Duyên phận
HOÀNG TÁ THÍCH
26/04/2015 23:21 (GMT+7)

Chuyện  kể một  chàng  thanh  niên  đi tìm người  đàn  bà  cho  cuộc  đời  của  mình. Anh chàng tự thấy mình đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, nên hết sức kén chọn. Gặp cô nào anh cũng chê là không được hoàn toàn. Mặc dù cô nào cũng đẹp, nhưng cô thì không có duyên, cô thì học dở, cô thì có dáng đi thô… cô này thế này, cô kia thế khác. Tóm lại, chưa có cô nào làm anh ta vừa ý cả.

Sau cùng thì anh ta chọn được một người phụ nữ, có thể gọi là hoàn hảo, sắc nước hương trời, đủ mọi điều kiện. Nhưng chỉ một thời gian quen biết, cô gái này chia tay với anh, lý do anh không phải là một người đàn ông hoàn hảo để sánh duyên với cô ta, vì tính tình có hơi kiêu ngạo, cứng nhắc trong mọi vấn đề… Đấy là chưa kể lấy nhau về, lỡ phải nghe anh ta ngáy quá lớn, hay mùi mồ hôi chân rất khó chịu v.v. và v.v. thì chưa biết còn ra thế nào. Ấy là chưa nói đến những yếu tố quan trọng khác. Nghe nói, cuối cùng thì anh ta đã kết hôn với một người phụ nữ mà bên ngoài trông có vẻ tầm thường hơn bất cứ người nào anh đã từng chê bai.

Chuyện đời là thế. Ai cũng thấy mình hoàn hảo và ít khi soi gương nhìn kỹ lại bản chất đích thực của con người mình. Đã có những nghiên cứu cho thấy những người tài hoa nổi tiếng nhưng, nói chung là người của quần chúng, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, vì người ta yêu thích người nổi tiếng chẳng qua là do cái tài, cái nổi tiếng của người ấy mà thôi. Ngoài ra, họ chẳng biết và cũng chẳng cần tìm hiểu chút gì về con người thực của người ấy cả.

Những biểu hiện bên ngoài như sắc đẹp, duyên dáng chỉ là cái cầu bắc cho người khác đến với mình lúc ban đầu; nhưng  một khi đã đi vào bên  trong  với nhau  thì còn không biết bao nhiêu là sự khác biệt. Vì thế, người ta thường nghĩ rằng gặp được nhau ít nhiều cũng do cái số trời định một phần thì mới có thể ở với nhau lâu dài hơn.

Tôi có một người chị họ đã lớn tuổi ở một thành phố khác nên thỉnh thoảng  mới gặp nhau. Một hôm tôi đến thăm  và ở lại với hai vợ chồng  chị. Nhà có hai phòng ngủ mà chỉ có hai vợ chồng chị, nên vẫn còn một phòng trống. Tuy nhiên tối hôm đó, thay vì để tôi ngủ ở phòng ngủ bên cạnh thì bà chị tôi lại bảo: “Có lẽ em nên chịu khó ngủ ở phòng  khách, thay vì ngủ bên cạnh phòng anh chị thì sẽ dễ ngủ hơn”. Tôi không hiểu ý của bà chị, nên tôi vẫn ngủ phòng bên cạnh. Đến chừng nửa đêm, tôi nằm chiêm bao, thấy bị một chiếc xe lửa chạy ngang qua người. Tôi hoảng  hồn giật mình tỉnh giấc nhưng hình như tiếng xe lửa vẫn còn. Định thần lại, mới hay không còn tiếng xe lửa trong giấc mơ nữa, mà là tiếng ngáy của ông anh họ tôi vang lên ầm ầm chẳng khác gì tiếng xe lửa. Ông ngáy đến rung nhà rung cửa, và tiếng ngáy khủng khiếp của ông đã đi vào giấc ngủ của tôi làm thành  giấc chiêm bao kinh hoàng  đó. Đến sáng, bà chị tôi cười hỏi hôm qua ngủ có ngon không, tôi chỉ biết cười. Tôi hỏi anh ấy ngáy lớn như thế làm sao chị có thể ngủ được. Chị cười trả lời: “Hồi mới lấy nhau, anh ngáy nhỏ hơn, càng ngày càng lớn. Riết rồi quen đi, bây giờ có tiếng ngáy của chồng lại thấy dễ ngủ!”. Thế mới biết vợ chồng đúng là duyên nợ. Như ngày xưa lúc chưa lấy nhau, nếu biết người đàn ông ngủ mà ngáy khủng khiếp như thế thì hỏi bà chị tôi có dám lấy không?

Bà chị ruột của tôi lúc đã ngoài tám mươi thì ông anh rể tôi bị tai biến và sau đó, ông nằm bất động trên giường trong tình trạng chín mê một tỉnh đến sáu năm. Qua năm thứ bảy thì ông lìa đời. Hôm lên thăm đám, thấy bà chị tôi ngồi đăm chiêu nước mắt rưng rưng. Tôi ngạc nhiên, vì vẫn nghĩ rằng sau sáu năm phải chăm sóc một người nằm bất động như một món nợ, thì lúc ông ra đi, chị tôi phải thấy được giải thoát  phần  nào. Nhưng chị tôi giải thích: “Buổi sáng thức dậy không còn thấy anh nằm đó nữa, bỗng nhiên thấy buồn buồn. Dù không nói chuyện với nhau, nhưng nhìn thấy anh như một thói quen suốt sáu năm nay rồi”.

À, thì ra là một thói quen. Bây giờ tôi mới nghĩ ra, vợ chồng  là thế. Cuộc sống lâu dài bền  bỉ của hai người không bà con thân thích kết với nhau, đều là nhờ những thói quen. Lúc mới lấy nhau, nàng là một cô gái trẻ đẹp. Sinh một đứa con, thân hình đã có thay đổi. Chừng sau vài ba lần sinh đẻ, thì đâu còn được như xưa. Ngực bắt đầu xệ xuống chút ít, mỡ bụng bắt đầu chiếm mất eo thon. Rồi ngày càng già. Nếu người chồng  lúc nào cũng so sánh vợ mình với hình ảnh người con gái lúc mới yêu nhau thì chắc chắn không thể nào ở với nhau lâu dài. Nhưng nhờ yêu vợ thương con mà chẳng bao giờ thấy vợ mình xấu đi cả. Đó cũng là thói quen. Có những thói quen tốt, cũng như có những  thói quen không tốt. Sinh hoạt gia đình thường xuyên là một thói quen. Những bữa cơm họp mặt cha mẹ với con cái cuối tuần cũng là thói quen. Vợ chồng chung giường hay riêng phòng cũng là thói quen. Những thói quen tốt giúp vợ chồng lúc nào cũng cảm thấy• \sự hiện diện quen thuộc của nhau.

Bởi vậy,  chung  chung, có  thể  nói  vợ chồng  lấy nhau là do duyên phận. Ở với nhau lâu dài được lại là có duyên, có nợ với nhau, vì lúc chưa lấy nhau thì có thể kén chọn đủ điều, nhưng dù sao thì cũng chỉ biết nhau một phần nào mà thôi. Sống với nhau suốt đời, tất cả đều phải chung đụng, chấp nhận những cái mà trước đây chưa hoàn  toàn  biết nhau. Ban đầu thì cái gì giữa hai người cũng đều đẹp đẽ, lãng mạn, nhưng sau này đâu phải lúc nào cũng thế. Ngủ dậy, mắt có ghèn,  miệng  chảy nước dãi, ngủ  thì ngáy quá lớn… Nếu chỉ nhìn nhau bên ngoài như lúc mới gặp nhau thì chắc chắn không thể sống với nhau lâu dài được. Lẽ vô thường hiện diện trong tất cả mọi vật, trong từng giây phút của cuộc sống. Bạn bè gặp nhau cũng là duyên, gặp nhau là duyên kết, hết với nhau là duyên tận, có thể đau buồn  nhưng  không đến nỗi là thảm kịch. Vợ chồng thì không phải như thế.

Người Pháp phân biệt hai thứ tình có thể nói là rất chính xác: Tình yêu và tình nghĩa.

Lúc mới yêu nhau, thề non hẹn biển, một túp lều tranh hai quả tim vàng, vì đang  còn thời kỳ lãng mạn, gọi là Amour (tình yêu) với chữ A viết hoa. Lấy nhau một thời gian, tình yêu trở thành tình nghĩa (Amour conjugal), chia sẻ với nhau mọi thứ. Con cái là một ràng buộc giữa hai người, cũng phải chia sẻ với nhau. Chia sẻ đủ mọi thứ từ vật chất đến tinh thần. Nếu có những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được giữa hai vợ chồng để phải đi đến chia tay nhau thì âu cũng là cái số, nhưng con cái vẫn là một vấn đề của cả hai. Chuyện phải chia tay cũng khó mà nói được, đắp chăn mới biết chăn có rận. Có ai lường được người đàn ông lịch sự thế kia một hôm nào đó lại có thể dang tay đánh vợ? Có ai ngờ lấy nhau một thời gian, vợ sinh chứng cờ bạc, nướng hết tiền của vào sòng. Vợ chồng hai ngả hai đường có thể lập gia đình với người khác, nhưng vẫn còn một thứ bổn phận chung để ràng buộc nhau là con cái cho đến khi chúng trưởng thành, lập thân được. Thực sự chẳng cặp vợ chồng nào muốn chuyện chia tay xảy ra. Vì vậy muốn cùng sống với nhau lâu dài thì phải biết tha thứ nhường nhịn, chấp nhận phần nào hai chữ duyên số, và biến tất cả thành những thói quen. Vợ chồng sinh chứng, sinh tật cũng chỉ vì không có hạnh phúc, không có sự hòa hợp yêu thương giữa hai người.

Đàn ông nhậu nhẹt đã đành, đàn bà hút thuốc cũng thành thói quen. Thói quen một khi đã thành lập, khó mà phá bỏ được. Chồng lớn tuổi hơn vợ xưng hô anh em là chuyện đã đành. Ngang tuổi nhau thì xưng tên, nhưng có bao giờ vợ lớn tuổi hơn chồng mà nghe xưng hô chị em đâu?

Thói quen  là một lợi khí để có thể sống với nhau răng long tóc bạc. Trịnh Công Sơn trong một ca khúc chiết  giải về tình  yêu, cũng  đã  viết: “Tình yêu, như thương áo, quen hơi ngọt ngào” là thế đấy. ■

Các tin đã đăng: