Độc đáo Thiền trà ở chùa Văn Trì
23/07/2010 10:20 (GMT+7)

Hiện nay, chùa Văn Trì - Từ Liêm - Hà Nội thường tổ chức các khóa tu và thiền như Thiền hành, Thiền ăn... nhưng nét đặc biệt của chùa là những buổi Thiền trà, được tổ chức thường xuyên để các vị khách gần xa có thể tham dự.Hiện nay, chùa Văn Trì - Từ Liêm - Hà Nội thường tổ chức các khóa tu và thiền như Thiền hành, Thiền ăn... nhưng nét đặc biệt của chùa là những buổi Thiền trà, được tổ chức thường xuyên để các vị khách gần xa có thể tham dự. 

Cách thưởng trà độc đáo

Sách nhà Phật có câu: “Khi uống trà, mà biết trà ngon hay dở, kẻ ấy là phàm phu. Khi uống trà, mà không biết mùi vị của trà thì kẻ ấy đồng với sỏi đá”.

Phật tử dự Thiền trà của nhà chùa

“Uống trà chỉ biết có uống trà” - Đó là Thiền trà. Tức là tai vẫn nghe âm thanh, mắt vẫn nhìn sắc tướng, mũi vẫn ngửi hương, lưỡi vẫn nếm vị liệu mà tâm thì vẫn an nhiên tự tại. “Thiền” trong Phật giáo có nghĩa là “sự tập trung”, là yếu tố cốt lõi của Phật giáo. Trà có vị hơi đắng cùng hương thơm của sen được coi là tố chất làm thanh tịnh tâm hồn. Sự kết hợp giữa thiền và trà không những mang lại sự tỉnh táo mà còn là phương pháp thanh lọc tâm rất hiệu quả.

Buổi Thiền trà được bắt đầu khi tiếng chuông chùa vang lên như đưa các vị khách hướng về Thiền đường - nơi các vị sư đang chắp tay cúi chào tiếp đón. Nét mặt mỗi người khi bắt đầu buổi Thiền trà có phần căng thẳng như mang nặng những tâm tư, tạp niệm của cuộc sống. Mọi người tham dự được xếp ngồi theo một vòng tròn khép kín, giữa là những cây nến được thắp trên nền hoa đại trắng cùng hương của tinh dầu nhài lan tỏa khắp Thiền đường mang lại cảm giác thanh tịnh và dần làm tan biến mọi căng thẳng, mệt nhọc trong cơ thể.

Người pha trà chuẩn bị trà trên những chiếc khay bằng tre, lặng lẽ đưa nước từ chén này qua chén khác, chắt lọc những cặn trà để lưu lại một thứ nước trà trong mát. "Pha trà hay lấy trà đều phải chánh niệm, gửi hết tâm tư mình vào đó, hoàn toàn với một ý thức trong thiền" – sư thầy nhắc nhở.

Sau đó, trà được chuyền tới từng người trong không khí im lặng. Đặc biệt, mỗi người nhận trà đều phải chắp tay đón nhận, thể hiện sự kính trọng đối với người đối diện khi trà được chuyền đến và khi chuyền bánh cũng vậy. Sau khi  nhận được trà, người thưởng trà hai tay nâng cốc trà nóng và cảm nhận hương vị của trà trong cảnh thanh tịnh, cảm nhận niềm khoái cảm đang dâng lên trong tâm hồn.

Mỗi lần Thiền trà diễn ra không quá 2 giờ và số người dự thiền thường từ 7 – 10 người. Theo truyền thống, tối đa khoảng 16 người để giữ được sự thân mật và mọi người có cơ hội đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có những buổi đại thiền trà với quy mô lớn được tổ chức.

Thiền trà – nét đẹp văn hóa nhà chùa

Thiền trà giúp con người thanh tịnh tâm hồn, xua tan suy tư, phiền muộn.

Thiền trà xuất phát từ thói quen uống trà của con người, không chỉ là dịp ngồi thưởng trà hàn huyên hay dành cho buổi đón tiếp trang trọng. Nó giống như một người bạn tri kỉ mà ta tìm đến Thiền trà như một cách lấy lại thăng bằng cho cuộc sống để thấy quý trọng cuộc đời hơn và dần trở thành như một nét sinh hoạt đặc biệt trong nhà chùa.

Sư thầy trụ trì Thích Hạnh Châu vui vẻ: "Uống trà là một nét sinh hoạt của người Việt từ trước tới nay, người ta uống trà có thể uống trong vội vàng, uống một cách không có ý thức. Như vậy, uống trà chỉ mang tính chất giải khát... Trà ở đây không nhất thiết phải là loại đặc biệt, hảo hạng mới là trà ngon, nếu chúng ta biết lắng tâm tư lại để thưởng thức vị trà thì loại trà nào chúng ta cũng đều thấy ngon...".

Thiền trà là có hai phần: phần đầu là nghi lễ, phần thứ hai là trao đổi.

Phần nghi lễ gồm có đón tiếp, dâng hương, lễ bái, pha trà, chuyền trà, chuyền bánh và uống trà. Trong phần này mọi người theo dõi hơi thở, thực tập có mặt thực sự trong tăng thân và nhận diện sự có mặt của mỗi người trong tăng thân.

Phần thứ hai gồm có trao đổi những lời thăm hỏi kính ái, những kinh nghiệm tu tập và có khi có cả những bài thơ, bài hát hay câu chuyện. Nội dung phần này có thể bồi đắp tuệ giác, niềm vui, sự hiểu biết lẫn nhau và tương thân tương kính. Nếu là trà chủ hay người pha trà hoặc người phụ tá, thì nên thực tập trước để khỏi vấp váp.

Sư thầy Thích Hạnh Châu chia sẻ: "Từ việc thưởng thức trà, tôi hi vọng các phật tử, đặc biệt là các bạn thanh niên trở về được với chính mình trong giây phút hiện tại, để quá khứ qua rồi mà không hối tiếc hay tương lai chưa tới nhưng vẫn mù quáng trong viễn tưởng.

Đó là cách mình chăm sóc cho một con đường đi chính đáng của riêng mình để nuôi dưỡng niềm bình an cho tự thân trong cuộc sống hàng ngày, để tìm thấy an lạc. Thương và hiểu mọi ngưòi hơn để tạo cho mình thành người đẹp hơn, nhờ đó mà giúp ích cho xã hội cũng tốt đẹp hơn."

  • Bài và ảnh: Vân Anh

(Theo Vietnamnet)

Các tin đã đăng: