh thường thầy? Họ to nhỏ nói xấu? Hay họ lén lút rình rập, họ soi bói, nghi ngờ thầy? Đầu óc thầy căng thẳng trước cảnh chùa thưa thớt, tàn lụn theo uy tín đổ vỡ của mình. Nguy cơ thì vô cùng mà thầy lại cô đơn ngậm đắng nuốt cay một mình, không có được một người chí thân tâm sự để nguôi ngoai niềm oan ức. Trong hoàn cảnh đó, bỗng dưng thầy sực nhớ đến Tường, người bạn "Tề Thiên Đại Thánh" thuở nhỏ. Tường đưa được gia đình sang Hoa Kỳ, cư ngụ cách chùa chừng 5 giờ lái xe nên thỉnh thoảng viếng thăm bạn xưa, ôn lại thời ấu thơ ấm cúng. Từ lâu, thầy không liên lạc với Tường, vì có điểm bất đồng nhân dịp thầy vừa được tấn phong thượng tọa. Chi tiết cuộc đối thoại đó, thỉnh thoảng vẫn hiện về ray rức thầy, dù thầy mong muốn quên đi cũng không thể được. Nguyên thầy thọ giới tỳ kheo hơi trễ, tuổi đời tuy khá cao mà tuổi hạ mới hơn mười năm, chưa đủ 20 hạ để tấn phong thượng tọa. Tuy vậy, ở nước ngoài thiên hạ thi đua nhau tự phong chức rầm rầm, "trung sĩ y tá" còn tự xưng được là "trung tá y sĩ", nên nếu thầy có mập mờ ngày thọ giới tỳ kheo để vận động được tấn phong danh vị thượng tọa cũng rất thường tình. Thầy hí hửng báo tin cho Tường để hắn chia xẻ niềm vui lớn của mình, không ngờ Tường quá hiểu rõ bí mật của thầy, nên hắn cười ngặt nghẻo rồi hỏi móc:

- Thời tại ngũ, nếu thầy phải chạy chọt để thăng quan tiến chức thì cũng có phần hợp lý. Còn tu hành mà phải chạy chọt... thì... thì quả thật lạ lùng... khó hiểu...

- Ơ! thời buổi nầy mà! Thói thường thiên hạ trọng nể danh xưng thượng tọa, nên mình cũng phải mang danh vị nầy hầu việc phục vụ Đạo Pháp tăng thêm hiệu năng vậy thôi!, thầy yếu ớt chống chế.

- Thầy ơi! tỳ kheo nghĩa là gì thầy?

- Tỳ kheo là chữ Phạn, có nghĩa là "Khất sĩ": hành khất Pháp để nuôi huệ mạng, và hành khất thực phẩm để nuôi thân xác. Người tu hành nếu có nghề riêng để nuôi thân dễ sanh tâm giải đãi. Còn đã khất thực tức là tự đặt mình trong vị thế của kẻ chiến sĩ chỉ có con đường chiến đấu đến chiến thắng chớ không có con đường lùi; tu sĩ chỉ có con đường quyết tâm tinh tấn tu hành đạt đạo để trả ơn thí chủ, chớ không có con đường đọa lạc tu lơ mơ, vì như tổ Triệu Châu đã cảnh cáo "hưởng của bá tánh mà tu hành không chân chánh, thì kiếp sau chỉ có cách làm thân trâu ngựa để báo đền mà thôi!". Dĩ nhiên, danh xưng tỳ kheo lại còn có diệu dụng nhắc nhở tu sĩ tập hạnh khiêm cung - đã đi ăn xin dù được trau chuốt bằng danh từ hoa mỹ nhận cúng dường thì sao có thể ngã mạn được

Thầy giảng giải cho bạn đầy đủ và tận tình, hắn đã không lời cảm tạ mà còn cười thầy, rồi nói:

- Thầy trả bài thuộc quá! Danh xưng tỳ kheo có ý nghĩa thâm trầm như vậy nhưng cớ sao thầy lại chê bai chạy theo danh xưng thượng tọa vô nghĩa để làm

gì?

Dù lời phê bình phát xuất từ người bạn thâm giao, song thầy Quang Lạc cũng giận tím người. Từ dạo đó, thầy lơ là với bạn. Nay trong hoàn cảnh cô đơn hiện tại, bỗng dưng thầy quên hết giận hờn. Thầy nhớ đến bạn, nhớ lại thời trẻ trung hồn nhiên vui vẻ, không phải mang hia, đội mũ, ràng buộc bởi một thứ danh vị phiền phức nào. Thầy gọi điện thoại đến Tường trong tâm trạng vui tươi ấy:

- A lô! Chào "Tề Thiên"!, thầy cười khà khà.

- Hí! Hí! Mạnh giỏi hả "Tam Tạng"!

- Tề Thiên đang làm gì đó?

- Cho thằng cháu ngoại xem phim Tây Du để nó học nghề nhà mà! Đang xem hồi thứ 18 đây!

Thầy Quang Lạc nhớ đến thời hai đứa đố Tây Du với nhau, nên vui vẻ ngâm nga hai câu khai mào:

- Chùa Quan Âm Đường tăng khỏi nạn,

  Xóm Cao Lão Hành Giả bắt yêu.

- Khâm phục! Khâm phục! Còn Tam Tạng có việc gì không?

Hồi thứ 28!

Bị đuổi xô Ngộ Không về Hoa Quả

Rừng Hắc Tòng Tam Tạng bị yêu.

Thầy vui đùa với bạn, buộc miệng đố giỡn chơi không ngờ vô tình lại nhắc đến giai đoạn Tam Tạng vừa nghe lời dèm xiểm của Bát Giái mà xua đuổi Ngộ Không, kế đó bị lâm nạn Huỳnh Bào cực kỳ nhục nhã. Thầy bỗng dưng liên tưởng đến hoạn nạn của thầy, rồi ngẩn ngơ thất thần, buông tiếng thở dài thậm thượt.

Không biết Tường có hiểu phần nào tâm sự của thầy không, mà hắn bỗng trổi một tràng cười giễu cợt, rồi la ơi ới:

- Ngộ Không ơi! thầy đang lâm nạn!

Mau quay về dẹp đám yêu tinh...

Như trong cơn mê sảng, thầy Quang Lạc cũng lập lại hai tiếng "Ngộ Không! Ngộ Không!" vô nghĩa. Rồi trong trạng thái thành khẩn kỳ lạ, thầy bắt đầu hồi tưởng lại quãng đời tu tập của mình. Ngày xưa nhờ nhân duyên hiếm có, thầy đã "ngộ được lý không", nhờ vậy mới phát hoằng nguyện xuất gia học đạo giác ngộ mong cứu độ chúng sanh ra khỏi bể khổ bờ mê. Những năm đầu dấn thân cho lý tưởng, người "hành giả" lúc nào cũng canh cánh "ngộ không" trong tâm,

nhờ vậy mới "ngộ năng" tinh tấn kiên trì "bát giới", hầu xứng đáng với danh vị "sa tăng ngộ tịnh", tức là một tăng nhân thanh tịnh ở cõi Sa bà. Thế rồi, sau thời sơ phát bồ đề tâm dõng mãnh đó, sư bắt đầu lăn xả lo việc giáo hội và đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. Sư được giáo hội trọng vọng, rồi đám Phật tử cứ thổi phồng lên khiến sư sung sướng chơi vơi với những lời ca tụng ở đầu môi chót lưỡi. Sư vô tình xua đuổi lý không lúc nào chẳng biết để rong ruổi theo

cái có giả tạm hời hợt như người thế tục. Đến xứ người, không có sư phụ kềm chế, cũng vắng bóng những bậc trưởng thượng tạo điều kiện thuận lợi cho “thế hệ trẻ” phóng túng, tự do phô trương đạo đức. Sư nói trăng nói cuội gì cũng được người vỗ tay cổ võ khiến sư càng ngày say mê cái danh dự hão, và cũng tưởng mình đã trở thành bậc đạo đức cao tăng ngông nghênh cuồng ngạo. Sư đã không còn “ngộ không” bên cạnh, thì dĩ nhiên Lão Trư dục vọng không ai

kềm chế, gần gũi sư mặc sức to nhỏ khuyến khích sư lặn hụp trong danh lợi và hưởng thụ những thú vui ở đời như kẻ thế tục. Mà sống trong một nước văn minh thì đâu thiếu món gì. Bao nhiêu thứ hấp dẫn bày biện sẵn sàng để thỏa mãn tối đa cho nhu cầu hưởng thụ của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân xác con người. Thật ra thì sư chỉ nuông chiều mình một chút xíu thôi, sư muốn sống thoải mái đầy đủ tiện nghi, thích thưởng thức nét đẹp, thích được ru bởi những âm thanh

ngọt ngào nhẹ nhẹ. Và, lần hồi… sư đã lãng quên hẳn lý tưởng tu tâm ngày trước, đến nỗi bị nội ma, ngoại ma phủ vây phá rối tan tành như tình trạng ngày hôm nay.

Sau phút suy tư, sư cương quyết chọn con đường rước “Ngộ Không” về để dẹp đám yêu ma và kềm chế Lão Trư lợn lòng. Sư lặng lẽ và trang trọng thắp hương lễ Phật. Sư chân thành cảm tạ Tam Bảo và cũng cảm tạ tiên sinh Ngô Thừa Ân, tác giả bộ Tây Du diễn nghĩa, từ mấy trăm năm trước đã có hậu ý nhắc nhở và chỉ điểm cho người hành giả những khúc quanh co lắc léo trên bước đường tu hành. Sư bắt đầu tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”:

“Bồ Tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu bát nhã ba la mật, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn. Nghe đây Xá Lợi Tử: Sắc chẳng khác gì không. Không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không. Không chính thực là sắc. Còn lại bốn uẩn kia, cũng đều như vậy cả…”

“Xá Lợi Tử nghe đây! Thể mọi pháp đều không: Không sanh cũng không diệt; Không nhơ cũng không sạch; Không thêm cũng không bớt. Cho nên trong tánh không: Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Không có sắc thanh hương vị xúc pháp.

Không có 18 giới. Không hề có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không lão tử, cũng không hết lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc…

Khi một vị Bồ Tát nương diệu pháp trí độ bát nhã ba la mật, thì tâm không chướng ngại, nên không có sự sợ hãi, xa lìa mọi mộng tưởng, xa lìa mọi điên đảo, đạt Niết Bàn tuyệt đối.

Chư Phật trong ba đời, y theo bát nhã ba la mật nên đắc vô thượng giác. Vậy nên phải biết rằng Bát nhã ba la mật là linh chú đại thần, là linh chú đại minh, là linh chú vô thượng, là linh chú tuyệt đỉnh, là chân lý bất vọng, có năng lực tiêu trừ tất cả mọi khổ đau ách nạn.

Cho nên tôi thuyết câu thần chú bát nhã ba la mật rằng: Gate. Gate. Paragate. Parasamgate. Bodhi svaha.”

Thầy tụng king khoan thai nhưng trang nghiêm thành khẩn. Thầy tụng một thời kinh, cho đến trăm thời kinh…, càng tụng càng cảm thấy rõ rệt từng lời kinh thẩm thấu thâm sâu vào tâm mình. Thầy chấm dứt thời kinh trong trạng thái cực kỳ an lạc. Một khi đã nắm vững được lý không, thì bao nhiêu điều lo lắng, buồn phiền, bao nhiêu bóng dáng ma quái yêu tinh đều tan biến không còn dấu vết. Như một đứa con hoang đàng quay trở về nhà, thầy cảm thấy mình hoàn toàn đổi mới, tràn đầy niềm tin và sức sống. Vạn vật hốt nhiên cũng thay đổi theo thầy. Tất cả bỗng trở thành thân thiết, đều chuyên chở tình thương yêu vô bờ và đều ảnh hiện Pháp Phật nhiệm

mầu. Thầy trang trọng nâng niu xếp quyển kinh nhật tụng, chấp tay chào kính chuông, mõ, tọa cụ…; vật dụng nào cũng thiêng liêng, và cũng là thiện tri thức của thầy trên bước đường hành đạo.

Đúng ngay thời điểm đó, trong tâm thầy bỗng có tiếng nói mong manh như tơ:

- Chúng nó đều là ma đó thầy! Thầy mau tránh xa thứ nguy hiểm đó, nếu không sẽ bị chúng hớp hồn thì làm sao về Tây phương được?

Có âm thanh khác nũng nịu, dễ thương hơn òn ỉ bên tai:

- Thầy đừng tin anh Ngộ Không! Ai ảnh cũng cho là ma quái cả. Chớ những thứ đó hiền khô, chẳng bao giờ hại ai đâu? Vả lại, thầy đạo đức thánh thiện, thầy đã hi sinh cả đời cho dân tộc và đạo pháp thì nếu hưởng thụ chút đỉnh cũng đâu đáng gì?

Mâu thuẫn nội tâm lần nầy không làm thầy phân vân bối rối. Người hành giả, trên bước đường tu hành chông gai trơn trợt, tuy có lần sẩy chơn vấp ngã nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Trái lại, thương đau cũ chính là những kinh nghiệm quí giá, kiến tạo cho thầy thêm niềm tin và nghị lực cho sự nghiệp giác ngộ. Thầy sẽ luôn luôn giữ “Ngộ Không” kề cận, thầy sẽ nghiêm trì giới luật, và dĩ nhiên không buông lung chạy theo những thú vui xem hát xướng, thú phè phỡn êm lưng nữa. Rồi thầy điềm tĩnh nhẹ nhàng mang ghế bành Lazy-boy, máy truyền hình, máy video và cả dàn nhạc âm thanh nổi ra khỏi phòng.

Bây giờ, câu châm ngôn thiền “Tam niên bất kiến Phật” hiển nhiên không còn phản ảnh tâm trạng thầy nữa. Thầy có cảm giác bình an hạnh phúc trong sự thương yêu chở che của chư Phật. Phật chẳng bao giờ xa lắc xa lơ hay mất dạng, mà vẫn luôn luôn hiện hữu trong tâm thầy như một giòng suối bàng bạc và bất tận.

Tháng 6.1990

GHI CHÚ:

* Tác giả vốn là kẻ hư thân buông lung dục lạc nên viết truyện nầy để tự trách mình và cũng để cảm tạ tiên sinh Ngô Thừa Ân, đã lưu lại hậu thế những bài học đạo pháp thâm trầm.

Tam Tạng pháp sư có nghĩa là vị sư tinh thông ba tạng kinh điển: Kinh, Luật, Luận. Trong truyện Tây Du, danh xưng Tam Tạng dụng ý chỉ cho Đại sư Trần Huyền Trang, một nhân vật có thực trong lịch sử nước Trung Hoa, thời nhà Đường Ngài rời nước năm 629 và trở về năm 645, tổng cộng là 17 năm: 4 năm đi đường và 13 năm tu học. Ngài mang về nước được 657 bộ kinh cùng vô số bảo vật, rồi bắt đầu phiên dịch ròng rã trong 19 năm được 75 bộ kinh, tính chung là 1330 quyển.

Tiên sinh Ngô Thừa Ân đời nhà Minh vốn là bậc Phật học uyên thâm, đã thần thoại hóa câu chuyện đi Tây Phương thỉnh kinh của Ngài Trần Huyền Trang, với những hình ảnh ma quái bên cạnh đám đệ tử huyền hoặc Tề Thiên, Bát Giới…

Có người cho rằng nhân vật Tề Thiên tượng trưng cho lý trí, và Bát Giái tượng trưng cho dục vọng thầm kín của con người. Lý trí hướng dẫn hành giả tinh tấn tu tập, còn dục vọng lại thúc đẩy con người thỏa mãn những nhu cầu thầm kín “rất người”, nên vẫn được hành giả mến yêu hơn.

Cũng có thuyết chủ trương Tề Thiên tượng trưng cho ý thức, lăn xăn như khỉ vượn, thoạt biến thoạt hiện cực nhanh như “cân đẩu vân”, khôn ngoan mưu mẹo trăm phương ngàn kế… như được võ trang bằng 72 phép thần thông biến hóa. Ý thức tài ba, tự tôn tự đại nên mới nảy sinh mộng Tề Thiền Đại Thánh khống chế cả Trời Đất, mãi đến khi bị núi nghiệp đè nặng không vùng vẫy nỗi mới “ngộ không” để trở nên một hành giả học Phật tu thân. Ngũ thức nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân… được thể hiện qua hình ảnh Trư Bát Giới, một thứ “heo lòng”, tuy cũng có chút đỉnh thần thông nhưng nặng nề ô trược vì dễ nhiễm trần. Riêng Sa Tăng tượng trưng cho mạt na thức và a lại da thức, hiện hữu lờ mờ và thứ yếu đối với con mắt kẻ tục, nhưng nó lại tàng trữ hạt giống thanh tịnh thường hằng. Ý thức, tức Ngộ Không, tuy cực kỳ tài ba, đối phó với Trời Đất dường như không đối thủ, đụng độ với ma lòng thì thảm bại gian nan, chỉ có phương cách truy nguyên nguồn gốc của ma hay nương vào tha lực, cầu Bồ Tát Quan Âm mới mong diệt trừ chúng được.

Kiến giải của tiên sinh cao thâm, mà sự hiểu biết của tác giả lại nông cạn nên tác giả chỉ mạo muội trình bày vài nhận định sơ lược, chớ không dám đi sâu vào tư tưởng cao siêu của tác giả. Kính mong được những bậc cao nhân niệm tình chỉ giáo.

Tác giả cẩn chí.

 

Các tin đã đăng: