Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể
theo cả ba đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo ông bà nữa mà trong lương tâm họ
không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như
những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái. Những bài
thuyết giảng này chống lại mọi biểu hiện của tà giáo và tà đạo, khi các
bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và
sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israen đầu tiên được thành lập,
với các vua David, rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu
ước.Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận
tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy
mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp
một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân
sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục
hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo, bởi lẽ
niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó.