Thiền sư Đại Điên và Hàn Vũ
21/07/2010 09:34 (GMT+7)

Trong lịch sử phong kiến  Trung Quốc, phần đông  các vị vương của các triều đại đều kính tín Phật pháp. Nói đến sự thịnh trị của các triều đại, nhà Đường là một trong những triều đại tồn tại lâu nhất. Đế chế này có 21 đế vương ở ngôi, trị vì tổng cộng 288 năm, chưa kể những đế vương trong thời Hậu Đường. Ở vào thời này, có không biết bao thiền sư, đại sĩ, cao tăng, danh tăng nối nhau hoằng dương Phật pháp, làm tông chủ một thời, đưa Phật giáo lên đến đỉnh cao của sự hưng thịnh. Bên cạnh những thiền sư xiển dương Phật pháp, truyền trì mạng mạch, các ngài như: Nghĩa Tịnh, Huyền Tráng, Pháp Tạng, Đạo Tuyên, Khuy Cơ, Trừng Quán v.v… đã góp phần không nhỏ cho nền lịch sử Phật giáo Trung quốc, bình sinh đế vương kính trọng, xả thân sử sách lưu danh.

Trải suốt chiều dài lịch sử, triều đại nào cũng vậy, song song với những quân vương, đại thần hết mình hộ trì Phật pháp, có không ít nhân chủ, quan lại bài xích Sa môn, tàn diệt Phật giáo. Riêng trong nhà Đường, đế vương như: Cao Tổ, Vũ Tông; đại thần như: Phó Dịch, Lý Huấn, Hàn Dũ v.v… đều là những người cật lực chủ trương chống đối Phật giáo. Trong hàng quan lại của triều đình, Hàn Dũ (768-824) là nhân vật tương đối đặc biệt. Ông vừa là mệnh quan có quyền cao chức trọng trong triều, vừa là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn. Đọc qua một số văn phẩm của ông trong Cổ văn quan chỉ, chúng ta thấy rõ tài học vấn uyên bác, lý luận sắc bén, tư tưởng vượt trội của ông, cũng như đỉnh cao của nền văn học, nghệ thuật đương thời. Hàn Dũ tự Thoái Chi, quê ở Xương Lê, đỗ tiến sĩ, giữ chức Hình bộ Thị lang dưới thời Đường Hiến Tông. Do dâng biểu can ngăn vua rước xá lợi, nên bị đày đến làm Triều Châu thứ sử, sau đổi làm Viên Châu thứ sử, bái phong chức Quốc Tử Tế tửu, chuyển làm Lại bộ Thị lang. Ông mất, vua Đường  truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, truy thụy là Văn công. Đời Tống, trong năm Nguyên Phong, ông được truy phong tước Xương Lê bá. Trong số này, GN xin trích đăng tờ biểu bài xích Phật giáo của Hình bộ Thị lang Hàn Dũ và cơ duyên Thiền sư Đại Điên khai thị cho ông, để thấy những nhận thức sai lệch của Hàn Dũ đối với Phật giáo và sự chuyển hóa tâm thức của ông khi hội ngộ vị thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa: Đại Điên.
                                                                   * * *
Tháng Giêng năm Nguyên Hoà thứ 14 (820), Đường Hiến Tông rước xá lợi Phật từ chua Pháp Môn ở Phụng Tường vào cung. Vua ngự ở An Phước môn nghinh bái, giữ lại trong cung cúng dường ba ngày rồi đưa đến các chùa. Vương công, quan dân đua nhau đến lễ bái. Tăng chúng uy nghi tề chỉnh, tấu nhạc của Thái Thường, Vạn Niên, Trường An, cờ xí rợp trời, trống chiêng tưng bừng, diễu khắp phố xá.

Hình bộ Thị lang Hàn Dũ dâng biểu can rằng: “Phật là một trong những phép của mọi rợ, lưu nhập vào Trung Quốc từ thời Hậu Hán chứ thời thượng cổ chưa từng có. Xưa Hoàng đế ở ngôi 100 năm, thọ 120 tuổi; Thiếu Hạo ở ngôi 80 năm, thọ 100 tuổi; Chuyên Húc ở ngôi 79 năm, thọ 98 tuổi; Đế Khốc ở ngôi 70 năm, thọ 105 tuổi; Đế Nghiêu ở ngôi 98 năm, thọ 118 tuổi; Đế Thuấn và ông Vũ cũng đều thọ cả trăm tuổi. Lúc này thiên hạ thái bình, trăm họ an vui, sống lâu trăm tuổi, nhưng Trung Quốc chưa từng có Phật. Kế đó vua Thang cũng thọ trăm tuổi, cháu vua Thang là Thái Mậu ở ngôi 75 năm; Vũ Đinh ở ngôi 59 năm, sách sử không ghi họ thọ bao nhiêu, nhưng cứ theo năm ở ngôi mà tính chắc chắn họ sống không dưới trăm tuổi. Chu Văn vương thọ đến 97 tuổi, Vũ vương thọ 93 tuổi, Mục vương ở ngôi cả trăm năm, nhưng lúc này Phật pháp cũng chưa truyền vào Trung Quốc, rõ ràng không phải nhờ thờ Phật mà được như vậy. Thời Hán Minh đế mới có Phật pháp. Minh đế chỉ ở ngôi có 18 năm, sau đó thì liên tục loạn lạc, vận nước ngắn ngủi. Tống, Tề, Lương, Trần, Nguyên, Ngụy về sau thờ Phật càng nghiêm cẩn, nhưng niên đại càng ngắn. Chỉ có Lương Vũ đế ở ngôi 48 năm, cả thảy ba lần xả thân thờ Phật, tế tự tông miếu không giết sinh vật, ngày ông ăn một bữa, chỉ ăn rau dưa, sau bị Hầu Cảnh bức ngăt chết đói ở Đài thành, đất nước cũng diệt vong, thờ Phật cầu phước trái lại bị tai ương. Từ đó mà xét, đủ thấy Phật không đáng tin. Cao Tổ mới nhận ngôi nhà Tùy liền bàn dẹp trừ đi, lúc ấy quần thân thấy biết cạn cơt, không thấu hiểu đạo của Tiên vương. Thần hận rằng, những đế vương thánh minh xuất thế cứu cái tệ cho đời từ xưa đến nay nhưng lại không được nhắc đến, cúi mong Duệ Thánh Văn Vũ Hoàng đế Bệ hạ minh giám! Trong mấy trăm ngan năm lại đây chưa có ai sánh bằng họ.

“Vừa mới lên ngôi, Cao Tổ đã không cho độ dân làm Tăng Ni, không cho đạo sĩ dựng Tự quán riêng. Lúc ấy thần cứ nghĩ chí nguyện của Cao Tổ sẽ được Bệ hạ thi hành, giả sử chưa thể thi hành thì cũng đâu thể để bọn họ lớn mạnh thêm lên? Nay Bệ hạ sai cả bầy Tăng rước xương Phật ở Phụng Tường, còn mình ngự trên lầu cao xem, cho bọn họ đưa vào đại nội, lại còn cho các chùa thi nhau cúng dường. Thần tuy ngu muội, nhưng biết chắc Bệ hạ không bị mê hoặc Phật mà sùng phụng như vậy, mà cốt là cầu vận nước lâu bền, muôn dân an lạc, thuận theo lòng người bày trò lạ mắt để quan dân ở kinh đô xem. Đó chỉ là trò đùa, lẽ đâu quân vương sáng suốt lại chịu tin và làm như vậy! Bá tánh ngu muội dễ bị mê hoặc đã xong, còn như Bệ hạ anh minh đến thế mà cũng tin theo, muôn dân tất sẽ nói: “Thiên tử là bậc Đại thánh mà còn một lòng tin theo, bá tánh so với Phật quá thấp hèn lẽ đâu lại tiếc thân mệnh”. Nhẫn đến lắm kẻ tụm năm tụm bảy đốt tay đốt đầu. Rồi đây sẽ có không biết bao kẻ cúng áo, vãi tiền suốt từ sáng đến tối. Cứ thế bắt chước làm mãi, sợ rằng về sau cả già lẫn tre cứ bôn ba, bỏ hết công ăn việc làm. Đã không cấm cản ngay lại còn cho đưa đến các chùa, ắt có kẻ chặt tay phanh xác để cúng dường, làm bại hoại phong tục, làm trò cười cho thiên hạ. Đó đâu phải việc nhỏ!

“Phật vốn là người mọi rợ, không cùng ngôn ngữ với nước ta, ăn mặc quái dị, miệng không biết nói phép tắc của tiên vương, thân không biết mặc pháp phục của tiên vương, chẳng biết đạo nghĩa vua tôi, chẳng biết tình thân phụ tử. Giả sử Phật kia còn sống, tất sẽ làm theo quốc mệnh đến nước ta triều cống, Bệ hạ thương tình mà tiếp ông ấy, bất quá tuyên chiếu tiếp đãi như khách, ban cho một cái áo, cho một đoàn hộ vệ đuổi ra khỏi nước để khỏi mê hoặc mọi người. Huống gì, ông ấy đã chết lâu rồi, xương cốt tiêu tan, chút hôi hám còn lại này há đáng đem vào cung cấm ư! Khổng Tử nói: “Với quỷ thân thì kính nhưng lánh xa họ”. Ngày xưa chư hầu viếng tang những nước ở mọi rợ, phải sai đồng cốt trù ém, trước dùng đào để trấn quỷ, dùng chổi lau quét hết những điểm chẳng lành, sau đó mới vào điếu tang. Nay Bệ hạ vô cớ đem vật xú uế vào cung, đích thân đi xem, trước chẳng dùng đồng cốt trù ém, sau chẳng lây đào, chổi lau trừ khử điềm chẳng lành, quần thần chẳng vạch sai, ngự sử chẳng chỉ trái, thần thật xấu hổ! Dám xin Bệ hạ cho đem khúc xương ấy vất xuống nước, vùi vào lửa để đào sạch gốc rễ, đoạn mối nghi cho thiên ha, chặt mê lầm cho đời sau, khiến bàn dân thiên hạ biết việc làm của bậc Đại thánh vượt hẳn thói tầm thường. Như Phật có thiêng hay ban phước giáng họa, thì hãy đổ tất cả tai ương lên đầu thần. Mong trời cao chứng giám, thần quyết không oán hận”.

Vua nổi giận, cầm tờ biểu đưa cho Tể tướng bảo lôi Dũ ra chém. Bùi Độ, Thôi Quần, can: “Dũ nói năng ngỗ ngược, tội thật đáng chết, nhưng nếu trong lòng không ôm chí trung thì đâu dám nói như vậy, mong Bệ hạ khoan dung để sau này còn có người đến can gián”.

Vua nói: “Dũ nói ta phụng Phật thái quá, tội ấy còn có thể dung tha; còn như bảo rằng Thiên tử từ Đông Hán về sau thờ Phật đều bị chết sớm, Dũ là bề tôi mà dám ngông cuồng đến như vậy, lẽ đâu tha được!”.

Vương công, cựu thần liều chết xin cho, Dũ mới được tha chết, bị đày đến làm Triều Châu thứ sử. Vừa mới đến Triều Châu, Dũ dâng biểu ai tạ khuyên vua, đông phong Thái sơn, nhưng lâu ngày chẳng có tin báo. Nhân đi tế thần ở Hải Thượng, Dũ lên Linh Sơn gặp Thiền sư Đại Điên. Đại Điên hỏi Dũ:
- Ông về Nam làm quan nghe đâu do nói năng thẳng thắn, nay trông ông u sầu như có điều không vừa lòng là tại sao vậy?
Dũ đáp:
- Dũ tôi được trọng dụng trong triều, hưởng bổng lộc hậu hỷ, một sớm lời ngay không được dùng, mất chức Hình bộ Thị lang, bị đày đến Hải Thượng xa hơn 8.000 dặm, vượt qua biển núi, vợ con chết cả. Lúc đến Triều Dương, gặp phải cá dữ sóng to, tai họa khôn lường, sương độc khí bệnh, ngày đêm phát tác, bệnh càng thêm nặng, tóc bạc răng rụng. Nay lại bị đày đến chỗ không người như vầy, mạng sống này há giữ được ư! Trên đường đến đây, tôi ghé miêu Quảng Lăng cầu khấn, may nhờ sức thần chết quách cho khỏi lo, để Chúa thượng đem công trung hưng của tôi viết trên tấu chương, sai Định Lạc Chương tấu công với thần minh, về đông lên Thái sơn tấu công với Hoàng thiên, nếu may ra toại ý thì ngõ hầu được Chúa thượng triệu Dũ này về, thuật làm thơ ca công đức mà tế ở Giao miếu vậy. Tôi ngày đêm trông ngóng nhưng vẫn bặt tin tức, sốt ruột mong về mau thì làm sao vui được!

Đại Điên nói:
- Lời thẳng thăn của ông trong triều là trung với vua không đếm xỉa đến thân mình, hay là vì bản thân mình nói càn để chạy theo danh? Trung với vua chẳng đếm xỉa đến thân, nếu lời ấy được dùng thì ông được vinh hoa, còn vua không nghe thì ông bị mất chức, đó là lẽ tất nhiên, cớ gì phải ôm ấp mãi trong lòng làm gì! Còn nếu vì bản thân rồi nói càn, lời ấy vua nghe thì ông được tiếng là ngay thẳng, hưởng cái lợi từ lời nói, nếu vua không nghe thì tất bị đuổi, đó cũng là lẽ dĩ nhiên. Nếu trung mà bị đuổi, thì sao ông đừng nói có hay hơn không! Tôi nghe, kẻ làm bề tôi không chọn nơi yên mà ở, không lượng thế mà đi, nay ông bị đuổi cho nên không vui, xu thời mà chạy theo danh, quả không phải là bê tôi trung chánh. Vả lại, sống chết họa phước của ông lẽ đâu không treo trên trời? Ông bên trong thật tâm tu sửa, bên ngoài hãy chịu mệnh đi! Ở Quảng Lăng ấy há tạo phước cho ông được chăng? Chúa thượng vì gian tà tranh nước, lo thảo phạt không rảnh tay, chỉ có thể dẹp yên nhưng mầm mống chưa dứt hẳn. Ngay lúc này đây, ông lại muốn phong Thiền cáo công để sách loạn thiên hạ, chủ ý là để mình được về triều, ông nhẫn tâm làm được ư! Còn nữa, do cùng quẫn, bấn loạn rồi cầu khấn quỷ thần là ông không biết Mệnh; náo động thiên hạ nhưng chẳng đếm xỉa, cốt có lợi cho mình mà thôi là ông không biết Nhân; nói càn để chứng tỏ mình trung, gặp khốn thì uất ức bi lụy là ông không biết Nghĩa; lấy loạn làm trị để cáo với Hoàng thiên là ông không biết Lễ, ấy vậy mà ông vẫn làm. Ông bị đày là do nói việc gì?

Dũ đáp:
- Chúa thượng rước xương Phật vào đại nội, tôi cho Phật là phép tắc của mọi rợ, thời Tam đại không có Phật nhưng vận nước lâu bền; Tống, Lương, Ngụy thờ Phật nhưng không chết yểu thì cũng loạn lạc. Tôi sợ Chúa thượng bị mê hoặc cho nên không nghĩ đến bản thân ra sức bài xích.

Đại Điên nói:
- Nếu vậy thì ông nói sai rồi. Phật là Đại thánh che khắp trời người. Đạo Phật thấu tỏ vạn vật mà lập ngôn, lời Phật thấu cùng lý của tánh mệnh, giáo pháp thì bỏ ác hướng thiện, bỏ ngụy về chân. Phật đối với thiên hạ như cha đối với con, nhưng ông phỉ báng thì chẳng khác nào con lại đi giết cha. Tôi nghe, người khéo quán sát người khác là xem đạo của họ tồn tại thế nào, chứ không so đo nơi họ ở. Vua như Kiệt, Trụ; bề tôi như Chích, Kiều đều là người Trung Quôc nhưng đâu thể noi theo, vì họ là kẻ vô đạo. Thuấn sanh ở Đông Di, Văn Vương sanh ở Tây Di, Do Dư sanh ở rợ Nhung, Quý Trát sanh ở rợ Man, hai Thánh hai Hiền ấy lẽ nào ông cho là mọi rợ mà không bắt chước họ chăng? Nay ông chẳng suy xét đạo Phật cứ chê suông là mọi rợ, sao lại ăn nói hồ đồ đến thế! Ông cho rằng thời thượng cổ không có Phật nên không noi theo ư? Vậy thì Khổng, Mạnh sanh trong thời suy Chu, nhưng Xi Vưu, Cổ Tẩu sanh ở thời thượng cổ, lẽ đâu ông bỏ Thánh hiền của suy Chu mà bắt chước kẻ hung tàn của thượng cổ? Ông cho rằng thời Ngũ đế, Tam vương chưa có Phật nhưng sống lâu, vậy Ngoại Bính ở ngôi 2 năm, Trọng Nhâm ở ngôi 4 năm, không phải chết yểu đó sao? Thư Vô Dật nói: “Từ đó về sau cũng không ai sống lâu, có người 10 năm, có người 20 năm”. Ông bảo thời Hán, Trần nhân chủ chết yểu và loạn, thì Hán Minh đế là anh chủ một thời, Lương Vũ đế thọ đến 86 tuổi, há cũng chết yểu hay loạn ư!

Dũ nói:
- Phật mà Thầy nói đó, miệng không giảng dạy phép tắc của tiên vương, lại rêu rao bừa bãi thuyết luân hồi sanh tử, thân chẳng làm được chút nhân nghĩa trung tín, nhưng dối lập ngọn nguồn báo ứng họa phước, không có cái nghĩa vua tôi, chẳng có tình thân phụ tử, dạy đồ chúng chẳng cày bừa nhưng có cái ăn, chẳng dệt nhuộm nhưng có cái mặc, làm bại hoại đạo của tiên vương, Dũ này há im lặng mà không chỉ trích được sao!

Đại Điên nói:
- Quá lắm rồi! Ông chẳng thấu đạt gì cả! Có người ở đây cả ngày đếm đến 10, nhưng chẳng biết hai nhân với năm là mấy, người ấy tất bị cho là kẻ điên. Ông trọn ngày nói đến nhân nghĩa trung tín, nhưng chẳng biết Phật nói Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thật ra chẳng khác, không phải là đếm mười nhưng chẳng biết hai nhân với năm là mấy đó ư! Có phải ông đọc sách Phật rồi cho Phật lập dị với tiên vương không?

Dũ đáp:
- Dũ tôi rảnh đâu để đọc sách Phật!
Đại Điên nói:
- Ông chưa từng đọc sách Phật thì làm sao biết Phật không nói đến phép tắc của tiên vương? E rằng ông chưa từng đọc sách của Khổng Tử lại nghi ngờ đạo Khổng sai, hay là ông nghe người ta nói sai ông liền cho nó sai? Nếu ông chưa từng đọc sách của Khổng Tử nhưng lại cho đạo Khổng sai, thì đó là “chó của vua Thuấn”. Nếu ông nghe người ta nói sai ông liền cho nó sai, thì đó là “đàn bà”. Xưa, vua Thuấn nuôi con chó, nó chỉ biết có vua Thuấn. Ngày nọ, thấy vua Nghiêu đi ngang, con chó liền nhảy xổ ra cắn. Không phải nó mến ông Thuấn ghét ông Nghiêu, mà do người nó thường gặp là ông Thuấn chứ chưa từng gặp ông Nghiêu bao giờ. Tôi lại nghe, con gái về nhà chồng, mẹ tiễn đi. Hễ về bên chồng rồi, cô dâu nọ ắt phải kính, phải vâng lời, không được trái ý chồng. Ông đâu thể chạy theo cái sai của người khác mà chẳng khảo xét nguyên do, liền cho nó sai. Phàm luân hồi sanh tử không phải vọng lập, đó là chí số của trời đất, là lý mầu của u minh. Theo lý muôn vật mà xét, hễ những gì có hình có tướng trong khoảng trời đất này đều chết đi sống lại, thay nhau tuần hoàn. Gốc rễ cỏ cây ăn sâu trong đất, nhờ ánh sáng mặt trời mà đâm chồi nảy mầm, sanh cành sanh lá, đơm hoa kết trái. Thiếu không khí thì nó héo rồi khô, đến khi hội đủ điều kiện sống thì nó tươi tỉnh trở lại. Hoặc chặt đi nó lại đâm chồi mới, tính nó khôi phục, có gì lạ đâu! Khổng Tử nói: “Có khởi đầu tất có kết thúc”, nên biết đó là thuyết sống chết. Hễ kết thúc thì khởi đầu trở lại, đó là sự vận hành của trời đất. Huống gì con người lẽ đâu không chết để tái sanh lại ư! Trang Tử nói: “Vạn vật ra khỏi chân tính rồi vào lại chân tính”. Giả Nghị nói: “Hóa làm loài khác có gì phải lo”. Đó đều là thuyết luân hồi, chẳng đợi Phật nói mới rõ, nên ông đâu thể cho là vọng tạo. Còn nữa, ông cho họa phước bao ứng là dối lập thì càng thấy rõ ông quá sai lầm rồi. Phám quả báo thiện ác đề là sự tương ứng tự nhiên của chân lý. Kinh Dịch ghi: “Tích thiện thì an vui mãi, tích ác thì tai ương hoài”. Lại nói: “Quỷ thần hại nhiều nhưng phước ít”. Tăng Tử nói: “Cẩn thận! Cẩn thận! Cho thứ gì thì nhận lại thứ nấy!”. Đó đều là thuyết báo ứng cả. Chỉ có Phật là người hay thương xót đến họa phước của con người, nên nêu bày tỏ rõ, rằng đó là lý ắt phải đến, khiến con người không tự vùi mình trong ấy, lẽ đâu là vọng tạo? Ông lại cho rằng Phật không có cái nghĩa vua tôi, không có tình thân cha con, nhưng đó lại là điều ông không thể hiểu đến được. Muôn việc trên đời vốn có cái thuộc cõi này, có cái vượt ngoài cõi này. Nếu trong cõi này thì mọi người tuân thủ nó, còn như ngoài cõi này thì chẳng phải bậc thần thánh trong thiên hạ ắt không thể hiểu được. Bởi vậy, những lời dạy của Thánh nhân, có điều nói để mọi người tuân thủ, có điều nói cho thần thánh trong thiên hạ. Mỗi bên nhận lãnh khác nhau. Đạo mà Khổng Tử nói là khuôn phép chí cực, vô tư vô vi, vắng lặng chẳng động, cảm thì liền thông, không phải là điều ma mọi người cùng nhận hiểu. Nếu mọi người vô tư vô vi, thì lý trong thiên hạ này đã dứt mất rồi. Đó là điều ông không thể không biết. Phật nói cho kẻ bề tôi ắt dựa vào lòng trung, nói cho phận làm con ắt dựa trên tâm hiếu, đó là nói cho mọi người cùng tuân thủ. Có những điều Phật nói nhắm đến cái Vô tâm nhưng chẳng phải chỉ có Vô tâm, nhắm đến cái Vô ngã nhưng chẳng phải chỉ có Vô ngã mà còn nhắm đến Vô sanh. Như vậy, trình tự âm dương không thể loạn, số mệnh trời đất chẳng đổi dời, nên đương nhiên là có vua tôi cha con trong ấy. Điều đó kẻ thấy ít nghe cạn nói được ư! Ông lại nghe, đệ tử Phật không cày không dệt nhưng có cái ăn cái mặc, còn như đạo Nho cũng không cày không dệt thì sao?

Dũ đáp:
- Đạo Nho được đế vương tin dùng nên hưởng vinh hoa phú quý. Đệ tử họ biết theo Hiếu, Nghĩa, Trung, Tín, nên dù không cày, không dệt nhưng đâu có ăn bám!

Đại Điên nói:
- Ông nói như vậy thì đệ tử Phật cũng có lợi ích không nhỏ cho người rồi. Bọn ông cho rằng sau này chẳng có ai ăn bám bằng Phật, nhưng ông có nghĩ rằng hiện nay không có ai ăn bám bằng Khổng, Mạnh không? Nay ta nói cho ông biết, lý của nhà Phật bao trùm muôn phương vì nó không có bản chất, đã nhiệm mầu lại còn nhiệm mầu hơn. Giống như trời ở trên cao, con người tồn tại bên dưới, trọn ngày khen trời nhưng trời chẳng đầy thêm, trọn ngày chê trời nhưng trời chẳng vơi bớt. Như vây khen chê đều sai cả. Từ nhà Hán đến nay trải qua lâu ngần ấy năm, sự vật trong thiên hạ thay đổi cũng nhiều ngần ấy, trời đất thần minh, thuyết nhà Phật vận hành trong đó, kẻ không dám luận bàn lại gạt phắt đi, ắt là dám che trời đất nhưng không biết hổ, dám lấp trăm thánh mà chẳng biết thẹn. Diệu lý tồn tại trong đó rồi sau mới đến nơi này. Ông hãy suy nghĩ cho kỹ đi!

Dũ nói:
- Không phải tôi chê Phật lập dị, bởi Đạo mà tôi muốn nói ở đây, tinh thần Bác ái là Nhân. Làm việc hợp tình người là Nghĩa. Dựa trên nền tảng đó mà làm gọi là Đạo. Tự thân biết đủ, không dựa dẫm người khác thì gọi là Đức. Nhân và Nghĩa chỉ là định danh, Đạo và Đức chỉ là hư vị. Những thứ đó không giống với Đạo mà Khổng Tử nói đến.

Đại Điên nói:
- Khổng Tử đâu không nói: “Đặt chí trong Đạo, sống trong Đức, dựa trong Nhân, dạo trong Nghề”. Bởi Đạo là hạnh đầu tiên trong trăm hạnh. Nhân đâu đủ để gọi là Đạo. Sáu Đức mà Chu công nói gồm: Tri, Nhân, Tín, Nghĩa, Trung, Hòa, đủ thấy Đức là ngọn nguồn của nhân nghĩa, mà nhân nghĩa chỉ là một phần của Đức, lẽ đâu ông cho đạo đức là hư vị? Tử Cống lấy việc cứu giúp khắp người khác làm Nhân, Khổng Tử thất sắc hỏi: “Sao ông lại tôn thờ Nhân, Nhân đủ để làm Thánh chăng?”, rõ ràng Nhân cũng chưa đủ để gọi là Thánh, ông đâu biết điều mà Khổng Tử nói đến. Nay ta nói cho ông biết, hễ học thì phải khảo cứu đến cái sâu xa của Đạo, Đạo mà sâu xa thì chí của ta sẽ không ai lường được, đến lúc đó ắt người khác cho mình là hiền tài. Họ cho mình hiền tài chính là ở chỗ này, trái lại ta cho họ sai thì rõ ràng tâm ta có điều gì đó chưa biết hết. Vì vậy, tư duy cho sâu điều đúng của họ, cố sức mà tìm ngõ hầu sẽ phát hiện ra. Nay ông cậy mình thông suốt cái học của dị phương trong thiên hạ, ỷ tài văn chương bàng bạc, nhưng có bằng La Thập trong đời Diêu Tần không? Ông tới lui trong cái biết của mình nhưng có bằng Phật Đồ Trừng trong thời Tấn không? Ông hiểu thấu vạn vật, chẳng động tâm mình nhưng có bằng Bảo Chí trong thời Lương không?

Dũ im lặng một lát rồi đáp:
- Dũ tôi không bằng!

Đại Điên nói:
- Tài của ông đã không bằng họ, người mà họ tôn thờ trái lại ông cho là sai, vậy thì người có tài cao hơn ông lẽ đâu lại không biết cái biết của ông chăng? Nay ông khư khư vì bản thân mình, tới lui trong thanh sắc lợi dục, bị phật ý một chút liền phẫn uất bi lụy. Nếu ngay đây ông không chịu đựng được thì khác gì lũ ruồi nhặng tranh cặn bã trong đống đồ dơ đâu!

Khi đó, Dũ trố mắt không chớp, hào khí tiêu tan, bàng hoàng như đánh mất thứ gì, liền nói với Đại Điên:
- Ngay đây tôi hết lời rồi!

Đại Điên nói:
- Ta sở dĩ nói cho ông biết vì nhắm vào tài năng của ông chứ không phải nhắm vào cái mà ông đạt đến.

Dũ thưa:
- Dũ tôi mê muội, xin muốn được nghe điều mình sẽ đạt đến!

Đại Điên nói:
- Thành thật với lòng mình, thấu cùng tánh mệnh, tỏ lý vạn vật, thấu được mệnh trời, sau đó ta sẽ nói cho ông nghe. Bây giờ ông đi đi, ta không nói với ông nữa!

Hàn Dũ đứng dậy ra đi.

Tháng 8, vua và Tể tướng bàn chuyện, thấy Dũ cũng đáng thương nên trao cho Dũ chức Viên Châu thứ sử. Dũ dựng lại am cho Đại Điên, cúng Sư hai cái y, từ biệt rằng:
- Dũ tôi sắp xa Thầy, xin được nghe một lời sau cùng!

Đại Điên nói:
- Ta nghe, người dễ tin người tất cũng dễ thay đổi, người dễ khen người tất cũng dễ chê họ. Ông nghe ta nói tin ngay như vậy, biết đâu sau này nghe người khác nói, lại cho ta sai cũng không chừng!

Dũ biết mình không thể nghe được gì thêm bèn cáo từ Sư đi Viên Châu. Thượng thư Mạnh Giản biết Dũ có giao du với Đại Điên, nên gởi thư chúc mừng vì Dũ đã tin Phật. Trong thư trả lời Mạnh Giản, Hàn Dũ có nhắc đến Đại Điên. Dũ viết: “Đại Điên là người thông tuệ, tinh thông đạo lý, tài năng vượt xa người thường, sống vui trong đạo, chẳng bị sự vật động tâm. Tuy tôi không hiểu hết đạo vị sâu xa trong lời ông ấy, nhưng lòng mình đã không còn vướng mắc, nhân đó tôi thường lui tới thăm hỏi, đàm đạo”.

* * *

Đại Điên họ Dương, húy Bảo Thông, quê ở Triều Dương, tham học với Nam Nhạc Thạch Đầu. Một hôm Thạch Đầu hỏi:
- Cái gì là Thiền?

Sư đáp:
- Nhướng mày chớp mắt.
- Bỏ nhướng mày chớp mắt, ông đem ban lai diện mục trình ta xem!
- Xin Hòa thượng bỏ nhướng mày chớp mắt mà xem con!
- Ta bỏ rồi.
- Con cũng đã trình Hòa thượng rồi!
- Ông đem trình ta xong, còn tâm thì thế nào?
- Chẳng khác Hòa thượng!
- Chẳng liên can đến việc của ông!
- Vốn không vật.
- Ông cũng không vật.
- Không vật tức là vật thật.
- Vật thật thì không nắm bắt được, tâm ông hiện lượng cũng như vậy phải gắng mà giữ gìn.

Sau, Sư qua trụ ở Linh Sơn, Triều Dương. Sư dạy chúng:
- Phàm người học đạo phải biết bản tâm của chính mình. Phần đông người học thời nay chỉ nhận nhướng mày chớp mắt, một nói một nín, liền nhận ấn khả cho là tâm yếu, kỳ thật chưa thấu tỏ. Nay ta chỉ rõ cho các ông thấy, mỗi người phải nghe kỹ, nhận lãnh: “Hễ trừ bỏ tất cả vọng động, tưởng niệm, hiện lượng, đó chính là chân tâm của các ông. Tâm này hoàn toàn không dính dáng với trần cảnh cũng như trong lúc vắng lặng. Ngay tâm là Phật không đợi tu luyên. Vì sao? Vì ứng cơ tùy chiếu, lặng lẽ tự dùng, tột cùng chỗ dùng ấy trọn không nắm bắt được, gọi diệu dụng ấy chính là bản tâm, cần phải giữ gìn chớ có xem thường”.

Thị lang Hàn Dũ từng hỏi Sư:
- Thế nào là đạo?

Sư lăng thinh. Lúc ấy Tam Bình làm thị giả đứng hầu, bèn gõ giường thiền ba cái. Sư hỏi:
- Làm gì?

Bình đáp:
- Trước lấy định lay, sau dùng trí nhổ.

Dũ mừng nói:
- Môn phong của Hòa thượng cao ngất, Dũ nhờ thị giả mà có lối vào.
Nói xong, Dũ lạy tạ ra đi.

Sư nối pháp Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên, Hy Thiên nối pháp Thanh Nguyên Hành Tư, Hành Tư nối pháp Lục Tổ Đại Giám. Về sau, không ai biết Sư thị tịch vào lúc nào, ở đâu.

(Trích dịch Phật Tổ lịch đại thông tải 15)
 THÍCH ĐỒNG NGỘ dịch

Các tin đã đăng: