Kẻ bị si ám
NGUYÊN SI
26/09/2014 16:00 (GMT+7)

Ngày xưa, có một gã Samourai đi câu bên bờ suối, câu mãi mới được một con cá. Gã sửa soạn đem đi nướng ăn thì bỗng nhiên từ trong bụi rậm có một con mèo vụt ra, cuỗm lấy cá, chạy đi. Gã nổi xung, tuốt kiếm đuổi theo và chặt con mèo ra làm hai đoạn. Cơn giận tiêu tan, gã đâm ra ăn năn, hối hận. Bởi vì gã vốn là một người Phật tử.

Trên con đường về, gã nghe như gió thổi trong cành lá tiếng “meo”. Mỗi bước đi của gã dường như vang lên tiếng “meo”. Những người qua lại trên đường nói chuyện lao xao với những tiếng “meo”. Bạn bè cũng giễu cợt gã bằng tiếng “meo”. Ngay cả trong ánh mắt những đứa con gã cũng phản chiếu tiếng “meo”. Mỗi lần chớp mắt là gã mơ thấy tiếng “meo”. Tỉnh dậy, chung gã tất cả là “meo”. Chính gã cũng trở thành “meo”…

Cuối cùng, mất ăn mất ngủ, gã Samourai thân hình tiều tụy chỉ còn là cái xác không hồn. Gã tìm đến một ngôi chùa gặp một vị thiền sư già và xin ngài giúp đỡ:

Bạch sư phụ, xin sư phụ cứu vớt con… con không thể nào chịu đựng được nữa”.

Nghe kể lại sự tình xong, vị thiền sư thở dài, cau mày quở trách: “Làm sao một võ sĩ như ngươi có thể hèn mạt như thế được? Nếu không thắng được những tiếng “meo” kia, thì ngươi chỉ còn có một cách là tự sát. Không còn có con đường nào khác hơn, là tự là Harakiri, ngay bây giờ và tại đây! Nhưng vì lòng từ bi, ta sẽ không để ngươi đau đớn, bằng cách chém phăng đầu ngay, sau khi ngươi bắt đầu tự mổ bụng”.

Gã cúi đầu lạy tạ, tuy trong lòng vô cùng kinh sợ cái chết. Sau khi sửa soạn nghi lễ xong, gã ngồi xuống, vạch áo, hai tay cầm chiếc dao hướng vào bụng mình. Vị thiền sư đứng sau gã, giơ cao kiếm: “Bắt đầu đi!” ông ta ra lệnh.

Gã Samourai từ từ đặt lưỡi dao vào bụng mình, mồ hôi nhỏ giọt, ngay lúc đó, vị thiền sư lên tiếng: – Còn nghe tiếng “meo” không?

- Chao ôi, không… thật lúc này con không nghe thấy gì hết!

- Vậy, nếu không còn tiếng “meo” thì không cần phải chết…

      Câu chuyện trên đây làm tôi tưởng nhớ tới một câu chuyện đã đăng trong “Gió nội” cách đây khoảng vài ba chục năm…

     Có một anh chàng bị bệnh tâm thần, cứ tưởng mình là một hạt thóc, nhìn thấy con gà nào cũng cuống quýt lên chạy trốn. Anh đi chữa bệnh bằng Phân tâm học, và sau một thời gian điều trị, tình trạng đã có vẻ khả quan. Khi chia tay bác sĩ, anh nói với một giọng quả quyết: “Bác sĩ cứ yên tâm, tôi khỏi bệnh rồi. Tôi là một con người, không phải là một hạt thóc”. Nhưng chỉ vài phút sau, anh hối hả trở lại phòng mạch, mặt cắt không còn hột máu. “Con gà… con gà nó đuổi tôi”, anh lắp bắp. Sao vậy? Người bác sĩ ngạc nhiên. Anh khỏi rồi mà. Anh đâu phải là hạt thóc. Vâng, anh chàng buồn bã trả lời. Vẫn biết tôi không phải là hạt thóc nhưng khốn nỗi con gà vẫn tưởng tôi là hạt thóc…

     Dĩ nhiên, đây không phải là một câu chuyện Thiền, mà là một trường hợp bệnh tâm thần có thể xếp vào loại bệnh hoang tưởng suy diễn (délire d’interpetation), là một loại bệnh khá thông thường. Ngoài những trường hợp nặng như trên, thì còn biết bao nhiêu là trường hợp nhẹ, và phải công nhận rằng giữa người bệnh và người không bệnh, ranh giới đôi khi cũng không có gì là rõ rệt…

    Nói như vậy thì trong một chừng mực nào đó, chúng ta đều là những “kẻ bị ám”. Chúng ta đều là nạn nhân của trí tưởng tượng của mình, vừa là tác giả của những vọng tưởng đó. Trong suốt cuộc đời, con người tự tạo nên cho mình bao nhiêu là vọng tưởng, và chính những vọng tưởng đó là nguồn gốc của tâm bệnh, của khổ đau.

    Nhưng bạn sẽ hỏi ngược lại, nếu không có tưởng tượng thì làm gì có câu chuyện để nói? Làm gì có con người, làm gì có khổ đau, làm gì có cuộc sống? Bởi vì, nếu “nắng mưa là bệnh của trời”, thì có lẽ “tưởng tượng (chứ không hẳn là tương tư) là bệnh của tôi với người”…

     Phải lắm, đặc tính con người là ở đó, ở cái khả năng tạo dựng nên trong tâm thức của mình những gì không có thực, những gì hoàn toàn giả tạo. Thế rồi mình cứ khư khư ôm lấy, hay bị ám ảnh bởi những điều tưởng tượng đó, và yên trí chúng là sự thực, sống với chúng như là sự thực.

     Những sự thực tưởng tượng đó không phải chỉ là những “tiếng mèo kêu” hay “người hạt thóc” trong câu chuyện. Chúng còn mang muôn hình vạn trạng: một hình ảnh chợt hiện trong đầu, một câu nói, một điệu nhạc xưa, một ý nghĩ. Phải chi…, giá mà…, đáng lẽ…, biết đâu…, ngộ nhỡ…, hay là…, một lời phê phán, một dự án… tất cả những gì gây nên dao động thần trí, bằng cách nào tạo dựng một tấm màn hỏa mù che đậy thực tại, lôi cuốn con người trong mê sảng, mộng mị, huyền hoặc, mơ hồ, nhớ thương, tiếc nuối, lo sợ, nghi vấn…

      Muốn thoát khỏi sự thống trị gần như thường trực của vọng tưởng, thì chỉ còn một cách: sống với thực tại để nhận chân thực tại, và như vậy hủy bỏ được khổ đau. Đó chính là mục đích của đạo Phật: diệt khổ bằng con đường giác ngộ.

     Xét cho cùng, đạo Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn, tựu trung cùng hướng về một điểm, đó chính là huệ bằng cách định tâm của mình. Muốn định được cái tâm , thì phải gạt bỏ mọi dấy động phát xuất từ bên trong mình, những vọng tưởng, tạp niệm, thành kiến, suy luận, tính toán, giải thuyết, chấp trước… tất cả những gì làm vẩn đục nhận thức và che giấu thực tại.

     Người ta cứ tự mình gây nên bao nhiêu điều phức tạp. Ngay cả sự thật cũng tìm nó ở đâu đâu, như chạy theo “lông rùa sừng thỏ” ư. Trong khi đó, sự thật giản dị vô cùng, nó như vậy và chỉ là như vậy. Nhưng chính vì giản dị, cho nên mới khó liễu đạt được. Làm sao cho mây tan thì trăng mới hiện.

     Trong câu chuyện trên, gã Samourai ngày đêm bị ám ảnh bởi tiếng kêu của con mèo mình lỡ giết, cho tới khi lưỡi đao đè vào bụng, cái chết gần kề, mới thực sự định được cái tâm của mình. Lúc đó gã mới chú tâm vào thực tại, mới đạt được chánh kiến, và lúc bấy giờ dĩ nhiên không còn vọng tưởng, tức là không còn nghe thấy tiếng mèo kêu! Thói thường, khi người ta vừa thoát khỏi cái chết mới hiểu được giá trị của cuộc sống…

     Này bạn, còn nghe thấy tiếng mèo kêu không?

     “Meo!”

    (Ô hay, không biết con mèo nào đã sống dậy hay mình còn vọng tưởng?).

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 31 | 

Các tin đã đăng: